Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

(58) Thêm Bông Hồng cho tháng Mười

BÔNG HỒNG XIN TẶNG

 

Photobucket

Bông đầu tiên con dâng tặng mẹ
Đóa hồng nhung trân trọng thiêng liêng
Miếng cơm búng hương trầu ngọt ấm
Nâng đời con cùng khổ đi lên

*

*       *

Photobucket

Bông thứ hai của cha cha ơi!

Sắc tươi nguyên trang trọng một đời

Dòng tinh huyết trong con nóng bỏng

Cha cho con dũng khí yêu người

*

*       *

Photobucket

Bông thứ ba anh xin tặng em
Đài hồng thơm đằm thắm dịu êm
Hạnh phúc từ em anh có
Em là tình nhân là đấng vợ hiền
*

*       *

Photobucket

Bông thứ tư ba tặng con trai
Cánh hồng đỏ lung linh ánh trời
Chúc một ngày bàn tay người nữ
Đan tay con về phía tương lai

*

*       *

Photobucket

Bông thứ năm cho con gái ngoan

Hồng bạch ngây thơ duyên dáng dịu dàng

Dẫu cuộc sống phù hoa sắc giới

Con gái ba hiền thục đoan trang

*

*       *

  Photobucket

Bông tiếp theo ba tặng con dâu
Nụ hồng mới tinh khôi ban đầu
Nâng niu nhé mái tình mới lợp
Đôi vợ chồng son sắt trước sau
*

*       *

Photobucket

Riêng bông này tôi gửi tặng “nàng”
Màu hồng phấn hiền xinh vô vàn
Bởi phụ nữ trên toàn thế giới
Đang nuôi hồn thi tứ nam trang…

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

(57) LẠI MỘT KỶ NIỆM CỦA ...THÁNG 10

Tháng 10! Có dịp họp mặt, cuốn sổ úa màu thời gian được truyền tay nhau, nhắc lại với nhau những chuyện cũ, những cảm xúc làm rưng rưng..., những dòng cảm nghĩ bỗng tuôn trào… Nguoivankhoa rất vui được  giới thiệu chị NGÔ NGỌC DUNG – Hội trưởng Hội Nữ Sinh viên Văn Khoa năm xưa – với bài viết đầy ắp những kỷ niệm một thời tuổi trẻ đã được gởi đến cho Góc Nhỏ Văn Khoa.

Photobucket

 

Photobucket

 

Thật thú vị khi đọc bài viết  “Tháng 10 …. Ngẫu nhiên kỷ niệm dắt kỷ niệm về’’ của Minh An (Gia Minh, một em gái Văn Khoa quen thuộc của Góc nhỏ Văn Khoa). Bài viết thật nhẹ nhàng, giản dị, giàu cảm xúc và có tính khái quát cao. Chỉ vài trang giấy và một vài hình ảnh minh họa đã đưa cái hồn vào hơn 100 trang giấy ghi lại biên bản những cuộc họp Hội Nữ Sinh Viên Văn Khoa (NSVVK) những năm 70 của thế kỷ trước.

 

Đúng là yêu quá những Nữ Sinh Viên Văn Khoa của thời ấy, những cô gái mười tám, đôi mươi xinh tươi, duyên dáng trong áo dài tha thướt, lụa là nhưng chất trí tuệ và lòng yêu nước luôn xuyên suốt trong mọi hoạt động, mọi suy nghĩ của các chị. Tôi còn nhớ hôm tổ chức đêm Văn Nghệ Mê Linh, trong ngày đó các chị đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm: cắm hoa, làm hoa giấy tặng cho đại biểu, có chị đã làm chiếc bánh gateau mà bông kem là hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi, tuốt gươm rất sắc sảo.

 

Ngoài những hoạt động về báo cáo các chuyên đề, tờ báo Nữ Sinh Viên cũng là một điểm nhấn của hoạt động của Hội. Tờ báo không những quy tụ các cây bút nữ như Nhã Thảo, Trần Đỗ Quyên (Trân Thúy), Hồ Dung, Nguyệt Qườn, Kim Thoa… còn có nhiều cây bút nam đóng góp làm tờ báo thật phong phú. Tôi nhớ tờ bìa có hình cô gái hai tay nâng đôi chim bồ câu trắng, hay tờ báo hôm số Tết 1972 thật đẹp, có cả ảnh màu… nhưng thật đáng tiếc các tờ báo đó đều đã thất lạc. Nếu còn, chắc là có nhiều điều đáng kể lại. Đề tài: “Một cái nhìn tiến bộ về người phụ nữ Việt Nam”, tôi nhớ, trong buổi thảo luận đó thật ấn tượng, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc người phụ nữ phải mạnh dạn dấn thân, tự mình tháo bỏ những tục lệ cũ kìm hãm sự tiến bộ của người phụ nữ… nhưng cũng có ý kiến cho rằng ngoài công việc ngoài xã hội, cái gốc của người phụ nữ vẫn là chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái, chung vai góp sức với người bạn đời để bảo toàn “tế bào” của xã hội…

        Tranh luận gay gắt, thảo luận sôi nổi nhưng lúc đó chưa có ai là có “mảnh tình vắt vai”, có chăng chỉ là những tình cảm lãng mạn lướt qua, trong veo, mơ mộng. Sau buổi thảo luận là xuống Hội quán Văn Khoa, tự thưởng cho nhau những hủ yaourt ngon lành do chính các chị tự làm, tôi còn nhớ hồi đó “Tuyết yaourt” làm yaourt rất ngon. Hoàng Hương nấu ăn rất tuyệt. Các buổi cắm trại các chị chuẩn bị rất chu đáo.

        Những năm tháng trong tù, tôi nhớ những chị em còn ở bên ngoài, phải tự lực chống chọi với bao khó khăn do phong trào phản chiến bị đàn áp khốc liệt… nhưng vẫn còn đó những Xuân Hương, cây văn nghệ của Hội, Tú Lộc giọng cao vút với bài hát “Chim hòa bình” của nam sinh viên Trần Xuân Tiến ( nay là nhạc sĩ Trần Xuân Tiến ) và rồi những Minh An, Cao Thu Thủy, Thu Nhân, Kim Tiến… người còn, người mất, người ở nơi xa, cuộc sống vẫn trôi đi, chỉ còn lại những kỷ niệm. Dẫu sao Nữ Sinh Văn Khoa thời đó không phí hoài tuổi thanh xuân, luôn gắn mình với vận mệnh của đất nước, của dân tộc. Rất khiêm tốn nhưng vẫn phải nói thật tự hào các Nữ Sinh Viên Văn Khoa.

 

Photobucket

 

                        Những người “Văn Khoa trẻ”

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

(56) THÁNG 10... NGẪU NHIÊN KỶ NIỆM DẮT KỶ NIỆM VỀ!

Photobucket

 

Tháng 10 có một ngày của phụ nữ, ngày 20 tháng 10. Tình cờ những ngày này đến lượt tôi được đọc lại những dòng chữ viết khác nhau trong hơn 100 trang của cuốn sổ úa màu thời gian ghi lại biên bản những cuộc họp của Hội Nữ Sinh viên Văn Khoa (NSVVK). Với thói quen nghề nghiệp tôi đếm trong sổ những lần họp, … 32 lần từ tháng 7 năm 1971 đến tháng 4 năm 1972 – trong đó có 3 lần đi cắm trại ở Vũng  Tàu và Long Thành, 1 lần tổ chức triển lãm các gian hàng cho ngày đón bạn tân sinh viên – Chắc có người đang nhíu mày, sao mà họp lắm thế, 10 tháng mà 32 lần họp thì đi học lúc nào. Thật ra những cuộc họp chính là những lúc gặp nhau để học, bởi vì theo biên bản ghi lại thì trong chương trình mỗi cuộc họp đều có một chủ đề nghiên cứu liên quan đến các môn học và thời sự mà thuyết trình viên là các NSVVK trong Hội được phân công thay phiên nhau soạn bài để nói, mọi người dự họp tham gia thảo luận như một buổi tọa đàm nhỏ. Tôi lại đếm, trừ những buổi bàn về soạn thảo Nội quy của Hội NSVVK, về tờ báo Nữ Sinh viên Văn Khoa, về cách hoạt động của Hội quán Văn Khoa để gây quỹ cho sinh hoạt của phong trào sinh viên Văn Khoa lúc đó, đã có 14 chủ đề được trình bày để thảo luận. Lại một phản xạ nghề nghiệp tôi so sánh, ở Viện Nghiên cứu KHXH mà tôi làm việc, có trên dưới 30 nghiên cứu viên, mỗi năm những buổi sinh hoạt học thuật nội bộ như thế này giỏi lắm thì được 6 cuộc, còn thường thì chỉ dừng ở con số 4, nên dù là người trong cuộc thời đó, bây giờ đọc lại tôi vẫn ngạc nhiên với số chủ đề chyên ngành trong thời gian ngắn như vậy, mà là những vấn đề theo tôi khá thú vị, đọc lại những trang ghi biên bản, những nét chữ khác nhau làm tôi hình dung lại lần lượt những nét mặt trẻ măng, duyên dáng, xinh tươi ngày xưa, và cũng thật xúc động khi đọc lại nét chữ của chính mình viết cách đây gần 40 năm. Bỗng dưng tôi hình dung lại bóng dáng những nữ sinh viên Văn Khoa tha thướt áo dài tơ, gấm vàng cài hoa hồng đỏ trong những dịp lễ hội và những gương mặt năm xưa bỗng chốc ùa về trong trí nhớ…

          Người làm thuyết trình viên nhiều nhất là chị THÁI THỊ BẠCH TUYẾT, đến 3 trong 14 chủ đề, mà toàn những vấn đề khó: “Phụ nữ và vấn đề lao động”; “Nhận định tình hình miền Nam Việt Nam” (Một bài thuyết trình rất công phu tại tịnh xá Ngọc Bích ở Vũng Tàu trong 3 ngày cắm trại tại đây của Hội NSVVK vào tháng 8 năm 1971); “Nữ sinh viên đi học để làm gì?”. Tôi hình dung ra chị trong trí nhớ của tôi: Người tầm thước, nhanh nhẹn, hoạt bát, học giỏi nên được chọn để báo cáo những vấn đề khó. Chị bây giờ đang sống ở Úc, khoảng 10 năm trước chị đã quay về Việt Nam lần lượt đi gặp hầu như tất cả những người bạn cũ, vui đùa với các bạn để rồi sau đó chị quy y vào chùa.  Bây giờ chị để lại sau cánh cửa nhà Phật mọi  bận bịu đời thường.

 

Photobucket

 

          Một chủ đề liên quan đến Sử học: “ Giá trị hiệp định Genève” được một chị nữa cũng học rất giỏi làm thuyết trình viên: chị NGÔ NGỌC DUNG – cùng một lúc chị học ở Đại học Sư phạm và Đại học Văn Khoa – đi học rất chăm và đều đặn dù rằng ngoài chuyện học 2 trường chị còn trách  nhiệm khá nặng nề là Hội trưởng Hội NSVVK, và với nhiệm vụ này nên chị cũng là tác giả một bài báo cáo khác với cái tên “Tiếp nối truyền thống Hai Bà Trưng” trong ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng mà tối đó là đêm văn nghệ Mê Linh do Hội NSVVK tổ chức. Tôi và chắc là các bạn khác vẫn nhớ đến một chị Hội trưởng điềm đạm, ít nói, nhưng nói ra thì chắc… như bắp ( chị được gọi là Dung Ngô, để phân biệt với các chị Hồ Ngọc Dung và Trần Ngọc Dung, nhưng không ít các anh nam trêu lén sau lưng chị gọi là …Dung Bắp), chị nhiệt tình trong công việc và rất giỏi trong công việc tổ chức các kế hoạch, những năm tháng tuổi trẻ phần lớn chị ở trong tù, sau hòa bình chị làm việc ở ngành giáo dục đào tạo của thành phố. Đến bây giờ chị vẫn tiếp tục công việc yêu thích tại một cơ sở giáo dục tư như niềm vui trong những ngày nhàn hạ khi đã nghỉ hưu.

          Một trong những hoa khôi của trường Văn Khoa dạo đó: chị LÊ HỒNG DIỆP, nhỏ nhắn, xinh xắn, lúc nào tha thướt áo dài dù phải chịu trách nhiệm thường trực ở Hội quán VK cùng với chị Huỳnh Thị Hoa, và còn thêm công việc ở Ban Báo chí. Dịu dàng, nhỏ nhẹ như những bài thơ chị làm với bút danh Nhã Thảo hoặc Lá Cỏ Hồng. Chị cũng là một một thuyết trình viên với một chủ đề khá thi vị và đã được tranh cãi khá sôi nổi: “Nguyệt Nga – Người phụ nữ gương mẫu ngày nay?” Theo biên bản có nhiều ý kiến đồng ý nhưng cũng có những ý kiến đối trọng, tóm lại đó là một buổi sinh hoạt học thuật nhẹ nhàng và dễ thương… như thuyết trình viên.

          Một người nữa được mời thuyết trình nhiều hơn 1 chủ đề là chị HỒ THỊ MINH NGUYỆT, chị nói về hai vấn đề: “Sự hiện diện của người ngoại quốc vào Việt Nam (1954 đến nay)”; “Trách nhiệm người nữ sinh viên”, tôi nhớ đến chị, một người hoạt bát, nhanh nhẹn, nhưng khá nóng tính và chị được gọi bằng biệt danh… “Nguyệt lửa”, hai chủ đề chị nói cũng khá gai góc, nhưng chị đã làm chủ được các buổi tọa đàm đó, một triển vọng hứa hẹn và quả đúng như vậy, sau hòa bình chị đã lấy bằng Tiến sĩ. Chị  là TBT báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, và là Chủ tịch Hội Liên hiệp Hữu nghị TP, không còn nóng…như lửa nữa nhưng vẫn nhanh nhẹn như thuở đôi mươi.

          Các chủ đề Sử học thường được đặt ra, “Tiến trình đấu tranh trong lịch sử Việt Nam” do thuyết trình viên là chị DƯƠNG THỊ THÚY LIỂU, chị đã công phu soạn một bài gần như một luận văn tốt nghiệp, mọi người vẫn nhớ về chị như một cô gái Văn Khoa nhìn mọi vấn đề bằng con mắt hài hước rất thông minh, những trao đổi của chị bao giờ cũng làm không khí học thuật sinh động và vui hẳn lên. Và chị vẫn y như vậy sau này trong suốt thời gian là nhà báo, cho đến bây giờ khi đã nghỉ hưu, bạn bè đều thích gặp chị bởi rất những câu nói vui rất có duyên trong những lần họp mặt.

          Một gương mặt hiền lành, xinh xắn, ít nói mà rất chịu khó hay lam hay làm, là chị HUỲNH THỊ HOA, người gần như chịu trách nhiệm chính về Hội quán VK, sáng sớm đã thấy chị có mặt, lo mọi việc chu toàn, giao công việc cho ca trực ngày đó xong xuôi mới lên giảng đường học, chiều tối vẫn còn loay hoay với trăm thứ việc không tên sau một ngày kết thúc ở Hội quán. Dù ít nói nhưng với tiêu chí của Hội NSVVK, tất cả các thành viên đều phải tập làm thuyết trình viên để thực hiện học đi đôi với hành và tạo kỹ năng ứng xử trước đám đông, chị Hoa cũng đã báo cáo một chủ đề: “Thử hoạch định những phương pháp tự túc kinh tế cho nữ sinh viên”. Những năm 70, sinh viên đi học thường lo thêm việc mưu sinh để trang trải chi phí nhà trọ, cơm trưa, tài liệu học tập… nên chủ đề này rất sôi nổi trong phần tọa đàm sau những kinh nghiệm bản thân được chị Hoa trình bày trong phần báo cáo. Sau hòa bình, chị làm cô giáo ở một vùng quê yên tĩnh ngoại vi thành phố, chị vẫn như ngày xưa, lặng lẽ vất vả với những lo toan đời thường.

          Một bà mẹ tuyệt vời hiện nay, chị NGUYỄN THỊ SEN, một trong những nữ sinh viên Văn Khoa khá xinh mà cũng rất sắc sảo trong học thuật, chị trình bày một vấn đề khá gai góc vào thời kỳ đó –  những năm 1970 – “Một quan điểm đúng đắn về bình đẳng”. Sau hòa bình, chị cũng là cô giáo, đến khi có cháu trai út, không may cháu bị tự kỷ nhẹ,  thời gian đó chưa có trường học dành riêng cho các cháu, cháu lại không học được ở các trường bình thường, chị đã nghỉ dạy ở nhà tự làm cô giáo cho con trai, chị tra cứu tất cả những sách vở, những tài liệu trên mạng Internet và đã tự mình giúp đỡ con trai dần trưởng thành. Tình yêu của người mẹ giúp chị vượt qua tất cả những khó khăn để đem con trai dần trở về cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. 

          Một điều làm tôi ngạc nhiên là sao ngày đó Hội NSVVK có những chuyên đề hay thế, thí dụ “Sự phá giá của đồng bạc Việt Nam. Từ 1954 đến 1971”. Đó là buổi sinh hoạt thứ 18, tôi không có mặt trong buổi đó, nhưng đọc qua biên bản tôi thán phục thuyết trình viên ngày hôm đó: chị QUÃNG THỊ TUYẾT MAI, và cũng cám ơn chị Võ Thị Thu Nhân, thư ký ghi biên bản, chị đã ghi lại rất kỹ những trình bày của chị Mai làm tôi hình dung ra một buổi seminar nhỏ rất chuyên nghiệp qua những định nghĩa về kinh tế học, những con số của các thời kỳ và những phân tích của thuyết trình viên. Thật tiếc tôi hầu như không nhớ gì về chị Tuyết Mai, nhưng qua những giòng chữ của ký ức này tôi hình dung một nữ sinh viên  học rất giỏi và nói rất hay, vì kết luận trong biên bản có ghi lại cảm tưởng cuối cùng của cử tọa là rất thán phục thuyết trình viên.

 

Photobucket

 

          Hội NSVVK lúc đó ngoài chị Ngô Ngọc Dung, còn chị Trần Ngọc Dung và chị Hồ Ngọc Dung, đôi khi các chị bị kêu bằng họ để dễ phân biệt vì tên giống nhau, một chuyện giống nhau nữa là cả 3 chị Dung đều là những thuyết trình viên của Hội NSVVK. Chị TRẦN NGỌC DUNG  có một báo cáo với cái tên khá hấp dẫn “Trách nhiệm của người làm văn nghệ” mà theo biên bản đã được số đông ý kiến cử tọa phát biểu rất sôi nổi, thậm chí khi quá thiên về tranh cãi trong lĩnh vực âm nhạc, nên có chị phải kéo mọi người quay sang điện ảnh để thêm phong phú cho buổi thuyết trình. Người rất tỉnh táo để lôi mọi người qua lĩnh vực điện ảnh đó là chị HỒ NGỌC DUNG, chị cũng là thuyết trình viên với một chủ đề rất… phụ nữ: “Một cái nhìn tiến bộ về người phụ nữ Việt Nam. Bây giờ thì vấn đề này đã nhẹ đi rất nhiều với sự khẳng định vị trí của người phụ nữ trong xã hội, nhưng 40 năm trước, những rào cản định kiến xã hội đã làm cho buổi báo cáo cũng rất phong phú qua các nhận định về vai trò người phụ nữ Việt Nam.

          Một nữ sinh viên Văn Khoa khác, dáng tầm thước, trắng xinh, và cũng tha thướt áo dài, điển hình tiểu thư Sài Gòn là chị HUỲNH THU THỦY, lại là thuyết trình viên một đề tài khá gai góc: “Đời sống tập thể và cá nhân”. Thật không dễ trong thời điểm đó một cô sinh viên khoa Nhân văn sống trong một đô thị nói về vấn đề tập thể, nhưng chị đã nhẹ nhàng báo cáo, ít nhiều trong cuộc thảo luận sau đó đã gắn vấn đề với sinh hoạt Hội NSVVK, một điểm son cho BCH của Hội… Và còn nhiều, rất nhiều những gương mặt nữ sinh viên Văn Khoa, các chị đã đóng góp cho sinh hoạt Hội NSVVK ngày càng thêm phong phú. 

          Có thiên vị quá không khi tôi nói là thời kỳ đó các chị trong Hội NSVVK sao mà… giỏi thế, các chị vừa đi học, hoàn thành các chứng chỉ mỗi năm, tham gia phong trào đấu tranh của SVHS đô thị miền Nam lúc đó, mang trong mình nỗi đe dọa có thể bị bắt bất cứ lúc nào vì tham gia phản chiến, nhưng vẫn thật nghiêm túc trong việc học mà một trong phản ánh đó là qua các chuyên đề mà các chị đã soạn thảo và trình bày. Ngày của phụ nữ, chẳng lẽ lại khen phụ nữ, nhưng thật là tự hào với các chị, và yêu quá các Nữ Sinh viên Văn Khoa!

Photobucket

Những gương mặt Nữ Sinh viên Văn Khoa ngày ấy – bây giờ!

 

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

(55) HÔM NAY BẠN BÈ VỀ THĂM HỘI


Vậy là đã 5 năm, ngày 17 tháng 9 âm lịch, nhóm "Văn Khoa trẻ" lại rủ nhau về căn nhà nhỏ của Hội, thắp cho bạn một nén hương.

Photobucket

Huỳnh Ngọc Hội đang nhìn bạn bè về thăm và hình như bạn ấy đang mỉm cười.

Photobucket

Nhóm bạn đến đầu tiên có 8 người, không hẹn mà đến gần như cùng một lúc, thắp cho Hội một nén hương, chụp với Hội một tấm hình.

Photobucket

 Má đã thắp hương từ sáng, nhưng thấy bạn bè con trai đến đông, lại lập cập đi ra bàn thờ.

Photobucket

 Má vui vì bạn bè của con trai vẫn quanh má đây.

Photobucket

Má đến để nói với con trai: "Hội à, về chưa con. Bạn con tới đông rồi nè"

Photobucket

Qua đây để thấy công sức của một người thầm lặng đã tất bật từ 2 ngày nay để cúng giỗ chồng và tiếp đãi bạn bè của chồng.

Photobucket

Hội ơi! Hai người phụ nữ quý nhất cuộc đời của bạn vẫn đang đau đáu nhớ về bạn!

 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

(54) Kỉ vật của bạn chúng ta - Huỳnh Ngọc Hội



Ngày mai 17/9 âl, giỗ bạn chúng ta, Huỳnh Ngọc Hội.
Được sự đồng ý của gia đình, Người Văn Khoa xin đăng lại ở đây những tâm tình, những suy nghĩ của bạn từ những ngày tuổi trẻ.
Việc làm nhỏ này như một nén tâm hương, mong bạn được ấm lòng nơi xa ấy.



Photobucket
* Người thứ hai từ trái sang

 
Photobucket


                         Đã bao ngày từ biệt cố hương

Trở về quê cũ thấy luyến thương

                         Đứa em thơ dại nay không lớn

                         Bà mẹ quê già tóc điểm sương

                         Thân thuộc mấy ai còn ở lại

                         Bằng hữu bao người đã tha phương

                         Làng cũ tháng năm nhiều thay đổi

                         Nằm nghe thao thức suốt canh trường.




Photobucket



Cho Phú Long… vùng quê nghèo

 

Quê hương tôi mùa qua tươi đẹp lắm

Mái tranh hiền tô thắm một miền quê

Những chiều đông và những buổi hè về

Hương lúa mới đượm tình quê thơm ngát

 

Nhưng một chiều, làng quê tôi xao động

Xóm làng tôi vắng bóng những chàng trai

Họ ra đi mang kiếp sống oai hùng

Hẹn trở lại khi tan mùa chinh chiến

 

Mấy năm qua, biết bao lần binh biến

Nhưng than ôi cuộc chiến vẫn lâu dài

Mái tranh nghèo, cháy nám bởi châu mai

Đồng ruộng vỡ vì đạn bom cày xéo

 

Đứa em thơ trưởng thành trong u uất

Bà mẹ quê nước mắt đã cạn rồi

Đêm từng đêm bà thao thức nguyện cầu

Mong thôn xóm mau bình an, yên ấm




Photobucket


Để nhớ mẹ hiền ở Phú Long

 

Những buổi sáng từ trong lòng đô thị

Mẹ rao hàng, quang gánh nặng trên vai

Chân Mẹ lê trên những quãng đường dài

Đi từng xóm, đi từng khu lao động

 

Cuộc sống cơ cầu gian lao cực nhọc

Sưu thuế chất đầy trên gánh mẹ yêu

Hai mươi năm qua đau khổ đã nhiều

Trên trán Mẹ đầy vết hằn năm tháng

 

Mẹ chắt chiu nuôi đàn con khôn lớn

Mẹ âm thầm chịu đựng hết khổ đau

Hy sinh quãng đời tuổi tác già nua

Gây dựng tương lai đàn con tươi sáng

 

Hỡi Mẹ Việt Nam ngàn đời yêu kính

Tình Mẹ dịu dàng, lòng Mẹ bao la

Nhìn Mẹ hiền lòng cảm thấy xót xa

Thương thân Mẹ chịu bao niềm cay đắng

 

Mong mai này quê hương im tiếng súng

Cho mẹ hiền hết những nỗi khổ đau

Được nhìn tương lai rực rỡ đàn con

Môi mẹ sẽ nở nụ cười mãn nguyện.

6/71



Photobucket


Con Mẹ mấy đứa

Nòi giống Tiên Rồng

Mấy đứa con Mẹ

Giống dòng Âu Cơ

*

Con Mẹ mấy đứa

Một giống da vàng

Ngàn năm nô lệ

Ngàn ngày tang thương

*

Con Mẹ mấy đứa

Sống ở hai miền

Bên kia Bến Hải

Bên này Cà Mau

*

Con Mẹ mấy đứa

Bao năm ngoại xâm

Bao năm nội chiến

Rủ nhau đi nằm

*

Mẹ còn mấy đứa?

Mấy đứa da vàng?

Mấy đứa con mẹ

Giống dòng Âu Cơ

***


TÙY BÚT

 Lớn lên từ trong nguồn sáng của ĐẢNG



Photobucket


Trên sân trường hôm nay, lại thấy những ngày bận rộn của phong trào. Buổi chiều, nắng đông vàng còn lưu luyến đậu trên hàng phượng. Bóng dáng của ngôi trường đã nhiều thay đổi, nhưng hãy còn đó khoảng sân và những giảng đường để gợi nhớ Văn Khoa ngày nào. Mười năm rồi còn gì! Mười năm đi qua trong cuộc đời sinh viên Văn Khoa rồi Tổng Hợp, đủ để chứng kiến bao biến đổi diệu kỳ trong lòng người và lòng mình.

 

***

Năm 1970.

Có phải ở nơi này, cũng những ngày cuối năm như bây giờ, mình đã chập chững bước vào ngưỡng cửa Đại học, mang theo những ước vọng mông lung và hoài bão non nớt của tuổi đầu đời?

Có phải ở nơi này, mình cũng đã bắt gặp những bận rộn của anh chị em trong phong trào sinh viên tranh đấu, đang chuẩn bị cho kỳ triển lãm Văn Hóa Dân Tộc và Hội Tết Văn Khoa?

Có phải ở nơi này, đã bắt đầu cuộc đời thực sự của mình, khi lần đầu tiên dấn thân đi vào cách mạng?

Ôi, biết bao là kỷ niệm ở nơi này… nơi này!...

 

Làm sao quên được những ngày mùa đông, dậy thật sớm đến trường, cổng chưa kịp mở, phải leo rào vào dành chỗ ở giảng đường.

Làm sao quên được đợt triển lãm phơi bày thực chất “văn hóa thực dân mới” bên những hình ảnh nhắc nhở văn hóa cội nguồn dân tộc.

Làm sao quên được những tiếng trống truyền thống đêm Hội Tết Văn Khoa giữa muôn nghìn đe dọa, rình rập; hàng nghìn người tham dự sặc sụa trong chất độc hơi cay; những lời ca sôi nổi hào hùng, bay bổng vang dội trên khoảng sân không ánh điện nhưng vẫn sáng lên hàng trăm, hàng nghìn bó đuốc chập chùng!


Photobucket

Từ đấy, bao nhiêu câu hỏi tại sao,tại sao hiện ra tra hỏi lòng mình.

Từ đấy mà những nghĩ suy dằn vặt, thao thức của tuổi trẻ vẫn luôn luôn hiện diện.

Từ đấy mà những mơ ước mông lung riêng mình tan dần trong khói cay, phi tiễn, để được thay thế bằng những ước mơ lớn lao hơn, chính đáng hơn, nẩy sinh từ trong sự gắn bó với phong trào.

 

Cám ơn thật nhiều phong trào Văn Khoa, người đã cho tôi một môi trường trong sáng giữa muôn nghìn vẩn đục để tìm ra chân lí cuộc đời, đưa mình thoát khỏi những tháng năm để thời gian gặm mòn tuổi trẻ.

Cám ơn những người anh, người chị đi trước trong phong trào – những người hiện còn và những người đã khuất – đã cho tôi rõ hơn ý nghĩa sự sống, cho tôi thấy được thứ ánh sáng bợn nhơ gắn trong bóng đêm Mỹ hóa, thấy được những trói buộc bạo ngược phi lý trên mảnh đất “tự do” này.

Cám ơn sợi chỉ đỏ xuyên suốt phong trào – cám ơn những đồng chí đã vượt qua những muôn trùng bủa vây của lũ giặc, mang đến cho tôi những tia sáng chói ngời của Đảng, thắp sáng lòng tôi trong những ngày bão giông chụp lên thành phố, đã khiến cho phong trào thêm sức mạnh đấu tranh, để phong trào không ngừng lớn dậy.

Cám ơn lớp sinh viên học sinh – những mấy năm ròng – luôn có mặt trong những ngày tranh đấu xuống đường, rạng rỡ và quyết tâm trong những giờ hành động, đã cho tôi thêm niềm tin tưởng vào bản chất cách mạng kiên cường, vào sức mạnh lớn lao của tuổi trẻ, tin tưởng vào những thắng lợi to lớn ngày mai từ những góp phần nhỏ bé hôm nay…

 

Photobucket


Từ trong những nghĩa tình sâu sắc ấy mà tôi đã kịp nhận ra rằng những ngày mình giành giật chỗ đứng ở giảng đường là những ngày mình giành giật một chỗ đứng trong thứ rác rưởi của văn hóa sa đọa, là những ngày đày thân nơi giảng đường để gặm nhấm thứ ngôn ngữ xa lạ lạc loài, là những ngày xô đẩy mình quay lưng với tiếng ru hà ơi ngọt ngào của mẹ, quay lưng với nỗi đau quặn thắt trong nửa lòng Tổ quốc, quay lưng với tiếng gọi lên đường của Đất Nước bốn nghìn năm.

Từ trong ánh sáng chân lý ấy mà tôi đã kịp nhận ra mình là đứa con trong lòng đồng bào, sống và lớn lên bằng trái tim và hơi thở của nhân dân, và kịp nhận ra lẽ sống đích thực của đời mình là chỉ có thể và phải là con đường gắn bó với phong trào, gắn bó với nghĩa tình dân tộc.

Từ ấy tôi đi! Những bước chân đầu tiên vào phong trào hãy còn ngỡ ngàng xa lạ, nhưng lâu dần rồi quen, lâu dần rồi thương! Có đồng đội bên mình, có anh chị dẫn dắt, có Người cha bến tàu thôi thúc, có Người mẹ Bàn cờ  bảo bọc, có niềm tin nâng bước, có ánh sáng soi đường… đã cổ vũ mạnh mẽ chúng tôi, nhắm thẳng đầu thù, tiến lên phía trước!

Làm sao quên được những ngày đầu tháng 5/1972, từ giữa giảng đường này, trong ngày bãi khóa, chúng ụp vào siết chặt vòng vây, lưỡi lê và họng súng chĩa vào chúng tôi, ma trắc và dùi cui phủ dập lên người, còng tay chúng tôi lôi đi, trói buộc cuộc đời chúng tôi trong ngục tù của chúng. Chúng tưởng xiềng xích và gông cùm làm nên sức mạnh, nhưng bạo quyền và những đòn thù dã man tra tấn vẫn không dập tắt được ngọn hải đăng rực sáng trong lòng. Chúng tôi vẫn mãi góp được những tiếng ca tin yêu và những tiếng thét căm hờn trong muôn nghìn tiếng ca tiếng thét  căm hờn đòi vận mệnh, sự sống con người vang dội từ Chí Hòa, Tổng Nha, Côn Đảo, Tân Hiệp…

Từ ấy, mà cái thương, cái ghét trong tôi rõ ràng hơn, cái tin yêu và cái căm thù sâu sắc hơn, quả tự tình dân tộc ngày càng chín rộ còn hoa tình yêu giai cấp thì lần đầu tiên chớm nở trong lòng.


Photobucket

***

Năm 1975

Ngày Giải phóng!

Ôi mơ ước ngày nào đã thành sự thật, ước mơ hiện ra nhanh chóng không ngờ! Chiều 30 về đến Văn Khoa, trên thân thể còn hằn dấu xiềng xích và những trận đòn thù nhưng lòng rộn vui vô cùng với nỗi vui của dân tộc và thời đại.

Ôi, bao nhiêu năm mới thấy một ngày!

Có phải tại giảng đường mới vừa giành được này, chúng tôi lại gặp nhau, tay bắt mặt mừng, ôn lại những ngày chiến đấu, nhắc nhở những kỷ niệm chung riêng trong tuổi đời đẹp nhất của mình. Đồng chí, đồng đội, bạn bè - hôm nay thiếu vắng những khuôn mặt ngày nào! Vô cùng tiếc nhớ các anh Long, Phương, Luật, Lộc…Những người anh đã dựng lên phong trào, những người con ưu tú của Văn Khoa…các anh đã vĩnh viễn xa chúng tôi rồi! Đất Nước và ngôi trường có được hôm nay là phải qua muôn nghìn hy sinh mất mát như thế đó.

Tôi lại bắt gặp những bề bộn vô cùng sau ngày giải phóng, lại về với phong trào, lại hăm hở đi trên con đường rộng mở. Nhiệt tình nối tiếp nhiệt tình, phong trào dồn dập phong trào – Không kịp nhìn những đoạn đường đã qua, đôi khi ngoảnh lại, nhận ra có những điều không ngờ mình làm được. Đội ngũ thanh niên trưởng thành nhanh chóng quá, một sức bật diệu kì từ trong nguồn sáng của Đảng! Ngôi trường cũng lớn lên không ngừng, từ Văn Khoa hôm qua, nay đã là Tổng Hợp.

Nhưng cuộc sống không dừng lại ở đó. Sự đảo lộn của lòng người đã phơi bày biết bao vẻ phức tạp của nó. Đất nước của bảo vệ và dựng xây muôn triệu lần gian khổ khó khăn hơn đất nước của đạp đổ. Sống chết bây giờ không còn đơn giản nữa rồi! Cống hiến và hưởng thụ bây giờ không còn bình thường nữa rồi! Nhiệt tình bây giờ không còn đủ sức để chiến thắng những quy luật khách quan của cuộc sống. Dòng đời dồn dập ùa tới trước mặt, nhìn lại hành trang của mình, thấy hãy còn mong manh quá!

 

Có phải ở nơi này, tôi lại gặp những vẻ bi quan, những nét chán nản trên khuôn mặt của một bộ phận tuổi trẻ?

Có phải ở nơi này, một phần của đời sống xã hội – cũng diễn ra bao cái tốt cái xấu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày?

Có phải nơi này, trước những hiện tượng tiêu cực kéo dài, trước những khó khăn chất chồng lên cuộc sống trong đội ngũ tiền phong của thanh niên, tôi lại thấy có những người lùi lại phía sau phong trào?

 

Bao nhiêu câu hỏi “Tại sao,Tại sao” lại tra hỏi lòng mình. Những câu hỏi xé lòng, muôn vàn xót xa ray rứt! Tôi vẫn đi về phía trước của phong trào, vẫn đứng ở mũi nhọn của đấu tranh nhưng bước chân có lúc không còn hăm hở, có lúc như thấy bối rối vì ngại ngần, bước chân đi trong những băn khoăn.

 

Có phải vì ta đã mở lòng đón nhận cách mạng với niềm tin bằng phẳng và dễ dãi quá, tưởng cách mạng sẽ đem đến cho mình mọi điều tốt đẹp, mọi lời giải không hề sai lầm?

Có phải vì ta chờ đợi một thiên đường có sẵn, một thứ ánh sáng thần thánh mang đến cho mình?

Có phải vì ta mới chỉ có ảo tưởng cách mạng chứ chưa hề có lý tưởng cách mạng?

Có phải vì tầm nghĩ ta thiếu rộng xa, tầm nhìn ta quá nhỏ hẹp, đi từ hiện tượng xấu xa này đến hiện tượng xấu xa khác, lẩn quẩn trong những cái nhỏ nhặt thấp hèn mà không tìm được lối ra?

Có phải vì ta phủ định tất cả, chưa biết trân trọng từng mầm non nhỏ của cách mạng, chưa biết chắt chiu từng giọt nước trong xanh của biển đen, chưa biết ôm ấp từng tia nắng hồng trên vầng mây u ám, chưa biết nâng niu từng cái mới lạ non yếu nẩy nở giữa muôn nghìn lề thói hủ bại cũ kỹ nghìn đời?

Có phải vì ta chưa nhận ra những cái lớn lao mai sau từ cái bé nhỏ hôm nay?

Có phải vì cái thần thánh hóa cách mạng và cái tầm thường hóa cách mạng đi đôi với nhau mà lòng ta nghiêng ngữa?

Có phải vì thế mà lòng ta bối rối ngại ngùng, không nhận ra được hướng tiến lên của đời sống xã hội và của chính mình?


Photobucket

Từ ấy, tôi luôn tự nhủ với lòng: hãy hiểu và yêu quy luật cuộc sống hơn nữa! Hãy chấp nhận nó mà không ngại nó khác với bao điều tưởng tượng của mình. Phải thắp sáng lòng mình, không phải bằng thứ ánh sáng có sẵn, không phải chỉ bằng chất liệu của nhiệt tình cống hiến mà còn bằng chất liệu trí tuệ, năng lực và vốn sống của mình. Phải cắm sâu hơn nữa ngọn cờ của Đảng trong trái tim mình, để giữ vững niềm tin, để vượt qua bao nghiêng ngửa dao động trong những biến đổi của cuộc đời.

Mấy năm đi trong biến đổi và dựng xây, mình đã nhận tra rằng cái vững vàng đích thực của mình không phải là không chứa đựng những dao động, mà là vượt qua được những nghiêng ngửa dao động ấy. Niềm tin mình có được không phải là niềm tin có sẵn, mà là niềm tin mình chắt lọc được từ trong gắn bó phong trào, gắn bó với cuộc sống. Càng sợ cuộc sống, càng xa phong trào, càng bị nó vùi dập, xô đẩy, càng dễ mất mát niềm tin.

Chỉ có trải qua phong trào, đi vào cuộc sống mới làm cho hành trang của mình không quá mong manh, làm cho bản lĩnh nhận thức của mình càng thêm dày dặn, mới có được những hành động biến đổi được cuộc đời, mới có được những cống hiến xứng đáng với tuổi trẻ của mình.

 Photobucket


***

Năm 1980

Có phải ở nơi này, mình lại bắt gặp những bận rộn của phong trào? Những bận rộn kế thừa chiến đấu và nhân lên trong xây dựng, những bận rộn trong sáng,  vô cùng đẹp đẽ của tuổi trẻ vượt lên trên những bận rộn vẩn đục suy tính thấp hèn của cá nhân.

Có phải ở nơi này, những chiều nắng đông vàng sẽ qua để chào đón bóng bình minh của mùa xuân rực rỡ?

Có phải nơi này, những mù sương lạnh lẽo của mùa đông sẽ tan trong mùa xuân nắng ấm trở về?

Có phải nơi này, ánh sáng 50 năm của Đảng lại ngời sáng hơn bao giờ hết trong lòng mình? 50 năm mà đất nước đã qua bao lần chiến thắng, tuổi trẻ đã bao lần chiến thắng!

Ôi biết bao xúc động và tự hào!

Có phải nơi này, mình lại sắp sửa từ giã ngôi trường thân yêu? Lại sắp có bao nhiêu câu hỏi “tại sao, tại sao” hiện ra trong bước ngoặt của cuộc đời! Cái tỉnh táo cách mạng đòi hỏi mình phải nhận ra khoảng cách giữa nhận thức và hành động, phải phân định được biên giới giữa đen và trắng. Cái trì trệ trong lòng thì níu kéo để khoảng cách ấy dài ra, nhiệt tình cách mạng thì thôi thúc phải rút ngắn khoảng cách ấy lại. Ngọn hải đăng trong lòng đang hướng nguồn sáng về phía ý thức cách mạng – Con đường dựng xây sẽ có biết bao điều mới lạ, không thể dừng lại đợi chờ, hãy tiến lên khai phá đi thôi!

Tôi sẽ lại bước chân vào phong trào ở một nơi nào đó. Bước chân ấy sẽ khó khăn hơn vì đôi vai trĩu nặng trách nhiệm của mình nhưng chắc chắn sẽ là những bước chân chiến thắng, như đất nước và tuổi trẻ đã bao lần chiến thắng, vì những bước chân ấy không bao giờ tách rời với bước chân của 10 năm mình đã bước ở ngôi trường này.

 

1/1980

Huỳnh Ngọc Hội


Photobucket

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

(53) Tú Lộc - Chim vàng anh bé nhỏ của tôi.

 Photobucket

Gia Minh nói em bé như cái kẹo, còn tôi nhớ về em như chú chim vàng anh nhỏ, vì em hát rất hay. Giọng em cao vút. Em hay hát bài Tự nguyện “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng… Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”, và bài gì có câu “Em sẽ hái cành hoa cho chị cho anh cắm lên trời Tổ quốc”. Và tiết mục mà tôi còn nhớ đến bây giờ là Sớ Táo quân, em đóng vai bà Táo, cùng với Nghi Em làm ông Táo.

          Tôi ngồi dưới, làm khán giả, luôn ngưỡng mộ tiết mục của em, yêu thích dáng em nhỏ xinh, áo dài vàng, tóc tém, giọng ca bốc lửa đấu tranh. Những tiết mục đôi, em hay diễn cùng Nghi Em, cậu chàng này vóc dáng cũng nho nhỏ. Trong lòng tôi hay nghĩ, mong ước sao đến ngày hòa bình, Tú Lộc và Nghi Em sẽ là một đôi vợ chồng hạnh phúc. Còn em nếu tiếp tục theo nghề ca hát, tôi chủ quan cho rằng giọng ca của em chẳng kém Mỹ Linh.

          Nhưng đến khi hòa bình thì tôi bặt tin em. Mãi sau này, Gia Minh kể lại, em có chồng, nhưng không hạnh phúc, nuôi con một mình, khổ sở trăm bề, đường công tác cũng gian nan nhiều nỗi. Trong nhóm Văn khoa chỉ có mỗi Gia Minh cho em điểm tựa. Sao thế nhỉ? Tôi có ngờ đâu chim vàng anh bé nhỏ của tôi lại ra nông nổi vậy. Em mặc cảm và em tự trọng, thui thủi một mình đi qua trăm đắng ngàn cay?

          Gặp lại em lần đầu, là 30 năm sau hòa bình, là tận năm 2005. Lúc đó em đã bệnh rồi. Khối u ấy có phải là tích lũy của mấy mươi năm sầu khổ? Em gầy hơn, đen hơn, nhỏ bé hơn, tóc xơ xác. Nhìn em, tôi thương cảm biết bao nhiêu.

          Đám cưới con trai em, nhóm Văn khoa đi đông đủ. Nhìn em gầy ốm liêu xiêu, cố gắng làm cho tròn bổn phận của người mẹ, tôi, và các bạn khác chắc cũng vậy, miệng cười tươi chúc phúc cho hai cháu, nhưng trong tim thì ứa lệ.

          Sau đám cưới con trai em không bao lâu thì em rời bỏ cõi đời.

          Phan Tú Lộc, chim vàng anh bé nhỏ của tôi, tôi nguyện ước cho em, một kiếp sau vui nhiều hơn em nhé !

 





11 Comments
minhtmap wrote on Oct 2
Phan Tú Lộc, chim vàng anh bé nhỏ của tôi, tôi nguyện ước cho em, một kiếp sau vui nhiều hơn em nhé !
Chị ấy đã có 1/2 cuộc đời được sống hết mình và vui cùng anh em bầu bạn trong lý tưởng của mình. Em tin, nếu Chị ấy còn và nghe chúng ta hỏi, chắc chắn sẽ có câu trả lời: Không hối tiếc!
Nhưng em thương quá cái cách Bạn Bè dành tình cảm cho nhau ở entry này trong hai câu cuối...
minhtmap wrote on Oct 2

quenguyenthanh wrote on Oct 2
Nhưng em thương quá cái cách Bạn Bè dành tình cảm cho nhau ở entry này trong hai câu cuối...
Cảm ơn chia sẻ của M. Chị áy náy mãi ko thôi, vì thời gian rất dài em ấy khổ, nhưng dấu kín, ko có dịp nào để đưa cho em ấy một bàn tay.
thunhan wrote on Oct 3, edited on Oct 3
Chị làm em khóc rồi!
Em không biết Tú Lộc, chỉ nghe các bạn nhắc về em ấy
Đọc entry này, em chợt nghĩ : trong cuộc đời, có hay không mình đã bỏ mất dịp để đưa cho ai đó một bàn tay?
Mà, càng suy nghĩ, càng thấm thía lời chị nói "ta hối hả yêu thương nhau" để mai này không hối tiếc!
thunhan wrote on Oct 3
Tú Lộc của chúng ta đây chăng?

Photobucket
thunhan wrote on Oct 3, edited on Oct 3
Ngày xưa, Tú Lộc như thế này chăng?

Photobucket
giaminh03 wrote on Oct 3
Bạn tội nghiệp của tôi! Ở một nơi nào đó bạn hãy mỉm cười nhé. Và hãy hát như ngày xưa "chim vàng anh" đã hát...
quenguyenthanh wrote on Oct 3
thunhan said
Ngày xưa, Tú Lộc như thế này chăng?

Photobucket
Đúng, hình ảnh này của Tú Lộc trong lòng chị đấy
quyan wrote on Oct 3
"Kỉ niệm không là gì khi lòng người vội xóa. Nhưng sẽ là tất cả khi tim người mãi ghi". Từ rất lâu con đã thích câu nói này. Khi đọc entries của các Cô con càng cảm nhận rõ ý nghĩa của nó.
Con chia sẻ cùng Cô...Mong cô ấy thanh thản ở thiên đường.
gioheomay wrote on Oct 3
Bỗng dưng nhớ áo lụa vàng
Nhớ sao tiếng hát mênh mang tơ trời
Áo xưa khuất chốn chơi vơi
Tiếng chim còn lại hót lời nhớ thương..

Lại thêm câu chuyện về một người Văn Khoa ...đã xa .

Đọc tiếp ...