Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

(107) THÊM "QUÀ" CỦA NGƯỜI NHÀ...

Tháng 6, Góc Nhỏ Văn Khoa đầy tuổi tôi, xóm Văn Khoa ai cũng rưng rưng cảm xúc nhìn lại ngôi nhà nhỏ của nhóm. Đại tỷ Quan Thư đã biến cảm xúc thành một entry thật cảm động, nguoivankhoa đưa lên đây mừng GNVK đầy năm!

VĂN  KHOA TRẺ     TÔI.

Thoát ly vào chiến khu tháng 4-1970, xa mái trường Văn Khoa thân thương, nơi tôi trưởng thành trên con đường Cách mạng, cũng là nơi tôi gặp người bạn đời  yêu mến, trong lòng tôi sao tránh khỏi những phút giây bồi hồi nhớ mái trường xưa nhiều kỷ niệm.

15-4-1975 , anh Lộc hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn, tôi như người mộng du, lao vào công tác như người  có trí mà không hồn, Văn Khoa đó, nơi tháng 8-1975 tôi và đồng đội, thầy cô về tổ chức lễ truy điệu anh Lộc và anh Nguyễn Ngọc Phương, nhưng sao tôi thấy như có gì đó rất đỗi xa xôi, dù thầy Châu Long, cô Bình Minh, thầy Nguyễn Văn Trung …vẫn còn dạy ở trường, đến nắm tay tôi, thông cảm ngậm ngùi…

Rồi công tác mới sau 30-4-75 dồn dập, trước mắt tôi chỉ có công việc hiện tại, quá khứ như lùi xa…

Tôi quên bẳng đi còn nhiều thầy cô Văn Khoa trước giải phóng còn dạy ở trường… bởi tôi nghĩ mọi thứ đều thay đổi… có thể thầy cô cũ không được nhận dạy lại.

Rồi thời gian cũng xóa dần nỗi buồn chiến tranh, những lúc rảnh rỗi, nhớ về trường, tôi cũng biết sau khi lớp sinh viên chúng tôi thoát ly, các đồng chí đồng đội còn lại vẫn miệt mài vừa học vừa công tác. Văn Khoa chưa bao giờ vắng bóng những gương mặt sinh viên yêu nước, phong trào vẫn  sống, có khi trầm mặc, có lúc dậy sóng, các đồng chí còn lại giữa 2 thời kỳ như Vương Văn Nam, Lâm Bá Phát, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Thanh Ṭòng , Hạ Đình Nguyên , Võ Ba, Võ Thị Bạch Tuyết…Huỳnh Thiện Kim Tuyến…vẫn xây dựng được phong trào rất phấn khởi, trong đó có phong trào Nữ sinh viên, Hội quán văn khoa, rất  nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc, như vận động nữ sinh viên mặc áo dài đi học (không mặc robe, jupe lòe loẹt, mini jupe cũn cỡn…), ngoài ra khi biểu diễn văn nghệ còn mặc áo dài vàng cài bông hồng đỏ, (màu cờ tổ quốc)…Riêng Võ Thị Bạch Tuyết là thủ lĩnh nổi danh với phong trào đốt xe Mỹ, một phong trào công khai đánh Mỹ trên đường phố Sài Gòn được quần chúng nhân dân hết lòng ủng hộ.

-41 sinh viên bị bắt tháng 3-1970, chị Nguyễn Thị Yến, thủ quỹ Hội đồng đại diện Sinh viên Văn khoa 1969-1970 , và cũng là thủ quỹ Tổng hội sinh viên Sài Gòn cùng với sinh viên Văn Khoa Hạ Đình Nguyên, Trương Quốc Khánh phối hợp với sinh viên các trường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa Học, Đại học Nông Lâm Súc, Y Khoa, Dược Khoa, học sinh các trường Cao Thắng, Huỳnh Khương Ninh, Kiến Thiết…. đã tổ chức biểu tình phản đối đàn áp, bắt bớ sinh viên bằng nhiều hình thức, kể cả biểu tình bằng xe gắn máy…Trước sức mạnh đấu tranh này, địch buộc phải thả các anh Dương văn Đầy, Đỗ Hữu Bút, Cao thị Quế Hương, Trương Hồng Liên…

Trong chiến khu, tôi và anh Lộc nghe những hoạt động này rất thích thú, phấn khởi,  hãnh diện về trường về bạn bè, về  các đàn em sau mình.

Hòa bình lập lại, một mình tôi về Sài Gòn, mỗi khi có dịp đi ngang qua trường cũ, nhìn sinh viên nhộn nhịp ra vào, lòng tôi xao xuyến . Trong công tác có dịp gặp  các bạn Sinh viên 1970-1975 như: Hồng Diệp, Ngô Ngọc Dung , Xuân Hương, Thúy Liễu… cứ nghe Văn Khoa là tôi có cảm tình, nhưng quả thật là các bạn rất tốt, nhiệt tình công tác, trong sáng, dễ thương…

Rồi mãi đến năm 2007. trong chuyến đi Đà Lạt giới thiệu tập thơ “Sông chảy trên trời” của nhà thơ sinh viên Văn Khoa Nguyễn Kim Ngân, tác giả bài thơ "Người mẹ Bàn Cờ", được nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ thơ, tôi có dịp gặp, quen với  bạn Bùi Trân Thúy, Thúy xinh đẹp, mau mắn, tiếu lâm rất có duyên, đặc biệt sôi nổi, cũng như Hồng Diệp, Ngô Ngọc Dung để lại trong tôi nhiều cảm mến, và tôi thật sự bất ngờ xúc động  khi Thúy đến viếng, chia buồn ngày mẹ tôi qua đời, tháng 8-2008

Thời gian trôi đi, đôi lần tôi nghe chị Huỳnh Thiện Kim Tuyến nhắc “các em Văn Khoa Trẻ”. Bạn hay nói : “Mấy đứa tụi nó dễ thương lắm Thư ơi”.

Trưa một ngày cuối tháng 7-2011, bất ngờ tôi nhận cú điện thoại của bạn Kim Tuyến : “Thư ơi, mấy em Văn Khoa Trẻ yêu Văn Khoa, nhớ Văn Khoa, tụi nó vừa mở trang Web để thường xuyên liên lạc nhau lấy tên NGƯỜI VĂN KHOA, GÓC NHỎ VĂN KHOA, Thư vào xem đi nhá”

Gần 37 năm hòa bình lập lại, các bạn Văn khoa trẻ nay đã U và O . 60. còn tôi sắp xỉ  70, hầu hết đều lên chức ông, bà nội ngoại. Sau vài lần còm (comment- nhắn tin, bình luận) nhau trên mạng, giây phút e dè qua nhanh, tôi biết thêm các bạn Thu Nhân, Minh An, Thanh Quế,  Hoàng Hương, Bích Trà, em Gió…,  xuất thân cùng chung mái trường Văn Khoa thân thương, chúng tôi dễ thân nhau như  một nhà. Từ lâu, các bạn gọi hai bạn Tuấn Kiệt-Kim Tuyến là ANH  CHỊ CẢ, bây giờ thì tôi được  gọi là ĐẠI TỶ, ”đại” đây hàm ý là lớn tuổi đó các bạn ạ, vì tôi lớn hơn các bạn Văn Khoa Trẻ bình quân 6, 7-10 tuổi.

Tuy tuổi tác có hơi chênh, nhưng qua hội Dã Quỳ ngày 11-11-2011 tại nhà Minh An trên Đà Lạt, tình thương mến nhau đã xóa mờ khoảng cách, rồi tháng 2-2012, trọn 1 ngày về Bến Tre thăm em Thu Nhân và gia đình, rồi tháng ba, Trân Thúy rủ về Mỹ tho mừng sinh nhật ông xã, ngày vui nối tiếp nhau, tình thân chắp thêm cánh.

 

Không phải mới đây, mà từ tháng 8-2011, “Tổng biên tập” Góc nhỏ Văn Khoa Võ Thị Thu Nhân đã giúp tôi chỉnh sửa văn phong, ý tứ cho những bài viết của tôi để post lên blog Văn Khoa, cũng như Thu Nhân đang giúp tôi chỉnh sửa cho những trang viết này, tôi rất vui và cám ơn Thu Nhân nhiều lắm.

Với Văn Khoa Già, tôi đã gắn kết hơn 40 năm, tình thương mến, quan tâm chăm sóc lo lắng cho nhau tự bấy lâu thật đầm ấm thủy chung, đó là chỗ dựa tinh thần vô cùng quý giá của tôi và hai cháu.

Còn với Văn khoa Trẻ, tôi cũng yêu quí các em thật lòng, cái cách các em cư xử với nhau cũng thật dễ thương, chân tình, mộc mạc. Các em luôn nhớ bạn Huỳnh Ngọc Hội đi xa đã 7 năm rồi, kết nạp cô Hải, vợ bạn Hội vào nhóm, cùng chia ngọt xẻ bùi, xem các con Hội như người thân.

Tôi rất thích thú, khi biết rằng, từ nhiều năm trước, mỗi Tết Nguyên Đán, anh cả Nguyễn Tuấn kiệt đều có 1 mốc hẹn các Văn Khoa trẻ đến để nhận bao lìxì, chỉ với tờ 500 đồng cùng những lời chúc Tết cho nhau, vậy mà các em U và O. 60 mươi, đa số có địa vị xã hội, con cái thành đạt nhưng vẫn như cô em gái nhỏ thuở nào, vẫn lần lượt đến nhận "quà" thật đông đủ...  : Hồng Diệp, Thanh Quế, Trân Thúy , Ngọc Dung, Xuân Hương, Minh An…. Chỉ có Thu Nhân ở Bến Tre nên vắng mặt. Đây là một cách thể hiện sự tôn trọng và quý mến nhau rất Văn hóa, rất  Văn khoa.

Văn Khoa Trẻ ơi, có duyên rồi thì dù muộn màng, chúng mình cũng gặp nhau, với quá khứ chung trường, chung lý tưởng, chúng mình đã gắn kết với nhau. Quỹ thời gian biết còn bao lâu nữa, vậy thì:  ĐẾN ĐÂY THÌ… Ở LẠI ĐÂY  để  NƯỚC CHẢY TRÔI ĐI NỖI BUỒN…SỎI ĐÁ NGĂN NIỀM VUI Ở LẠI…

Còn gặp nhau thì ta cứ vui, 

Chuyện đời như nước chảy mây trôi,

Nợ danh như bóng mây trôi nổi,

Chỉ có tình thương ở lại đời. ”

                                                      Thơ :Tôn Nữ Hỷ Khương

Văn Khoa Già, Văn khoa Trẻ , các bạn có như tôi, mỗi khi đi ngang  Văn Khoa của chúng mình, bây giờ là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, được xây dựng khang trang, hoành tráng hơn, tôi đều liếc nhìn vào bên trong, tìm lại hình bóng ngôi trường thân thương, mà lòng tôi cứ lo lo, trường xưa đã quá cũ, liệu có khi nào bị đập phá, xây trường mới ???

Nếu ngày ấy có thật và sẽ đến, chắc chúng mình buồn đến ngẩn ngơ !!!

Viết xong 26-5-2012

HUỲNH QUAN THƯ


                                                                

   

 
Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

(106) Thêm quà quí của Người Nhà

Sáng sớm nay, mở mailbox thì gặp ngay món quà rất đặc biệt này của Người Thơ VănKhoa Nguyễn Kim Ngân.
Con đường đi của bài thơ đến với GNVK khá vòng vèo: thoạt tiên là cháu Kim Bằng gửi bài thơ của bố mình đến Chị Kim Tuyến để đăng vào Kỷ yếu Văn Khoa.
Chị có nhã ý dành cho Góc Nhỏ Văn Khoa "xuất bản" trước nên gửi đến Minh An.
Món quà bất ngờ như trong mơ đến ngay dịp GNVK tròn 1 tuổi, thế là Minh An chuyển đến Thu Nhân, Thanh Quế và Trân Thúy,
Trân Thúy bảo thế này với Thu Nhân: "Bài thơ hay quá, TN post dùm nha. Xem như chúng ta có món quà tặng vô cùng ý nghĩa rồi đó!"
Đọc mà thấy rưng rưng nhớ trường xưa với bao kỉ niệm...
Xin đặc biệt cảm ơn anh Nguyễn Kim Ngân về bất ngờ lớn này
Xin trân trọng cảm ơn chị Kim Tuyến đã ưu ái GNVK
Và,
Xin mời mọi người cùng thưởng thức quà thôi nôi này, vào đúng ngày 12/6, ngày họp mặt năm trước - ngày Góc Nhỏ Văn Khoa chính thức trình làng!

 


 Ta Còn Nợ Nhau

(Thân tặng các cựu Sinh viên ĐH Văn Khoa Sài Gòn)

Photobucket

 

Khi xa ngôi trường cứ nhớ những ngọn cỏ chưa xanh

Ngõ vào mùa mưa đỏ màu đất sỏi

Ba bốn năm là bao so với cuộc đời ngắn ngủi

Mà sao như sông, như suối trải ân tình

Trời đất sinh ra cái thế hệ chúng mình

Ai sống được, ít nhất cũng một lần nhờ phép lạ

Cái giá ước mơ mà chúng ta phải trả

Ngày càng cao và rất đáng sinh ra

Cứ thương ngôi trường ngày ấy quá đơn sơ

Chiến tranh treo trên đầu, ngoài ngõ

Nhưng tất cả các cửa đều nhìn ra đại lộ

Thầy trò Nam, Bắc, Đông, Tây

Càng yêu người mãi gọi: “ Dậy mà đi!”

Điều chúng ta khát khao là Hòa bình, Thống nhất

Là Dân chủ, Tự do

Đã đổi bằng xương máu, không phải xin cho

Đất nước, đồng bào là trên hết

Dù chậm hay nhanh, không thể nào khác được!

Bây giờ thấy yêu cái thời không kịp yêu

Thấy nhớ cái thời không kịp nhớ

Nếu mơ ước chưa thành

Đời ta còn mắc nợ.


 Photobucket

Tháng 05/2012
Nguyễn Kim Ngân

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

(105) Quà của "Người nhà"

Đó là Bạn Huỳnh Như Phương, một trong những người nam hiếm hoi của GNVK!
Công việc bộn bề nhưng Bạn vẫn đều đặn gửi riêng cho GNVK những bài viết đậm chất chuyên môn, học thuật.
Cảm ơn Bạn và xin giới thiệu cùng mọi người.


SÁCH VÀ GIÁO DỤCPhotobucket



Sách có quan hệ mật thiết như thế nào với nền giáo dục của nước nhà,điều đó có lẽ không cần phải chứng minh nhiều.
Ở phương Đông, Tứ thư, Ngũ kinh là nền tảng tư tưởng của giáo dục các nước Đông Á trong một thời kỳ dài.
Ở phương Tây, sách của các nhà Khai sáng Voltaire, Diderot, J.-J.
Rousseau, Montesquieu… đã chuẩn bị tinh thần cho Cách mạng Pháp 1789. Ở Việt Nam, tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu được Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Thượng Hiền… quảng bá và trở thành nguồn động lực cho công cuộc hiện đại hóa văn học, giáo dục đầu thế kỷ XX.

Trong những giai đoạn khủng hoảng của xã hội hay những bước ngoặt lịch sử, những cuốn sách giá trị xuất hiện đúng lúc có thể làm thay đổi vận mệnh đất nước, trở thành kim chỉ nam cho hành động của một dân tộc. Trong đêm đen của chủ nghĩa ngu dân, thay vì ngồi trong bóng tối để nguyền rủa bóng tối, người ta cố gắng thắp lên một ngọn đèn, một ngọn nến, thậm chí một que diêm từ những trang sách để đưa ánh sáng vào mắt nhân dân. Không hiếm thí dụ cho thấy một cuốn sách tốt có thể là cái phao cứu sinh cho con người trong vực thẳm của tuyệt vọng.

Trước tình trạng sa sút của đạo đức, phong hóa, các bậc thức giả tâm
huyết đều gửi gắm trong những cuốn sách nỗi ưu tư về sứ mệnh của giáo
dục. Thời chiến tranh ở miền Nam, ranh giới mỏng manh giữa sống và chết không làm người ta quên đi ranh giới giữa học làm người với học làm quan và học làm giàu. Kim Định bàn về hiến chương giáo dục, muốn lấy triết lý Việt Nho làm định hướng cho nhà trường. Nguyễn Văn Trung phê phán gay gắt nền giáo dục đại học ngay từ trong lòng nó. Lý Chánh Trung thao thức về văn hóa dân tộc, trăn trở về sự phân hóa giai cấp thông qua việc thụ hưởng giáo dục. Vương Pển Liêm bàn về giáo dục cộng đồng và vấn đề đào tạo giáo chức nông thôn. Lê Thanh Hoàng Dân giới thiệu lý thuyết mới về tâm lý giáo dục. Nhất Hạnh, Mai Tâm tâm tình với tuổi trẻ về lý tưởng và tương lai của đất nước, con người. Từ câu chuyện thầy trò, Huỳnh Phan phác họa chân dung nhà giáo và suy nghĩ về con đường của giáo dục hậu chiến… Trong sách của các vị đó chắc có những điều đã bị vượt qua nhưng đồng thời cũng chứa đựng nhiều bài học bổ ích cho giáo dục ngày nay.

Sau chiến tranh, lẽ ra đất nước phải dồn tâm huyết và tinh lực cho việc
chuyển đổi mô hình giáo dục thời chiến sang mô hình giáo dục thời bình,
nhưng việc này đã tiến hành quá chậm trễ. Nhiều vấn nạn giáo dục không
được giải quyết kịp thời cho thấy một sự lúng túng trong điều hành và quản lý. Những lý thuyết gia giáo dục không tìm được tiếng nói chung với nhau cũng như tiếng nói chung với người quản trị; nhiều người trong số họ không có điều kiện thực tế để triển khai những ý tưởng mà họ nung nấu. Cuối cùng cái mà họ để lại không phải là những mô hình giáo dục được thực tiễn kiểm nghiệm mà là những cuốn sách gợi mở cho những suy nghĩ. Là những người tâm huyết, Hoàng Tụy, Hồ Ngọc Đại, Phạm Phụ… có những cách nhìn và cách kiến giải về giáo dục khác nhau, nhưng điểm chung nhất là những kiến nghị của họ đều không hòa nhập được với sự vận hành của giáo dục đang đi theo những quy luật nghiệt ngã và khó hiểu của nó.

Hình như có một tác dụng hai chiều đối với những công trình bàn về
giáo dục: một mặt, cuộc sống thì thúc bách người trí thức suy nghĩ và bàn
luận về chấn hưng giáo dục; mặt khác, những suy nghĩ và bàn luận đó được những người có trách nhiệm đón nhận khá hờ hững nên cuối cùng chỉ nằm im trên giấy. Không phải ngẫu nhiên mà ở cuộc hội thảo về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học” do Đại học quốc gia TP. HCM tổ chức ngày 13-4-2012, GS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP HCM, đã giới thiệu hai cuốn sách của tập thể tác giả bàn về giáo dục do nhà Tri Thức xuất bản: Những vấn đề giáo dục hiện nay –quan điểm và giải pháp (2007); Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010): kinh nghiệm thế giới và Việt Nam (2010).

Photobucket

Theo ông, những người
quan tâm đến vận mệnh giáo dục, nhất là những người đang lãnh đạo và quản trị giáo dục, nên tìm đọc những cuốn sách này để xem các giải pháp được đề xuất trong đó có thể vận dụng vào việc đổi mới giáo dục hay không.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
6-2012
Đọc tiếp ...

(104) Một năm đã trôi qua

Chúng ta tự phong cho nhau làm "Ban Biên Tập" của "tờ báo" online khiêm tốn này.
Chúng ta cùng nhau vun đắp, cùng nhau mời gọi sự góp mặt của tất cả anh em bè bạn cho "chốn đi về" này thêm phong phú và đa dạng...
Và thế là đã một năm rồi đó,
Dù chưa phải đã thực sự hài lòng, nhưng cũng nhìn lại một chút, để ... rút kinh nghiệm, để vui thêm, và để thêm ...kiên nhẫn đợi chờ bè bạn "ghé qua và dừng chân"
P.TBT Cỏ May Bùi Trân Thúy vừa gõ những dòng ... chưa ráo mực!


Photobucket

Tôi nhận được PM của em gái Gia Minh nhắc: Góc nhỏ Văn Khoa thôi nôi vào ngày 9-6, mình có làm gì không chị?

Làm gì là làm gì nhỉ?! Tôi băn khoăn vài giây rồi trả lời em: chị chưa có cao kiến gì!

Bây giờ, đã hết giờ làm việc, một mình, dạo lại blog để nhớ từng ngày, từng giai đoạn và tôi có cảm xúc để viết.

Tôi là thành viên của blog Trưng Vương (1963-1970), một nơi chốn để gặp gỡ, giao lưu với bè bạn khắp nơi. Có những bạn tưởng chừng đã rất xa, nhưng rồi cũng tìm được nhau, cùng nhắc lại kỷ niệm thời đi học, chia sẻ thêm những buồn vui trong cuộc sống. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi gửi mail cho Thu Nhân, mong ước quá, một “mái nhà Văn Khoa”… Nhưng điều băn khoăn lớn là tôi không biết tạo blog, mặc dù tôi có dạo chơi trên blog của mình và một vài bạn ở Yahoo360 cũng đã được mấy năm! Hy vọng Thu Nhân giỏi hơn tôi và cũng rảnh rang hơn, thêm nữa, bạn rất đam mê blog.
Bạn đã không để tôi phải thất vọng…

Đến ngày 12-6-2011, có buổi họp mặt tại nhà tôi để mừng sinh nhật những bạn có ngày sinh trong 6 tháng đầu năm, lúc đó, Gócnhỏvănkhoa đã có mặt. Thu Nhân hướng dẫn, mọi người có mặt hôm đó, đã nhìn thấy “nhà của mình”, không thể nói hết nỗi vui mừng, hạnh phúc của chúng tôi tối hôm đó. Những bạn đã “bị” làm Ban Biên tập thì có một chút lo âu nhưng chỉ là…thoáng qua, vì thật lòng, chúng tôi cũng đâu có biết mình sẽ phải làm những gì!?

Cứ nghĩ mọi việc vô cùng đơn giản, nhất là với tôi, dù gì thì mình cũng đã từng là 1 blogger, nhưng sự đời quả là không giản đơn chút nào! “Nghề chơi” nào cũng lắm công phu. Hôm sau, tôi mày mò toát cả mồ hôi vẫn không thấy nhà của ai hết! Ở Yahoo, tôi nhớ mình đã làm quen rất nhanh, nhưng với Multiply thì hoàn toàn khác. Thời điểm ấy, Thu Nhân là người vất vả nhất. Tôi với Gia Minh hỏi liên tục, bực mình vì mình “chậm tiêu, lâu thuộc, mau quên” và nhiều khi, vô tình, trút tất cả những bực dọc cho bạn của mình, nhất là tôi, vốn nóng nảy, ít chịu khó! Trong khi Thu Nhân vẫn miệt mài hướng dẫn cho chúng tôi đủ mọi thứ rồi còn “xây nhà” cho từng người. “Văn Khoa chi bảo” (danh hiệu mà Tổng thư ký tòa soạn Gia Minh đã đặt cho) là Gió cũng đã ủng hộ chúng tôi rất nhiệt tình. Dần dần, chúng tôi quen “đường đi” nhưng lại cũng đôi khi “mất lối về”, vào nhà rồi…bí lối, không biết làm sao, nửa đêm còn gọi nhau ơi ới! Thật là rộn ràng cả “làng trên, xóm dưới”. Chỉ việc “comment” thôi mà sao cũng quá nhiêu khê? Lúc đầu, cứ loạn lên, com. cho người này lại chạy sang nhà người kia, không biết chép lại để trích dẫn là mình đang com. cho ai…Thu Nhân lại có việc để làm, quên cả cái lưng…hay “đình công” của bạn.

Photobucket

Nhưng rồi đâu cũng vào đấy, trên “mảnh đất tình người” này, chúng tôi đã đến, ở lại cùng nhau để chia sẻ. Những ngày đầu, tôi viết rất hăng, như người được trở về nhà, tôi hào hứng lắm. Rồi một ngày, bỗng giật mình…sao mình…ham nói vậy? Các bạn khác cũng phải viết nữa chứ! Thế là, chúng tôi bắt đầu “gây dựng phong trào”, cũng khá là vất vả. Gọi điện thoại, gởi email…, có tin đi nhưng chẳng thấy entry nào cả! Vì mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện, có thời gian thì không có máy tính riêng hoặc ngược lại, có cả hai điều kiện này thì không quen (hay có khi chưa biết) sử dụng máy tính, mắt kém…Thích đọc chứ không thích viết…Thôi thì, trăm ngàn lý do mà nghĩ kỹ, lý do nào cũng có thể chấp nhận được. Chúng tôi an ủi, động viên nhau: từ từ các bạn sẽ quen…


Chúng tôi cứ kiên nhẫn thuyết phục và vài tháng sau, tuần tự, Ban biên tập nhận được bài của chị Thanh Quế, chị Hồng Diệp. Thu Nhân vẫn xuất sắc trong vai trò Tổng biên tập để gõ lại entry của chị Quan Thư, tìm hình minh họa cho tất cả các entries. Với sự hỗ trợ của Gió nữa thì tác giả nhận ra bài viết của mình sinh động, có “giá trị” hẳn với những hình ảnh có ý nghĩa thật sắc sảo. Anh nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt đã chuyển cho chúng tôi 5 bản nhạc, nghĩa là nhà có thêm lời ca tiếng hát. Lại “đụng chạm” với một vấn đề khác: thấy tên bản nhạc mà …hổng có nghe được! Khổ thân chưa? “La làng” lên, người nọ chỉ người kia…rồi thì vẫn thưởng thức được và bình luận được. Kho hình ảnh thì nhiều, lúc đầu, phải nhờ TBT, nhưng sau này, chúng tôi đều có “nghề” rồi trở thành…”chuyên nghiệp” nên tự lực post hình để…khoe với bạn bè. Chị Thúy Liễu còn giữ một số ảnh quý báu, chuyển cho Gia Minh và đã có hơn 100 comments cho những tấm hình “có một không hai” này.

BBT có thêm một “tài vặt” nữa là “chôm” entry từ “nhà riêng” của mọi người mang về “nhà chung”. Là nói vui vậy thôi, chúng tôi đều có xin phép, đôi khi vội quá thì “tiền trảm hậu tấu”, chưa bị bắt lỗi lần nào nên cũng tự tin lắm.

Photobucket

Cứ vậy mà Gócnhỏvănkhoa ngày càng đông vui hơn, thỉnh thoảng được Gió thay áo mới, cho nghe nhạc hay và…chúng tôi đã ở lại cùng nhau. Trước đây, còn “hăng” nên tối tối, mọi người online, chuyện trò liên hồi, xa cũng hóa gần. Nhưng dần dần, do tuổi không còn trẻ, sức khỏe không còn tốt (chứ không phải tuổi già sức yếu!) nên chúng tôi ít gặp nhau buổi tối. Anh nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt thì nói là “cai nghiện blog” (buồn quá, hic…hic…) nên vắng bóng.


Gần đây, BBT vui mừng đón Huỳnh Như Phương về nhà, một cây bút siêng năng, trầm tĩnh, hứa hẹn nhiều entries mới lạ.

Từ những bước chân ngập ngừng của một năm qua, giờ đây, một số chúng tôi đã có “nhà riêng”, dù bận chăm chút cho nhà của mình nhưng vẫn không thể quên một nơi chốn mà chúng tôi đã dừng chân để ở lại.

Chị Thanh Quế, đầu bếp “trứ danh” luôn cung cấp những món ăn ngon, bổ, rẻ cho cả nhà. Trong bếp của chị, có ý thích của chúng tôi, có những sẻ chia khiến chúng tôi ấm lòng, không phải chỉ vì được “ăn” ngon!

Gia Minh có tài tổng kết, không hổ danh là một “nhà sử học”, những tổng kết đầy đủ, độc đáo của Gia Minh khiến chúng tôi an tâm vì không cần nhớ chi tiết, sự kiện nữa (khi memory đã full!!!) vì nay đã có người làm thay.

TBT Thu Nhân thì vẫn tận tụy, bạn đi du lịch mà chúng tôi trông chờ từng ngày, bởi vì, trong chúng tôi, không ai có sự kiên trì của bạn. Hướng dẫn và hướng dẫn, chỉ một lần chưa biết thì chỉ nhiều lần, gởi mail, làm slide, gọi điện thoại (cho cụ thể!). Cô giáo yêu quý của chúng tôi!

Nhà chúng ta, cũng có 2 “sư tỷ” là chị Hồng Diệp (Nhã Thảo) và chị Quan Thư (vợ liệt sĩ Lê Quang Lộc), chị Nhã Thảo tuy viết ít nhưng chúng ta cũng không thể quên những entries của chị.
Chị Quan Thư thì đã từng làm “sắp nhỏ” là những nàng “Văn Khoa trẻ” rơi nước mắt.

Hoàng Hương, Kim Diệp, Trúc Chi, Bích Trà thỉnh thoảng xuất hiện làm cả nhà…mừng hụt vì
sau đó, các bạn lại…biến nhưng hy vọng sẽ lại “tái xuất”.

Thúy Liễu rất độc đáo với một số comment mà người đọc không thể quên! BBT vẫn đang kiên nhẫn chờ entry của chị.

Photobucket

Cũng từ nơi dừng chân này, chúng ta đã có những thân hữu từ bốn phương trời: anh Cái Bang, Nguoigiaonline…Và đặc biệt, đã nối kết được với “những người bạn của những người bạn” mà từ những quen biết này, chúng ta thêm trân trọng tình người.


Đã có một Gió với những vần thơ, bài viết mà người đọc không thể nào để “gió cuốn đi”, nó đọng lại để chúng ta có thể khóc-cười, trăn trở…

Đã có một Minh Mập (cái nick mà em yêu hơn tên cúng cơm) luôn gắn bó với nhà Văn Khoa để lắng nghe và chia sẻ cùng cả nhà, với em, những nỗi “đau đời” luôn hiện diện song song cùng những táo tếu thường nhật của em. Mỗi entry là một suy tư của MM về cái “nghiệp”, về những vấn đề của giáo dục mà mỗi điều em chia sẻ, đôi khi làm ta mất ngủ.

Đã có một Chụt siêu quậy (cái nick nghe sao mà…quậy!) nhưng “ngoài đời” Chụt dễ thương lắm, thường chụp hình cho cả nhà và khi chúng tôi “gọi” thì em “đến”, em đã chính thức trở thành “người nhà”.

Đã có một Haphan, cũng vui vẻ “vào hội” để trở thành bạn tốt của chúng tôi.

Đã có một Nguyễn Văn Ngoãn (Thanh lao công) lâu lâu về nhà, đọc, cảm xúc, ngợi khen nhưng không comment…

Một năm cũng đã trôi qua…có biết bao buồn-vui…Chúng tôi đã có một nơi để thông tin cho nhau, mỗi lần đọc lại các notes thì từng sự việc lại hiện ra: khi thì nhắc nhau đến thắp hương trong ngày giỗ của bạn, rủ nhau đi chơi để thư giãn, báo cho nhau một tin buồn khi có người đi xa…Đọc các entries để nhớ một thời đã qua, cái thời tuổi trẻ mà không phải chuyện gì chúng tôi cũng dám nói và được chia sẻ.

Đường đời muôn nẻo nhưng chúng ta đã về đây và đã ở lại, đó là điều quý giá hơn mọi thứ. 102 entries đã xuất hiện cùng biết bao hình ảnh của những khuôn mặt bạn bè thân thương. Chúng tôi gọi đó là “Những người muôn năm cũ”…Với những lo toan, bộn bề của đời thường nhưng chúng ta vẫn còn thời gian để chăm chút cho góc nhỏ này, có lẽ, điều đó, giúp BBT tin rằng ước mơ dường như là điều không tưởng nay đã thành hiện thực.

Photobucket

Xin mời gọi những thân hữu gần xa hãy đến và ở lại đây, cùng chúng tôi vun đắp Gócnhỏvănkhoa để ngôi nhà này mãi trường tồn với thời gian, ấm áp tình người….


Bùi Trân Thúy
Tháng 6-2012
Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

(103) Tháng Sáu: Sinh Nhật Riêng - Chung


Tháng Sáu này, Góc Nhỏ Văn Khoa có nhiều niềm vui,
Đầu tiên vẫn là cái vui nói lời Chúc Mừng Sinh Nhật lệ thường hàng tháng.

Photobucket


 
Lời mừng đầu tiên là gửi đến Chị Huỳnh Thiện Kim Tuyến, người bạn đời yêu dấu của Anh Nguyễn Tuấn Kiệt.

Mừng Chị - và Anh nữa,
bởi sao lại chỉ nhắc đến Chị thôi nhỉ?
Mừng Sức Khỏe,
mừng sự Đề Huề trong tình Vợ Chồng, tình Đồng Chí
hơn bốn mươi năm qua vẫn Thắm Tươi, Nồng Ấm.

Mừng Chị - và Anh nữa,
Mãi Mãi Bên Nhau,
Mãi Mãi như những ngày đầu chúng em biết Anh Chị
từ ngôi trường thân thương của chúng ta.

Mừng Chị - Cô Nữ sinh viên Văn Khoa ngày xưa - nhân ngày sinh.

 Photobucket


Lời nối theo là mừng em Bích Trà - đóa Hoa Trà Màu Xanh trong khu vườn Văn Khoa

Photobucket

Về Nhà Văn Khoa có hơi muộn, Bích Trà vẫn là người được mấy chị nhắn nhe nhiều nhất. Và từ bấy đến giờ mấy chị em mình vẫn chưa có dịp gặp lại nhau nhỉ?
Sinh Nhật năm nay, gửi đến Bích Trà lời chúc ân cần thương mến:

 Mong em thêm nhiều Niềm Vui, thêm nhiều May Mắn
và em sẽ góp mặt cho Nhà Văn Khoa mình
thêm đông đúc vui vầy, em nhé.

 

Lời này gửi đến Quốc Hùng - Chàng trai đẹp của Văn Khoa ngày ấy.
Bạn mình hình như chưa ghé qua Góc nhỏ này đấy nhỉ? Không sao cả, chúng ta vẫn hay gặp nhau trong rất nhiều lần họp mặt đấy thôi.

Mừng bạn thêm Tuổi Đời,
thêm Sức Khỏe, thêm Niềm Vui,
và thêm Rảnh Rang
để ghé về đây - như thêm một lần họp mặt,
chúng ta lại nhắc chuyện thời sinh viên đẹp đẽ ngày xưa, nhỉ?


Chiếc đồng hồ hoa này đếm ngày Góc nhỏ chờ bạn đấy!

Photobucket


Và lời này riêng gửi anh Hồng Phương Viên, bạn Multiply của Gió và Thu Nhân mà cũng là cựu sinh viên văn Khoa nữa.
Anh HPV dạo này thấy ít đi dạo qua Góc nhỏ Văn Khoa ... 

Tháng Sáu này, Sinh Nhật anh HPV,
Người Văn Khoa quý chúc
( thích chữ này của em MM nên mượn)
 Khang Trường An Lộc.
Rất mong anh thường ghé sang cho vui cửa vui nhà.


Mượn bước đường hoa đây ạ!


Photobucket


 Một người bạn Multi trẻ, có trong friendlist của Thanh Quế, Thu Nhân, Gióheomay... cũng đón Sinh Nhật trong tháng Sáu này: Zippo.
Em đang không khỏe, em đang trong thời gian dưỡng bệnh. Nhưng ta vẫn đón Sinh Nhật chứ, phải không em?

Các chị Văn Khoa và Thân hữu
Mừng Sinh Nhật Zippo:
Chúc em thật Nhiều Niềm Vui,
Nhiều Sức Khỏe và Nghị Lực
để chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.

Gửi em nhánh phượng thắm xin bên nhà chị Hà,
màu phượng là màu chiến thắng đấy em!


Photobucket




Tháng Sáu này, còn có niềm vui lớn: Thôi nôi Góc Nhỏ Văn Khoa.
Thời gian nhanh đến vậy.

Niềm vui này bắt nguồn từ một ngày tháng Sáu năm ngoái: 9/6 - ngày Góc Nhỏ Văn Khoa ra đời. Đây là cái mốc quan trọng cho việc liên lạc thời @ của những người ... không còn trẻ nữa.

Mọi chuyện cứ "tuần tự nhi tiến" một cách ngẫu hứng và hơi lạ lùng. Bởi, chắc khó có thể nghĩ ra chuyện những ông bà lão mà người trẻ nhất cũng ngấp nghé tròn một hoa giáp, những người mà trước đó vài hôm, nếu hỏi Blog là gì thì có lẽ đa số chỉ tròn mắt rồi hỏi lại "Vậy thì nó là cái ... quỷ gì vậy?" chơi blog!

Dù internet không phải là xa lạ nhưng thường vốn chỉ để gửi email, đọc báo hay  tra cứu thông tin, chuyện viết blog có vẻ chỉ dành cho giới trẻ.
Ngoài Cỏ May,  Thu Nhân có blog vài ba năm, và em Gióheomay thì đã nổi tiếng là hot blogger từ hồi còn Yahoo360, các bạn khác mới bắt đầu làm quen với việc "xây nhà trên mạng"
Thế rồi, đến hôm nay, những Người Văn Khoa đã có được một Xóm Multi và còn có bao nhiêu là láng giềng!  Chẳng phải là niềm vui quá lớn đó sao?

MỪNG THÔI NÔI GÓC NHỎ VĂN KHOA
Mừng chúng ta Nối vòng tay lớn
MỪNG THÔI NÔI GÓC NHỎ VĂN KHOA
Mừng mối liên lạc được thắt chặt hơn
MỪNG THÔI NÔI GÓC NHỎ VĂN KHOA
Mừng ta như trẻ lại với thời đại @
MỪNG THÔI NÔI GÓC NHỎ VĂN KHOA
Mừng tất cả chúng ta!

 


Đọc tiếp ...