Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

(2) Hơn ba mươi năm vẫn nhớ

Tôi ghi danh ở Đại học Văn Khoa như một sự…lỡ làng.

Ở thời điểm đó, chính tôi cũng không biết mình muốn gì, thích gì??? Sau khi học xong Đệ Nhất, các bạn trai thì sợ bị bắt quân dịch, còn tôi, lúc đó, tôi sợ cái gì nhỉ? Tôi sợ gia đình bắt đi du học, tôi nghĩ đơn giản rằng: làm sao mà xa bà nội, xa ba má, làm sao mà xa những con đường, góc phố hằng ngày tôi vẫn đi qua, và phải rời xa căn nhà thân thương của tôi sao? Tôi không sao hình dung, tưởng tượng được một cuộc sống ở một nơi không có người thân. Cuối cùng tôi đành năn nỉ bà nội, nhờ bà “can thiệp”, và rồi, bộ hồ sơ ở Nha Du Học của tôi xem như bị hủy bỏ. Tôi được ở lại Việt Nam. Đậu tú tài ban C (ban văn chương) mà lại “mon men” thi vào Y khoa thì “bảng vàng không đề tên” là điều chắc chắn. Khi biết kết quả, tôi đã nằm trong phòng một ngày để khóc cho lần thất bại đầu tiên trong cuộc đời. Và ngay lúc đó, tôi cũng không biết sẽ học cái gì nhưng học một năm nữa để thi lại thì nhất định tôi không chịu vì từ xưa đến nay tôi chưa bao giờ thi rớt!

        Rồi cũng theo ý của gia đình, tôi ghi danh học ban văn chương ở Văn Khoa cho phù hợp với cái bằng tú tài văn chương của mình. Vẫn còn sức, vẫn chưa hết thời gian nên tôi ghi danh thêm Đại học Luật. Thế là ngày hai buổi tôi chạy từ trường này sang trường kia. Giảng đường Văn Khoa rộng thênh thang nhưng khỏi giành chỗ, trường Luật thì, ôi thôi, đi giành chỗ chứ nào phải đi học! Nhưng vào đến giảng đường, vốn nghiêm túc trong học tập nên tôi vẫn ghi ghi, chép chép và nghĩ rằng: học Đại học đâu có gì vui! Tuy nhiên tôi cũng không nuối tiếc lắm thời trung học vì thật ra, ngày đó hình như tôi cũng không có bạn thân. Tôi ra khỏi cổng trường thì đã có ba tôi chờ sẵn, cũng có những buổi tôi thong thả đi bộ đến trường ba tôi dạy, chờ ba tôi để được đưa về. Tôi chỉ biết học và học. Tôi chưa có người yêu nên cũng chẳng có những phút giây mơ mộng ngòai sách vở!

        Cho đến một ngày, tôi tình cờ - mà cũng có thể xem đó như một định mệnh - tôi đến xem triển lãm ở Văn Khoa. Trước mắt tôi là những hình ảnh Mỹ tàn sát trẻ em Việt Nam ở Mỹ Lai, là chiếc xe tăng cán lên thân người…và biết bao hình ảnh khác nữa. Đêm về không ngủ được, không phải tôi sợ mà là ngỡ ngàng trước một sự thật và tôi vẫn biết đó là sự thật. Từ trước đến nay, ba má tôi không nói cho tôi nghe những điều này, tôi xem tivi cũng không thấy. Sao tôi có thể vô tâm đến như vậy? Hôm sau, tôi trở lại phòng triển lãm, cũng không biết để làm gì. Ở một góc phòng, tôi thấy có mấy chị ngồi làm hoa hồng bằng giấy màu đỏ. Tò mò tôi đến xem, rồi tôi cũng làm được, tuy không khéo léo, không nhanh tay như các chị nhưng tôi rất tự hào, mình cũng biết làm hoa giấy!

Và tôi cũng không nhớ rõ, từ ngày tháng năm nào, ngòai những giờ học, tôi đã đến với các chị, với Hội Nữ SV Văn Khoa, thuộc những câu thơ:

“Hoa hồng cài áo em xinh

Cài duyên cho thắm, điểm tình cho xanh

Chút duyên khoan gởi về anh

Để em cùng chị xây thành nước non

Bao giờ thống nhất giang sơn

Vui trong tình nước, chứa chan tình nhà”

 Hết năm thứ nhất, tôi được chị T. bảo chuyển sang học Nhân Văn để ứng cử vào ban Đại diện, tôi chuyển ngay, không một chút do dự. Và bắt đầu “làm việc” ở căn nhà tole sau gốc cấy điệp. Ít đến nhóm Việt Hán hơn nhưng tình cảm dành cho Việt Hán thì vẫn không vơi bớt. Lúc đó, tôi không thể lường trước được hậu quả tai hại của sự chuyển đổi này. Vì sau ngày giải phóng, tôi chuyển về tỉnh, đang là GV cấp 3, tôi nhận được quyết định lương mới của Sở Giáo dục để “trở thành” GV cấp 2 với lý do: học ban Nhân văn là học Triết duy tâm nên không thể được kể là GV cấp 3 và dĩ nhiên cũng không thể tiếp tục dạy cấp 3! Tôi không “thông” được chủ trương quái lạ này và cũng không sao giải thích được những điều tôi đã được học ở Văn Khoa, chỉ lặng yên chấp hành. Đồng lương GV vốn đã eo hẹp, nay còn bị sụt lương, con còn nhỏ, không có sức khỏe để cải thiện kinh tế gia đình, tôi bỗng ngậm ngùi: có những quyết định không tính tóan mà giờ đây cũng bị “buộc tội”, tôi nên khóc hay cười đây??? Nhiều năm sau đó, tôi đành phải học Đại học Sư phạm hệ tại chức và khi tốt nghiệp mới được xếp thang lương khởi điểm của GV cấp 3, mặc dù lúc đó, tôi đã có hơn 10 năm trong nghề! Đó cũng là kỷ niệm của một thời để nhớ!

 Những ngày tháng buồn vui ở Văn Khoa cứ thế mà nối tiếp, cười nhiều mà cũng không ít lần trào nước mắt! Thấy mấy anh bị bắt thì khóc, khóc vì lựu đạn cay, mặc quần tây đi học, thay cho chiếc áo dài quen thuộc, bị nhắc nhở: dạo này nữ SV ăn mặc thỏai mái quá, cũng khóc! Lúc đó, không ai biết, ngày nào tôi cũng đến bệnh viện nuôi má, tôi cũng hiểu má không còn sống bao nhiêu ngày nữa…Tôi khóc vì tủi thân, vì ức lòng, nhưng không bỏ phong trào, bởi vì, lúc ấy, tất cả đã trở thành máu thịt của tôi. Khi tôi chưa kịp hiểu rõ cách mạng là gì, ai là người cách mạng, nếu vào tù, phải giữ khí tiết như thế nào thì tôi đã bị bắt, đúng vào ngày 19-5 (mãi sau này, tôi mới biết đó là ngày sinh nhật của Bác Hồ). Giữ khí tiết khi ở tù là gì nhỉ? Chưa một lần tôi được nghe giải thích nhưng các anh chị trong phong trào cứ lần lượt vào tù. Từ phòng giam ở Cảnh sát quận nhất rồi Nha Đô Thành, tôi đều nghe tiếng người la khóc vì bị tra tấn. Dáng của N (Thanh lao công), cao to nhưng không đi nổi vì bị đánh quá nhiều.

Nằm ở hành lang để chờ những buổi thẩm vấn vào nửa khuya, tôi nghe tiếng các bạn hát, đọc thơ…trong phòng giam. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ một giọng đọc rất nhẹ nhàng, truyền cảm: “Nghe em vào đại học…Nửa tin, nửa ngờ, tên lại trùng tên…”. Sau này, tôi mới biết đó là giọng của HNH và người đứng lên vai người khác để đưa cho tôi ly nước chanh nghĩa tình chính là LNE. Và tôi hiểu, tất cả đều là bạn bè, anh em, vì thế, không thể làm điều gì để hại bạn hay đơn giản hơn, là đừng để có thêm những bạn bè khác cũng vào tù. Lúc đó, tôi cũng chưa quen nghe từ “đồng chí”, cũng chưa biết tôi có được ai xem là đồng chí không? Chỉ có điều đáng buồn là, sau này, khi tôi hiểu rõ ý nghĩa thiêng liêng của hai từ ấy thì đôi khi, tôi lại không được đối xử như những người anh em chứ chưa dám nói là  đồng chí!

 Thời gian ngắn ngủi ở Nha Đô Thành chưa đủ để tôi “lớn nổi thành người” nhưng lúc tôi trở về với Văn Khoa thì trường chẳng còn ai, tôi tiếp tục “làm cách mạng” theo cách hiểu của riêng mình. Mãi đến khi bắt liên lạc được với anh K, tôi và chị HD được đổi bí danh và chuyển sang công tác khác. Lần đầu tiên, chúng tôi được vào vùng giải phóng, có giao liên đưa đi. Thế ra đây chính là “miền đông gian lao mà anh dũng”. Thấy anh K, mặc bộ đồ bà ba đen, có quấn khăn rằn, tôi chợt nghĩ vẫn là anh của những ngày ở Văn Khoa với cái nhìn nghiêm khắc mà cô tiểu thơ trong tôi lúc nào cũng e dè vì sợ bị “rầy rà” là tiểu tư sản. Té ra Việt Cộng cũng đễ thương chứ đâu có dễ sợ! Bao nhiêu năm qua rồi, tôi vẫn nhớ như in câu chào của anh khi anh bước ra từ trong đám lau sậy, thấy tôi và chị HD: “Chào hai cô em Phù Đổng!”, vì lúc đó, chúng tôi định tham gia viết bài cho tờ báo này của chị Kim Cương. Từ chỗ đón chúng tôi, ba anh em cứ vừa đi, vừa nói chuyện, nghe chim hót, nghe tiếng suối chảy róc rách…Anh đưa thuốc ngừa sốt rét cho chúng tôi uống và căn dặn đừng uống nước suối. Tôi không dám cãi nhưng cứ nghĩ rằng, nước suối uống chắc là ngọt lắm, mát lắm vì tôi chưa bao giờ được uống! Câu chuyện cứ từ đề tài này sang đề tài khác, vẫn chưa thấy giao nhiệm vụ, mà thật ra, lúc ấy, tôi chỉ muốn kể, muốn tâm tình để anh hiểu những điều tôi còn băn khoăn khi phải làm và quyết định những việc mà bản thân tôi, cũng không biết là đúng hay sai. Cứ líu lo như thế, đến nỗi lâu lâu anh phải nhắc: “Em nói hết chưa?”. Bữa cơm ở rừng đối với hai cô tiểu thư cũng ngon tuyệt với món canh chua thịt gà nấu lá dang. Vậy mà người ta “đồn” Việt Cộng ăn uống cực khổ lắm!

Đến tối, tôi hơi lo nhưng không dám hỏi là chúng tôi sẽ ngủ ở đâu khi chỉ có một chiếc giường cá nhân của anh? Hay là phải thức để nghe “nhiệm vụ” hay học nghị quyết gì đó. Tôi đã hiểu nghị quyết là gì đâu! Cuối cùng anh đã mắc võng và ngủ trên đó, tôi và chị HD được ngủ trên “giường”! Đêm cũng ngắn vì chúng tôi đã thức rất khuya với những câu chuyện nối tiếp, có khi không đầu, không cuối. Tôi nhớ hình như tôi có than: “mỗi lần nhận thư của anh, em mừng mà cũng rầu vì phải giải mã, cực quá!”. Tôi và chị HD đều được “chuyển công tác”, nhóm từ này cũng lạ lẫm với chúng tôi.

          Buổi sáng trong cứ thật tuyệt vời, thật trong lành và lại có thêm một kỷ niệm khó quên. Anh bảo chúng tôi đi theo anh và cầm theo cây cuốc! Tôi thắc mắc vô cùng, không lẽ mình phải cuốc đất trồng khoai?! Sau đó mới hiểu giá trị của cái toilet thiên nhiên này! Dĩ nhiên, hai chị em đều rất lung túng khi…sử dụng!

         Chia tay, anh “giao” chúng tôi lại cho cô giao liên, quyến luyến, muốn được ở lại thêm vài ngày mà không hề biết anh K đang lo cho sự an toàn của chúng tôi trong chặng đường về. Tôi nghĩ là mình không gặp khó khăn khi nhận nhiệm vụ mới, chỉ hơi buồn vì phải xa ông anh cả, tôi rất sợ mà cũng vô cùng thương quí.

         Những ngày sắp giải phóng SG, tôi gặp chị T (người phụ trách mới của tôi) ngay tại nhà tôi, giữa lòng thành phố. Chị vẫn mặc áo dài, đĩnh đạc như xưa, chỉ khác là có đeo kính mát. Tôi ngạc nhiên, nhưng không có thời gian để hỏi xem chị về thành từ bao giờ, và tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ từ chị, vui hơn, phấn khởi hơn vì biết ngày giải phóng đã đến gần.

         Rồi ngày giải phóng cũng đến, ai đó đã nói: “Nước mắt dành cho ngày gặp lại”, với tôi, những giọt nước mắt ấy là niềm vui đoàn tụ và cũng là mãi mãi chia xa, là nỗi ngậm ngùi không thể chia sẻ cùng ai. Tôi lao vào công việc của Hội Nhà Giáo, hào hứng như thuở mới đến Văn Khoa, cũng ít có dịp gặp lại các bạn, và cũng có những điều chưa kịp nói, những câu chuyện chưa kịp kế. Đến tháng 9 - 75, tôi theo chồng, về tỉnh lẻ, bỏ lại thành phố thân thương của thời ấu thơ, của những ngày xuống đường cùng bạn bè, cùng dùi cui, ma trắc, lựu đạn cay…Tôi không buồn lắm vì nghĩ rằng, đất nước thống nhất rồi, hòa bình rồi thì ở đâu cũng là đồng chí, anh em. Hơn nữa, tôi bây giờ đã khôn lớn, vững vàng hơn.

 Thế nhưng, sự đời không như tôi nghĩ. Khi viết về một thời đáng nhớ mà không phải ai cũng có, tôi không muốn nhắc lại những đau buồn khiến tôi đã đôi lần nhụt chí, muốn buông xuôi tất cả. Chỉ biết rằng  chính khoảng thời gian qua đi không bao giờ trở lại của những năm 70 đã cho tôi niềm tin và sức mạnh để sống trong sạch cho đến khi tôi viết những dòng này.

 Mãi đến năm 76 khi tôi được giới thiệu vào Đoàn thì cũng có người thắc mắc, tại sao chưa là Hội viên mà đã kết nạp Đoàn? Tôi vô tư không hiểu rằng người ta còn yêu cầu tôi phải trình thẻ Hội viên thì mới tin là tôi đã được kết nạp vào Hội từ năm 72! Những năm đó, những năm mà người giới thiệu chỉ cần hỏi tôi: “Em có sợ Việt Cộng không?” và tôi trả lời: “Không, em không sợ vì người ta cũng là người như mình thôi” là xem như tôi đã được kết nạp, tôi không được ai phát thẻ cả. À không, khi trả lời xong câu hỏi, “nghe cũng được”, tôi còn phải tự đặt cho tôi một bí danh nữa chứ! Chưa hiểu bí danh là gì đâu nhưng tôi cũng nghĩ ra ngay một bí danh rất “tiểu tư sản” để báo ngay. Thế là đã xong, tôi đã được công nhận là người cách mạng để rồi, 3 năm sau đó, khi đất nước đã giải phóng, tôi lại xuất hiện như một “quái nhân”, chưa là hội viên thì không thể là Đoàn viên!!! Tôi chỉ còn biết nhớ lại những ngày tháng ở Văn Khoa để tự khẳng định mình và để vui vẻ hằng ngày đến trường, dạy học và tham gia tất cả các phong trào của trường như một Hội viên tích cực. Tôi không có điều kiện gặp lại bạn bè dù chỉ cách xa nhau chưa đầy trăm cây số mà sao dịu vợi, thăm thẳm như nỗi buồn của người xa xứ, của kẻ bị bỏ rơi!

 Trong cuộc sống vợ chồng, không thể không có những chông gai làm vướng chân, những trăn trở về những điều được - mất. Trong nhiều lần cảm thấy mình đuối sức, tôi đã nhớ lại, buổi tối cắm trại ở một ngôi chùa ở Thủ Đức, khi ăn cơm xong, tôi ra con rạch nhỏ để rửa chén và ngắm ánh trăng vụn vỡ trên mặt nước. Cô gái thành phố đang đắm say cùng thiên nhiên bỗng giật mình với nụ hôn của ai đó…vội vàng mà vẫn đằm thắm:  “Thương anh không?”. Tôi hốt hoảng đến không trả lời được, chỉ biết ánh trăng bỗng sáng hơn để nhìn thấy mặt cô gái sáng hơn trăng vì e thẹn. Sau này, khi nghe câu hát: “Đôi ta yêu nhau có vầng trăng làm chứng”, tôi nhớ mãi chuyện năm xưa.

          Tháng 12 năm 1774, ngày cưới của tôi, có công an chìm canh ở cửa nhà xem chúng tôi làm lễ tuyên bố hay đám cưới, ba tôi phải cho tiền thì “hai anh bạn” mới chịu đi. Đúng vào dịp Noel nên phòng khách nhà tôi được trang trí bằng ngôi sao vàng năm cánh. Không có ai đại diện cho tổ chức của đàng trai và gái, chỉ có chị của tôi. Mãi đến lúc chị bắt tôi chuẩn bị buổi tối đó, tôi mới hiểu chị cũng là người cách mạng! Chúng tôi không thề trước lá cờ đỏ sao vàng nhưng với ánh sáng của ngôi sao Thiên Chúa, anh cũng đã hứa suốt đời sẽ mang lại hạnh phúc cho tôi. Và chúng tôi đã mở gói quà được gửi từ nhà giam Tân Hiệp, đó là cặp áo gối màu trắng được may bằng tay rất công phu, có hàng chữ nổi màu xanh: “Tương lai tươi sáng” của chị D thêu. Sau biết bao thăng trầm của cuộc đời, tôi vẫn giữ cặp áo gối đó, hạnh phúc hay khổ đau thì tôi vẫn luôn nghĩ về một “tương lai tươi sáng”. Hạnh phúc luôn ở quanh ta, thật gần nhưng có khi cũng…thật xa. Tôi không biết mình có được hạnh phúc như lời người đã hứa, như ước nguyện của tôi khi cùng anh gắn kết hai cuộc đời nhưng tôi luôn biết rằng cạnh bên tôi, vẫn luôn có bạn bè, những người đã giúp tôi hiểu tôi phải sống làm người như thế nào, và dĩ nhiên, trong đó cũng có cả anh nữa.

Người ta không thể chỉ sống mãi với kỷ niệm mà không biết mình đang là ai và đang ở đâu. Tôi cũng vậy, mỗi lần họp mặt, chia tay rồi lại nhớ, lại thương, ngày xưa sao mình vô tư đến vậy và giờ đây, vì những toan tính đời thường đến đôi khi trở thành “trần trụi” mà đành phải nuốt nuớc mắt vào trong. Thôi thì, ai cũng có “một thời để yêu và để nhớ”. Tôi đã yêu say đắm,  không hối tiếc, không ân hận vì tôi đã chọn cho mình một con đường đi đúng đắn mà để đến đích, mỗi người lại có cách đi khác nhau. Tôi  thật sự cảm thấy ấm lòng khi các bạn vẫn không thể quên một thời đáng nhớ để trong cuộc  đời, còn có thể kể cho con cháu về những người đã làm cách mạng từ khi chưa biết rõ cách mạng là gì và đến khi không được xem là đồng chí, anh em, vẫn chỉ sống vì điều đã chọn lựa, thủy chung, son sắt.

Hạnh phúc ấy tuy không lớn lao nhưng là điều vô giá. 

                                              2005 -TrầnĐỗQuyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét