Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

(18) Những giọt nước mắt Văn Khoa



Photobucket

Hồi đó...tôi hay khóc, khóc vì nhiều lý do, chính đáng, không chính đáng, TN gọi tôi là "công chúa nhỏng nhẽo" và tôi khá "nổi tiếng" với "danh hiệu" này.
Ừ, thì cứ cho là tôi nhỏng nhẽo nên hay khóc nhưng cũng có nhiều lần...đâu có nhỏng nhẽo mà nước mắt vẫn chảy tràn.

Photobucket

*  Ở Hội quán Văn Khoa

Cứ hễ nghe anh chị nào bị bắt là tôi chui vào cái phòng nhỏ xíu, chỗ có để mấy thùng nước đá và các vật dụng của Hội quán rồi khóc nức nở.
Mà tôi có một cái bệnh là hễ khóc thì xỉu vì hạ calci! Đã rối, tôi còn làm cho người khác rối thêm vì phải lo cho tôi!
Có lần tôi "bị" (cũng có thể nói là "được") chị D nhắc nhở: "Phải làm cái gì đi chứ, khóc hoài vậy cưng?". Tôi sợ chị nên không dám trả lời: "Em đâu có biết làm cái gì nhưng anh em, bạn bè của mình, tụi nó có quyền gì mà bắt?".
Là tôi nghĩ vậy thôi chứ nào dám nói vì mình khóc giống "tiểu tư sản", bị la là đúng rồi, oan ức gì nữa mà thanh minh?!

Photobucket

** Ở khám Chí Hòa

Tôi đi thăm anh NTK, nhưng nhìn thấy những anh khác, đi không nổi, phải có người dìu, vậy là tôi khóc, lâu lâu bị "thủ trưởng" nhắc: nãy giờ em có nghe anh nói gì không? Em nhớ anh dặn gì không? Dạ có, em nghe, em nhớ rồi....
Tôi không thể ngăn được những giọt nước mắt xót xa, tôi thật sự chưa hiểu nhiều về các anh, về lý tưởng mà các anh đang theo đuổi nhưng tôi mới gặp các anh đây thôi, đàng hoàng, chững chạc với những lời lẽ vô cùng thuyết phục thì giờ đây, anh nào cũng như "bơi" trong bộ quần áo đen của những người tù, đi xiêu vẹo mà mắt vẫn ngời sáng. Họ có tội gì mà phải chịu kiếp tù đày?
Không nhớ ai đã "phân công" tôi đi thăm nuôi anh VĐN, dường như các anh ở miền Trung, không có gia đình thăm nuôi là chúng tôi (nhóm nữ SV VK) đảm nhận việc này, vô tư như bản chất vốn có của việc thăm nuôi.
Anh N mới bị bắt nên khi tôi thăm, anh đứng trong lưới sắt, tôi đứng bên ngoài, không được vào phòng thăm nuôi như anh NTK. Chỉ vừa thấy bóng dáng anh là tôi khóc. Khóc vì cái lưới sắt, vì cái rào cản giữa tôi và anh, khóc vì cái dáng tiều tụy, gương mặt khắc khổ của anh..Tôi nghĩ anh cũng bị tra tấn nhiều như những anh chị khác. Nơi đó, mỗi người nói một câu, rất ồn ào, mà sao kẻ đứng trong lưới sắt, người ngoài lưới sắt? Tự nhiên sao bạn tôi phải ở tù??? Sao mà tủi cực vậy? Tôi không khóc sao được? Tôi chỉ đưa thức ăn cho anh thôi chứ có chuyện gì đâu mà nói...thật tình là như vậy. Nhưng 2, 3 lần sau đó, tôi vẫn khóc và anh N đã rụt rè nói: "Lần sau, đi thăm tui, đừng có khóc nữa nha, bị hiểu lầm đó.., tui bị chọc quá trời...". Người nói cũng thật thà mà người khóc còn thiệt thà hơn!
Trên đường về (lúc đó, để không bị Công an chú ý, tôi đi đến Chí Hòa bằng xe taxi), tôi suy nghĩ: mình và anh N hiểu nhau là được rồi, ai hiểu lầm nhỉ?! Thôi, chết rồi, lúc đó, VĐN là của...HN chứ nào phải của...tôi! Lại khóc, nhiệt tình bị..."xúc phạm"!

Photobucket

*** Gặp lại chị HD
Chị D đến nhà tôi sau khi ở tù ra. Vừa thấy chị là tôi khóc, không ngăn được đến nỗi ba tôi bước ra và có vẻ ngạc nhiên. Thật ra, chưa bao giờ ba tôi xuất hiện ở phòng khách khi tôi tiếp bạn bè nhưng tiếng khóc của tôi đã làm ba hốt hoảng vì không biết đã xảy ra chuyện gì, nhưng thấy chị D là ba tôi yên tâm và trở vào. Thật tình, tôi không nghĩ là được gặp lại chị sớm như vậy. Lúc đó, chị D là một phần của tôi, ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau, tôi có thể nói tất cả mọi chuyện với chị và chính chị cũng là người đã đến với tôi đầu tiên với tư cách là một người cách mạng. Trong thời gian chị ở tù, tôi không thăm được nhưng vẫn lén gửi thư cho chị bằng cách bỏ thư cuộn nhỏ, dán kín, bọc kỹ vào gói mắm ruốc, ống kem đánh răng... Và, có lần tôi đã bị má của chị "chất vấn": "Bác hỏi thiệt con, hôm bữa con gởi mắm ruốc cho con D, con có bỏ cái gì trong đó không mà bữa nay nó không cho thăm nuôi rồi!". Tôi tái mặt, chối quanh co và tôi nhớ gói mắm đó đã "trót lọt" rồi, sao bây giờ còn bị chất vấn?
Để cho tôi khóc một chút, chị D từ tốn nói: "Em nín đi, có gì thì kể chị nghe, em khóc hoài, đâu có nói được gì...". Và tôi đã kể với chị tất cả nỗi buồn khổ: má tôi mất, ba tôi theo dõi sát sao mọi việc làm, mối quan hệ của tôi vì tôi cũng mới ra tù...Chuyện nhà đã buồn mà chuyện trường còn buồn hơn chị ơi, bị bắt hết trơn, còn có mình em, em chèo chống sao đây, công an thì nó làm dữ quá, nó chụp hình em rồi méc ba em...
Cứ vậy, hai chị em chuyện trò không dứt, nước mắt dành cho ngày gặp mặt.

Photobucket

**** Trong đám tang má của anh NTK

Tôi thường đến nhà anh K để nhận đồ đi thăm nuôi anh. Tôi biết cả hai bác, nên khi bác gái bệnh nằm ở nhà thương Nguyễn Văn Học (nay là BV Nhân dân Gia Định) tôi có vào thăm và cũng đoán rằng với hơi thở nặng nhọc, khó khăn như thế này thì chắc anh K không về kịp.
Rồi bác mất, chúng tôi đi dự đám tang như những người con. Tôi nhớ đã khóc rất nhiều bởi những câu chuyện giữa tôi và bác không đầu đuôi, bởi hình ảnh của bác với cái giường được quay lên cao cho bác dễ thở, bởi anh K vẫn còn xa, xa lắc. Và trong chúng tôi, tôi tự hỏi: sẽ còn bao nhiêu người phải khóc mẹ-cha trong hoàn cảnh nghiệt ngã này..?

Những giọt nước mắt ấy dẫu đã xa, rất xa, nhưng khi tôi nhớ lại, mắt vẫn long lanh, má vẫn ấm, hơi ấm của tình người.
Cuộc sống hôm nay bộn bề, vất vả, sau khi đã sống hơn nửa đời người, dĩ nhiên tôi không còn là "công chúa nhỏng nhẽo" nữa, tôi biết chịu đựng, có khi lì lợm một chút bởi đã chai sạn nhưng những giọt nước mắt của thuở nào, với tôi, là những kỷ niệm còn sống mãi.
Cho phép tôi được gọi đó là "Những giọt nước mắt Văn Khoa".

5-7-2011
Cỏ May

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét