Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

(1) NHỚ… VĂN KHOA

 

 

        Năm 1971 tôi bắt đầu vào Đại học, tôi ghi danh Đại học Văn khoa với mục đích học một năm dự bị để thi vào Đại học Sư phạm. Trường Văn khoa lúc đó dưới mắt cô học trò Tú tài 18 tuổi như tôi là một ngôi trường rộng lớn với những giảng đường mênh mông so với lớp học ở trường nữ trung học, cùng với những cầu thang gỗ cũ xưa và những hành lang dài rộng mà bất cứ lúc nào cũng thấy có sinh viên đi lại hoặc tụ tập thành từng nhóm, điều không bao giờ thấy ở trường trung học. Rồi đến giờ giấc học thì thật tuyệt vời đối với tôi, bởi vì thành phố Sài Gòn những năm tháng sau Mậu Thân đã chạm mặt ít nhiều với chiến tranh, đường phố đầy bóng dáng cảnh sát thường, cảnh sát dã chiến, cảnh sát chìm…, xe nhà binh chạy rầm rập và cố vấn Mỹ cũng đầy ngoài đường, cho nên suốt những năm là học sinh trung học, tôi luôn được đưa đến trường lúc 6.30 sáng, trở về nhà lúc 11.30, ít được đi đâu ngoài con đường từ nhà đến trường và ngược lại. Cho nên khi vào đại học, cảm tưởng đầu tiên của tôi là… sự tự do, giờ học ở Đại học hoàn toàn khác trường trung học, những ngày đầu tiên tôi sung sướng ngồi xe buýt đến trường có khi vào 9 giờ sáng và có lúc về đến nhà thì thành phố đã lên đèn. Nhưng chỉ 1 tháng sau niềm vui của tôi tắt ngấm vì… buồn quá, vài đứa bạn ở trung học cùng ghi danh Văn khoa thì lại khác môn nên cũng khác giờ học, tôi cảm thấy lạc lõng ở đây, sinh viên thì không cần mặc đồng phục, có áo dài, có mini jupe, có quần Jean và dĩ nhiên có những bộ đồ hippy khá bụi bặm. Giáo sư lên lớp mặc áo vét, đeo cà vạt, giảng đường rộng, giáo sư giảng bài bằng micro, nhìn xuống sinh viên ngồi bên dưới mà không cần biết có bao nhiêu người, không điểm danh và không phải trả bài hàng ngày, cũng không có chỗ ngồi cố định, có những buổi tôi đến trễ vì chờ xe buýt nên không còn chổ trong giảng đường thì kéo ghế ngồi ở hành lang gần cửa sổ, không còn lo sợ bị thầy la mắng nhắc nhở như khi còn học trung học, không phải lo lắng vì bài vỡ hàng ngày, nhưng chưa có bạn thân làm tôi cảm thấy buồn và cô đơn khi đi học ở đây.

        Có một ngày sau khi học xong một môn ở trường Luật tôi chạy về Văn khoa, lên lớp nhưng không còn chổ ngồi, hành lang cũng đã có nhiều bạn ngồi bên ngoài, và thật tình tôi cũng đã vắng môn học này vài buổi trước, đành phải đi kiếm cour để học thôi, thế là tôi bắt đầu làm quen với phòng Đại diện sinh viên ban Sử  Địa, đó là một căn phòng nhỏ gần Hội quán Sinh viên, tôi nhận ra ở đó vài gương mặt quen quen thường gặp trên giảng đường, tôi mua cour rồi quen dần với căn phòng nhỏ đó, đã vài lần ngồi phụ đánh máy bài giảng trên giấy stencil để đưa đi quay ronéo khi phòng Ban đại diện thiếu người mà cour thì cần phát hành gấp. Tôi bắt đầu thấy hết lạc lõng ở trường Đại học, khi hết giờ học hay khi rảnh rỗi tôi lại chạy đến căn phòng nhỏ đó, tôi đã có những người bạn cùng tuổi và làm quen được với các anh chị học lớp trên. Thời gian đó tôi mặc áo dài đi học vì những chiếc áo dài trắng thời trung học vẫn còn, ngoài ra cũng rất thích vì có thể mặc cả áo dài màu mà trước đây chỉ có thể mặc vào dịp lễ Tết. Lúc đó trường Văn khoa đang có phong trào cổ động nữ sinh viên đi học mặc áo dài để giữ lại truyền thống chiếc áo dài Việt Nam trước làn sóng mặc mini jupe và phong trào hippy với các kiểu ăn mặc lôi thôi bụi bặm. Thế là với chiếc áo dài mặc đi học, tôi được mời vào Hội Nữ sinh viên Văn khoa, ở đây ngoài những bạn năm thứ 1 ở tất cả các khoa còn  có những chị lớn học năm thứ 2, năm thứ 3 rất dễ thương , và thế là tôi lại biết thêm các Ban Việt Hán, Nhân văn, triết, Anh văn…Tôi dự buổi họp mặt đầu tiên với Hội Nữ sinh viên tại một nơi gọi là Hội quán Văn khoa, và tôi đã bị chinh phục để trở thành người của Hội quán.

        Đang ở một đô thị trong giai đoạn chiến tranh mà nhà náo biết nhà đó, mỗi cá nhân tự lực cho sự sinh tồn của mình, không tin bất cứ ai và bất cứ điều gì trừ bản thân mình, thì sinh hoạt của Hội quán Văn khoa lúc đó làm tôi ngạc nhiên. Thoạt nhìn thì đó là một quán cà phê với một quầy bán hàng và thu ngân cùng các bộ bàn ghế như bất cứ một quán cà phê nào lúc đó, nhưng có thêm một bàn bóng bàn. Nhân viên bán hàng là những cô sinh viên Văn khoa mặc áo dài đủ màu và thay đổi người mỗi ngày, ở đó bạn có thể uống cà phê và các loại nước giải khát khác, buổi sáng có bánh cuốn, bánh mì thịt, bánh patêsô ăn điểm tâm, tất cả đều với giá rất sinh viên. Khi được tham gia tôi mới biết Hội quán là nơi gây quỹ sinh hoạt cho Ban Đại diện sinh viên trong phong trào đấu tranh SVHS của trường lúc đó và do Hội Nữ sinh viên quản lý. Một nhóm các chị lớn phụ trách công việc chung như điều động, phân công trực các nhóm làm việc, tìm nơi cung cấp hàng hóa để bán… còn các nhóm làm việc hàng ngày phần lớn là sinh viên năm thứ 1, năm thứ 2, trực bán hàng ngoài giờ học mỗi tuần 1 hay 2 buổi sắp xếp tùy theo lịch học cá nhân. Khi trực thì mỗi nhóm  gồm 5 hay 7 người tự phân công luân phiên làm việc, lần này ngồi bán phiếu thu tiền thì lần sau pha cà phê, pha các loại nước giải khát, lần sau nữa thì hoặc rửa ly hoặc chặt nước đá… Khách hàng cũng toàn là sinh viên trong trường và các trường bạn chung quanh như trường Dược, trường Nông Lâm Súc. Đây cũng là lần đầu tiên tôi biết ở Sài Gòn có một quán cà phê như vậy, khách mua phiếu ở một cô sinh viên trẻ măng, cười rất tươi nhưng luôn luôn thu tiền mà không bao giờ … cho ghi sổ, kế đó mang phiều sang quầy đưa cho một cô sinh viên áo dài tha thướt khác và đợi, khi đồ uống hoặc thức ăn chế biên từ phòng trong được mang ra quầy, khách hàng sẽ tự mang về bàn mình ngồi, và khi rời khỏi quán thì mang ly tách trả nơi quầy để sinh viên phục vụ mang vào trong rửa. Vào những năm 70 thời đó có lẽ ở Sài Gòn có duy nhất một quán cà phê  như vậy, nhưng đặc biệt là rất đông khách, thậm chí có những lúc quá đông khách hàng, các cô sinh viên bán hàng trở nên rất “cửa quyền” với khách, nhưng khách hàng phần lớn là các chàng sinh viên trẻ tuổi lại cũng rất kiên nhẫn vui lòng chờ đợi để nhận một ly cà phê. Ngoài ra tất cả mọi người tham gia Hội quán đều làm việc tự nguyện, vào đầu buổi làm việc chị phụ trách giao cho nhóm một hộc tủ tiền lẽ và một cuốn Nhật ký Hội quán, cả nhóm bắt đầu ai vào việc đó: chặt nước đá, chuẩn bị ly tách, phin cà phê, nấu nước sôi, nhận giao các thức ăn sáng làm sẵn, bán phiếu, thu tiền, rửa ly tách…, đến hết buổi làm việc chị phụ trách nhận lại một hộc tủ tiền đã được đếm và xếp theo loại, ghi vào nhật ký bán hàng. Sau khi để lại tiền vốn mua hàng hóa cho ngày hôm sau, phần tiền lời hàng ngày bỏ hết vào quỹ để tổ chức các hoạt động như văn nghệ, làm báo, hội họp, phát cour cho sinh viên nghèo, cứu trợ thiên tai…

Thời gian đó một cô sinh viên tiểu tư sản thành thị như tôi dĩ nhiên không hiểu gì về cái gọi là kinh tế tập thể, kinh tế XHCN…, nhưng sinh hoạt ở hội quán Văn khoa đã làm tôi bất ngờ và hãnh diện khi được tham gia vào tập thể đó, tôi đã yêu mến bạn bè và xem Hội quán như ngôi nhà thứ hai của mình. Từ tình cảm như vậy dần dần tôi đứng vào phong trào SVHS đấu tranh, tôi tập hát và tham gia những đêm không ngủ, tôi đã ở lại trường đến tối mịt để đánh sencil, quay roneo làm báo, kẻ khẩu hiệu, dán áp phích, đã xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, chống Mỹ, tham gia những đêm Hát cho đồng bào tôi nghe… Buổi sáng đến trường mong ngóng gặp lại các bạn bè quen thuộc, bởi vì nếu vắng một người nào thì có thể bạn đã vào Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn tối hôm qua rồi. Với tình cảm và hoạt động cùng bạn bè , tôi gắn bó với trường Văn khoa với phong trào SVHS Sài Gòn lúc bấy giờ, tôi yêu quý các anh chị và bạn bè trong phong trào, ở đây dần dần tôi hiểu ra thế nào là chiến tranh nhân dân, tôi mang trong tim niềm mơ ước đất nước thống nhất, tôi đau lòng và giận dữ khi phong trào bị đàn áp, đó là thời gian đẹp đẽ nhất trong thời tuổi trẻ, tôi đã sống hết mình, đã có những người bạn thật tốt, đã có tình yêu và cũng có những nỗi buồn. Cho đến bây giờ, sắp bước vào tuổi 60, tôi vẫn tự hào đã có một thời gian thật đẹp như vậy khi còn trẻ, và cảm thấy thật giàu có khi nhớ về những kỷ niệm thời tuổi trẻ của mình.

TÔI RẤT NHỚ TRƯỜNG VĂN KHOA!

 

NMA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét