Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

(47) Tháng Mười - NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐÃ ĐI QUA CUỘC ĐỜI NÀY…

 

Photobucket


Nhóm chúng tôi là những người học Văn Khoa vào những năm đầu của thập kỷ 70, vì vậy khi gặp nhau các anh chị học Văn Khoa những năm cuối thập kỷ 60 gọi nhóm chúng tôi là “Nhóm Văn Khoa trẻ”. Gọi như thế từ khi tóc còn xanh cho đến khi đầu đã bạc, gặp nhau các anh chị vẫn gọi “Văn Khoa trẻ” cho dễ nhận nhau. Có lẽ vì cứ quen nghe Văn Khoa trẻ mà chúng tôi quên mất quy luật Sinh - Lão - Bệnh - Tử, cho đến khi có một lúc chúng tôi nhận ra hình như thời gian đó nhận điện thoại hay nhắn tin chỉ toàn để đi thăm  bệnh , nhiều đến mức đâm ra phát sợ, nhưng sợ cũng không tránh khỏi, đã có những người bạn lần lượt đi qua khỏi cuộc đời này.

          Tháng 9 âl năm đó, chúng tôi đã tiễn một người bạn thân quý nhất của cả nhóm – bạn Huỳnh Ngọc Hội – Cho đến bây giờ mỗi sáng đi bộ tập thể dục trong Tao Đàn, đi ngang chỗ bạn thường đứng tập trước đây, tôi vẫn cứ ngơ ngẩn nghĩ sao lại thế được! Thường buổi sáng bạn tập thể dục ở đó, cuộc sống gấp rút nên gặp nhau mỗi buổi sáng chỉ vẫy tay một cái rồi thì ai nấy đều bị cuốn vào trong bộn bề  cuộc sống hàng ngày.

Tôi vẫn nhớ, khi sinh thời bạn là người không thể thiếu được của nhóm Văn Khoa trẻ này, ngay cả từ hồi trong phong trào SVHS cũng vậy, bạn thuộc đội Công tác xã hội, hiền lành ít nói nhưng rất gan lì, bởi vậy khi bị bắt bạn bị đưa ra Côn Đảo. Sau hòa bình, bạn vẫn vậy, không đứng từ cái cái hào quang quá khứ để nhìn xuống, vẫn nhận những công việc bình thường vất vả, còn nhớ thời gian đó Hải Triều còn nhỏ, mẹ và vợ bạn vẫn ở quê với Hải Âu. Bạn mang Hải Triều vào Sài Gòn, hai cha con ở nhà tập thể, khi nào đi công tác vài ngày bạn lại mang con đến nhà tập thể báo SGGP gởi cho chị Thúy Liễu. Bạn bè chia sẻ khó khăn với nhau, để mấy chục năm sau trong đám cưới của  Hải Triều, cả nhóm ngồi ôn lại chuyện cũ hồi thằng bé mới 3 tuổi.

Thời gian đi qua thật nhanh, cứ tưởng chúng ta bình yên để có dịp là hội tụ với nhau. Vậy rồi thình lình chúng tôi mất bạn!


Photobucket

Ba tháng trước khi bạn mất, cả nhóm còn được đi dự đám cưới Hải Âu, rồi những ngày sau bạn còn rồng rắn dẫn chúng tôi đi thăm bệnh bạn Phan Tú Lộc, anh Nguyễn Tri Chính, anh Trần Luyến trước khi  bạn cũng vào nhập viện vì những cơn ho dai dẳng kéo dài mà do để tập trung vào chuyện cưới vợ cho con trai bạn nấn ná chưa đi khám bệnh. Nhận được tin nhắn bạn bị mắc bệnh hiểm nghèo, cả nhóm sấp ngửa chạy vào bệnh viện, bạn cười khi thấy bạn bè chung quanh và  bạn vẫn lạc quan để chiến đấu với bệnh tật, nhưng trong cuộc chiến này sức mạnh thuộc về số phận.

Chúng tôi tiễn bạn mà tiếc nuối vẫn còn mãi không thôi.

          Photobucket

Bạn Hội mất,  Tú Lộc đang nằm bệnh viện vẫn hỏi thăm, chúng tôi đành nói dối là Hội về quê chữa bệnh, nghe vậy Tú Lộc lật đật ghi tên thuốc bảo tôi "gởi cho Hội mua uống, thuốc này tốt lắm, Lộc đang uống và thấy khỏe lên".

Cô bạn tội nghiệp của tôi, cô khỏe lên là vì cô đang cố gắng chiến đấu với bệnh tật để làm một tâm nguyện cuối cùng: cưới vợ cho con trai. Cuộc đời của bạn chắc chỉ vui chừng 20  năm đầu tiên, còn nhớ hồi đó, Tú Lộc 18 tuổi, tóc demi-garcon, nhỏ nhắn, xinh xắn, giọng hát cao vút, mỗi khi bạn cất tiếng lanh lảnh: “Em sẽ hái hoa cho chị cho anh cắm trên trời Tổ quốc…”  là tiết mục đó ăn lựu đan cay sớm nhất so với các tiết mục khác trong những đêm Hát cho đồng bào tôi nghe. Bạn bé như cái kẹo, nhưng rất nhanh nhẹn và rất lì, vì vậy bạn cũng bị bắt rất sớm. Rồi bạn được thả, năm 72, nhóm phong trào SVHS Văn Khoa tan tác vì bị bắt gần hết, bạn về trường ngơ ngác, bơ vơ. Cha mẹ buộc quay về Ban Mê Thuột, năm sau bạn đi lấy chồng, con trai được 2 tuổi, bạn chia tay với chồng, và người đó mất hút như một viên sỏi ném xuống biển. Từ đó cuộc đời bạn rất ít ngày vui, một mình nuôi con trong những ngày khó khăn, có thêm một bà má nuôi cho cu Bảo là tôi nhưng chỉ hụ hợ phần nào, bạn cày như điên để nuôi con, người bé choắt lại, đầu tóc như rơm khô vì nắng gió.  Cuộc đời ai cũng có những sai lầm, bạn nhiều vất vả, sai sót cũng nhiều và phải lầm lũi một mình đi qua những năm tháng cuộc đời.

Tâm nguyện cuối cùng của bạn cũng hoàn thành, cưới vợ cho con trai xong bạn vui lắm, nhưng không nán lại được đến lúc cháu nội ra đời. Bây giờ mỗi lần cu Bin gọi tôi “bà nội”, tôi lại nhớ đến bạn, lẽ ra tiếng bà nội đó phải dành cho bạn, Tú Lộc ơi!

          Photobucket

Thời gian đó thật khó khăn, Hội mất, không chỉ nói dối Tú Lộc mà còn phải nói dối cả với anh Tri Chính và anh Trần Luyến. Cứ vậy, những ngày tháng đó, nhóm chúng tôi thường xuyên ra vào bệnh viện Nguyễn Trãi, bệnh viện Thống Nhất, Viện điều dưỡng quận 8… và cứ một người bạn nào ra đi thì cũng vẫn phải dấu không dám cho người đang còn nằm ở bệnh viện biết.

Anh Tri Chính và anh Trần Luyến là lớp đàn anh, nhưng cùng với một số anh chị lớn khác khá gắn bó với nhóm Văn Khoa trẻ chúng tôi, nhất là anh Tri Chính, anh tham gia bộ phận báo chí một thời gian trong phong trào. Có anh, chúng tôi vui lắm vì anh là người có nhiều kinh nghiệm do anh là người phụ trách mục Đồng Cỏ Non trên báo Tuổi Hoa. Sau ngày Hòa bình, anh làm quản lý trong một trong một trường PTCS. Rồi những phiền toái của cuộc đời buộc anh phải rời trường. Nhận công việc mới ở một tờ báo của ngành giáo dục thích hợp với chuyên môn của anh hơn, nhưng xa trường học anh vẫn buồn. Những ngày đó, nhóm nữ chúng tôi dù không biết uống rượu vẫn đem một chai rượu vang đến để cụng ly với anh trong một cuộc họp mặt như một lời chia sẻ thầm lặng. Những tưởng rằng khó khăn của một đời người như vậy là nhiều rồi, nhưng anh vẫn lại phải tiếp tục một cuộc chiến đấu khác, và lần này anh phải chịu thua! Chúng tôi cũng đã mất anh.

          Đã bước qua tháng 9 âl, ít lâu nữa chúng tôi sẽ gặp nhau trong đám giỗ của Hội. Những câu chuyện của ngày xưa sẽ trở về...


Photobucket


Hôm nay, những dòng này như những nén hương gởi đến các bạn, các anh chị Văn Khoa đã đi qua cuộc đời này. Nói như nguoivankhoa đã từng nói: Ở đâu đó cũng có một góc nhỏ Văn Khoa…

Tháng 10/2011

GiaMinh

Đọc tiếp ...

(46) Tháng Chín sắp qua!

 

Photobucket

Hôm nay là ngày 30, ngày cuối cùng của tháng Chín
.
Tháng Chín cũng qua, qua như thời gian vốn mải miết trôi...
 
Vài mươi phút nữa thôi là qua ngày mới của tháng 10, tháng có ngày giỗ của một người Văn Khoa, bạn Huỳnh Ngọc Hội - lứa "Người Văn Khoa trẻ".
Bạn tôi đã ra đi khi vẫn còn trẻ,
vẫn trẻ cho dù đến bao giờ.
Bạn tôi vẫn còn trong tâm trí của những người ở lại với tất cả tình thân mến. Nhớ những ngày của hơn bốn mươi năm trước, chúng tôi chân ngập ngừng bước vào ngôi trường đại học với thật nhiều bỡ ngỡ. Chúng tôi đã cùng sống trong cái không khí hừng hực của những ngày tranh đấu để rồi thân nhau, thương nhau như người một nhà.
Qua bao nhiêu vật đổi sao dời, qua bao thăng trầm của cuộc sống, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì tình thân ấy vẫn đầy theo ngày tháng.

Tôi biết mình khó mà nói hết được những điều suy nghĩ - ngôn ngữ trong tôi vẫn hay bất lực vào những lúc mà cảm xúc ùa về...
Tôi vẫn nhớ như in nét cười hiền một chiều sắp muộn, bạn ngồi ở đầu chiếc thuyền rời bờ bên này sông Tiền sau một ngày nhóm bạn bè chúng ta rong ruỗi trên đất cù lao Bến Tre với bao nhiêu là tiếng cười, bao nhiêu là câu chuyện từ những ngày xa thật xa...
Tôi vẫn nhớ cái thảng thốt của mình khi nghe tin dữ, bạn không thể và không phải nhận căn bệnh quái ác kinh khủng ấy...
Tôi vẫn nhớ mấy cuộc điện thoại và tin nhắn ngày bạn rời xa...
Nhưng tôi biết bạn bè không hề mất bạn, Hội ơi!
Những dòng này là bước nhớ từ tháng Chín theo sang, vào những phút cuối của một ngày để bắt đầu sang ngày mới tháng Mười.
Gởi bạn với tình thân.

Thu Nhân


Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

(45) Tháng Chín và những ngôi trường (6)

Tháng Chín,
mùa Thu,
ngôi trường và kỉ niệm ...
có phải chính là nguồn cơn gợi nhớ?
Nỗi nhớ bật lên thành thơ.
Những bài thơ có tuổi đời khá dài, dài như những nhớ thương luôn còn với tháng ngày trôi...
Mời các bạn xa gần đọc lại vài bài của người thơ Văn Khoa Vương Ngọc Hồ


Thư gửi mùa Thu

Photobucket


đêm buồn mưa nhuốm màu thu
nhân gian há có kẻ sầu vì ta
còn đâu mơ ước ngọc ngà
nhớ nhung xưa cũ đã qua phong trần
ta đi sầu nặng gót chân
chăng chi rồi cũng một lần xuân thôi
ta ngồi tính lại tuổi đời
buồn sao cho xiết những lời đắng cay
nên chăng số kiếp an bài
bỗng đâu giông tố về gây bất bình
nhớ con đường cũ sử tình
nàng đi qua đó ta nhìn dáng thơ
ngày nao tóc xõa đôi bờ
xưa sao xa vắng bơ vơ cổng trường
thuyền thời gian, vết đau thương
tình ta còn lại mấy đường tơ khô
thoáng qua một phút mơ hồ
ngọn cây ướt đẫm xanh bờ mắt em
gió tung bối rối tóc mềm
đưa hương kỉ niệm về miền tâm tư
mười lần hò hẹn thuở xưa
hai thu cũng đủ để vừa lãng quên
bến thương yêu đó không tên
lạ sao xa lộ mông mênh buổi chiều
ai đi trong gió đìu hiu
chờ con nắng xuống buồn teo phố phường
đợi tà áo trắng người thương
ai đem xanh biếc vào vườn mắt em
lao xao hè phố kiếm tìm
ta nghe nỗi nhớ sôi tim từng giờ
văn khoa 1972

    

              Sóng chiều

            Photobucket

          Anh muốn gởi em một buổi chiều

          Buổi chiều rất nhớ rất cô liêu
          Sóng xanh thoáng gợn sầu tóc bạc
          Còn lại gì sau cuộc bể dâu


             Vũng tàu 1972


Mộng ngày xanh
(mai sau còn lại chút này của riêng!)

Photobucket


Giấc mơ sao yên lành em nhỉ?
Anh tin rằng dù qua bao thế kỷ
Trái tim anh vẫn mãi mãi si tình.
Nếu ngày nào ước nguyện chẳng toàn sinh,
Tim ấy sẽ là ngọc buồn trong đáy mộ.
Với thời gian cùng xương trắng ân tình.


Gió tạtPhotobucket

Đêm qua gió tạt ngang trời, 
Gió đưa rơi lá chơi vơi trái sầu.
Đêm nay gió thổi về đâu?
Đem hơi sương lạnh qua cầu thiên thu
Thân ta là cánh phù du,
Lao đao khổ hải mây mù tương lai.
Nghìn năm còn hận sắc tài,
Cho cao danh vọng lại dài gian truân.
Đi cho hết kiếp phong trần,
Ta về nằm lại mộ phần của ta!
                                              
                                                          cuối năm 72
                                                                 Ốc đảo đào sinh




    Lời xin lỗi

      Photobucket


      Xin lỗi nhé! Bốn mươi năm rồi đó.

      Có một lần em muốn hỏi cho ra.
      Vì sao? Vì sao? và vì sao nữa?
      Không trả lời, anh lặng lẽ đi xa!
      Lâu lắm rồi, biết có ai còn nhớ?
      Bốn mươi mùa mưa nắng hẳn phôi pha.
      - Lòng sao nặng, xốn xang và bỡ ngỡ
      Bởi CHÚT TÌNH XIN GỬI LẠI VĂN KHOA?


      Xin lỗi nhé! Đừng để buồn trong mắt.
      Chuyện tình xưa theo gió hãy bay đi.
      Xin giữ lấy trái tim hồng ấm áp.
      Biết bao ngày xao động - mối tình si!
      Còn chút thời gian xin bước tiếp.
      Cứ điểm tô hương sắc chốn vườn xưa
      Để đôi lần ta lại về gặp mặt.
      Thương Sài Gòn những sớm nắng chiều mưa.

       8/2011



Áo trắng còn đâu...
 
  
Photobucket

Có bao giờ em còn đến thăm anh?    

Một buổi sáng tình cờ như lần đầu gặp gỡ;    
Như cánh chim vừa vụt khỏi lồng son    
Bắt gặp lại bầu trời rộng mở.   


Có phải không em đã quá xa ngày đó?    
Chiều công viên nắng rọi áo trinh nguyên    
Anh ngơ ngác như từ trong giấc ngủ    
Chân mộng du cùng với thiên tiên!   


Anh chỉ hỏi nào có ai nghe thấy?    
Nhớ ngày xưa nên nghĩ vẩn hỏi vơ    
Nắng hôm nay vẫn vàng như thuở ấy    
Áo trắng còn đâu_Anh dệt mộng thêu mơ?   

                                                                                                            9/2011

    Nhớ...

     Tôi nhớ trường xưa, nhớ những ngày đại hội.
     Có bạn bè đông đảo vỗ tay reo.
     Bươm bướm sáng mai và tuyên cáo buổi chiều,
     Có tiếng hát cộng đồng vang vang trên sân cỏ.
     Tôi thấy mình đi trên hành lang nhung nhớ,
     Lòng dặn lòng: ta đã gặp quê hương.
     Trong lớp khói cay, dưới mưa ma trắc, trước họng súng trường,
     Qua nước mắt em thơ, qua múi chanh tình nghĩa.
    
     Tôi nhớ ngày xưa...như bản hùng ca,
     Đáng giá bằng máu xương nước mắt
     Của thế hệ anh hùng_con cháu tổ tiên ta
     Đang tiếp nối con đường đi thống nhất
     Về tương lai_một bình minh rực rỡ thái hòa./

      Tháng 9/1972

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

(44) Tháng Chín và những ngôi trường (5)


Văn Khoa mãi là nơi để Người VănKhoa gởi chút tình.
Đó là hồi ức về những tháng năm đẹp nhất của đời người:
Là nỗi nhớ miên man không dứt về những người bạn thân thương
Là những kỉ niệm dẫu xa vời nhưng đậm nét...
Người VănKhoa giới thiệu một "bất chợt" của Thu Nhân từ một comment...

Photobucket



 "...hối hả yêu thương nhau"

Ta hối hả yêu thương nhau đi nhé
Kẻo nữa rồi sương khói tóc mây pha
Những được mất hơn thua chừng nhỏ bé
Mừng ta còn nước mắt nhớ ngày qua

Ta hối hả gọi đời nhau đi nhé

Kẻo nữa rồi lời không kịp trên môi
Gió thời gian thổi tim ta run khẻ
Mùa cứ trôi trong tiếc nuối bời bời

Ngôi trường cũ còn hoài trong nỗi nhớ
Bóng bạn xưa đâu đó góc giảng đường...
Dòng sông đó dẫu bên bồi bên lỡ
Hạt phù sa - tim nhỏ cứ vấn vương...

Thu Nhân
9/2011

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

(43) Tháng Chín và những ngôi trường (4)

Đại Học Văn Khoa Sài Gòn đã từng là một trong những cái nôi của Phong trào Học sinh – Sinh viên Sài Gòn – Gia Định trước 1975. Ngày đó, chúng tôi đã gian nan từng  bước dành quyền làm chủ trong Ban Đại diện Sinh viên, và cuộc chiến ấy cũng không dễ dàng gì…

Tháng Chín, nhớ về ngôi trường Văn Khoa yêu dấu ngày xưa, Người Văn Khoa giới thiệu đôi dòng hồi ức của một người trong cuộc - Chị Huỳnh Quan Thư - đã ưu ái gởi về cho Góc nhỏ Văn Khoa.


Photobucket

LÁ PHIẾU NGHĨA TÌNH


(Viết về cuộc bầu cử Ban Chấp Hành Sinh Viên Văn Khoa 1967-1968)


Niên khóa 1967-1968, nhóm sinh viên yêu nước bước đầu dành quyền làm chủ Hội
Đồng Đại diện Sinh viên (1), tức nắm được 6 nhiệm ý và 33 chứng chỉ của trường. Anh Lê Quang Lộc làm chủ tịch, tôi làm thủ quỹ, ngoài ra còn có các anh Trương Văn Hùng, Dương Hữu Hạnh - những sinh viên thân với phong trào đấu tranh.

Tuy thế, cuộc chiến dành Ban Chấp Hành (2) thì chưa đủ sức, phải lùi một bước để liên danh Lê Hoàng Văn đắc cử. Lê Hoàng Văn thuộc nhóm Liên Trường của Trần Văn Hương, thủ tướng mị dân lúc bấy giờ.

Với sự lớn mạnh của lực lượng sinh viên yêu nước, nhóm sinh viên tiến bộ ta dễ dàng làm chủ hoàn toàn Hội đồng đại diện Sinh viên Văn khoa do anh Trầm Khiêm làm chủ tịch, chị Nguyễn Thị Yến làm thủ quỹ.

Trong tình thế ấy, cuộc chiến dành lấy Ban chấp hành sinh viên Văn khoa vẫn chưa ngã ngũ. Đó là cả một quá trình gay go, so kè từng bước giữa Liên danh 1, là nhóm sinh viên tiến bộ do anh Lê Quang Lộc làm chủ tịch, với liên danh 2 do Bùi Bảo Trúc thụ ủy, Bùi Bảo Trúc là sinh viên du học từ Úc trở về, dáng trí thức với cặp kính cận, có vẻ là đối thủ nặng ký, lại được phe chính quyền ủng hộ hết mình.


Để dành phiếu, liên danh 2 đã đưa cả hàng hóa vào trường bán giá rẻ cho sinh viên,
như mỹ phẩm, vải Nylfran, loại vải mới có thời đó, rất được sinh viên ưa chuộng vì dễ giặt, dễ khô, không cần ủi, giá lại rất mềm .

Ngày vận động bầu cử chính thức, liên danh 2 còn dùng cả mỹ nhân kế, cho một nữ
sinh viên rất đẹp, ăn mặc hấp dẫn, công khai đứng ra vận động. Điều này cũng thu hút và tác động vào số đông nam sinh viên.

Lợi thế của Liên danh 1 là do các anh chị Lê Quang Lộc, Huỳnh Quan Thư, Nguyễn
Thanh Tòng đều là những gương mặt quen thuộc từ năm học trước và đã hoạt động tích cực, phục vụ quyền lợi sinh viên rất hiệu quả nên được thầy cô tín nhiệm, sinh viên tin tưởng, yêu mến.

Lần đó, không khí vận động tranh cử diễn ra rất quyết liệt, và cuộc bầu cử đã phải tổ chức trong hai ngày, tạo điều kiện cho nhiều sinh viên tham gia.


Riêng lớp Quốc sử của tôi, các bạn Ngọc Châu, Thu Thủy, Hiệp, Hiển…đều bảo nhau phải dồn phiếu cho liên danh 1.


Sang ngày bỏ phiếu thứ 2, một câu chuyện làm tôi cảm kích và nhớ mãi đến bây giờ. Bạn Trần Thị Ngọc Anh, học chung lớp với tôi từ năm dự bị, khi đến trường mới phát hiện bỏ quên thẻ sinh viên ở nhà! Mà đó là điều kiện tiên quyết để nhận lấy phiếu bầu! Nhà bạn ấy ở tận Phú Nhuận, giáp ranh Bình Hòa (nay là quận Bình Thạnh), lại đi xe đạp. Đã phải qua một đoạn đường dài mới đến trường, giờ phải đi về thêm chuyến nữa để chỉ lấy Thẻ sinh viên thì cũng mệt. Bạn ngại ngần cũng phải, huống chi Ngọc Anh lại mảnh mai, chẳng khỏe khoắn gì. Tôi chỉ còn cách xem có bạn nào đi xe gắn máy (thời gian này, sinh viên có xe gắn máy hiếm lắm) để nhờ chở về dùm thì các bạn đã và lớp cả rồi!

Thấy tôi băn khoăn, Ngọc Anh cũng lưỡng lự, suy nghĩ một thoáng rồi quyết định: “Mình sẽ về lấy thẻ sinh viên để bỏ phiếu cho liên danh của Thư. Lỡ mất một phiếu của mình  mà thua thì tức lắm.” Một lời như cởi tấc lòng, tôi mừng vui xúc động, thầm cảm ơn bạn đã hết lòng với mình.

Kết quả: liên danh 1 vượt Liên danh 2 chỉ vài mươi phiếu!

Tôi biết, chính những lá phiếu quý giá, nghĩa tình của Ngọc Anh và những bạn khác – những Sinh Viên Yêu Nước đã tạo nên thắng lợi.

Hình ảnh cô bạn mảnh mai đứng phân vân và rồi quyết định đạp xe về lấy thẻ sinh viên để cụ thể hóa tình cảm đối với chúng tôi, trao cho chúng tôi niềm tin yêu trong sáng khiến tôi nhớ mãi cho đến tận ngày hôm nay. Đó cũng là sức mạnh tinh thần, nguồn động lực theo tôi suốt chặng đường tranh đấu.


Tháng 4-2011, qua hơn bốn mươi năm, nhờ chỉ dẫn của hai bạn Đổ Đình Bảy, Kiều Nga, tôi đã tìm đến nhà bạn, chính là ngôi nhà ngày xưa ấy.

Gặp lai nhau khi tóc đã pha sương, chúng tôi cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời sinh viên trong sáng và thân mến. Mới biết, từ khi rời ghế nhà trường, bạn theo nghề dạy học cho đến ngày nghỉ hưu, ở trường trung học cơ sở Lam Sơn, Bình Thạnh.

Mừng cho bạn đã hoàn thành nhiệm vụ, đang có cuộc sống bình yên.

Và tôi, sau bao nhiêu đổi thay của thời cuộc, bao gian nan thăng trầm của cuộc đời, vẫn là Huỳnh Quan Thư ngày nào của các bạn, vẫn tự hào rằng mình xứng đáng với niềm tin yêu mà các bạn trao cho từ thuở ấy.

Quỹ thời gian của những người ở lứa chúng ta còn lại chẳng bao nhiêu, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ còn dịp hội ngộ cùng nhau, phải không các bạn, phải không Ngọc Anh thân mến?

Huỳnh Quan Thư
Tháng 5 năm 2011
Tài liệu viết cho “Kỷ Yếu Văn Khoa”

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

(42) Tháng Chín Mùa Thu

Anh Võ Quê - Người thơ Văn Khoa Huế  vừa gửi cho Góc nhỏ Văn Khoa chùm thơ mới.
NgườiVănKhoa xin trân trọng nhận món quà nghĩa tình từ miền Trung xa xôi
và giới thiệu ở đây:



TÌNH KHÚC THU

Photobucket


ban mai
Hà Nội
mưa
mưa
mênh mang
hạt tình
phương bắc

 

đêm
một mình
Hà Nội tịnh yên
giấc mơ lành
bất chợt

 

tháng 9
tinh khôi
hương thu
bông cúc hát
thời gian tím

 

nguyệt cầm ngân
cung đầy
cung khuyết
ngợi ca
viên mãn
trăng tình


 thế giới lung linh

kỳ ảo

trang sách mở
em dìu anh
bay


nguyệt quế

trắng vườn thu

mưa
ướp hương
tình trong
pha lê
khuya lắng sâu
phím chữ hợp xướng
dạ khúc mơ
đẹp
hiền...
Võ Quê


Photobucket
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

(41) Tháng Chín và những ngôi trường (3)

 
Trong kí ức, ngôi trường không chỉ gợi ta nhớ đến những mái ngói, cổng trường, vuông sân hay những hành lang rộn bước chân, những góc lớp thân thuộc... ngôi trường cũng chính là nơi ta ươm mầm, vun vén những ước mơ, những tình yêu thơ dại hay cao cả hoặc khiến ta muốn vùi chôn những ngậm ngùi đau xót...
Người VănKhoa lại tiếp tục giới thiệu hồi ức của bạn Cỏ May về ngôi trường Trưng Vương những năm trung học xa xưa...

TRƯNG VƯƠNG, TÌNH YÊU VÀ NỖI NHỚ

Năm 1963, tôi trúng tuyển và trường Trưng Vương, “sự kiện” lớn lao, có ý nghĩa “trọng đại” khiến tôi không thể nào quên! Thời đó, trúng tuyển vào lớp Đệ Thất trường công không phải là điều đơn giản! Tôi học Tiểu học ở trường Sư phạm thực hành là trường khá nổi tiếng theo kiểu “trường chuyên, lớp chọn” ngày nay. Tôi học không đến nỗi tệ nhưng không tự tin đến mức thi xong, tôi đã được gia đình đóng học phí và bắt đầu học Đệ thất ở trường Thiên Phước (Tân Định, là một trường tư) và dĩ nhiên không ai quan tâm đến việc xem kết quả thi cho tôi ở trường Trưng Vương.



Tôi còn nhớ rất rõ, vào một trưa hè nóng bức, thầy giáo dạy lớp 5 của tôi đến bấm chuông nhà tôi, nhìn thấy thầy, tôi hơi hốt hoảng, mình không còn học với thầy nữa, thầy còn đến nhà làm gì? Thầy nói: “Em đậu vào trường Trưng Vương rồi đó!”. Tôi choáng váng, mình có nghe lầm không? Tôi mà đậu vào trường Trưng Vương?? Hình như tôi cứ đứng nhìn thầy, không cám ơn cũng không hỏi gì thêm và thầy…lặng lẽ ra về!

Sau đó, gia đình tôi cũng chưa tin nên bắt chị tôi đến trường xem lại kết quả. Chị và tôi chạy bộ đến trường vì nhà tôi ở đường Tự Đức (gần Nguyễn Bỉnh Khiêm). Dò trên bảng kết quả, chị nói tôi đậu hạng 65! Một lần nữa tôi bàng hoàng, lại nghe lầm nữa chăng?

Lượt về, tôi kịp nhận biết đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đẹp, mát, mình sắp được đi trên con đường này mỗi ngày! Quả là điều kỳ diệu!

Rồi tôi cũng tung tăng áo dài trắng như mọi người, thứ hai thì mặc áo dài xanh. Năm Đệ thất, hằng ngày đi học được đưa đón nên tôi cũng không khi nào được thoả sức rong chơi cùng các bạn.

Đến năm đệ lục thì tôi được đi bộ một mình, tôi sợ xe nên đi bằng con đường tắt đằng sau Đài phát thanh, đường có nhiều bụi cây, cỏ hai bên, những ngôi nhà yên tĩnh. Và ở đó, có nhà của cô Diệp, cô giáo dạy môn Việt Văn, có đôi mắt buồn sâu thẳm mà tôi vô cùng…si mê! Ngày nào cũng phải đi qua nhà cô mặc dù chẳng bao giờ thấy cô nhưng vẫn cứ đi cho…thoả lòng! Sao mà ngây ngô, dễ thương và tội nghiệp! Tôi ao ước , lớn lên cũng trở thành cô giáo như cô.

Ngày đó, cổng trường màu đỏ bằng gỗ. Minh Lan, Minh Quang và tôi đã chụp chung một tấm hình ở cổng trường, không kiêng chụp 3 người! Thảo nào bây giờ mỗi đứa một phương!









 
Tôi vẫn nhớ như in, khung của sổ mà khi lên cầu thang sẽ phải đi ngang qua. Từ khung cửa này nhìn qua Sở thú sẽ thấy hồ sen tuyệt đẹp, lần nào đi ngang tôi cũng mê mải nhìn. Rồi có một lần…được nghỉ tiết, tôi và các bạn (không nhớ rõ là gồm những bạn nào nhưng chắc chắn có Minh Lan!) thích thú chạy sang Sở thú, đến ngay hồ sen, chơi đùa thoả thích. Sắp đến giờ học tiết tiếp theo, chúng tôi trở về trường, thật không may mắn chút nào, vừa lên mấy bậc cầu thang thì gặp cô Phú (Giám học). Cô quắc mắt nhìn, quát chúng tôi: “Các cô dám cúp cua phải không? Vào phòng tôi ngay, tôi mời phụ huynh!”. Không biết các bạn khác như thế nào, riêng tôi, bước không muốn nổi vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đi học mà phụ huynh bị trường mời! Tôi sẽ nói như thế nào với ba má đây? Chúng tôi hết lời giải thích nhưng cô vẫn không chịu hiểu là chúng tôi nghỉ tiết chứ không phải “cúp cua”. Rồi mọi chuyện cũng qua, cô không mời phụ huynh, mặc dù lúc đó, Giám học là quan trọng lắm lắm. Lòng nhủ lòng: đừng bao giờ đi ngắm hồ sen bên Sở thú nữa, cứ nhìn qua khung cửa sổ chỗ cầu thang cho chắc ăn . Tôi cũng không sao quên được ánh mắt sắc của cô Diệu Linh và tiếng rít trong răng: “Tôi hỏi x bằng bao nhiêu? Chị có nghe thấy không?”. Đứng trên bục bảng, tay chân lóng ngóng, rơi cả phấn và hình như…tim cũng rơi ra ngoài! Tôi học dốt Toán nên càng sợ cô và đinh ninh rằng tôi chẳng thể nào làm bạn thiết với những con số, bởi nó không bao giờ hấp dẫn đối với tôi. Nỗi ám ảnh này còn đọng lại trong trí nhớ của tôi nhiều năm sau đó khiến tôi không dám học ban A mà phải học ban C và thế là hết năm đệ tứ, tôi xa ngôi trường yêu dấu và xa lớp P2. Đậu Tú tài xong, tôi học Đại học Văn Khoa, ra trường thì lập gia đình, bộ ba “Thu Hương, Minh Lan, Trân Thúy” không còn điều kiện gắn bó như xưa và rồi Thu Hương vĩnh viễn xa, Minh Lan cũng bặt tin tôi một thời gian rất dài, khi “đoàn tụ” thì Minh Lan đã định cư ở Mỹ. Sau này, thỉnh thoảng, có dịp đi ngang trường Trưng Vương, tôi vẫn bồi hồi, nhớ con đường rợp bóng mát, nhớ cổng gỗ màu đỏ…Nhớ cả dáng ai rụt rè bên gốc cây của trường Võ Trường Toản…Tất cả chỉ còn là kỷ niệm, giờ gặp lại, nghe nhắc chuyện xưa, muộn màng, tôi mới hiểu về một tình yêu không có cơ hội đơm hoa kết trái…
Còn biết bao kỷ niệm ở ngôi trường “kín cổng cao tường” ấy. Giờ đây, mỗi bạn đều có một cuộc đời, một số phận. Riêng tôi, vẫn thoáng tự hào nói rằng: đã từng là nữ sinh Trưng Vương, dù tôi chỉ được học 4 năm.

Ơi, Trưng Vương, tình yêu và nỗi nhớ của tôi!



Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

(40) Tháng Chín và Những ngôi trường (2)

Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, chúng ta đã đến và đi từ nhiều ngôi trường. Cũng có khi ta vui mà đi, cũng có khi xót lòng không nói thành lời để rồi những năm tháng sau đó, mãi hoài ray rứt...
Cỏ May xin được ghi lại đây bài thơ đã viết năm 2000, khi Cỏ May phải rời bỏ một ngôi trường thân thương.
Cũng xin phép được thay lời các anh chị, các bạn đã phải xa Văn Khoa trong những năm 1972, 1973...để bày tỏ nỗi niềm của những ai đã "bỏ trường"...

Sao em bỏ trường?...

Sao em bỏ trường mà đi
Hàng cây thôi chờ đợi
Nắng chẳng buồn lung linh
Vô tình viên phấn vụn
Vỡ thành lời yêu thương
Mai ngày anh đến lớp
Chợt nhớ dáng em gầy
Nghiêng vai bờ tóc rối
Nụ cười ai rất nhẹ
Xé lòng anh nỗi đau
Em đi, không từ giã
Đường gần bỗng hóa xa
Ngậm ngùi, anh hát:
"Đưa người, ta không đưa sang sông
Mà sao có sóng ở trong lòng..."

Mượn tâm sự của một NgườiVănKhoa, 
TN viết tặng CỏMay đôi dòng:


Sao em bỏ trường mà đi...

Giảng đường xưa chiếc ghế buồn vẫn đợi
Phượng trên cành vẫn thắm đỏ hè sang
Trời vẫn xanh và nắng vẫn vàng...

Sao em bỏ trường mà đi...

Chiều Hội quán có ai ngồi lặng lẽ
Bút trên tay vẫn tần ngần run khẻ
Trang giấy nhỏ biết tình ta lớn lắm
Biết nên chăng ... lời hẹn ngập ngừng trao

Sao em bỏ trường mà đi...

Tóc xanh xưa màu thời gian nhuốm bạc
Vẫn tím hoàng hôn trong đôi mắt trong
Vẫn còn nghe dậy sóng ở trong lòng
Vẫn ngại ngần lời chưa nói ngày xưa
Vẫn lặng lẽ ở bên đời... em có biết?

Sao em bỏ trường mà đi?

 


Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

(39) Tháng Chín và Những ngôi trường (1)


Tháng Chín gợi trong ta bao nhiêu kỉ niệm về Những ngôi trường. Từ ngôi trường tiểu học nhỏ bé ở tận một miền quê xa ngái nào đến ngôi trường đại học ở thành phố lớn, chúng ta bước vào đời với nhiều lắm những tình cảm mến thương về thầy, về bạn, về ngôi trường thân yêu ....
Hôm nay, NgườiVănKhoa xin được giới thiệu bài viết của chị Thanh Quế về Trường Văn Khoa của chúng ta, coi như mở đầu cho những câu chuyện Tháng Chín.


Văn Khoa của tôi

*** Ngày ấy,

 

Là đường đi học bằng xe lam từ bên kia cầu chữ Y, khi tôi còn ở nhà dì Bảy, qua Trần Hưng Đạo, xuống bến xe ở chợ Bến Thành, đi bộ đến Lê Thánh Tôn, qua Nguyễn Trung Ngạn, rồi Cường Để. Là Sài gòn những buổi sáng sớm, đường vắng, người, xe thưa thớt.

Là căn gác gỗ bên kia sông Thị Nghè, lúc tôi được Kim Liên rủ về ở cùng. Nơi đó, mấy nữ sinh viên cùng có cuộc sống chung vui vẻ : Kim Liên, Chín, Hoa Nhụy, Thu Nhân, Quế. Thỉnh thoảng, có bóng dáng của vài nam sinh viên, là Nghi Em, Hội, Vương huynh …. Có bạn Hồng Nga ở căn gác nhà đối diện. Lối vào nhà là con hẻm nhỏ, ở đó, có một đêm, dưới trăng khuya, bạn Hoa Nhụy khoác lên người chiếc áo blouse trắng của người yêu bên Đại học Y khoa, đi qua lại hoài dưới trăng, làm tôi xúc cảm viết nên bài thơ “Dưới trăng khuya”, chép vào tập tặng Thu Nhân, được Thu Nhân yêu thích, cất giữ suốt 40 năm, còn tôi thì ... quên mất.

Là cần xé bánh mì gà, của bạn Kim Liên bày ra, có lẽ học theo mùi vị của bánh mì gà Ba Lẹ đường Trần Hưng Đạo. Mấy chị em cùng nhau làm để lấy tiền đi chợ mua thức ăn chung. Sáng sớm bạn thì ra balcon (hình như là Kim Liên) thả dây kéo lên một cần xé bánh mì con cóc do một cậu nhỏ đi giao. Bạn thì quậy sốt mayonnaise xàn xạt xàn xạt (hình như là bạn Quế). Các bạn khác, Hoa Nhụy, Chín, Thu Nhân thì mổ bánh mì, cho vào các loại rau, ớt, thịt gà, nước sốt, nước tương, bao gói, xếp trở lại vào cần xé. Làm xong là vừa đến giờ đi học. Các bạn đi bộ, qua cầu Thị Nghè một đoạn là đã tới trường. Cái cần xé và Quế ưu tiên được bạn Kim Liên chở, vào trường giao bánh mì cho Hội quán. Tôi đã quên rất nhiều thứ, nhưng vẫn còn nhớ mãi chiếc xe mobilette cũ màu xanh biển của Kim Liên. Chúng tôi làm bánh mì bán nhưng dấu kín không để nhà chủ biết, dường như lúc đó chúng tôi sợ bị khinh là sinh viên nghèo. Nghe tiếng đánh sốt xàn xạt vào đúng 5 giờ mỗi sáng, gặp chúng tôi, mấy cậu con trai của chủ nhà hỏi : các chị đọc kinh gỏ mõ hả ? Chúng tôi cười : Ừ.  

Là những cuộc biểu tình sôi nổi mà chúng tôi sát cánh cùng nhau. Những đêm văn nghệ sinh viên rực lửa. Những khuôn mặt ấy tôi còn nhớ mãi, nhóm bạn mà tôi gần gũi nhất, ngoài mấy bạn ở cùng gác gỗ Thị Nghè, còn có Nghi Em, Tú Lộc, Thúy Liễu, có Hội, Ánh, Ảnh, Xẹt (lúc đó tôi hay cười thầm : nhóm này quá rực rỡ vì tên người toàn là ánh sáng).

          Là tiếng hát trong nhà giam, điểm tựa cho nhau của chúng tôi khi mới bị bắt vào. Lúc đó, tôi cũng hay hát, và cố gắng hát khi có thể, vì biết rằng, các bạn mới bị bắt vào, nghe tiếng hát quen, bài hát quen, tinh thần sẽ vững. Đó là tiếng hát mà Cỏ May đã nghe, đã yên lòng, vì dù phải tỏ ra là những người Văn khoa xa lạ, chúng ta vẫn tựa vào nhau để đứng vững bằng những câu hát ấy. 

 

**** Bây giờ,


          Tôi nhớ về Văn Khoa, là nhớ về tuổi trẻ của tôi, thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời mỗi chúng tôi. Chúng tôi đã sống hết lòng với nhau, khi học tập và trong đấu tranh, thật trong trẻo, có người so sánh : “như pha lê”.

Chúng tôi đã già, sau mấy mươi năm làm việc, sau những được mất của một đời người. Không ít bạn đã qua đời, trong nỗi tiếc nhớ của bạn bè. Có bạn đề huề hạnh phúc cùng gia đình, con, cháu. Có bạn đơn độc giữa đời. Có bạn thuận lợi, khá giả, có bạn khó khăn, vất vả mưu sinh. Có nhiều bạn luôn tìm cách gặp gỡ, gắn bó, giúp đỡ nhau. Có bạn ít khi gần gũi. Nhưng có lẽ chúng tôi có chung ý tưởng mong muốn gặp lại nhau, nương tựa nhau về tinh thần trong những ngày còn lại của đời mình. Với nhau, chúng tôi cũng sẽ hết lòng, cũng sẽ trong trẻo như xưa vậy.

Bây giờ, chúng tôi đã trọn vui chưa ? có lẽ không thể có câu trả lời giống nhau ở mỗi chúng tôi, khi nói về cuộc đời riêng, hay xã hội chung.

Đối với tôi, cuộc sống, đất nước, còn quá nhiều chuyện không vui. Làm sao mà vui trọn được.
Thanh Quế. 
Đọc tiếp ...