Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

(20) Mùa vải

Mùa vải đã về,
Thứ trái cây trân quí với tên Lệ Chi đẹp đẽ ấy đang nhuộm thắm trên mênh mông bạt ngàn miền quê Bắc Giang và tràn ngập những gian hàng trái cây của biết bao ngôi chợ miền Nam,
Nghe nói, năm nay vải được mùa...
Màu đỏ thắm của vải chín gợi nhớ một kỉ niệm đẹp nhưng buồn của một NgườiVănKhoa: Thanh Quế,
Góc nhỏ Văn Khoa xin giới thiệu ở đây với các anh chị, bạn bè gần xa:


Photobucket
 

Đã 13 năm rồi. Cứ đến mùa vải là nhớ Sáu vô cùng. Sáu là mẹ nuôi tôi từ khi tôi còn là một đứa trẻ 10 tháng tuổi, như nuôi trẻ mồ côi vậy, ở một tỉnh miền Tây, cách Sài gòn hơn 300 cây số.

Ở với Sáu, tôi có một tuổi thơ sung sướng lắm. Cho tới 18 tuổi, đậu tú tài xong lên Sài gòn học Văn khoa, tôi chưa từng nấu một bửa cơm, rửa một cái chén, quét nhà một lần nào. Tôi đi học, rồi đi làm, một năm về quê thăm Sáu vài lần. Mỗi lần về lại được Sáu lo ăn uống, tiền cho thêm, đồ ăn thịt cá cho đem theo (thuở còn bao cấp, thiếu thốn).

     Khi tôi học, rồi tham gia phong trào ở Văn Khoa, Sáu lo lắng sợ tôi bị tù đày, sợ mất tôi. Sáu rất buồn, nhưng không can ngăn gì, chỉ nhắc chừng tôi phải cẩn thận.

Khoảng tháng 6, mùa vải 1998, đứa em họ gọi điện thoại : Sáu bệnh chị à. Tôi đưa Sáu vào bệnh viện Bình Dân, nhập viện, xét nghiệm nói là  u tụy. Tôi đem kết quả cho bạn là bác sĩ Quang xem. Quang nói : 90% u tụy là ung thư, thời gian sống từ 3 đến 6 tháng.

Quá bất ngờ, tôi khóc mờ mịt trên đường chạy xe từ bệnh viện 175 về nhà dì Bảy (em ruột của Sáu) ở bên kia cấu chữ Y. Vào nhà Bảy rồi, tôi vẫn còn chưa nói được nên lời, cứ đứng bên vách bếp mà nức nở. Bảy chờ mãi rồi phải hỏi : cái gì nói  cho Bảy biết đi. Bảy nghe rồi cũng khóc.

Thật bình tĩnh rồi tôi mới dám vào bệnh viện. Bệnh án ở đầu giường ghi K tụy. Bé, em họ tôi ở nuôi Sáu, xé mụn giấy nhỏ dán che lên chữ K. Không biết Sáu đã đọc chưa, nhưng Sáu không nói năng gì về bệnh của mình. Sau này, Bé nói chắc là Sáu biết bệnh của mình, rồi nhà giấu Sáu, Sáu cũng giấu nhà. Những ngày cuối, đút ăn, đưa thuốc uống, Sáu thường nói : thôi, để cho tao đi.

Giờ này chắc là Sáu đã siêu thoát rồi. Ngày mất của Sáu là 27 tháng 9 âm lịch, sau gần bốn tháng đau đớn thân xác. Những ngày nằm Bình Dân, mổ lấy u ra, nối ống mật thẳng vào ruột non. Sau đó Sáu ăn uống kém hẳn. Biết Sáu ưa trái vải, dù cuối mùa rồi, giá đắt gấp mấy lần, tôi vẫn hàng ngày, đi ngang chợ Nancy mua một chùm mang vào bệnh viện. Không ăn được cơm, nhưng Sáu ăn hết vải.


           Vì vậy mà tới mùa vải là tôi ngậm ngùi nhớ Sáu.
Thanh Quế

5 nhận xét:

  1. Bà ngoại DCT cũng thích vải. Mỗi mùa vải về nhớ bà ngoại vô cùng :(

    Trả lờiXóa
  2. Chị ơi, em đã từng có tâm trạng như chị khi nghe BS báo ba em bị ung thư ống dẫn mật. Em hoa mắt, bước đi chông chênh, từ BV gọi ĐT cho chị và em trai của em mà khóc như mưa.
    Em đã viết: "Cuộc đời vô hạn, chỉ có những số phận con người là hữu hạn".
    Bệnh đó đau đớn lắm chị ơi, ba em mất gần 4 tháng sau khi phát hiện bệnh.
    Xin được chia sẻ cùng chị bằng tất cả yêu thương

    Trả lờiXóa
  3. Chị,
    Em gái em phát hiện K phổi ở thời kì thứ nhất, Bs điều trị bảo là rất hi hữu khi phát hiện sớm vậy. Mổ cắt bỏ nửa lá phổi phải, tích cực điều trị 2 năm tại viện Nghiên cứu K Harrisburg, một trong vài viện nghiên cứu K tầm cỡ của Mỹ. Đến năm thứ ba, ông Gs Bs bảo là khỏi hẳn rồi, không cần đến Bv nữa. Vậy mà chỉ nửa năm sau, đùng một cái bệnh trở nặng, tràn dịch màng phổi, màng tim dày lên và đầy tế bào K! Theo lời của ông Gs Bs điều trị, K phổi ở người châu Á, không hút thuốc, nhất là phụ nữ là loại K mà y văn thế giới chưa nắm được qui luật diễn tiến của bệnh. Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi nhập viện trở lại, em gái em mất trong đau đớn tột cùng dù cứ 2g là một mũi morphine! Câu nói cuối cùng em nghe qua điện thoại "Chị qua đây với em, em ở đây lẻ loi lắm" đến giờ vẫn văng vẳng bên tai. Gần 2 năm rồi mà em vẫn còn thấy như vừa mới. Cũng như CM, em hiểu nỗi xót lòng của chị bằng chính trải nghiệm của mình.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn Doanchithuy, CM, TN. Ai cũng có lần, hay nhiều lần đau khổ tột cùng vì phải lìa xa những người thân yêu của mình. Chị yêu thương má Sáu hơn cả mẹ ruột vì bà nuôi nấng chị từ khi 10 tháng tuổi đến lúc trưởng thành. Nhưng chị chỉ kịp báo hiếu có hơn 1 tháng trong bệnh viện. Phải chi chị hiểu sớm được rằng : những gì ta đang yêu thương đều có thể bị mất đi bất cứ lúc nào ; vậy hãy sớm làm những điều gì có thể cho những người thân yêu chung quanh ta ; kẽo mà có khi không còn kịp.

    Trả lờiXóa
  5. Chị ơi,
    Em cũng nhiều lần ân hận vì chưa kịp nói, chưa kịp thăm thì người đã xa vĩnh viễn.
    Vì vậy, em cứ nhủ lòng: "Hãy yêu thương và yêu thương nhiều hơn nữa" để không phải xót xa, ray rứt vì những gì mình nghĩ mà chưa kịp làm, biết mà chưa có dịp chia sẻ.

    Trả lờiXóa