Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

(19) Những người văn Khoa ... xa lạ!

Photobucket

Có ai ngờ rằng những bạn bè thân thiết, đã từng cùng nhau xuống đường, hát trong những đêm không ngủ, cùng nhau làm báo, dán áp-phích, tuyệt thực…giờ bỗng chốc, trở thành những người…xa lạ!

Đó là khi…

Tôi bị bắt ở Quận nhất, đêm đó, tôi bị (được) giam chung với chị Q. Chúng tôi biết chỉ có thể nói với nhau trong vài phút thôi, lát nữa sẽ thẩm vấn riêng và mỗi đứa, không biết sẽ đi về đâu. Mọi lời lẽ cần cân nhắc, cẩn trọng từng cử chỉ bởi vì, ngoài song sắt, vẫn có những cặp mắt cú vọ đang theo dõi. Chúng tôi rất sợ trong đêm đó, sẽ có thêm những người bạn khác vào nữa nghe nên nghe tiếng xích sắt khua là hồi hộp nhưng rồi đêm cũng qua đi và buổi sáng hôm sau, quả là một ngày mới.

Chúng tôi không còn thấy nhau nữa. Xế chiều, bọn nó chuyển tôi sang Nha cảnh sát Đô Thành. Từ ngoài cửa vào, tôi được yêu cầu gởi tất cà tư trang, thay áo quần. Lúc đó, trên tay tôi, chỉ có cái đồng hồ và bộ đồ đang mặc. Vì chưa kịp bị bịt mắt nên tôi thấy 1 dáng người cao to, dĩ nhiên là cũng phải có người dìu đi, tôi biết chắc đó là TTN (nhóm thanh lao công). N không thấy  tôi, vì bị bịt mắt nhưng nếu có thấy thì cũng phải làm người xa lạ thôi. Chị Q đã dặn tôi: em không biết ai hết, nhớ chưa? Xem như đó là bài học lao tù đầu tiên mà tôi được dạy. Tên công an giải tôi đi còn hù dọa thêm: “Thấy chưa, trai tráng, cao to như thằng kia còn đi không nổi, huống gì tiểu thư như cô, liệu mà khai đặng về cho sớm!”

Vì mới vào nên tôi nằm hành lang, chờ thẩm vấn. Đêm đầu tiên, tôi không sao chợp mắt, lâu lâu lại có nghe có người bị kêu tên, rồi tiếng rên la, cứ đi thì bình thản, lúc về lại có người dìu. Tôi hiểu chẳng thà chịu đau chứ không khai, mặc dù có người một đêm bị gọi lên thẩm vấn nhiều lần. Cạnh bên tôi là một chị giao liên, còn rất trẻ, chị bán đậu phọng. Tôi chỉ biết có vậy, tôi nghe tên thẩm vấn nói: “Con nhỏ bán đậu phọng này lì thiệt!”. Tôi len lén nhìn chị cảm phục chứ không dám hỏi câu gì.

Sáng sớm hôm sau, có 1 phòng giam được mở cửa để tôi vào đi toilet. Toàn những người mặc áo đen (đồng phục tù mà), quả thật là tôi không dám nhìn ai, nhưng có ánh mắt nào đó, chợt sáng lên, a, chị Q, nhưng tôi vẫn lẳng lặng bước vào toilet. Chị chậm rãi bước theo tôi chỉ để dăn một câu: “Em với chị không biết nhau nha em”. Đã là “em” với “chị” mà lại “không biết nhau”. Quả là nghiệt ngã, tôi chỉ gật đầu nhẹ để đóng cho tròn vai của một người…xa lạ!

Tối hôm sau, tôi vẫn bơ vơ trên cái hành lang nhỏ hẹp đó, bỗng tôi nghe tiếng ai đó ngâm bài thơ: “Nghe em vào Đại học/Nửa tin, nửa ngờ tên lại trùng tên/Hôm nay nhận thư em/Nét chữ nghiêng nghiêng cười trên giấy trắng/Anh ngồi đây mà thấy trời hửng nắng…

Chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm, tôi rưng rưng, chưa kịp khóc thì thấy bóng ai đó, tôi chưa nhận diện được vì chỉ thấy có cặp mắt…nhưng giọng nói thì tôi không nhầm lẫn được, đó là LNE : “Chị vô hồi nào vậy, trong này có…nhưng mình không biết ai hết nha chị, nước chanh nè, chị uống đi cho khỏe…”.

Ca nước chanh được chuyền đến chỗ tôi và bóng người thụt mất. Tôi hình dung phải cõng lên nhau vì tường phòng giam rất cao nên không thể đứng lâu được và đã gọi là người xa lạ thì làm sao dám chuyện trò???

Mấy đêm sau, vẫn giọng ngâm thơ xé lòng đó, sau đó là những bài hát: “Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí/Đây cũng là chiến trường mà ta không cần vũ khí…”. Thỉnh thoảng, lại nghe tiếng la: “Ồn ào quá, ngủ giùm đi mấy ông nội”. Tiếng hát dứt, nhưng âm vang đọng lại mãi trong lòng những người tù.

Đó là khi…

Vào một buổi chiều, lang thang trên đường Đinh Tiên Hoàng, tôi thấy anh VVN. Tôi quên sao được cái áo sơ-mi trắng, cái lưng hơi còng và đôi giày tây mũi nhọn của anh. Ấy vậy mà anh đi lướt qua tôi, không nhìn lại, cứ y như là người xa lạ.

Mãi về sau này, tôi mới hiểu, ở thời điểm đó, vì sao CT nhóm Việt Hán phải làm mặt lạ với người em gái Văn Khoa vốn thân quen với anh.

Những người Văn Khoa…xa lạ của thời ấy, tôi đã gặp lại đầy đủ sau 1975, nhưng cũng chưa có lúc nào cùng ngồi với nhau để nhắc “chuyện đời xưa”.

Bây giờ thì anh HNH thì đã vĩnh viễn xa. Khi thắp hương cho anh ở nhà tang lễ LQĐ tôi đã bật khóc vì bỗng nghe đâu đó “Nghe em vào đại học…”.

Những bài hát, những câu thơ…trong tù đã cho tôi hiểu biết bao điều quý giá. Những cái nhìn thân thương như xuyên suốt tâm can mà phải vờ như xa lạ của anh em, bè bạn cho tôi thấm thía sự cao quý của tình bạn.

Và…năm tháng qua đi, chúng ta đang già đi, kẻ còn, người mất, nhưng đó là những năm tháng chẳng thể nào quên!

5-7-2011

Cỏ May


3 nhận xét:

  1. Cảm ơn em gái Văn khoa Cỏ May, em có trí nhớ thật là tốt, với một tấm lòng thương yêu bạn bè, em nhớ từng chi tiết nhỏ, nhờ em kể mà người trong cuộc mới nhớ lại được.
    "Những người Văn Khoa…xa lạ của thời ấy, tôi đã gặp lại đầy đủ sau 1975, nhưng cũng chưa có lúc nào cùng ngồi với nhau để nhắc “chuyện đời xưa”."
    Có rồi nè CM, GNVK đây, mình ngồi với nhau nhé, nhắc chuyện xưa xong rồi thì nói chuyện nay, chuyện tới. Chúng mình đừng mỏi mệt, đừng nản lòng nếu như có khó khăn gì. Nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Cỏ May viết để chia sẻ và được chia sẻ, còn khỏe và còn nhớ thì còn viết được, chi à

    Trả lờiXóa