Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

(76) GÓC NHỎ VĂN KHOA - CUỐI NĂM NHÌN LẠI

-         12-7-2011: Sinh nhật tập thể 6 tháng đầu năm của nhóm “Văn Khoa trẻ” cũng là ngày GÓC NHỎ VĂN KHOA ra đời, sau hơn 1 tháng trăn trở, dốc hết tâm huyết của THU NHÂN cùng với sự trợ giúp ban đầu của NGƯƠIGIAONLINE và hoàn thiện sau cùng bởi GIOHEOMAY.

Photobucket

Thu Nhân

         Photobucket

Gioheomay

- 12-8-20011: Đầy tháng GÓC NHỎ VĂN KHOA, xóm Văn Khoa dần hình thành với các blog của  THU NHÂN, GIOHEOMAY, CỎ MAY (TRÂN THÚY), GIAMINH03 (MINH AN), QUENGUYENTHANH (THANH QUẾ), NGUYEN TUAN KIET, VUONG VAN NAM, HOÀNG HƯƠNG, XUÂN TIẾN, BAC BO (NHÃ THẢO), TU VINH (QUAN THƯ), XUÂN HƯƠNG, THÚY LIỂU,  BÍCH TRÀ… Dù rằng cũng có nhà mở cửa rồi thì chủ nhà vì lý do gì đó  vắng mặt suốt từ đó đến giờ, nhưng hàng xóm Văn Khoa vẫn cứ lâu lâu ghé qua phủi bụi dùm, còn thì cứ đến tối bà con trong xóm Văn Khoa lại đỏ đèn oline và còn rủ nhau đi qua xóm MUL lớn bên cạnh, nếu vì lý do nào đó không đi xóm vài ngày là có người thấy nhớ và chợt hiểu ra mình đã nghiện… online mất rồi.

Photobucket

Những gương mặt của cư dân xóm Văn Khoa

Photobucket

Góc nhỏ âm nhạc của nhà Văn Khoa có hẳn một nhạc sĩ riêng: anh NGUYỄN TUẤN KIỆT nên phần âm nhạc thường xuyên có “cây nhà lá vườn”

Photobucket

Vương Văn Nam và Nguyễn Tuấn Kiệt

-          5 tháng cho một blog mới ra đời là một thời gian không lâu, nhưng GÓC NHỎ VĂN KHOA đã được cư dân xóm Văn Khoa xem như một nơi để thổ lộ tâm tình, một nơi trò chuyện mà sau mỗi cuộc chuyện trò lòng nhẹ biết bao nhiêu để tiếp tục những buồn vui trong cuộc đời. Đã có 76 entry của cư dân xóm Văn Khoa và các thân hữu: THẾ DŨNG, VÕ QUÊ, HOÀNG KIM ÂU, LÊ THỊ THANH TÂM, HẠ ĐÌNH NGUYÊN, HẢI ÂU, BỘI HOÀNG, MINHTMAP, QUYAN, NGÔ NGỌC DUNG… và chắc là trong tương lai sẽ còn nhiều nhiều thân hữu ghé lại đây với những tâm tình của mình. Xin đa tạ!

-         Từ tháng 7 với những hò hẹn vu vơ ban đầu, vậy mà GÓC NHỎ VĂN KHOA đã có một cuộc gặp mặt dã quỳ hoa tại Đà Lạt đúng vào ngày 11-11-2011, cuộc hẹn hình thành từ bài thơ Lời hẹn dã quỳ hoa của Gioheomay. Chỉ có 10 người gặp nhau bên những bụi hoa quỳ nhưng đã có rất nhiều bạn bè văn Khoa, bạn bè Mul cùng online tham gia với các chuyện kể của Những ngày dã quỳ hoa. Thế giới đã chẳng còn mênh mông nữa, đã rất gần với nhau.

Photobucket

-          Đã có hơn 550  comment ở Quán Văn Khoa để mọi người cùng nhau tâm sự, để mời nhau những tách cà phê, những món ăn… ảo, để chúc mừng sinh nhật, để giận dỗi nhau và để rồi lại làm hòa… GÓC NHỎ VĂN KHOA chốn đi về của những người Văn Khoa và thân hữu gần xa. Tuổi blog của Người Văn Khoa chưa nhiều, nhưng tình Người Văn Khoa đầy lắm. Xin cám ơn bạn bè gần xa đã đến với GÓC NHỎ VĂN KHOA, đến đây xin hãy ở lại đây nhé!

 

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

(75) HOÀI NIỆM GIÁNG SINH


Một hoài niệm rất Văn Khoa giữa mùa Noel phương Nam se lạnh của anh Nguyễn Tuấn Kiệt.
NgườiVănKhoa mang về đây, mời các bạn đọc nhé!


Photobucket

Ngày mai GIÁNG SINH.

Trong tiết trời se lạnh, không khí rộn ràng chuẩn bị NOEL của người tin CHÚA và cả không tin CHÚA, bao nhiêu hoài niệm choáng ngợp lòng tôi.

Nên bắt đầu từ đâu nhỉ? Từ Noel 1966 khi giữa dòng người đông đúc tôi gặp người phụ nữ, thân thể loang lở vết cháy bom napal, ôm con ngồi xin ăn trên đường Lê Lợi. Hay kể về một đêm Giáng sinh 12 năm trước, tôi và 1 linh mục thân thiết, sau tiệc nửa đêm, đàm đạo đến gần sáng về Thánh nhạc cổ xưa từ thế kỷ 10? Giữa hai thời điểm này là khoảng thời gian dài với biết bao điều để nhớ.

1) 1972

      Sau 7 tháng qua nhiều trại giam, tôi đón Noel trong xà lim Tổng nha cảnh sát SG. Bị biệt giam suốt,  tôi gần như không biết gì về tình hình bên ngoài. Đêm giáng sinh, không biết vô tình hay cố ý, người gác ngục ngồi đọc báo gần cửa xà lim số 1, nơi tôi đang bị giam. Lén nhìn qua ô cửa khoảng 1 tấc vuông, tôi giật nảy người khi thấy dòng tít lớn "không quân Hoa Kỳ tiếp tục ném bom Hà Nội". Dòng tít khác "...3 B52 bị bắn rơi". Với sức tàn phá của B52, các khu dân cư của Thủ Đô sẽ thành bình địa. Bao nhiêu người sẽ chết? Khoảng trống trước số 3 là do kiểm duyệt đục bỏ. Tôi đoán: như vậy ít nhất phải có 13 B52 bị bắn rơi? Đau xót, phẫn nộ vì sự dã man của đế quốc Mỹ xen lẫn vui mùng vì máy bay càng rơi nhiều, sự tàn khốc sẽ giảm đi, đồng bào ta sẽ bớt thiệt hại. Những ngày sau tôi tiếp tục được "cung cấp thông tin" bằng cách đọc báo lén! Đau lắm khi cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt còn mình bất lực trong cảnh giam cầm. Lòng tôi ngày càng nặng nề và bài thơ "Đêm Giáng sinh trong tù" ra đời.

              Mừng Chúa không thánh lễ

              không rượu, chuông nhà thờ

              Song sắt buồn mắt đỏ

              Vàng soi đèn thẩn thờ

              Đêm nay ai cầu nguyện

              Ai chết gục vô tình

              Trái tim nằm kể chuyện

               Bao nhiêu là ưu phiền

               ..................................

               Từ chối cửa thiên đàng

                Xin làm người Độc Lập

                Đêm đông thấy mặt trời

     Tiếc là không còn nhớ trọn vẹn bài thơ. Hy vọng sẽ tìm lại được vì đã đăng trên 1 tạp chí SV tranh đấu trước 75 và báo Văn nghệ giải phóng sau 75.

   2)

Hoài niệm đưa tôi đến những người bạn sinh viên công giáo tham gia phong trào tranh đấu tại Sài Gòn. Anh Nguyễn Xuân Hàm, thành viên của phong trào Thanh Lao Công, người ngưỡng mộ Che Guevara. Khi gặp lại anh trong căn cứ Thành Đoàn 1974 trông anh đúng là hình ảnh của Che: người vạm vỡ, nón tai bèo, súng M16 của Mỹ, mùa mưa khoác 1 tấm nylon xanh, phong cách rất khó tả nhưng thật thú vị. SV tranh đấu thời đó đều như vậy. Tôi thích dùng từ phong cách"Tráng sĩ" khi nói về điều đó. Hàm là người tổ chức recital guitare duy nhất trong đời tôi biểu diễn chỉ cho 1 người thưởng thức: Mai, vợ Hàm! Tôi sẽ kể chuyện này 1 dịp khác. Một lần Hàm đi công tác ghé vào đơn vị. Trời mưa, chúng tôi uống trà Hà thủ ô, chuyện trò rôm rả, tôi hỏi Hàm:

- Tò mò chút thôi, ông là linh mục tu xuất, sao lại theo giải phóng?

- Đơn giản thôi, Cách Mạng như chiếc xe tăng dũng mảnh lao về phía trước, cản đường sẽ bị nghiền nát, đứng qua 1 bên cũng không được, leo lên đi cùng là hay nhất vì xe tăng đó đưa mình tới bến Độc Lập Tự Do.

  Tôi chỉ nhớ ý anh trả lời như vậy, bất ngờ và giản dị. Anh Thông (3 Hiền) lại là 1 trường hợp đặc biệt. Là người công giáo, sĩ quan quân đội VNCH, anh quyết định về với Cách Mạng. Xin nghỉ phép về lấy vợ, ngay sau đám cưới, cánh mặt trận thanh niên Thành Đoàn đưa anh về căn cứ Long Khánh. Anh nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở chiến khu. Việc đầu tiên là cất một căn nhà riêng để anh rước vợ vào thăm. Anh và chúng tôi đi cắt tranh, đốn gỗ làm nhà. Căn nhà bên suối đã vun quén hạnh phúc của đôi vợ chồng phải chia tay ngay sau khi nói với nhau lời gắn bó suốt đời. Một buổi sáng chúng tôi cùng uống trà. Anh nói với vợ:

- Mình hay hát "người hẹn cùng ta đến bên bờ suối". Bây giờ ở bên bờ suối rồi. Nhưng em ơi để có được căn nhà bên suối này anh đã đi cắt tranh, đứt tay, té suối, chân bầm dập. Các anh cùng giúp vào. Không có hạnh phúc nào tự nhiên có đâu em.

  Chúng tôi cảm động vì lời nói chân thành của anh. Sau này hai anh chị trở ra SG hoạt động trong đồng bào công giáo và tiếp tục công tác sau 30.4.75 cho đến khi nghỉ hưu. Có thể kể nhiều nữa về các bạn công giáo: Nguyễn xuân Phổ (đã mất, đời anh là 1 câu chuyện buồn), Bác sĩ Phạm Quốc Vỹ, Đòan Khắc Xuyên, Trần Hữu Quang, Ngoãn, Hậu (đã mất vì tai nạn giao thông) v.v.

Trong thời khắc "Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm" này, tôi nghĩ: Hướng đến Độc Lập dân tộc, Hạnh Phúc nhân dân, Phồn vinh đất nước, sẽ không có khoảng cách nào giữa người có tín ngưỡng và Không tín ngưỡng.

3)

Khoảng tháng 11.74 Sen Trắng vào căn cứ làm việc với tôi. Lúc bấy giờ vắng mặt lâu không có lợi. Giao liên đưa ST đến căn cứ khoảng trưa là làm việc suốt. Tối nghỉ được vài giờ. Sáng hôm sau giao liên đưa ra. ST báo tin Hướng Dương sắp kết hôn với...Tôi ngạc nhiên vì lần vào trước không nghe HD nói gì. Tuy nhiên tôi yên tâm về đôi bạn và băn khoăn không biết mừng đám cưới như thế nào. Thôi thì tặng thơ!  Sau này HD tâm sự "tụi em chọn Noel làm đám cưới vì muốn có cờ tổ quốc. Mượn ngôi sao vàng Noel để không bị theo dõi". Bài thơ viết rất, rất vội được ST đọc trong đám cưới với lời giới thiệu là quà của một người bạn ở xa? Tôi còn nhớ vỏn vẹn 3 câu!

         Khi loài người yêu nhau

         .....................................

                .......................................

         Nhìn nhau nhìn một hướng

         Yêu nhau trong cuộc đời

         .......................................

   Như vậy đó, một thời tuổi trẻ chúng ta sống đẹp. Đường đời không tránh được chông gai. Dù sao, quá khứ đã là phần máu thịt của mình.

"Hoài niệm Giáng Sinh" hy vọng góp 1 lẵng hoa cho tiệc nửa đêm của góc nhỏ VK, có thể lạc điệu, có thể riêng tư nhưng ít nhất hoa vẫn là hoa của riêng tôi !!!

  Mời các bạn nghe lại ca khúc Amazing grace.

Lời Việt: NTK. Ca sĩ: Hương Giang và nhóm AC&M

Attachment: On Huyen Dieu(Old).Huong giang hat. Nhung ca khuc bat tu Vol.3 Khuc Lang man 6-2005.mp3

6Lời bình
btthuy wrote on Dec 23, edited on Dec 24
Những hoài niệm và lẵng hoa của riêng anh mà anh đã gửi tặng cho Góc nhỏ Văn Khoa khiến em xót lòng trong một chút lạnh của buổi sáng Noel.
Cho phép em được viết thêm mấy câu trong những dòng thơ anh còn để trống:

Khi loài người yêu nhau
Khi đôi ta yêu nhau
Đã có lời hẹn ước
...............................
Nhìn nhau nhìn một hướng
Yêu nhau trong cuộc đời
...................................
Thời gian thắm thoát thoi đưa
Có đôi khi lạc lối
Chẳng còn hướng đi xưa
Rồi giật mình nhìn lại
Vẫn có nhau trong cuộc đời!

Ngẫu hứng, em viết tiếp, nếu cảm thấy chưa "ưng bụng", anh delete nhé! Những giọt nước mắt sáng nay, em dành cho entry "Hoài niệm Giáng sinh".
nguyentuankiet wrote on Dec 24
btthuy said
Ngẫu hứng, em viết tiếp, nếu cảm thấy chưa "ưng bụng", anh delete nhé!
Bài thơ xưa chắc không ai nhớ rồi,Thúy viết tiếp khá hay đó chứ. Noel vui khỏe nhé.
giaminh03 wrote on Dec 24
Tối Noel vào đây, bỏ lại nhộn nhịp bên ngoài, quá khứ quay lại, đọc và nhận ra có người quen, có người không quen nhưng mọi thứ trong entry này khá gần gũi. Rồi tiếp đến là một cái còm họa thơ. Một buổi tối Noel thật đặc biệt và thú vị! Cám ơn anh Kiệt và chị Thúy. Chúc Giáng Sinh vui vẻ nhé.
btthuy wrote on Dec 24
Bài thơ xưa chắc không ai nhớ rồi,Thúy viết tiếp khá hay đó chứ. Noel vui khỏe nhé.
Cuối năm được anh khen, chắc chắn em sẽ ấp áp cho đến...năm sau.
Quả là con người ta thích được khen hơn là bị chê, anh nhỉ!
Nhà anh chị có nghe phố phường rộn rịp không? Cái cầu Nguyễn Văn Cừ đang tra tấn em!
nguyentuankiet wrote on Dec 24
btthuy said
Nhà anh chị có nghe phố phường rộn rịp không? Cái cầu Nguyễn Văn Cừ đang tra tấn em!
Cầu NVC mới xây nên ì xèo là phải rồi. Cầu chữ Y củ xì cũng rần rần luôn!!! Bye bye Noel,hẹn năm sau !!!
thunhan wrote today at 11:41 AM
Một hoài niệm bùi ngùi...
Em "gặp" trong entry này người quen,người biết, người thân.
Bùi ngùi cho người biết đã xa khuất mãi rồi, cũng bùi ngùi cho người thân quen còn quanh đây với bao nỗi niềm...
Thời gian vẫn trôi, hoài niệm vẫn còn ở lại!

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

(74) Nhớ anh Tri Chính


Và những dòng thương nhớ vừa ráo mực của Cỏ May


Photobucket

Văn Khoa của tôi năm xưa.

Tôi mến mộ anh Trinh Chí từ khi mới đọc báo Tuổi Hoa và không ngờ, có một ngày được gặp và làm việc cùng với anh và anh chính là: Nguyễn Tri Chính. Anh
hiền, ít nói, hay căm cụi làm việc, có đôi mắt sâu với đôi chân mày rậm đến…phát sợ nếu nhìn lâu!

Khi tôi bị bắt ở Cảnh sát Quận 1, vì tôi làm báo chung với anh nên đêm đó, tôi và chị Quế đều rất hồi hộp. Nghe tiếng xích sắt khua, một phòng giam nào đó vừa
được mở cửa là chúng tôi lại hé mắt nhìn xem có phải anh Chính vào không? Và cứ vậy, chúng tôi thức đến sáng, tiếp tục lo lắng, vì rất có thể anh đang ở một
phòng giam đâu đó...

Tôi còn nhớ, lúc nhà anh còn ở Hàng Xanh, thỉnh thoảng tôi và người yêu có ghé chơi, anh hay cười cười nhắc tôi: “Nè, em đừng có ăn hiếp thằng…nha, tội nghiệp nó!”. “Trời, bộ em dữ lắm hả, em chỉ lanh thôi, em có ăn hiếp ai đâu?!”. Anh chị và cả hai bác tiếp chúng tôi rất chân tình, trong ngày cưới tôi, chị Mai, vợ anh, với chiếc áo dài màu tím của cô gái Đà Lạt “chính hiệu” đã say sưa hát…

Sau 1975, thỉnh thoảng tôi gặp lại anh trong những lần họp mặt, vẫn rất vui vẻ, thân tình và anh cũng có về chơi ở nhà tôi tại Mỹ Tho. Những lần đám cưới con
anh, tôi đều dự đầy đủ.

Vẫn tưởng dòng đời cứ trôi, dẫu rằng, cuộc đời anh, không phải là không có những sóng gió, anh cũng đã đôi lần chia sẻ với tôi…

Nào ngờ anh phát bệnh, thời gian đầu, anh vẫn rất lạc quan, vì anh đâu biết mình vướng phải căn bệnh ngặt nghèo. Chị Mai đã báo với chúng tôi. Nhìn anh vui vẻ như thế, chúng tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Những ngày cuối đời của anh rồi cũng phải đến. Chiều hôm ấy, chúng tôi hẹn nhau đến bệnh viện Chợ Rẫy, cái box…quen thuộc đây rồi! Anh không nói được, nhìn chúng tôi hết lượt (mỗi người vào thăm một chút) và…chảy nước mắt.

Chúng tôi xót thương anh nhưng chẳng biết làm gì hơn, ngoài những cái nắm tay chặt hơn, những ánh mắt quay đi, che giấu. Anh bị phù khắp người, thở bằng máy, mắt vẫn nhìn mà không nói được gì cả.
Có đau đớn nào hơn, bạn bè vẫn đang ở quanh anh đây, anh Chính ơi!

Chúng tôi bàn bạc với Chị Mai, dặn dò Tri Quang những điều cần làm để lo hậu sự cho anh…
Ngày hôm sau, anh về nhà và ra đi mãi mãi. Lại thêm một bà mẹ già trong cảnh ‘tre khóc măng”. Tôi rất sợ tình cảnh này, đặc biệt là sau khi má tôi, rồi dì tôi mất, vậy mà, tôi cứ phải chứng kiến nhiều lần, ngay chính tại gia đình của những người bạn trong phong trào.

Hằng năm, ngày giỗ anh, bạn bè lại đến thắp cho anh nén hương, hỏi thăm mẹ đôi điều và rồi… mỗi người lại mỗi nẻo.

Hôm nay, nhắc một chút kỷ niệm về anh, để bạn bè cùng nhớ thương anh, một người anh, một người bạn, đã một thời cùng chúng tôi san sẻ…

Ở cõi vĩnh hằng, anh hãy ngủ yên sau những năm tháng đã làm đẹp cho đời bằng những tác phẩm hay. Nơi ấy, không có đớn đau, bệnh tật, chỉ có hoa nở, chim hót và những lòng thanh thản, không còn vướng víu bụi trần…

Mồng 10 tháng 11 năm Tân Mão
Cỏ May

Đọc tiếp ...

(73) NỖI ĐAU SAU CHIẾN TRANH VẪN DAI DẲNG


Tháng 12 này cũng có ngày giỗ của Người Văn Khoa Nguyễn Tri Chính - nhà báo Trinh Chí ở Tuổi Hoa ngày xưa.
Người Văn Khoa mang về đây bài viết rất cảm động của anh Nguyễn Tuấn Kiệt để chúng ta cùng chia sẻ.

Photobucket


Ngày 10.11 âm lịch giỗ Nguyễn Tri Chính. Biết năm nay chỉ cúng trong gia đình, chiều nay tôi đến thắp nhang. Mai, vợ Chính, đi đám cưới. Tôi nói chuyện với mẹ Chính hơn 1 giờ và hiểu thêm nhiều điều về bạn. Trở lại chuyện cũ 1 chút. Giữa năm 1973, sau gần 1 năm biệt giam tại xà lim Tổng nha cảnh sát, chính quyền SG chuyển tôi qua Chí Hòa, ở chung phòng giam svhs. Tôi gặp nhà thơ Triệu Từ Truyền (Triệu Công Tinh Trung) 1 đồng chí lãnh đạo của cánh học sinh. Nhà thơ hỏi tôi có biết N.T.Chính không? Tất nhiên là tôi biết. Sau ít lâu, T.T.Truyền thì thầm với tôi về Chính. Làm việc này, nhà thơ đã phá bỏ nguyên tắc tổ chức. Có lẽ anh ấy lo lắng cho đồng đội của mình. Thì ra Chính đã tham gia CM khi còn là học sinh và đã được kết nạp Đoàn. Tạp chí Tuổi Hoa mà anh cộng tác với bút danh Trinh Chí nổi tiếng đã có sự dẫn dắt của tổ chức. Anh Truyền bị bắt, Chính đứt liên lạc. Do đó khi vào học VK, Chính hòa nhập ngay với phong trào, họat động báo chí. Anh Truyền đặt thẳng vấn đề với tôi: "nếu anh có cách liên lạc với Chính, cứ mạnh dạn giao việc. Tôi đảm bảo với anh về Chính". Lúc bấy giờ do chiêu hồi khai báo, chi bộ VK tan nát, cơ sở bị bắt, lộ bể gần hết, chỉ còn sót lại Cỏ May và Hoa Hạ (Hồng Diệp). Biết được 1 đồng chí đang chờ chắp nối, vượt nguyên tắc cũng phải làm thôi. Khi HD vào thăm nuôi, không thể cho biết hết mọi việc, tôi chỉ nói HD tìm cách liên lạc với Chính, cứ bàn công việc không có gì e ngại. Sau 30.4.75 tôi đã làm tròn trách nhiệm khi xác nhận việc Chính đã tham gia hoạt động tại VK để bổ sung lý lịch kết nạp Đảng.

Hôm nay nghe mẹ kể chuyện tôi hiểu con đường Chính đã chọn là tất yếu.

Mẹ kể về 9 năm hoạt động phụ nữ xã ở quê hương Phú Yên. Đêm khuya đi vận động quần chúng có người hỏi chị sợ không. Mẹ trả lời mắc gì mà sợ. "Nói vậy chớ làm sao bác không sợ hả cháu, bác nói vậy cho chị em vững lòng"...

Mẹ kể về giai đoạn ba Chính bị giam cầm, mẹ tìm cách bán quán nước gần nhà giam để thăm nuôi chồng và anh em tù nhân, đồng thời làm liên lạc cho tù nhân với tổ chức bên ngoài...

Mẹ kể sau 1954, Chính mới 3 tuổi, mẹ và chồng chuyển vùng về SG công tác...

Mẹ kể năm 1977 ba Chính mất vì bịnh hậu do tra tấn của kẻ thù lúc bị giam cầm...

Mẹ đem bánh ít lá gai ra cho tôi ăn. Mẹ nói bánh ngoài quê gởi vô cúng thằng Chính đó cháu. Mẹ hỏi tôi bánh ngon không, tôi trả lời ngon lắm bác. Bánh quê mới có lá gai thật, mẹ bảo cháu ăn nữa đi.

Rồi mẹ ngần ngại, có chuyện này không biết cháu có giúp được gì không? Mẹ đem ra 2 bộ hồ sơ của mẹ và chồng đề nghị hưởng chính sách theo nghị định 290.

- Bác nộp hồ sơ từ năm 2007 tới giờ chưa giải quyết. Hồ sơ của bác duyệt rồi trên giấy tờ còn của ổng họ nói thiếu cái gì đó.

- Sao bác không hỏi để bổ túc hồ sơ?

- Tháng trước bác lên hỏi,họ nói người có trách nhiệm giải quyết đi công tác rồi. Một tháng nữa bác quay lại. Cậu trẻ trẻ tiếp bác nói bác chờ mấy năm rồi, ráng chờ thêm 1 tháng nữa!

   Ôi câu nói có lẽ định an ủi nhưng nghe ra vô cảm, bạc bẽo quá chừng. Tôi đọc hồ sơ, thương mẹ quá. Mẹ cho biết đã đi Hà Nội 3 lần để tìm người xác nhận, không kể việc tìm người ở SG, Phú Yên. Cũng may mẹ đã làm giấy tờ xác nhân này từ trước, khi làm hồ sơ huân chương kháng chiến. Chứ bây giờ mới làm chắc không còn ai để xác nhận! Mẹ cười buồn:

- Bác 90 tuổi rồi, không biết lúc được hưởng chính sách có còn sống không? Tiền bạc không đáng cháu à, không đủ để bác đi cyclo tìm người xác nhận. Nhưng cây có cội nước có nguồn. Bác muốn có chính sách để cháu chắt nó biết ông bà đã làm gì.

Tôi không dám hứa sẽ giúp gì cho mẹ, chỉ khuyên mẹ gặp lại như họ đã hẹn coi giải quyết như thế nào rồi tính.

Tôi xin phép mẹ thắp nhang, nhìn di ảnh Chính mà thương mẹ tre già khóc măng. Lúc về mẹ ôm tôi vào lòng nói:

- Bác thấy cháu như thấy lại thằng Chính

Mẹ đưa tôi gói bánh ít bảo tôi đem về cho vợ. Câu nói của mẹ cứ ám ảnh tôi mãi "Cây có cội nước có nguồn..." Bao nhiêu người đã hy sinh vì đất nước, chính sách chỉ là sự ghi nhận sự hy sinh cao cả ấy. Không ai hy sinh vì chính sách mai sau! Chiến tranh, dù chính nghĩa, luôn đi kèm nỗi đau mất mát. Sao nỗi đau ấy vẫn còn dai dẳng đến ngày hôm nay?

Photobucket

Mẹ ơi, chắc là con sẽ ăn bánh mẹ cho, có vị mặn của nước mắt. Con sẽ thăm mẹ nhiều hơn để mẹ thấy lại con của mẹ.


Đọc tiếp ...