Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

(14) Một chốn đi - về

 

Cách đây không lâu, chợt có ý định: hay làm một cái gì đó để Người Văn Khoa tụ họp. Sở dĩ CM nghĩ đến điều này vì thấy nhóm Trưng Vương sau khi có Web thì đã mời gọi biết bao con chim lạc đàn đang ở khắp các nước cùng về nhà.

Văn Khoa thì năm thuở mười thì mới gặp nhau theo nhóm nhỏ gọi là “thân hữu Văn Khoa” còn ngày 9-1, thật lòng mà nói, chỉ đến để được nghe những bài hát quen thuộc, thân thương, chứ chuyện trò chẳng có đầu, có cuối, gặp nhau, có khi chưa kịp nở một nụ cười.

Chẳng lẽ chúng ta không còn gì để chia sẻ với nhau? Người đi xa mỗi lúc một nhiều hơn…chắc chắn có những điều chưa kịp nói và sẽ không còn dịp để mà nói nữa rồi! Mỗi người mỗi việc, mỗi hoàn cảnh, có khi đường gần vẫn hóa xa.

Nhắn tin, gọi điện thoại cho nhau, chủ yếu là để rủ nhau đi thăm người này bệnh, đi viếng tang người kia. Một năm gần đây thôi, mới tổ chức được 2 lần sinh nhật trong năm. Vui thì vui thật nhưng hội tụ mấy tiếng đồng hồ rồi thì cũng chia tay, ai về nhà nấy, chuyện của ai thì người ấy biết, lúc chụp hình chung thì có vẻ hào hứng lắm nhưng “thợ” chụp thì mới có hình, người được “mời” chụp thì chẳng thấy hình ảnh gì nữa. Cứ vậy, “gặp nhau đây, rồi chia tay…!”.

Dự tính phải làm một cái gì đó cho Văn Khoa thì nhiều, cứ suy nghĩ miên man, như không thể dứt ra được, đành phải chia sẻ với TN và GM. Dĩ nhiên ai cũng hưởng ứng nhưng vấn đề rất rất quan trọng là làm sao mà thực hiện đây? Phương tiện thông tin thì ngày càng hiện đại, thế hệ của mình, có lẽ nhiều người chưa theo kịp mà vì chưa sử dụng nên cũng vẫn chỉ là người xa lạ. Internet là con đường ngắn nhất để mọi người đến với nhau và nối vòng tay lớn đến…vô biên. Nhưng làm website hay blog là rất đơn giản đối với tuổi “teen”, còn chúng ta thì…

Ai cũng là “kỹ sư” tin học, làm sao biết bắt đầu từ đâu? Đã vậy, học thì hiểu chậm mà còn mau quên nữa chứ!

Cỏ May thì có blog 2 năm nay (do con gái bày cho), TN thì có “bề dày lịch sử" hơn chút, cũng có vẻ “rành đường đi nước bước” hơn vì có nhiều bè bạn và cũng có nhiều thời gian hơn là CM: người đã hưu nhưng chưa nghỉ! TN không hứa chắc, sẽ cố gắng. Nói là nói vậy thôi chứ thật ra, bạn ấy đang “ngược xuôi”, tìm “nguyên vật liệu” để xây nhà.

Và rồi, ngày “tân gia” cũng đến, đúng vào dịp tổ chức sinh nhật cho các anh chị và các bạn có ngày sinh trong 6 tháng đầu năm. Món quà bất ngờ của TN khiến ai nấy cũng chưng hửng, thế hệ “già” chúng mình cũng văn minh, tiến bộ quá đi chứ!

Theo sự hướng dẫn của TN, GM đã mở blog ra, thấy mình có nhà rồi, nơi chốn đi về thật là ấm áp, dễ thương. Ai cũng phấn khởi.

Nhưng chỉ hôm sau, khi đã chia tay thì “hào khí” biến mất! Hôm qua, thấy rõ ràng nhà của mình, nhưng hôm nay, với cái máy tính già nua và cái “lê vồ” (level) quá cao thì nhà vankhoa sao mất tiêu hết rồi???

Kể cả những người đã từng “có nhà” như Cỏ May cũng rối rắm! Cái nhà Multiply không đơn giản như Yahoo, TN hướng dẫn các thao tác, chỉ có GM tiếp thu (không biết là đủ hay chưa nhưng có vẻ tự tin) còn CM lo phục vụ ăn uống cho mọi người nên xem như…xong phim!

Rồi những ngày sau đó mới dở khóc, dở cười: nhắn tin, thao tác không được, gọi điện thoại cũng không xong… Bắt đầu nổi giận, thôi dẹp cho rồi, mất thời gian quá mà không có làm được cái chi chi hết!!! Chỉ có logout với sign in mà CM cũng điên loạn vì chẳng biết đứng ở cái góc nào để mà comment đây. Mình là CM chứ đâu phải Nguoivankhoa nhưng tại mình ở trong nhóm “những nữ sinh viên văn khoa” ngày ấy nên mới “rắc rối sự đời”! Đã qua gần 2 tuần “thử việc” nhưng chắc chắn là chưa được “tuyển chính thức” vì còn kém cỏi quá, lại thêm nóng vội nữa!

Chỉ thương “bà thầy” bất đắc dĩ TN, kiên trì tạo blog cho cả nhóm thân hữu, hướng dẫn tận tình nhưng dường như chỉ nhận được sự im lặng! Hiếm hoi mới nhận được phản hồi là “làm không được, không thấy gì hết trơn…” nhưng TN bản tính rất hiền lành, không “tham, sân, si” như CM nên vẫn cứ kiên nhẫn và tận tình.

Lại có thêm sự hỗ trợ của Gió heo may, em cũng tận tình không kém TN mà thật không may mắn cho em, toàn gặp những học trò “cá biệt”, điển hình là CM, GM.

Đến hôm nay thì khách khứa đã bắt đầu vào ra, các entries đã có người thưởng thức và comment. CM thấy ấm lòng, ngày nào cũng nghĩ là mình thật sự đã có một nơi chốn thân thương để đi về. Những mỏi mệt đời thường, những “lấm lem” của bụi trần sẽ được dội rửa tại Góc nhỏ Văn Khoa để chúng ta mãi yêu thương, chia sẻ với nhau. Chị Q nói: “mỗi ngày vào nhà nhiều lần”. CM thương chị quá! Em Gió (Văn Khoa đàn em, tạm gọi như vậy cho dễ hiểu) thì nói vẫn ao ước có một nơi chốn đi về của “những người muôn năm cũ”. Giờ đây, em đã thỏa ước mơ nên lại càng bỏ nhiều công sức để tìm hình trường “của chúng mình” rồi hướng dẫn các chị từng thao tác, mà chỉ một lần, các chị đâu có biết! Khổ thân em!

Biết bao chuyện bây giờ mới…bắt đầu kể. Có khi đã rất cũ nhưng vẫn là mới với người nghe. CM vui mừng biết mấy với những áng văn thơ trào dâng của các anh chị, các bạn. Quả thật, mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười…một! Nhân tài bắt đầu xuất hiện và ngày sẽ càng đông vui hơn.

Nhà đây rồi, chúng ta hãy cùng tụ họp để được san sẻ những yêu thương cho quên bớt những muộn phiền.

Một thời tuổi trẻ tuy đã qua nhưng vẫn sống mãi cùng chúng ta.

Khi ta dừng chân nơi quán nhỏ chính là lúc, chúng ta trở về với mình, với bạn bè và nơi đó, chỉ có những tình cảm sáng trong dành cho bạn bè, cho lý tưởng một thời theo đuổi.

29-6-2011

CỏMay

 

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

(13) Tháng sáu



Photobucket

tháng sáu ngày dài
tháng sáu ngày mưa
giọt rơi nghe nặng trĩu
bàn tay buông
năm ngón gân xanh in dấu thời gian đằng đẵng

tháng sáu gặp lại
tháng sáu chiều ngắn
tiếng nói cười
và ánh nhìn vội vã
bắt tay
ta lạc nhau giữa phố xá đông người

tháng sáu qua đi
tháng sáu lặng lẽ buồn
đêm im lặng
gió cũng lười biếng thổi
ghé lại trên cành và kể với lá niềm riêng...
tn

Đọc tiếp ...

(12) Một bài thơ cũ

 

Photobucket

Trong những ngày còn lại

Ta muốn mù muốn điếc muốn câm

Cho tròn phận bạc

Ta muốn treo cao chút hồn xế bóng

Như trăng khuya

Bóng người say ngả nghiêng đường vắng

Quên mất đường về

Ngửa mặt nhìn trăng sờ cổ khát

Muốn xin nhau

Một cây gậy cũ

Một chiếc ô đen

Che mưa nắng đường về chân mỏi

Mà im không nói

 

Vẫn vậy

Mỗi khi cô đơn, hay nhớ lại bài thơ này

Có đến hơn bốn chục năm rồi.

Hồi ấy, chị còn đôi mươi, như tôi như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng sao thơ chị buồn vậy! Và tôi, đọc một lần rồi nhớ mãi.

Thật lâu, bài thơ chị chép cho tôi vẫn nằm im trong quyển sách cũ.

Và cho đến tận bây giờ, bài thơ ấy vẫn còn nguyên trong trí nhớ - vốn hay phản bội tôi vào những lúc bất ngờ nhất.

Cũng lạ, cứ mỗi khi tâm trạng không bình thường, bài thơ lại trở về.

Thấy như chị nói cho mình

Thời hai mươi, có lúc bế tắc, cứ muốn coi nó như một khúc tuyệt tình

Ba mươi, thấy bài thơ xót xa chi lạ

Bốn mươi, nghiệm ra sự tuyệt vọng trong câu thơ cuối cùng

Năm mươi, băn khoăn hỏi lòng, có phải đúng là chị đã viết những dòng ấy

Sáu mươi, đồng cảm ...

Chị yêu, cây quế xanh của ngày xưa, cây quế cay nồng của bây giờ, em lưu lại bài thơ ở đây - như một kỉ niệm dễ thương (tn).

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

(11) Viết tiếp ... Chuyện tình Văn Khoa ngày ấy - bây giờ



Chuyện tình của những bài thơ được viết tiếp… vì còn một bài thơ nữa: Bài thơ của cô ấy.

Vào một ngày đầu mùa thu năm 2007, có một chuyến xe đưa những cựu sinh viên Sài Gòn lên Đà Lạt dự đêm thơ của một nhà thơ sinh viên phong trào.

Cô ấy đã nhìn ra Bài thơ sau lưng tờ lịch có trong tập thơ vừa được phát hành, và cô cũng có một bài thơ…

 

MÙA MƯA

 

 Mùa mưa đến rồi đi

Cho hàng cây thay lá

Cho đất trời nở hoa

Có khi anh đừng nói

Điều em chưa từng biết

Để em mãi là cành liễu

Reo hát lời không tên

Anh hãy cứ làm thơ

Cho mối tình sương khói

Lãng đãng phía trời xa

Những mùa mưa đã qua

Lặng thầm trong nỗi nhớ

Có còn chi đâu nữa

Trái chín đã sang mùa!

 

Ôi! Những mối tình Văn Khoa!!!

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

(10) Vẫn là Chuyện tình Văn Khoa

 

 Ngày ấy, cô gái Văn Khoa xa trường, hai câu thơ trong quyển cour Kép Tư Bền sao mà nhói lòng :

Cho rồi một chuyện ngày xanh

Cho qua hờn dỗi cho đành lãng quên

Hơn một năm sau, cô nhận lá thư không có tên người gửi, nét chữ lạ. Bên trong là một bài thơ. Không chỉ là một, bài thơ thứ hai ẩn trong bài thứ nhất - tác giả bài thơ đang ở trong tù!

Gửi mùa thu

đêm buồn mưa nhuốm màu thu
nhân gian há có kẻ sầu vì ta
còn đâu mơ ước ngọc ngà
nhớ nhung xưa cũ đã qua phong trần
ta đi sầu nặng gót chân
chăng chi rồi cũng một lần xuân thôi
ta ngồi tính lại tuổi đời
buồn sao cho xiết những lời đắng cay
nên chăng số kiếp an bài
bỗng đâu giông tố về gây bất bình
nhớ con đường cũ sử tình
nàng đi qua đó ta nhìn dáng thơ
ngày nao tóc xõa đôi bờ
xưa sao xa vắng bơ vơ cổng trường
thuyền thời gian vết đau thương
tình ta còn lại mấy đường tơ khô
thoáng qua một phút mơ hồ
ngọn cây ướt đẫm xanh bờ mắt em
gió tung bối rối tóc mềm
đưa hương kỉ niệm về miền tâm tư
mười lần hò hẹn thuở xưa
hai thu cũng đủ để vừa lãng quên
bến thương yêu đó không tên
lạ sao xa lộ mông mênh buổi chiều
ai đi trong gió đìu hiu
chờ con nắng xuống buồn teo phố phường
đợi tà áo trắng người thương
ai đem xanh biếc vào vườn mắt em

lao xao hè phố kiếm tìm
ta nghe nỗi nhớ sôi tim từng giờ
văn khoa 1972

Hơn ba mươi năm sau, gặp lại, nhiều ngậm ngùi nhưng không trĩu nặng. Chuyện xưa như khói mây.

Bây giờ, cả hai cũng có hai gia đình êm ấm, đề huề.

Chuyện ngày xưa trở thành kỉ niệm.

Đọc tiếp ...

(9) Chuyện tình Văn Khoa ngày ấy - bây giờ

Từ ngày có Góc nhỏ Văn Khoa, buổi đầu người mùa thu cho nghe  Hỡi người tình Văn Khoa… sao mà tha thiết quá, đến giờ được Gió heo may dẫn về Hôm nay về Văn Khoa, lá me xưa đã già…, lá hoa giờ rã cánh, theo cuộc tình bay qua…, tự dưng xao xuyến nhớ đến những chuyện tình Văn Khoa. Nhớ lại một thời nhiều gian khổ, sau năm 1968, chiến tranh hiện diện từng góc phố Sài Gòn, nói như Eric Remarque “tình yêu trong chiến tranh là bắt đầu cuộc tán tỉnh không có tương lai”. Nhưng ở Văn Khoa thời đó, tình yêu vẫn nở hoa. Có những mối tình kết thúc có hậu, tay trong tay đến gần 40 năm sau, nhưng cũng có những chuyện tình ngậm ngùi đi qua năm tháng chiến tranh đó. Nhưng dù thành hay không, chuyện tình Văn Khoa vẫn đẹp như trong tiểu thuyết. Có một chuyện được lưu truyền trong anh em phong trào, nghe thật ngậm ngùi và tha thiết. Tạm gọi là chuyện tình với những bài thơ.

 

Bài thơ thứ nhất: Bài thơ viết sau lưng tờ lịch

Bắt đầu câu chuyện là một việc không hề lãng mạn, thậm chí còn mang tính “chính trị”! Đó là năm 1972, khi chính quyền Việt Nam cộng hòa hạ tuổi quân dịch xuống 1 tuổi để tổng động viên, các nam sinh viên trở tay không kịp, lần lượt bị đưa lên quân trường, phong trào SVHS Sài Gòn xao xác vì anh em phong trào cũng bị đi quân trường khá nhiều. Trong số những biện pháp đưa ra để anh em bỏ ngũ trở về có một việc là nhờ các cô sinh viên Văn Khoa viết thư gởi đến quân trường, những lá thư nói về bạn bè, trường học, về cha mẹ, gia đình, nhắc đến quê nhà…những lá thư góp phần thôi thúc các anh tìm cách rời bỏ quân trường. Trong số những người viết thư có một nhà thơ, vô tình làm sao một lá thư của cô lại đến tay người nhận cũng là một nhà thơ, người khá nổi tiếng với bài thơ viết về các bà mẹ, các em gái Sài Gòn mà một nhạc sĩ sinh viên đã phổ nhạc và bài hát trở thành một trong những bài hát nổi tiếng của phong trào SVHS. Nhà thơ viết thư chắc đầy cảm xúc, mà nhà thơ đọc thư chắc cũng đầy xúc cảm, chỉ biết là sau đó nhà thơ nam đã bỏ ngũ để về một miền quê xa lắc ở miền Trung, bạn bè bặt tin anh từ đấy.

Sau ngày hòa bình được 5 năm, trong một dịp trở lại Sài Gòn, anh đã tìm đến nhà cô ấy, để rồi đứng tần ngần bên hàng rào lá tigôn xanh mướt, khi nghe hàng xóm cho biết “Cô ấy đã lấy chồng, theo chồng về quê ở sông Tiền”. Anh trở lại miền Trung, cuới vợ, sinh con, những năm tháng khó khăn đó anh đã làm đủ thứ việc, làm thầy giáo dạy học, làm nông dân bên miếng vườn nhỏ, làm tiều phu lên núi đốn củi… anh đã làm đủ mọi cách để nuôi sống gia đình nhỏ của mình, và anh vẫn còn làm thơ, rất nhiều bài thơ.

Mười lăm năm sau nữa, trong một lần trở lại Sài Gòn, bạn bè gặp anh mừng rỡ người bạn phương xa, với sự ưu ái của bạn bè, anh có một nguyện vọng: làm sao để gặp lại được người viết bức thư hơn 20 năm trước. Sài Gòn những năm cuối thập niên 90, điều đó không quá khó, độ hơn muơi tin nhắn và các cuộc gọi điện, đã tìm ra cô ấy, may mắn thay, một tuần cô lại có vài buổi lên Sài Gòn dạy học, và hạnh phúc thay hôm đó lại là ngày cô có mặt ở Sài Gòn. Lại một vài tin nhắn nữa đã hẹn được một buổi cơm trưa mừng ngày hội ngộ của những người bạn cũ, một người bạn gái sẽ đưa cô đến, nghe xong cuộc hẹn, anh bồi hồi với tay gỡ tờ lịch trên tường quán cà phê, viết vào phía sau tờ lịch một bài thơ, cũng xin mạn phép được trích đăng ở đây vì bài thơ này có trong tập thơ của anh đã được xuất bản và phát hành trên cả nước.

 

MƯA ĐẦU MÙA

 

Buổi sáng đầu mùa mưa

Cây hồi sinh xanh mướt

Nắng mặt trời chải lược

Hương đất ngọt ngào bay

 

Trong khóm lá vườn cây

Áo thơm mùi trái chín

Nụ cười ai rất mịn

Đậm đà hương sầu riêng

 

Buổi sáng đầu mùa mưa

Trở về qua thành phố

Mát rượi lòng đại lộ

Tình xưa lá me bay

 

Trở về thành phố này

Nhớ bạn bè tranh đấu

Nhớ những đêm không ngủ

Tiếng hát “Dậy mà đi!”

 

Lại về qua trường xưa

Ngỡ ngàng cây đã lớn

Mười mấy năm giữ trọn

Nỗi nhớ thương bạn bè

 

Thư em viết cho anh

Mười năm sau mới hiểu

Khi biết thương cành liễu

Mùa thu đã đi qua

 

Em đã về Tiền Giang

Chút tình xưa ủ kín

Ngày ngày con nước đến

Gởi em lòng phù sa

 

Em về với học trò

Anh cũng về quê xưa

Mỗi năm mang thương nhớ

Gởi theo đầu mùa mưa

 

Buổi hội ngộ bất ngờ đầy cảm động, những người bạn sau 20 năm mới gặp lại nhau. Nhưng rồi cũng phải chia tay, anh gởi cô bài thơ viết sau lưng tờ lịch, cô về lại sông Tiền, anh ngược về đầm Ô Loan, hai gia đình nhỏ ấm yên hạnh phúc, chút kỷ niệm cất sâu vào trong góc nhỏ trái tim…

 

Bài thơ thứ hai: Bài thơ… bị đánh mất

Lại gần mười lăm năm nữa, anh có dịp về thăm bạn bè ở Sài Gòn, lần này đúng ngày 9-1, anh biết thế nào cũng gặp lại cô trong số đông đảo anh chị em về họp mặt, anh đã làm một bài thơ, viết cẩn thận vào một tờ giấy đẹp, cất vào túi áo định sẽ gởi tặng cô. Đêm họp mặt, người là người, đông thế mà anh vẫn tìm ra cô, tay run run cho vào túi áo tìm bài thơ… nhưng không có, bài thơ bị rơi mất tự bao giờ, anh đứng ngơ ngẩn vì làm mất bài thơ, cô ấy cười lặng lẽ, bạn bè anh cười… khoái chí, bởi vì thật tình mà nói, họ có phần ganh tị với anh, cô ấy dù đã lên chức bà nội nhưng vẫn còn sắc nước hương trời, vẫn còn là người đẹp Văn Khoa thuở nào. Nên khi thấy anh có lợi thế nhà thơ, lần nào gặp cô cũng có một bài thơ, các đồng chí bạn có phần ganh tị, và khi thấy bài thơ bị đánh mất thì cười khoan khoái vô cùng. Bài thơ ấy trừ anh ra không ai biết nội dung vì nó rơi mất đâu rồi.

 

Bài thơ thứ ba: Bài thơ chưa có và chuyện cũng chưa xảy ra. Nhưng nếu mươi năm sau anh còn có cơ hội trở lại Sài Gòn. Chắc chắn anh sẽ có một bài thơ và lần này chắc là bài thơ sẽ được giữ rất kỹ!

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

(8) Về qua Văn Khoa

                                         Ta về qua dãy phố vàng. 
                                         Buổi chiều nghiêng bóng thời gian giao hoà. 
                                         Về qua trường cũ Văn Khoa.. 
                                         Sân trường vắng lặng... nhạt nhoà áo xưa. 

                                         Bâng khuâng nhánh phượng đầu mùa. 
                                         Nở thành những đoá hoa mưa dịu dàng . 

                                                           gioheomay

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

(7) Từ Tịnh An Viên đến " Mái lầu phong nguyệt"



Như có một cơn gió mùa thu thổi qua, một số người Văn Khoa U 60 và U 70 chợt nhận ra trong số rất nhiều thứ mà bây giờ mình không kiểm soát được có một thứ là “tài khoản thời gian”, sẽ không biết lúc nào thì hết… tiền.

 

Thôi thì hãy sử dụng triệt đễ tài khoản này đi khi còn là của mình. Rất nhiều ý kiến về việc tiêu xài này, trong đó có việc kiếm ra lý do để tụ họp với nhau, rồi cũng nhất trí là sẽ tổ chức Sinh nhật mỗi tháng, bao nhiêu người có SN trong tháng đó sẽ được bạn bè chúc mừng.

 

Nhưng, cũng như Hội đồng Liên Hiệp quốc, nhất trí rất cao nhưng sau khi họp xong rồi thì làm mới thấy khó, từng tháng trôi qua, lại bảo nhau: “Thôi làm SN từng quý vậy!”. Một quý lại trôi qua và cũng không làm được. Lúc đó chợt nhận ra chúng ta, những người đã về hưu hóa ra vẫn còn rất có ích cho xã hội và gia đình, bởi vì ai cũng đang rất bận bịu với một việc gì đó: tiếp tục công việc ở nơi cũ hay một nơi khác, hoặc đi dạy học, hoặc làm vườn, hoặc trông nom cháu nội, ngoại, và một ít người còn cái hạnh phúc lớn là chăm sóc cha mẹ già…

 

 Thời gian lại trôi đi, cuối cùng thì cũng phải quyết tâm, vì trong nhóm có người nghĩ chẳng lẽ đã từng làm bao nhiêu việc khó hơn khi còn tại chức mà tổ chức SN cho mình lại làm không được a, rồi cũng có người đang còn tại chức thì rao: “Các bác ơi, hãy lợi dụng tui mà mượn xe đi, năm sau tui về hưu rồi thì không còn cơ hội đâu!” và lại cũng có người chợt nhận ra phải đến để còn gặp lại một người nào đó trong nhóm bạn bè, nói một lời xin lỗi muộn về một việc gì đó từ mươi năm trước mà đến tận bây giờ vẫn ray rứt vì chưa phân trần được. Với nhiều lý do như vậy, buổi họp mặt kỷ niệm Sinh nhật 6 tháng cuối năm đã được tổ chức vào một ngày đẹp trời mùa đông, ngày 5-12-2010.

 

Sau khi “lợi dụng”  bạn Trần Văn Ánh để muợn một chiếc xe, nhóm thân hữu Văn Khoa lên đường đến Tịnh An viên ở Lái Thiêu là nhà vườn của em trai bạn Minh An - cậu em trai sau nhiều năm bôn ba với vật lý chất rắn, rồi công nghệ thông tin, rồi thị trường chứng khoán đã tự làm cho mình một chốn đi về để “Xuân du phương thảo địa; Hạ thưởng lục hà trì; Thu ẩm hoàng hoa tửu; Đông ngâm bạch tuyết thi”.

 

Chớm mùa đông nên trong hồ không còn hoa sen, nhưng chủ nhân cũng đã có một bình hoa sen để chúc mừng Sinh nhật các anh chị: Thu Nhân, Trân Thúy, Hải, Hoàng Hương, Kim Diệp, Ngọc Dung, Minh An, Tuấn Kiệt, Xuân Tiến, Lê
Bách,Ánh


 Photobucket

..Photobucket 

 Rất tiếc là các anh Lê Bách, Nguyễn Tuấn Kiệt và Trần Văn Ánh bận việc không đến được, nhưng bù lại có thêm anh Vương Văn Nam từ Tây Ninh, và các chị Kim Tuyến, Hồng Diệp, Xuân Hương, Thúy Liễu, Trúc Chi, Mai chung vui. Dù chỉ cách Sài Gòn 17km, nhưng cả nhóm đã có một ngày thật sự quên hẳn cuộc đời tất bật bên ngoài. Tất cả đều vui, các bà nội, bà ngoại Văn Khoa trên dưới 61 tuổi bỗng chốc trở thành em gái Văn Khoa 16 tuổi với áo dài thướt tha để tạo dáng chụp ảnh bên cây cỏ trong vườn, bên nhà rường cổ..

Photobucket..Photobucket


..Photobucket


Photobucket..

Photobucket..

Photobucket

 Xuân Hương và Kim Diệp hỉ hả vì các bạn rất thích món quà SN là các chiếc ví cầm tay xinh xắn mà 2 bạn đã cất công lựa chọn rất kỹ.

Photobucket

Trân Thúy cũng rất hài lòng vì chiếc bánh sinh nhật khá vất vả khi đi đặt (tiệm bánh nào cũng nguây nguẩy lắc đầu, lý do: phải viết nhiều tên trên bánh quá) đã được thanh toán gọn dù bạn nào ban đầu cũng nói sợ ngọt lắm!

,..Photobucket

 Minh An thì càng vui vì các món ăn dân dã được các bạn chiếu cố nhiệt tình, phần lớn là cây nhà lá vườn: Cá vớt từ ao lên, bắp chuối cũng hái trong vườn, đu đủ, chuối cũng thế. Chỉ phải mua gà và đặt xôi (lâu lâu mới nấu, sợ thành cơm nếp nát nên không dám)

 

Và cuối cùng thì người có một nỗi canh cánh trong lòng từ bao nhiêu năm nay cũng đã có dịp nói lời xin lỗi muộn đến bạn mình trong buổi trưa yên tĩnh chỉ có tiếng chim hót bên cây vô ưu

...Photobucket..

Photobucket



Một ngày họp mặt bạn bè thật vui và mọi người đều nhất trí sẽ lại tiếp tục tổ chức SNcho các anh chị có ngày sinh 6 tháng đầu năm.

* * *



Photobucket

 

 

"Rồi ngày qua đi, qua đi…"

Tháng 1 trôi qua chưa tổ chức đuợc vì có buổi họp mặt lớn của anh em phong trào SVHS Sài Gòn và thêm việc đi dự đám cưới con trai chị Hồng Diệp. Tháng 2 thì bận rộn lo Tết, kẻ lên núi người xuống biển. Tháng 3 trôi qua vì có thêm sáng kiến hay đợi mùa hè để tổ chức ở Phan Thiết, tháng 4 thì tất bật ở 2 gia đình bạn có cha mẹ già bị té gãy xương chân, đến tháng 5 chần chừ giữa đi chơi xa hay tổ chức tại Sài Gòn, bước qua tháng 6 thì Trân Thúy và Minh An thấy không thể đợi được nữa, phải làm trong tháng 6 này thôi, tin nhắn gởi đi trước 2 tuần cho các bạn thu xếp dự. Thu Nhân ở Bến Tre góp phần bằng cách gấp rút cho ra đời một blog của Người Văn Khoa lấy tên Góc nhỏ Văn Khoa.

 

Và ngày 12-6-2011, kỷ niệm… 1 ngày thành lập blog, Người Văn Khoa đã tổ chức mừng Sinh nhật các anh chị có ngày sinh 6 tháng đầu năm: Huỳnh Thiện Kim Tuyến, Lê Thị Hồng Diệp, Dương Thúy Liễu, Huỳnh Thanh Quế, Lê Thị Xuân Hương, Trần Thị Trúc Chi, Vương Văn Nam, Nguyễn Văn Phi, Trần Quốc Hùng, Nguyễn Văn Ngoãn. 

..Photobucket..Photobucket

 

Đến chung vui là các anh chị Ngọc Dung, Thu Nhân, Hoàng Hương, Kim Diệp, Minh An, Tuấn Kiệt, Xuân Tiến. Địa điểm tổ chức tại nhà anh chị Nguyễn Văn Phi (nhà thơ Hồn Oan) – Bùi Trân Thúy (nhà thơ Đỗ Quyên). Vì tổ chức tại nhà của nhà thơ nên ngoài món quà Sinh nhật nhỏ như thông lệ, mọi người còn được nghe giọng đọc vẫn ấm áp như xưa của nhà thơ Hồn Oan đọc bài thơ của nhà thơ Đỗ Quyên cảm xúc viết nhân ngày SN của những người đã, đang và sắp bước qua tuổi 60, sau đó mọi người còn được nhận bài thơ xinh xắn in bằng mực tím như một món quà riêng:

 EM VẪN TRẺ

Vậy mà em cũng đã sáu mươi

Em sợ già, anh lại bảo em còn trẻ

Mỗi ngày em vẫn soi gương

Lưu luyến mái tóc đen giờ đã đốm bạc

Vết chân chim vô tình trên đôi mắt

Vài nếp nhăn lì lợm chẳng chịu đi..

Rồi em ngậm ngùi tiếc thời con gái

Anh nhắc: “Này em yêu ơi

Thời gian có ngừng lại bao giờ

Đã hơn nửa đời người em lo toan vất vả

Các con trưởng thành, no cơm ấm áo

Chúng mình vẫn đang thuộc về nhau

Mái tóc em, dẫu có nhiều sợi bạc

Cũng là quà tặng em dành cho anh

Để anh nhớ về những đêm dài mất ngủ

Bởi cơm áo, gạo tiền,bon chen, tủi cực

Vết chân chim không làm mắt em thôi lúng liếng

Nếp nhăn chẳng làm em kém tươi xinh

Với anh, em mãi như thời son trẻ

Dẫu năm tháng có qua đi, cuộc đời có dài ra

Tình yêu trong anh vẫn là mới mẻ

Và em ơi,em vẫn trẻ đời đời.

05-03-2011

Trân Thúy

Photobucket

 Quà Sinh nhật lần này là cà vạt cho các anh và khăn quàng cổ cho các chị, những chiếc khăn như lời mời nhắc lại của Minh An về một chuyến nghỉ ngơi trên ngôi nhà nhỏ ở một ngọn đồi Đà Lạt.


Photobucket


Thu Nhân biết các bạn vẫn còn khá bận rộn nên không đưa ra thêm một lời mời về Bến Tre mà đưa cả Bến Tre lên cho bạn bè với bưởi da xanh, mứt dừa non, kẹo chanh gừng… Anh Vương Văn Nam không những không ngại đường xa mà còn mang theo hương vị Tây Ninh với muối tôm và bưởi hái ở vườn nhà. Trong khi nồi cháo cua đồng tàu hủ non của chủ nhà đưa ra được vét sạch vì rất ngon thì những chuyện cần làm cũng được đưa ra bàn bạc rất rôm rả: blog Văn Khoa đã có rồi nhưng làm sao cho mọi người nhớ đến để vào? Tờ nội san kỷ niệm Văn Khoa sẽ ra đời với tên gì và bìa sẽ được vẽ thế nào? chuyến đi chơi mùa hè dự định sẽ đi đâu?… Kết thúc buổi họp mặt, lại cũng giống những phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc, các vấn đề đều còn bỏ ngỏ, chưa kết luận ngay được.

Thì cũng phải vậy, để còn có lý do họp mặt lần sau nữa chứ!!!

Lần tới sẽ là ngày nào nhỉ?

Nguyễn Minh An

 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

(6) Đêm Xuân cô ngủ có buồn không ...?


Cứ những ngày gần tết , bất chợt nghe đâu đó những khúc nhạc xuân … tôi lại nhớ bài hát Gái Xuân của nhạc sĩ Từ Vũ phổ từ thơ Nguyễn Bính .



Tôi nghe bài hát này nhiều lần, từ lúc còn là cô gái “hãy còn xuân” cho đến bây giờ mùa xuân không còn muốn nhìn mình nữa thì ấn tượng người hát để lại cho tôi vẫn không phải là một ca sĩ nổi tiếng mà là một nữ sinh viên Văn Khoa  cách đây gần 40 năm _ chị Vương Nguyện ( hay Vương Nguyệt gì đó) mà đã ngần ấy năm trôi qua  cứ nghe Gái Xuân tôi lại nhớ chị .



Tôi còn nhớ đó là một buổi tối mùa xuân , trời Saigon trong trẻo .Sân khấu lộ thiên được thiết kề giản đơn đúng phong cách sinh viên nằm ngay trước giảng đường I Đại học Văn Khoa Saigon . Có lẽ đây là buổi văn nghệ để chuẩn bị chia tay về quê ăn tết nên sân trường đông kín . Tôi lúc đó còn là con bé nữ sinh trung học đang chuẩn bị thi Tú Tài II nhưng do nhà gần đấy nên cũng ti toe sang xem .




Tôi đứng ở xa nên không nhìn rõ nét mặt chị Nguyện nhưng tôi còn nhớ tiếng gào của các anh sinh viên khi chị  bước ra sân khấu .. Chị mặc chiếc áo đầm màu lá mạ … mái tóc dài bay bay . Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ cái dáng nhỏ nhắn của chị _ một vạt màu lá mạ_ lọt thỏm giữa sân trường rộng đông nghịt người một tối mùa xuân mà sao trời nhiều gió đến thế!



Em như cô gái hãy còn xuân ..

Trong trắng thân chưa lấm bụi trần

Xuân đến hoa mơ hoa mận nở

Gái xuân giũ lụa trên sông Vân…



Chị cất tiếng hát ,tiếng hát vút cao lan giữa khoảng không gian nhiều người . Tiếng hát khôn ngoan nhoài mình len lỏi qua những tán cây cao, thanh âm lan rộng cả trong tiếng xạc xào của những vòm lá sẫm  . Tôi đứng tim bởi ca từ bài hát quá đẹp … bởi cái màu xanh lá mạ trên kia cũng quá đẹp , bởi cả cái không gian trẻ trung sôi động cứ như nuốt chửng lây con bé nhỏ xíu như tôi ngay lúc ây .



Chỉ có điều  tôi không hiểu tại sao … Cứ mỗi lần giọng hát cất đến câu :”trong trắng thân chưa lấm bụi trần …” là mấy anh sinh viên cứ rú lên hoặc huýt sáo inh ỏi . Sau này khi vào học ở Văn Khoa , có lần tôi mang ý này ra hỏi Bạn Nhỏ , Bạn Nhỏ nhìn tôi cười : “mây thằng con trai nó hay la hét linh tinh thế chứ chẳng tại sao cả ?”



Tôi không vừa lòng cách giải thích nhưng cũng không hỏi thêm … Năm tháng trôi đi , khi đã hiểu hơn những ca từ của Gái Xuân , tôi lại chẳng màng đến chuyện tìm hiểu xem những tiếng gào thét ngày ấy là tại sao nữa . Tôi lại thấy lời giải thích của Bạn Nhỏ  ngày ấy là hợp lý … Lúc nào mấy gã con trai đàn ông cũng hay gầm rú linh tinh như thế thì phải ?




Một lần , cũng vào dịp tết ,tôi ngồi lẩm bẩm hát nhỏ bài hát Gái Xuân và bỗng phát hiện ra hai từ không hợp lý trong câu đầu tiên của bài hát : “Em như cô gái hãy còn xuân…”



Để khen một phụ nữ trẻ hơn tuổi người ta có thể nói : Lớn tuổi rồi mà vẫn như gái hãy còn xuân ấy nhỉ” , “như” ở đây có nghĩa là “giống như ” , “hãy còn” có nghĩa là có thể không còn . Mà cô gái thơ của Nguyễn Bính mới “Đôi tám xuân đi trên mái tóc” thì cô gái này là gái xuân đứt đuôi con nòng nọc đi rồi …chứ “như” với  “hãy còn” gì nữa .

 


Có thể tôi chưa hiểu được hết ý của nhà thơ Nguyễn Bính nhưng  cái lúc phát hiện ra tôi cứ ấm ức mãi. Nói với bạn bè thì chúng cứ ậm ừ “ Mi chỉ lo bò trắng răng … một là mi không hiểu ý thi sĩ hai là … mơi mốt thế nào ổng cũng phát hiện ra mình dùng từ chưa chính xác rồi sửa lại thôi mà” .



Tôi không còn là con bé nhạy cảm hay thắc mắc của nhiều năm trước nữa … Nguyễn Bính và Từ Vũ không còn ,chẳng ai giải đáp cái thăc mắc trẻ con của tôi ngày xưa  và chẳng biết bây giờ những chàng trai trẻ có gầm rú lên khi nghe câu hát : “trong trắng thân chưa lấm bụi trần” như những chàng trai thời ấy không nhưng Gái xuân thì vẫn là cô gái son sắc ngày nào …vẫn làm rung động trái tim của nhiều thế hệ …vẫn làm tôi nhớ một mái tóc bay ,một vạt áo màu lá mạ đã xa lơ xa lắc …


Lòng xuân lơ đãng , má xuân hồng

Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng

Đôi tám xuân đi trên mái tóc

Đêm xuân cô ngủ có buồn không ?



Tôi vẫn yêu nhất cái câu hỏi dễ thương trong bài hát : “Đêm Xuân ..cô ngủ có buồn không ?” Uh , chẳng biết đêm xuân cô ngủ có buồn không ?

 

Chào các anh chị cựu sinh viên Văn Khoa ngày xưa . Gió là lớp đàn em , vui lắm vì có một nơi để gặp lại những người Văn Khoa cũ và nhắc nhớ về trường . Đây là một bài viết về một kỷ niệm thuộc về Văn Khoa ...khi Gió còn là một nữ sinh trung học .Gởi đây như một lời chào GÓC VĂN KHOA

                                                                                   gioheomay

                            

http://gioheomay.multiply.com/journal/item/313/313
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

(5) Chuyến đi ...Hello!


Vậy là cuối cùng, vào ngày 11-4, các bạn cũng về MT tham quan biệt thự của con trai.
Chuyện vui đáng lý phải được kể khi còn nóng hôi hổi "vừa thổi, vừa ăn", nhưng mãi đến hôm nay, khi cảm xúc gần nguội mới có chút thời gian để viết!
Đã bao ngày rồi, không ghé qua được ngôi nhà blog của mình, như dạo trước thì đã than thở...nhưng giờ lại khác. Cuộc sống đang diễn ra như nó vốn có, mình đã chọn công việc thay vì nghỉ ngơi thì tất bật là lẽ thường tình. Miễn sao mỗi tối, trước khi vào giấc ngủ, không có điều gì ân hận hay hối tiếc là được rồi!

Về trước một ngày để chuẩn bị đón "khách quí", trong lòng nôn nao vì đã lâu không được họp mặt cùng các bạn. Thu Nhân là người gần nhất nên đến đầu tiên, buớc vào nhà đã thấy quà cáp lỉnh kỉnh, tính cô nàng mình biết quá rồi, chu đáo với tất cả mọi người.
Hai đứa chuyện trò rôm rả, đưa bạn đi thăm nhà, đến phòng nào cũng gật gù ưng ý. Có lẽ vợ chồng Thắng hài lòng hơn ai hết vì bộ salon bằng gỗ quá đắt được "ủng hộ 100%"!

Chuyện chưa dứt thì các bạn SG gọi ĐT, không biết đường, con trai đi đón khách. Vui, kể ra thì cũng đông đủ rồi, người cho muợn xe lại vắng mặt, quả là điều trớ trêu! Nhưng mình quá quen nên không chút ngạc nhiên, mọi người hỏi mình "có giận không", còn sức để giận người đó mới là lạ!

Nhà đang không có oshin nên với hơn 10 người khách này, mình không thể nấu nuớng, dù trước đó, đã dự kiến món ăn. Biết có cháo cua đồng là đặc sản từ Bến Tre chuyển sang Mỹ Tho nên yêu cầu con đặt luôn. Ai cũng khen và ăn uống rất nhiệt tình làm cho chủ nhà không ăn cũng thấy no!

Và rồi câu chuyện hello của ông anh cả...đến bây giờ, nghĩ lại mình vẫn có thể cười một mình, không dứt được. Đã phổ biến "văn hóa" đó với vài em trong phòng, những nụ cuời vô tư...tiếp nối theo từng câu chuyện...

Ăn xong, một số bạn nằm nghỉ, còn lại, sợ mất cuộc vui nên không ai chịu nghỉ, cứ nói, cứ cuời, cứ...hello...Sao mà dễ thương quá! Bao nhiêu tuổi, bao nhiêu năm tháng qua đi, bạn bè vẫn là bè bạn...Cứ vậy mà không cần đầu-đuôi, vẫn có chuyện để "đàm đạo" mãi....

Trên đường về VK, nam-nữ chia riêng "hai phe", anh K, anh H và ông chủ nhà đi xe của con trai, chị em chúng mình là xe to, nhưng không nói xấu đàn ông đâu nhé!

Trong số các bạn, đã có những bạn về quê VK trước năm 1975 với đủ những lo toan, kinh hoàng và các bạn vẫn nhớ rõ từng gốc cây, bờ ao, cái vó kéo cá hằng ngày và ngôi nhà lá ngày xưa.

Ba má vui và rất hài lòng được các bạn quậy nát vườn để hái rau, những loại rau sạch mà ở SG, có tiền, mua cũng không được! Cứ thế mà hái, mồi hôi, mồ kê, lại còn phải chờ thuyết minh mới biết đó là rau gì...

Cảm động nhất là lúc anh K lĩnh xướng bài "Người mẹ Bàn Cờ" rồi mấy người phụ nữ hơi có tuổi là "cánh chị em phụ nữ" hát theo! Má khóc làm cho mình và các bạn đều rưng rưng. Lâu quá rồi mới được hát chung, chị D chờ hát lần hai, không ngờ anh K kết thúc, chỉ vì sợ mọi người...hết hơi! Đúng là già thật rồi, tại còn ham vui!

Trên đường về, lại ghé ĐH ăn bánh xèo, nghe con trai giới thiệu đã lâu nhưng mãi đến hôm nay mới được thưởng thức. Cái bánh to chưa từng thấy mà vẫn giòn tan, mớ rau ăn kèm cũng tươi ngon nên các bạn ăn nhiệt tình quá, vậy mà ai cũng nói chưa đói! Có lẽ vui nên hứng thú. QH và chị L tiếp tục...hello, cười nôn ruột. Anh K thấy không, sức lan tỏa của văn hóa hello này khủng khiếp thật!

TN chia tay để con trai đưa về BT, ước chi đi được thêm cùng nhau một đọan đường nữa thì vẫn còn...rôm rả!

Trên đường cao tốc trở về SG, chuyển sang đề tài mới: tổ chức sinh nhật tập thể để ít nhất mỗi quí cũng đều có cớ để gặp nhau. Mọi người nói ngày sinh rồi sắp xếp...đúng là quí nào cũng có, trừ quí 2, hình như chỉ có QH (vì chưa hỏi TVA) sinh tháng 6 mà đối với người này, cuối cùng...hello là xong thôi!

Chuyến đi kết thúc vui vẻ, chia tay rồi vẫn vui. Hy vọng mỗi bạn đều nghĩ như mình. Tiếc cho MA. hết ngày em phải đi ĐL rồi!

Tối đó mình hơi khó ngủ, có lẽ vì cười nhiều quá.

Thứ hai là  ngày đầu tuần, em hứa...tập trung cho công việc phát học bổng cho sinh viên, mong sao tất cả đều suôn sẻ....

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

(4) Họp mặt Văn Khoa

 

Cuối cùng thì tôi cũng đến được với cuộc họp mặt Văn Khoa ngày chủ nhật 11-4.

Nghe sao mà tội nghiệp quá ! Mà quả là như vậy. Hình như lâu lắm rồi, tôi ít dự họp mặt Văn Khoa, mặc cho mọi người cứ cằn nhằn “nghỉ hưu rồi thì rảnh rang nhiều chứ, sao cứ biệt tích mãi vậy?”.

Cũng không khó để tìm đúng địa chỉ. Con đường nhỏ quanh co thưa thớt hồi mấy năm trước đã đầy những ngôi nhà mới, bạn dặn cứ chạy cho đến đối diện cà phê 75 mà dừng thôi. Ngôi nhà mới tinh tươm và khá hoành tráng - cụ thể hóa một khía cạnh nào đó của người trẻ thành đạt là đây! Mừng.

Rồi thì câu chuyện cũng nổ như rang. Có ai đó bảo, vậy mà bốn chục năm rồi hén! Chợt giật mình, ra là bốn chục năm đã lùi lại sau lưng rồi đó.

Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu!

Nhìn nhau, tóc ai cũng bạc cả rồi.

Nhìn nhau, điểm danh nhau, ai còn ai mất? Bạn nói hễ gọi nhau họp mặt thì y như rằng là đi đám tang người trong nhóm. Miết rồi nghe gọi là run. Anh Kiệt bảo vậy tại sao không thỉnh thoảng gọi nhau họp mặt để vui, để mừng nhau còn khỏe, mừng sinh nhật tập thể chẳng hạn. Ừ, sao không nghĩ ra sớm hơn? Nói vậy, chứ có thể rồi cũng chẳng đông như ý muốn đâu. Như Minh An vậy, đã chắc mười mươi là đi rồi, giờ cuối lại phải chạy đôn chạy đáo lên “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” có việc gấp. Hay như Trần Văn Ánh, cũng hứa rành rành, mà cuối cùng thì chỉ có chú tài xế với chiếc xe không, đến giữa bữa, lại gọi điện xuống, thế là mỗi người một câu, vừa rủa vừa trách vừa “hello” om sòm lên. Anh Kiệt chắc không thể tưởng tượng nổi câu chuyện giải thích tiếng “Đan Mạch” một cách hài hước với người nước ngoài lại “có sức lan tỏa” đến vậy!

Xế qua, trên đường về Vĩnh Kim thăm ba má chồng của bạn, cánh phụ nữ lại tiếp nối những câu chuyện không đầu không đũa rồi cười đau cả miệng. Chợt nhớ con trai bảo “mẹ hạnh phúc lắm vì vẫn còn những người bạn thân từ thời còn đi học để lâu lâu gặp nhau”. Ừ, không cần phải hỏi “Hạnh phúc là gì? Biết bao lần ta thắc mắc / Hỏi nhau hoài / Mà nghĩ mãi chưa ra…” nghe bạn yêu!

Khu vườn quê bỗng chốc trở thành một lớp tập huấn nho nhỏ về rau cỏ - dược liệu. Anh Kiệt bảo, hồi còn trẻ gặp nhau toàn nói chuyện vui chơi, giờ già rồi, gặp nhau toàn bàn chuyện bệnh gì thuốc gì, tập luyện để trị bệnh ra sao…

Chỉ cái cây cao quá mái nhà, anh bảo "đây là chùm ngây, nấu canh ăn ngọt phải biết, hơn cả bù ngót mấy lần… à, con nhỏ này, mắt nó tinh vậy, thấy cả trái già tuốt trên cao kia nữa. Phen này mình đại canh tác nghe, chứ nước ngoài nó thuê đất ngoài Trung trồng rồi đấy". Anh kể một lần, say sưa “quảng cáo” để rồi cuối cùng, anh HĐN buông một câu gọn lỏn “tao trồng được 8 cây rồi!”

Còn đây là diệp hạ châu, dân gian vẫn gọi nôm na là cây chó đẻ, cũng bài thuốc đó nghe (bài thuốc gì thì tôi cũng quên mất rồi, dở tệ) . Ờ, đàng kia có bụi chùm bao, đứa nào khó ngủ thì cứ hái về nghe.

Cánh phụ nữ sà xuống đám mồng tơi, sâm đất ngắt lia lịa, mấy trái khổ qua, cây ớt hiểm chi chít trái cũng không thoát được tầm kiểm soát.

Nắng xế chiều lấp loáng trên những giọt mồ hôi, những món tóc bết vào má, tiếng nói cười râm ran… ai bảo chúng tôi là những bà già U60? Chừng như, chúng tôi vẫn là những cô gái đôi mươi đang rộn rã nói cười trong một buổi “Làm đẹp Văn Khoa” nào đó của bốn mươi năm về trước. Có lẽ, câu chuyện sẽ còn nối theo những tô canh, đĩa rau luộc ngày mai ngày kia, và chắc sẽ còn được nhắc lại ở những lần họp mặt sau. Niềm vui có thật sẽ lâu bền.

Bà má bảo muốn nghe lại bài hát Bà mẹ Bàn Cờ. Anh Kiệt, người tử tù chuồng cọp năm xưa cất giọng lĩnh xướng, cả bọn hát theo, và, má khóc! Chúng tôi từ giã ra về lòng rưng rưng.

Quán bánh xèo 3 Đèo ( hay 6 Đèo? Trí nhớ tôi lại phản bội tôi nữa rồi!) là điểm dừng cuối. Vậy là Vĩnh Kim sẽ phải ghi thêm vô sách hướng dẫn du lịch thêm một địa chỉ ẩm thực tuyệt vời chăng? Thực là món bánh xèo ngon nhất mà tôi đã ăn cho đến lúc này, có điều, giờ mới nhớ ra là mải ăn, mải khen mà quên chụp mấy tấm hình cái bánh to bằng cái sàng, giòn tan đến tận giữa bánh, thơm mà không ngậy dầu mỡ, nhân tôm thịt giá củ sắn vừa ăn, nước chấm, rau sống đều “như ý”! Bà chủ quán bảo là đã hai mươi năm mở quán, thay biết mấy lần chảo. Lại ân cần mời đến lần sau!

Chia tay,

Anh Kiệt còn nhắc nhớ phải kiên trì bài tập vận động cột sống cổ cho thật khỏe, đừng chủ quan với bệnh tật. Vâng, sẽ cố gắng. Vì sức khỏe, vì những lần họp mặt trong tương lai.

Chia tay,

Chào anh Bách, chị Diệp. Anh chị sẽ luôn cùng nhau trong những chuyến đi như thế này nhé.

Chào Hải, bạn có mặt tức là Hội có mặt, bạn đã là một phần của chúng ta lâu lắm rồi.

Chào Quốc Hùng, bạn tếu táo quá đấy, nhưng tôi nghĩ, bạn còn nhiều điều cất giữ, sao không san sẻ với mọi người?

Chào Chị Quế thương, Thảo Nguyên đến bao giờ mới biết nó sở hữu một tình mẹ tuyệt vời?

Chào Xuân Hương - Thúy Liễu, giờ chúng ta lại có thêm một sợi dây gắn bó: anh chị Khánh - Oanh và anh Thọ - Ngọc Anh.

Chào Kim Diệp, cô em Văn Khoa lành hiền ít nói ngày xưa.

Chào Thúy – Phi, cặp vợ chồng mà mọi người luôn nhìn vào và ngưỡng mộ.   

Chào Thắng -Thảo và Xu, Tú, mọi điều tốt đẹp mãi nhé.

Chia tay, hẹn gặp lại, gần nhất là ráng giữ lời lên Đà Lạt thăm ngôi nhà bên triền đồi dã quỳ của M.A.

Như thế, một ngày vui.

Thu Nhân

Đọc tiếp ...