Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

(38) ANH HÃY NGỒI XUỐNG ĐÂY

HẠ ĐÌNH NGUYÊN

Một thoáng Hoàng Sa 1974


Không khí Sài Gòn cực kỳ căng thẳng sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Hai bên đều tố nhau việc lấn đất giành dân. Dư luận tin rằng chẳng bên nào thực tâm thi hành Hiệp định. Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) muốn mình đích thực là VNCH dù không còn Mỹ nữa, lập trường là kiên quyết chống Cộng. Phía cách mạng (CM), dù cỡ “cắc ké”cũng hiểu rằng Sài Gòn dứt khoát phải là Thành phố Hồ chí Minh. Sự tẻ nhánh về chính kiến đi vào tận mỗi gia đình…


Hôm ấy, tôi thức dậy muộn, vì suốt đêm lo lắng và cảnh giác. Nghe tiếng cửa mở, ngóc đầu nhìn qua cửa sổ, thấy 4 lính thủy xuất hiện. Nhìn kỹ, may quá, trong đó có đứa em tôi, con chú, ở chung nhà, cấp bậc Trung sĩ, tên Hạ Minh Chung.


Bước vào nhà, đảo mắt nhìn, thấy tôi, nó nói liền:


– À, anh Ng., hôm nay em có chuyện muốn nói với anh…!


Tôi có cảm giác hơi lạ, lâu nay nó không có vẻ nghiêm chỉnh đến thế.


– Ừ, thì sẵn sàng! Tôi trả lời, trong lòng không khỏi ngạc nhiên.


Chung vào trong lấy ra một chiếc chiếu, trải giữa nhà, vào tủ lấy ly, lôi trong túi xách ra 2 chai rượu đế, bày ra chiếu. Cả 4 anh Hải quân ngồi lại.


Chung nhìn tôi, nói rõ ràng từng tiếng một, như ra lệnh:


– Anh hãy ngồi xuống đây!


Đó là thời điểm mấy ngày sau ngày 19 tháng 1 năm 1974.


******

Tôi được trả tự do từ Côn Đảo về vào cuối năm 1973. Ngôi nhà của tôi là Trụ sở Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn nay không còn nữa. Suốt hai năm 1972 và 1973 chúng bắt hầu hết sinh viên học sinh (SVHS) trong phong trào. Một từ ngữ không có trong ngành xã hội học, hay các thuyết phân chia giai cấp giai tầng xã hội xuất hiện mấy năm nay: “SVHS Tranh đấu”. Nó không trọn nghĩa, không rõ nghĩa. Nó chỉ ra một tính chất nửa vời. Tranh đấu cái gì cơ? Phong trào đấu tranh của SVHS là nằm trong quỹ đạo CM, lại vừa có tính tự phát của thanh niên. Thành phần tham gia tự phát trong trạng thái không thích Mỹ, không thích VNCH, vì có quá nhiều bê bối, nhưng cũng rất mơ hồ về Việt Cộng (VC). Họ có động cơ yêu nước không định hướng. Không định hướng được trong bối cảnh lịch sử phức tạp này… Chống Chính quyền thì Chính quyền bắt – không phải VC thì cũng là thân VC, chống lại chính nghĩa Quốc gia; giống như ngày nay, chống thì bị bắt – không phải phản động thì tiếp tay phản động, chống chính nghĩa Xã hội chủ nghĩa.


Ban Chấp hành Tổng Hội SV đã tan rã từ giữa năm 72, vì chúng tiến hành phát xít, song song với chiến trường Quảng Trị. Chúng đã lấy lại trụ sở Tổng Hội. Phần lớn lãnh đạo phong trào đã bị bắt, Mẫm đang ở trong tù. Nhưng danh nghĩa của “Tổng Hội Tranh Đấu” này có bề dày trong dư luận dân chúng, trong các lực lượng chính trị Miền Nam và dư luận quốc tế, nó nối kết các lực lượng gọi là Thành phần thứ Ba, đó cũng là sách lược của Mặt trận Giải phóng.


Với niềm hăng hái theo gió Đảo mang về, tôi nghĩ cái Tổng Hội dù không có đủ hình hài này cũng phải có tiếng nói, và cần thiết; tôi phối hợp với anh em cơ sở còn lại để làm tờ báo Xuân cho Tổng Hội. Đó là tờ báo cuối cùng.


Bài vở của số báo này là nặng ký. Bờ đang vỡ, chẳng úp mở làm gì, tôi tương vào nội san bài “Cuộc đụng đầu lịch sử “của tác giả Hoàng Tùng, cộng sản thiệt, ở tận ngoài Bắc. Ý bài này nói rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam là trận thư hùng nảy lửa của cuộc đối đầu ý thứ hệ giữa hai phe, phe Cộng sản, mà Đảng CSVN đảm nhận vai trò tiền phong của Thời đại, phe VNCH là tiền đồn chống Cộng, đứng mũi chịu sào, bảo vệ thế giới còn lại, gọi là Tư bản chủ nghĩa, còn gọi là Đế quốc, chuyên đi xâm lăng nước khác.


Việc gom bài vở thì không khó, việc in ấn lúc này mới khó! Công an cài khắp nơi, những nhà in quen thuộc không còn an toàn.


Sau khi bàn bạc tìm nhà in, anh Lê Thống – thầy giáo, đại diện Đại học xá Minh Mạng –, anh Dương Thanh Thủy (trong Ban báo chí Tổng Hội, bị đi quân trường Thủ Đức, vừa mãn khóa, mang lon Chuẩn úy) nhận việc đi in. Thống chở Thủy ôm tài liệu ngồi sau, trên chiếc 67… Xe chạy lên Quận 5, gần nhà in, thì bỗng dưng rơi vào vòng bố ráp. Năm xe Cảnh sát, mật vụ châu vào đầu xe của Thống, chận lại, quát lớn: Đưa tay lên! Có súng không? Chúng lục soát khắp người Thống. Không có gì. Chúng thu xấp bản thảo ở Thủy, giao qua cho một tay An ninh áo trắng… Cho hay, những người nhạy cảm, sáng nước trong lý luận bao nhiêu, thì mặt hành động, ứng phó cụ thể thì dễ quờ quạng, dễ mất tinh thần bấy nhiêu. Anh Chuẩn úy mới ra trường, hiểu rất rõ nội dung bài vở thắm đỏ màu cờ, nên mất tinh thần là phải. Tay An ninh bình tĩnh cầm xấp tài liệu, lật ra, đọc từng trang. Nó ngước lên nhìn hai anh, dò xét…


– Các anh đi đâu? Nó hỏi.


– Đi in báo Xuân! Thống trả lời.


Nó tiếp tục cúi xuống đọc, lật sang trang và… đọc tiếp.


Đôi chân anh Chuẩn úy run lên trong hai ống quần của bộ quân phục rất thẳng nếp. Nếu nó phát hiện nội dung bài vở thì không thoát được. Anh dự định, nếu nó có động thái thế nào đó thì anh sẽ bung chạy. Chạy, thoát được hay không là chuyện khác, nhưng phải chạy, còn nước còn tát! Vì anh chẳng ưa thích gì các đòn tra tấn… Thống thì kẹt, vì anh còn vướng chiếc xe. Anh đoán được những gì đang diễn ra ở Thủy, nếu hắn ta làm càn, thì anh sẽ bị tóm ngay tức khắc. Nếu cả hai cùng chạy thì rõ là không ổn chút nào… Tên An ninh bình tĩnh bao nhiêu thì hai anh căng thẳng bấy nhiêu… Nó ngừng đọc, nhìn lên Thống:


– Anh làm nghề gì?


– Thầy giáo! Thống trả lời, vừa từ tốn móc ví…


Nó quay sang Thủy, lướt qua bộ quân phục. Thủy tự động khai:


– Chuẩn úy Bộ binh, vừa xong ở Trường Sĩ quan Thủ Đức!


Lưỡng lự một lúc, nó xếp tài liệu lại:


– Các anh đi!


Thiên đường như mở cổng trước mặt, hai anh vội lên xe chạy như bay như biến, trống ngực dục liên hồi.


Về đến phòng trọ, giao tài liệu lại cho tôi, nghĩa là… không đi nữa.


Giao việc này cho hai anh trí thức ấy là không hợp. Có một anh khác, cũng là thành viên cộng tác với Tổng Hội, mà thuộc loại tư tưởng xôi đậu, hành vi khó phân biệt, không hẳn là phe ta, không rõ là phe địch, xung phong nhận việc đi in. Anh cam đoan là sẽ làm trót lọt. Nghĩ tới nghĩ lui thấy không liều không xong. Đã xôi đậu thì cũng phải có lúc xôi, lúc đậu chứ! Xôi không, đậu rặt thì làm ăn với ai! Tôi quyết định giao cho anh ta. Một nhà in trong chùa. Thầy trụ trì là TTB, đường NH, Phú Nhuận. Nín thở cầu may. Thế mà cuối cùng là may thật. Mấy ngày sau, anh báo là đã in xong, chỉ đến lấy thôi. Tôi bàn với Phúc. Nguyễn Văn Phúc là người rất lì và tháo vác, trong Ban Chấp hành Tổng Đoàn HS. Phúc chọn sáu bạn HS, gốc là Hướng Đạo Sinh, mặc đồng phục Hướng Đạo, đội mũ xì cút, mang theo mỗi người một ba lô và đã khuân về được an toàn, giấu ở nhà trọ.


Nhà trọ, không là nơi ở thường xuyên, chỉ là trạm để ghé qua, họp hội, có khi ở năm ba ngày rồi đi, cho anh em nào bị động, hoặc cắt dấu vết trước hay sau khi vào khu… Hai hôm sau thì phát hiện tụi an ninh lảng vảng nơi này. Chúng tôi ngưng lui tới.


Lần nầy tôi phải nhờ Chung, như trước đây, vào những lúc gay cấn Chung vẫn thường hỗ trợ. Chung nhận lời sẽ chuyển toàn bộ số lượng báo đem gởi ở nhà bà con trong thời hạn một tuần lễ. Chung đã làm một cách hoàn hảo. Sau đó tôi chuyển dần cho anh em. Chung không hỏi han hay thắc mắc một lời.

Thế mà hôm nay, Chung có vẻ khác, nói một cách nghiêm trọng:


– Anh hãy ngồi xuống đây!


*****

Tôi ngồi xuống.


Rượu được rót ra. Chung bảo phải uống cạn ly đã!


Chúng tôi cùng uống cạn.


Chung bắt đầu lên tiếng, không chút quanh co, dõng dạc từng tiếng một:


– TẠI SAO ANH ĐỂ TRUNG CỘNG – PHE ANH – CHIẾM HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM?


Trời đất, tôi bất ngờ như bị một cú đánh vào đầu thấy bảy ông trời sao.


Trung Cộng chiếm Hoàng Sa cách đây mấy hôm, Thuyền trưởng Ngụy Văn Thà đã chết theo con tàu, theo truyền thống Hải quân, phẩm chất và tính cách tương xứng với chức trách mà anh đang nắm giữ, như cụ Phan Thanh Giản uống thuốc tự vẫn khi mất 3 tỉnh miền Tây. Sự hy sinh và cách hy sinh của Ngụy Văn Thà đã gây nên sự xúc động trong quân đội VNCH và dân chúng. Cái chết này khác với cái chết mà hai ta đã đánh nhau, ít nhất là ở thời điểm mà cuộc chiến đã gần tàn…


Em tôi, Trung sĩ Hải quân VNCH, không hiểu về chính trị, không quan tâm đến Quốc gia hay Cộng sản, không tâng bốc xun xoe với Mỹ, không bênh không chống VNCH, càng không chống không theo CS, nhưng nó lại tự hào bộ quân phục mà nó mặc, và cái binh chủng mà nó đứng dưới cờ.


Hãy cho là nó dốt chính trị, chẳng hiểu gì chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng, không bằng thằng anh nó. Nhưng nó phẫn uất một cách chân thành việc Trung Cộng chiếm Hoàng Sa của VN.


Nó hạch tội tôi, cái tội gián tiếp, nó dùng chữ “phe anh” là bộc lộ thân phận giấu giếm của tôi, nó huỵch toẹt giữa chiến hữu của nó. Té ra, lâu nay nó biết tôi là ai, làm gì. Tình anh em, nó đặt lên trên chính kiến, hay nó đã đạt đến tinh thần dân chủ hiện đại, tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng chính kiến khác nhau, điều mà tôi thường nghe gọi và đáng phê phán là “khách quan tư sản”?

Nó chẳng phải là tư sản, chẳng phải là trí thức, không phải là công nông, nó là lính, trung sĩ, nó căm phẫn: Tại sao anh để “phe anh” chiếm Hoàng Sa của VN?

Tôi biết trả lời sao đây!


Trước hết, tôi với Trung Cộng xa lắc, Hà Nội cũng xa, Rừng cũng xa. Họa hoằn lắm mới có một anh trong bí mật của Thành Đoàn xuất hiện nói năm ba chút tình hình, mà chuyện này thì anh ta cũng ú ớ thôi!


Tôi phải dở trò ba hoa, mồm loa mép giải để hạ nhiệt lòng yêu nước chính đáng của nó:


– Trời đất, anh làm gì mà phe phái với Trung Cộng! Anh chỉ là SV đấu tranh cho hòa bình thôi, để chấm dứt chiến tranh, cho anh em thanh niên mình đỡ chết. Mà Hòa bình cũng sắp có rồi! Hiệp định ký rồi! Mỹ cũng đã rút về nước! Hai bên giằng co đôi chút rồi cũng phải hòa nhau thôi…


Tôi lấy cái lý thuyết “Hòa giải hòa hợp dân tộc” mà chống đỡ. Không nói kiểu này thì nói kiểu nào? Đang ở đây, không phải ở ngoài Bắc, không phải trong Rừng, mà đang ở giữa Sài Gòn, giữa bốn tên “Hải quân ngụy”, không chừng chúng có súng trong người cũng nên!


Bốn anh lính Hải quân VNCH cùng ngồi uống rượu, không phải rượu vui mà cuộc rượu buồn, rất buồn, không che giấu nỗi thất vọng, nỗi bi phẫn, than thở một cách chua chát:


– TẠI SAO CHÚNG Ỷ NƯỚC LỚN HIẾP NƯỚC NHỎ?


Tâm trạng người lính VNCH, khi Mỹ rút quân, vẫn hiểu mình là nước nhỏ. Nhưng dù bé nhỏ vẫn phải độc lập. Cái ý thức Độc lập mà phía CM tuyên truyền cũng có sẵn trong người họ. Mỹ rút quân cũng có nghĩa Độc lập, nhưng họ hoài nghi VC trong quan hệ Nga Tàu. Họ hy vọng vào hòa giải hòa hợp dân tộc, VN lại hợp chung một nhà, trừ những ai từng có trải nghiệm nào đó với CM.


Chống Mỹ Cứu Nước – thanh niên Miền Nam không cãi được – nhưng Trung Cộng chiếm Hoàng Sa thì làm sao giải thích? Nó là gì đây? Lời than thở của mấy chú lính thủy, của em tôi, đã chuyển sang một hướng cảm xúc khác cao hơn, thuần khiết hơn, nó không kết án tôi theo kiểu “phe anh”, mà thốt lên từ Nước Nhỏ, nó đưa tôi về cùng một mẫu số chung, nó đã hòa hợp dân tộc với tôi rồi. Chúng ta có chung một tình tự dân tộc Nước Nhỏ, đứng trước hiểm họa chung là Nước Lớn. Nó kêu gào công lý ở bình diện rộng hơn: TẠI SAO MỘT NƯỚC LỚN ĐI ĂN HIẾP MỘT NƯỚC NHỎ?


Nỗi hoài nghi như đang tự giải mã.


CÁI CÓ LÝ LÚC TRƯỚC, LÚC SAU LẠI ĐANG TRỞ THÀNH VÔ LÝ.


******

Ngày nay nhớ lại, tôi tự hổ thẹn với em mình, vì ý nghĩ của tôi lúc đó.


Tôi nói dối và lấp liếm sự thật. Nó biết tôi là Việt Cộng, tôi nói mình chỉ là SV thôi, và đấu tranh cho hòa bình. Lòng tôi reo vui, nếu không thì cũng lạnh lùng, khi Trung Cộng chiếm Hoàng Sa. Nghĩ rằng nó lấy giúp từ tay Mỹ, rồi giao lại cho VN sau này. Sự thật đã không phải thế. Mà đã không chỉ có thế!


Tôi không tự dằn vặt mình cho lắm. Từ lúc tuổi nhỏ đến cái tuổi ngoài 20, lịch sử đã cài đặt trong tôi một phần mềm hơi bị cũ hay ĐÃ RẤT LỖI THỜI, nhấp chuột lung tung chẳng thấy hiện lên cái điều mình mong muốn, chỉ thấy sự nhảy múa của dã thú và thiên thần. Mà thiên thần thì nở ra từ trứng, mà trứng thì do dã thú đẻ ra!


Chiều ngày 29 tháng 4, giờ thứ 25 của cuộc chiến.


Bịn rịn với gia đình, giằng co với lý trí, Chung chia tay với mọi người thân sơ, vẫn trong bộ đồ Hải quân rất ư hãnh diện, hớt hải chạy xuống Nhà Bè, lên một chiếc Hải thuyền cùng đồng đội của nó, vượt qua sông rạch trong đêm, bị súng trên bờ dập xuống, suýt chết mấy đợt, vượt ra được biển khơi có tàu lớn đợi. Nó định cư ở Mỹ, một thời gian làm Cảnh sát khu vực rồi nghỉ hưu. Mỗi năm đều về thăm nhà, không bao giờ nói chính trị, không nhắc đến Hoàng Sa. Tôi cũng thế! Tôi vờ quên đi, nó vờ quên đi. Nhưng tôi vẫn nhớ, nó vẫn nhớ. Nó vờ quên vì lòng nhân hậu của nó đối với tôi. Tôi vờ quên vì lòng hổ thẹn bởi sự không toàn vẹn lãnh thổ. Vì không chỉ có Hoàng Sa, mà còn Trường Sa, và bao nhiêu vùng nữa trong đất liền. Ban đầu, khi bỏ chạy, nó nghĩ nó là kẻ thua cuộc, thiếu chính nghĩa vì đi với Mỹ. Sau này nó không nghĩ thế, có thể nó nghĩ kẻ ấy là tôi. Một cú đánh hồi mã thương đau đớn của lịch sử, một sự lừa mỵ có tính thời đại…


Chung chỉ khoe với tôi nó câu được những hai cô bồ, mỗi lần về nước đều được rỉ rả vui vẻ.


“Anh hãy ngồi xuống đây!” là câu nói tôi không quên.


Tôi cũng muốn nói: Em hãy ngồi xuống đây! Nhưng tôi chưa từng thốt lên được, vì không dám đối diện sự thật.


Hình như bạn bè tôi cũng thế, họ làm như họ chỉ có những chuyện bâng quơ thôi, với chút tự hào an ủi cần cù nhặt nhạnh.


Tôi cũng muốn nói: Tất cả chúng ta hãy ngồi xuống đây! Chuyện nước cũng chính là chuyện nhà, phải chân thực, phải có cảm xúc đồng-bào. Phải là từ ngữ thân thương NƯỚC-NHÀ, thấm đẫm tình tự dân tộc, chứ không phải từ Nhà Nước, chỉ trơ ra, thành đồng nghĩa với quyền và lợi. Các học thuyết chỉ là những tấm da lừa trên yên ngựa, dù sao cũng đã cũ nát lắm rồi, không dùng được nữa!


Thắng thua đã rõ, nhưng cũng chẳng để làm gì, đến nước này! Những cái mồm bên kia đại dương chõ về chửi rủa chẳng ích chi, giống như Thiên thần Đại úy Minh giẫm chân vào mồm người biểu tình, chỉ rách việc!


Phải nhận chân được KẺ THÙ MỚI CỦA THỜI ĐẠI, chúng đang xâm thực đất liền và quậy đục Biển Đông, chúng “dã thú” biết chừng nào với đồng bào của chúng, nói chi đến CHƯ QUỐC LÂN BANG THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG! Tuổi trẻ VN phải dứt khoát cài đặt lại phần mềm mới cho mình để phù hợp với trình độ của thời đại, đáp ứng yêu cầu cấp bách của dân tộc.

 

Tháng 8-2011
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

(37) TÔI LÀM ĐẠI DIỆN LỚP

Những kỷ niệm của thời đi học luôn là kỷ niệm đẹp, gương mặt những người bạn một thời sinh viên vẫn mãi trong ta cho đến tận sau này. Người Văn Khoa xin giới thiệu một kỷ niệm đẹp của chị Huỳnh Quan-Thư.

 

Bài viết về phong trào sinh viên Đại học Văn Khoa Sài Gòn

  

Huỳnh Quan-Thư

Sinh viên Khoa Sử Địa năm 1966-1970

 

          Khoảng cuối năm 1965, nhân một lần đi họp nhóm Nhân văn theo lời mời của anh Lê Đạo Ngạn, bạn cùng trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Tôi quen với người bạn mới: anh Trầm Khiêm – Trưởng nhóm.

          Những ngày sau đó, anh Khiêm năng lui tới nhà tôi làm thân, tôi xem đó là chuyện bình thường. Không ngờ anh Khiêm là người của cách mạng và tôi đã lọt vào “tầm ngắm” của Tổ chức, một tổ chức mà bao năm nay tôi khao khát đi tìm – Bởi qua sự giáo dục của ba tôi, tôi mê cách mạng tự bao giờ, và trong lòng tôi đã xác định chọn con đường mà ba tôi đã dạy: đánh Mỹ cứu nước, và con đường đó chỉ có thể là đi theo Mặt trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, mà qua báo chí tôi biết do ông Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát lãnh đạo.

          Vậy là anh Trầm Khiêm đã đánh trúng điểm!

          Nhiệm vụ đầu tiên của anh Khiêm giao cho tôi là ứng cử làm đại diện lớp Dự bị khoa Sử Địa mà tôi đang học.

          Từ ngày đầu khai giảng, lớp Sử Địa của tôi khá đông, 150-200 sinh viên có mặt thường xuyên. Tôi thấy một nam sinh viên có vẽ lăng xăng, ra vào lớp làm công tác sinh viên, hướng dẫn sinh viên mới còn bỡ ngỡ, giới thiệu bài vở, phát tài liệu, sắp xếp bàn ghế… đó là sinh viên Vũ Bình – sau này tôi mới biết anh nằm trong nhóm thân chánh quyền Thiệu-Kỳ.

          Ngày bầu Ban đại diện lớp, đúng vào giờ của thầy Châu Long – Trưởng khoa Sử Địa Đại học Văn Khoa Sài Gòn những năm 1960.

          Anh Vũ Bình được giới thiệu trước, tôi được một sinh viên giới thiệu sau theo sự sắp xếp của anh Trầm Khiêm và tôi. Như vậy lớp có 2 ứng viên.

          Thầy Châu Long mời Vũ Bình lên phát biểu trước, anh khá tự tin và có phần chủ quan. Anh chỉ nói mấy câu ngắn gọn: Nếu được tín nhiệm sẽ làm tròn trách nhiệm.

          Kế đến thầy Châu Long gọi:

-         Mời anh Huỳnh Quan – Thư lên phát biểu.

Tôi đứng dậy cố nén run, bình tĩnh bước lên bục giảng, cả lớp “Ồ!Chị chứ không phải anh!”

Lấy hết can đảm tôi trình bày:

Nếu được bần làm Đai diện lớp tôi sẽ:

1. Đi học đều đặn, ghi chép bài đầy đủ và tổ chức quay ronéo tài liệu[1] bán giá rẽ cho sinh viên, vì lớp có nhiều sinh viên vừa mưu sinh vừa đi học nên rất cần tài liệu để tự học.

2. Sẽ cùng ban đại diện trường đấu tranh hạ giá giữ xe cho sinh viên vốn đang bị nhóm sinh viên cũ thầu, lấy giá cao.

          3. Sẽ tổ chức đi tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử, tổ chức đi học ngoại khóa địa lý ngoài trời – và tôi sẽ là cầu nồi giữa sinh viên với sinh viên; giữa sinh viên với các thầy cô và nhà trường.

          Khi tôi dứt lời, cả lớp vỗ tay tán thưởng, thầy Châu Long nhìn tôi có vẽ ngạc nhiên nhưng hài lòng.

          Cuộc bỏ phiếu diễn ra, tôi dễ dàng đắc cử và Vũ Bình quá bất ngờ: “Cái bà này! Ở đâu ra chơi mình một cú quá đau.”

          Đắc cử Đại diện lớp, tôi giữ lời hứa, tổ chức ghi bài, bán tài liệu giá rẽ, yêu cầu hạ giá giữ xe thành công và nhất là tổ chức cho lớp đi du khảo núi Châu Thới, đi picnic du khảo Suối Tiên[2]… Được sinh viên ủng hộ hết mình, đặc biệt các thầy Châu Long, Phạm Đình Tiếu, Lâm Thanh Liêm, Phạm Cao Dương, Thái Công Tụng… nhiệt tình tham gia, giúp đỡ.

          Chuyến đi nào cũng có các thầy cô đi cùng, vừa kết hợp giảng dạy ngoài trời, vừa hòa đồng với sinh viên, các bài học càng thêm sinh động, rất vui. Tình thầy trò thêm gắn bó, chu đáo hơn, mỗi chuyến đi đều có ảnh lưu niệm đầy đủ, ai cũng hài lòng.

          Lớp dự bị Sử Địa niên khóa 1966-1967 là lớp học đoàn kết thương yêu, gắn bó với nhau từ đầu đến cuối năm học. Và dĩ nhiên, uy tín của tôi được nâng cao, được nhiều sinh viên tin tưởng, quý mến, không chỉ ở lớp mà còn lan rộng ra cả trường, rất nhiều sinh viên dành cho tôi nhiều tình cảm.

          Vậy là năm sau, niên khóa 1967-1968 tôi dễ dàng đắc cử làm Đại diện chứng chỉ Quốc sử, tiếp tục nhiệm vụ lớp trưởng, tiến tới đại diện trường. Năm học này tôi là Phó Chủ tịch ngoại vụ Ban Chấp hành sinh viên Văn Khoa[3] cùng với Chủ tịch là anh Lê Quang Lộc, mà sau này là bạn đời của tôi.

            Bồi hồi nhớ lại, đây là thời gian hoạt động đẹp nhất của tôi dưới mái trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, trong màu áo sinh viên yêu nước. Tôi nhớ mãi các bạn học: Trần Thị Huệ, Huỳnh Ngọc Nữ, Trần Thị Ngọc Anh, Thu Thủy, Phương Thảo, Nguyễn Thị Hiệp, Trần Thị Liên, Nguyễn Thị Ngọc Liên, Ngọc Châu, Ngọc Hiển… các bạn giờ đang ở đâu, ai còn, ai mất? Nhiều bạn đã hơn 45 năm nay chưa một lần gặp lại – Hôm nay nếu đọc được bài viết này, xin hãy biết rằng Huỳnh Quan – Thư không quên các bạn, những gương mặt thân thương của một thời trẻ trung sôi nổi!

HQT

5-7-2010



[1] Một hình thức in ấn bỏ túi phổ biến lúc bấy giờ.

[2] Là địa điểm khu du lịch Suối Tiên hiện nay, ngày xưa nơi đây có một dòng suối nhỏ chảy róc rách vào khu rừng nhỏ, phong cảnh rất đẹp, nên thơ. Thanh niên Sài Gòn thường chọn nơi này làm nơi cắm trại, sinh hoạt hội nhóm.

[3] Ban Chấp Hành Sinh viên Văn Khoa là Ban đại diện chính thức, đại diện cho tiếng nói Sinh viên Văn Khoa.

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

(36) Anh sẽ kể với em về Saigon chủ nhật

        

     
Thật ra thì Gió không có ý định mang bài thơ này về ngôi nhà chung vì ngại , vì sợ nhiều điều, trong đó có cả nỗi e ngại có khi các anh các chị không hiểu hết mình ...cho đến hôm nay có lời đề nghị của chị Cỏ May, Gió xin phép được chia sẻ bài thơ..


Nó là lời trái tim của Gió và Gió nghĩ là của nhiều người ...và có lẽ đó cũng là nhịp đập trong trẻo mà cách đây 40 năm hoặc hơn thế nữa các anh chị đã từng rộn ràng vì nó ..Tuổi của Tổ Quốc thì bốn ngàn năm ..tuổi của chúng ta chỉ là hạt bụi nhưng tình yêu thì cứ dội vào lòng ...

   
     Anh sẽ nói với em về Saigon
     Không phải là hình ảnh của những con phố xôn xao
     Không phải là nhịp vui lập lòe của những ngọn đèn chớp tắt
     Mà Saigon của những ngày chủ nhật …
     Biết ngồi, biết đứng, biết vung tay


     Anh dắt em qua những vòng quay
     Để thấy người Saigon cười khóc
     Để thấy giữa những bon chen lừa lọc
     Bao trái tim yêu nước ngẩng đầu


     Chẳng xa lắm đâu
     Saigon và Biển Đảo
     Bởi tình yêu luôn kéo gần
     như máu...
     luôn thuộc về trái tim

 

     Hãy đặt tay lên lồng ngực em
     Mà lắng nghe nhịp đập
     Saigon của những ngày hầm hập
     Bao bước chân yêu nước xuống đường
     Cô sinh viên mặt sáng như gương
     Rủ cả hàng cây vung vẩy
     Những người chị, người anh đứng đấy...
     hô to:
     "Biển đảo là của chúng ta! 
     Hoàng Sa Trường Sa là của chúng ta! 
     Lũ giặc đừng hòng lếu láo"
     Và cả những người nhân danh nhiều điều ngơ ngáo
     Hãy lặng im nghe nhịp đập Saigon


     Lời trái tim bay cao
     lên những vòm cây xanh biếc
     Saigon biết nói lời tha thiết... và hiên ngang
     Saigon có ngày vội vàng
     Saigon có ngày thong thả
     Saigon biết bước đi khắp ngả
     Cũng biết ung dung kiếm một chỗ ngồi
     Chỉ có tình yêu thì chẳng bao giờ vơi
     Đó là tình yêu nước

 

     Anh sẽ kể với em
     Về Saigon của anh, của em, của những trái tim khí tiết
     Biết yêu thương và biết căm thù
     Biết sáu ngày trong tuần bươn chải..ưu tư
     Nhưng có riêng trái tim ...dành cho ngày chủ nhật...
     Những ngày chủ nhật của Saigon bất khuất
     một tình yêu ...

 
Thân tặng những người trẻ Saigon _ những người biết đứng và cả biết
       ngồi
 khi không thể đứng !...

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

(35) VẪN CÒN MỘT BÔNG HỒNG ĐỎ...

Mùa Vu lan đến, tôi là một trong những người hạnh phúc vì còn được cài bông hồng đỏ. Bạn tôi có ít nhất hơn một người đã từng ganh tị: “Gần 60 tuổi đầu mà còn được má rầy, sướng thế”. Tôi biết mình còn sướng lắm khi tóc đã bạc nhiều rồi mà vẫn còn nguyên cảm giác sợ bị la như hồi còn nhỏ. Cho tôi được khoe khoang niềm hạnh phúc của tôi khi mừng thọ 80 tuổi của má tôi cách đây 2 năm.

Nhưng tôi cũng chạnh lòng khi nhớ đến bạn, vẫn còn một bông hồng đỏ mùa Vu lan này cho bạn nhưng bạn lại đi xa rồi. Mẹ của bạn tóc trắng như bông vẫn chưa nguôi thương nhớ bạn, mắt đã lòa rồi, và cũng chẳng còn nước mắt để khóc.

Bà đi qua cuộc chiến tranh chống Pháp với nỗi mất mát lớn lao, 24 tuổi bà thành vợ liệt sĩ, rời khỏi nhà tù với quanh gánh trên vai, một đầu gánh là đứa con trai duy nhất, đầu gánh còn lại bà mưu sinh nuôi con trai ăn học nên người. Bà lại đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ với người con trai nối tiếp chí hướng của cha mình, bạn đã tham gia phong trào SVHS Sài Gòn tranh đấu, từ miền Trung bà lặn lội xách giỏ vào thăm nuôi bạn trong nhà lao Chí Hòa. Cùng với các bà mẹ khác, bà đi mòn dép từ Phủ Thủ tướng đến Nha Tuyên úy rồi đến Tổng nha Cảnh sát miền Nam để đòi thả con trai, bà ký tên vào không biết bao nhiêu bản kiến nghị của các tổ chức phản chiến để mong dành lại đứa con trai duy nhất của mình. Nhưng bạn vẫn bị đưa ra Côn Đảo, bà đã thắt ruột thắt gan quay lại quê nhà cầu Trời khẩn Phật, hãy để cho bà làm tròn nghĩa vụ với gia đình chồng vì bà chỉ có đứa con trai duy nhất này.

Rồi bạn đã trở về, nói thế nào cho thỏa niềm vui của bà, bạn cũng biết nỗi lòng của mẹ, bà bấy giờ chỉ muốn bạn cưới vợ, sinh cho bà một thằng cháu nội. Hòa bình, bạn làm đúng ước nguyện của bà, vợ bạn - con dâu của bà là con một người bạn tù. Khi có đứa cháu nội trai đầu tiên, bà mừng cũng lại tuôn nước mắt, đi qua 2 cuộc chiến tranh, ba người đàn ông quý nhất cuộc đời bà: chồng, con trai, cháu nội, bà còn được những hai, hạnh phúc nào hơn, bà cảm ơn Trời Phật, bà nhắc con trai sống tốt như đã từng sống.

Và bạn, người không thể thiếu của nhóm thân hữu Văn Khoa, bạn hiền lành, ít nói từ hồi đi học. Đến khi là Phó TGĐ một công ty lớn, bạn vẫn sống đơn giản ở một ngôi nhà trong hẻm nhỏ, vẫn hiền lành ít nói. Nhưng bạn lại là cầu nối cho tất cả chúng tôi. Những năm đầu 90 của thế kỷ trước, đời sống còn khó khăn, cả đám chúng tôi ai cũng bận bịu cơm áo gạo tiền, bạn là người tìm cách tổ chức cho anh em họp mặt, sau 15 năm gặp lại nhau gần như đầy đủ bạn bè cũ, ai cũng rưng rưng, và cũng từ đó lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, bạn là người khởi xướng và đi đầu. Rồi cũng mặc nhiên chuyện họp mặt thường kỳ chúng tôi phó hết cho bạn, bạn chỉ cười hiền lành nhận lấy công việc khá mất thì giờ đó. Bạn là gạch nối giữa các anh chị Văn Khoa những đời trước và đàn emVăn Khoa những đời sau này với chúng tôi. Đến một lúc nào đó không biết, bạn trở thành một người không thể thiếu được trong nhóm chúng mình.

Mẹ vẫn dõi theo bước của bạn và bà vui mừng khi thấy con trai được bạn bè, anh em đồng nghiệp thương quý. Gia đình nhỏ đông dần, bà có 2 cháu nội trai, một cháu nội gái. Đến khi bạn cưới vợ cho con và bà có đứa chắt nội trai thì hạnh phúc tưởng như không còn có thể nói gì hơn. Bà đã có con trai hiếu thảo, con dâu hiền, 2 cháu nội trai giỏi giang và hiền lành như cha nó, 1 cô cháu gái xinh xắn là cục cưng của cả nhà, 2 cô cháu dâu ngoan, và một thằng chắt nội bụ bẫm giống y như ông nội nó hồi nhỏ.

 Photobucket

 

Vậy mà, như cơn gió lớn thổi qua, cuốn một cái, bạn rời bỏ tất cả dù bạn không muốn. Ba tháng cuối bạn chống chọi với bệnh tật một cách kiên cường, nhưng rồi bạn không thể chiến thắng số phận. Bạn ra đi trong khi gia đình và tất cả chúng tôi đều ngơ ngác, không ai tin nổi là bạn phải ra đi. Tất cả chúng tôi đều thương tiếc bạn biết bao nhiêu. Nhưng niềm đau lớn nhất vẫn là ở mẹ, bà không thể tin, bà nhắc đi nhắc lại điều đó, bà không thể tin là đi qua những sống chết trong chiến tranh bà vẫn còn bạn, vậy mà khi đã yên ổn rồi bà lại mất bạn. Những ngày sau đó và cho đến bây giờ, bà nghĩ bạn vẫn còn đâu đây bên cạnh, mỗi khi chúng tôi đến thăm, bà lại ngó lên bàn thờ và nói: “Bạn con đến chơi H. à!”

Mùa Vu lan đến, vẫn còn một bông hồng đỏ cho bạn, mẹ vẫn khôn nguôi thương nhớ bạn và chúng tôi vẫn nhớ bạn lắm, bạn ơi!

 Photobucket

Đọc tiếp ...

(34) THƯƠNG MÁ

 

Photobucket

Con đã bước qua thời thiếu nữ

Để bước vào tuổi bốn mươi

Cái tuổi bắt đầu chín chắn

Để nhìn lại những chặng đường qua

Nghĩ thương má đã vội đi xa

Khi con vừa tròn mười tám

Con chưa hề biết sẻ chia với má

Những ngày ba vào tù, ra khám

Má không đếm nổi số lần thăm nuôi

Thăm ba về, má lại dối con

Ba đi dạy xa, lâu lắm mới về

Con sợ má, không dám hỏi

Điều má chưa thể nói

Lớn khôn, theo cha, con bước tiếp

Khi người yêu vào tù

Con lại xách giỏ thăm nuôi

Và con mới hiểu

Cái vạc, thân cò

Biển đời nông, sâu chìm nổi

Rồi con vượt cạn lần đầu

Má có còn đâu để ấp ủ

Bệnh viện đông người

Lời mẹ con trìu mến, thân thương

Con nuốt nước mắt, tủi phận mình

Sao má không ôm con để chia điều hạnh phíc

Con cũng được làm mẹ, ôi, thiêng liêng, kỳ diệu

Cháu là trai, con nhớ lời má dặn:

Phải « công thành danh toại »

Và nối bước cha anh

Cháu lớn lên trong những ngày thiếu thốn

Biết lẫy, biết bò, chập chững biết đi

Con bắt đầu lo toan, vất vả

Như một bà mẹ trẻ, như má ngày xưa

Cháu thứ hai lại tiếp tục chào đời

Cháu là gái, con thấm thía lời má bảo :

« Con gái xấu, người ta cười chê

Con gái đẹp, đời lắm nỗi truân chuyên.. »

Các cháu lớn một năm, con già thêm một tuổi

Vẫn nghĩ thương má, một đời khó nhọc

Khi con biết : « gừng cay, muối mặn »

Tình chồng vợ, nghĩa thủy chung

Vui mái ấm gia đình, bên tiếng cười con trẻ

Con mới hiểu ba, những ngày không có má!

Photobucket

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

(33) Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười


Mở đầu cho loạt entry nhân Mùa Vu Lan,
Góc nhỏ Văn Khoa xin giới thiệu "Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười" của NgườiVănKhoa Nhã Thảo.
Entry này chị Nhã Thảo dành riêng tặng Anh Chị Cả VănKhoa Nguyễn Tuấn Kiệt& Huỳnh Thiện Kim Tuyến.
Và mời bạn bè gần xa cùng thưởng thức bài hát Lời mẹ ru của anh.



Photobucket

1.
Tuần này tới phiên tôi được theo Mẹ vào thăm anh.
Sau thời gian biệt giam ở nha cảnh sát đô thành Sài Gòn, anh được chúng đưa về giam ở khám Chí Hòa trước khi đày ra Côn đảo.
Chỉ mới biết và đi với mẹ 1 lần nhưng hình ảnh và nụ cười hiền hậu của mẹ đến giờ tôi không quên được. Mẹ không nói nhiều mà luôn tay sắp xếp từng món quà để lát nữa mang vào cho anh. Tôi cũng nôn nao chờ đến lúc được gặp anh nhưng nhìn 2 bàn tay mẹ nâng niu từng sợi dây cột, từng miếng giấy gói quà tôi biết trong lòng mẹ đang có lửa đốt.
Vậy mà khi gặp nhau mẹ chỉ hỏi anh được một câu rồi lặng lẽ, âu yếm ngồi nhìn hai anh em tôi hối hả chuyện tình hình công tác, hết giờ thăm lại lầm lũi xách giỏ ra về mà mắt rân rấn nước. Mẹ vẫn nắm tay tôi, cho đến lúc bước lên xe tôi chợt cảm nhận được cái siết tay thật chặt của mẹ và nhìn thấy mẹ mỉm cười. Ôi mẹ tôi,tôi hiểu thêm được bao điều từ nụ cười của mẹ.
Ngày mẹ mất anh vẫn chưa kịp về (dù đã ở rất gần). Chúng tôi chỉ còn biết thay anh khóc mẹ lần cuối, lòng thầm mong sớm đến ngày gặp lại, chúng tôi sẽ cùng anh thắp nén hương dâng mẹ.

2.
Mẹ dẫn hai chị em chúng tôi vào căn cứ gặp anh để nghe hướng dẫn công tác. Nhìn dáng mẹ nhỏ bé gầy gò, lưng đã bắt đầu còng, đi lúp xúp dưới vành nón lá sờn cũ mà tôi thấy nao lòng.
Hai chị con của mẹ bị giặc bắt đến nay còn chưa rõ tin tức, vậy mà dấu trong lòng nỗi đau, mẹ vẫn luôn phải nói cười giải thích đủ mọi thứ để chúng tôi yên tâm. Phải đưa hai con “gà công nghiệp” - là chúng tôi - đi xe, rồi đi bộ một chặng đường xa hơn 100 cây số. Qua bao nhiêu chặng xét hỏi mà phải đảm bảo an toàn cho chúng tôi, trách nhiệm của mẹ thật nặng nề. Mà chúng tôi nào hiểu hết dù đã được mẹ hướng dẫn tận tình nên có lúc đã bị mẹ mắng. Như lúc gần đến căn cứ, được bà con mời ăn cơm với thịt chuột nướng, mẹ đã nhắc nhở là phải ăn chứ không sẽ dễ gây chú ý có thể làm lộ thân phận nhưng tôi vốn sợ chuột nên cứ ngồi nuốt cơm không mà đã buồn nôn. Đến khi bị mẹ mắng đành phải nhắm mắt ráng hết sức nuốt vội một miếng mới vượt qua được nỗi sợ ban đầu (mà rồi lại thấy sao nó ngon lạ !!!) Nhiều lúc sợ chúng tôi tủi thân mẹ lại ngọt ngào chiều chuộng. Ôi mẹ tôi, bao nhiêu đứa con đã qua tay mẹ dắt dìu chăm sóc mà có ai đã hiểu hết được lòng mẹ bao la?

Photobucket


3.
Và mẹ tôi.
Dù mẹ già như chuối chín cây nhưng thật may mắn là tôi còn có mẹ. Mẹ cũng ít kể về mình nhưng qua những câu chuyện của những người khác cùng hoàn cảnh, tôi cũng hình dung được cảnh nhà vừa nghèo khó lại đông con, mẹ (với ba) đã phải như loài chim rút ruột nuôi con. Khi con khôn lớn lại phải cơm đùm cơm nắm tiếp tế cho đứa ở trong tù đứa vào chiến khu. Hai bàn tay làm ra bao nhiêu của cải mà mẹ có giữ riêng cho mình được gì. Tất cả cho các con vì các con là tất cả của mẹ.
Ngày tôi bị bắt mẹ đã ngồi bệt xuống vệ đường để tự trấn tĩnh rồi cũng chính mẹ xô vẹt bọn cảnh sát vây quanh để giúi vào tay tôi ít tiền sau khi giằng lấy túi xách của tôi giấu vội vào sau nón lá. Khi theo chúng lên xe, tôi không nhìn thấy mẹ nhưng tôi biết mẹ vẫn dõi theo từng bước tôi đi. Ngày tiễn các em tôi vào chiến khu, mẹ cũng đã nhanh tay gạt ngang dòng nước mắt để mạnh mẽ và chu đáo chuẩn bị cho em từ chiếc áo ấm đến gói mì, gói thịt, bao thuốc lá để em hút lúc nhớ nhà.
Rồi sau hòa bình, mẹ cũng đã phải nén nhớ thương để lo cho anh chị tôi đi xây dựng vùng kinh tế mới. Từng bao lương thực thực phẩm được ba vác lên cho anh chị là từng giọt sức lực mẹ vắt ra.

4.
Chị em tôi ai cũng thương mẹ, nhưng cũng không khác được luật đời nước mắt chảy xuôi.
Ai nhớ được từng ngày là mình còn có mẹ như đã từng ngày nhớ vợ chồng con cái mình?
Ôi mẹ tôi, thêm một lần tôi được xếp một bông hồng trắng bên cạnh nhiều bông hồng đỏ cho anh chị tôi là thêm một lần tôi nhớ từng hình ảnh Mẹ.
Tôi cầu mong luôn được Mẹ nâng dắt bước chân tôi như ngày ấy đến bây giờ.

Nhã Thảo

Đọc tiếp ...