Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

(116) CHÚNG TÔI CÓ MỘT NGƯỜI ANH

Hôm nay là sinh nhật của anh Nguyễn Tuấn Kiệt, bây giờ hay cho đến bao giờ nữa, anh vẫn là người anh đáng kính của những “em gái văn Khoa”, đã và bây giờ vẫn đang cùng chúng tôi đi tiếp những chặng đường dài.
Mới đây, khi được xem lại những hình ảnh của anh “thời xa xưa”, các bạn buộc miệng: “Chà, hồi đó, anh K đẹp trai quá!”. Không ai hỏi tiếp câu: “Còn bây giờ thì sao…”.

Những năm 70, anh là “thủ trưởng”, chúng tôi sợ anh lắm, vì anh nghiêm khắc, lo việc lớn nên chẳng mấy khi để ý đến những chuyện vặt vãnh của chị em chúng tôi. Anh nói ít và nói ngắn, chúng tôi không gần gũi và thân thiết với anh cho lắm. Khi anh bị bắt giam ở Chí Hòa thì chúng tôi thay phiên nhau đi thăm nuôi, chủ yếu là để nghe anh dặn dò công việc, chưa bao giờ dám “nhỏ to tâm sự”.
Riêng với tôi thì có nhiều kỷ niệm vì anh là thủ trưởng trực tiếp của tôi. Nhớ lần gặp lại anh trong vùng giải phóng, tôi không sao quên được hình ảnh: một chàng thanh niên “Việt Cộng chính hiệu”, nhưng cũng rất thân thiết, đầy thương yêu khi căn dặn chị Hồng Diệp và tôi suốt chặng đường đi và về, bởi vì chúng tôi quá khờ khạo mà chỉ một chút sơ hở, sẽ nguy hiểm cho bao nhiêu người.
Sau năm 75, tôi có chồng “vùng sâu vùng xa”, tạm gọi là như vậy vì khoảng cách SG-MT tuy chỉ có 70 km nhưng phương tiện đi lại khó khăn nên xem như tôi cách biệt với bạn bè, nếu không có những lần anh đi công tác gần đâu đó và ghé thăm gia đình tôi. Vẫn là anh, ân cần, chu đáo và sẵn lòng chia sẻ những khó khăn của tôi: giúp con trai tôi chữa bệnh, mang về cho tôi 1 quyển sách để tôi thuyết trình trong buổi sinh hoạt Đoàn (lúc đó anh đang làm tại Thư viện)…Và còn nhiều, nhiều lắm những sẻ chia của thời gian khó ấy. Còn nhớ, có lần, tôi về SG trị bệnh và ghé nhà anh chị ở đường Đặng Dung. Ngày hôm sau là đám cưới anh Trần Long Ẩn, tôi không được mời nhưng anh chị bảo cứ đi cho vui. Thế là tôi đi cùng anh, lâu quá, không gặp lại tôi nên nhiều người đã quên, họ cứ tưởng “cô gái áo dài tím” bước vào cùng lúc với anh là “bồ nhí” của nhạc sĩ NTK! Hú hồn, em xin lỗi chị.
Những năm gần đây, chúng tôi có điều kiện gặp gỡ nhau nhiều hơn. Vẫn là cái tình của người Văn Khoa. Lúc trước, thường là cùng nhau đi viếng tang, đi thăm bệnh nhưng những ngày tháng gần đây thì chúng tôi thường “kiếm cớ” gặp nhau để vui đùa cho thỏa thích. Gọi là “hối hả yêu thương nhau” đó mà. Hầu như anh không bao giờ vắng mặt. Từ nhiều năm nay, đã thành lệ, đến Tết là chúng tôi chờ nhận bao lì xì may mắn của anh. Có lần tôi “bấm bụng” nói: “Sao em giữ bao lì xì may mắn của anh cẩn thận lắm mà em cũng cứ xui hoài!”. Anh không giận tôi mà chỉ cười vui vẻ: “Anh mà không cho em, em còn xui hơn nữa!”. Thật là chí lý. Anh nhớ sinh nhật của chúng tôi, chúc mừng, nhắc nhở tổ chức để có cớ mà gặp nhau. Thật khó tìm một người anh như thế.


Anh chị bây giờ đã có tuổi nhưng vẫn bên nhau, hạnh phúc, vẫn có mặt cùng chúng tôi để chúng tôi luôn có cảm giác được chở che, ấm áp.

Cho dù chúng tôi có nhiều thêm bao nhiêu tuổi nữa thì chúng tôi vẫn nghĩ mình đã được sinh ra, lớn lên từ Văn Khoa, nơi đó có những tình người. Chúng tôi vẫn quen rằng mình có những cánh chim đầu đàn chưa mỏi và chúng tôi, cứ thế mà bay theo. Bầu trời thênh thang, chúng ta cũng có lúc mỏi cánh nhưng vẫn là “một đàn”.
Mừng anh thêm một tuổi, trong chặng đường sắp tới, mong anh vẫn vững bước. Cuộc đời với những cung bậc thăng trầm sẽ là nguồn cảm hứng bất tận cho anh.

Bùi Trân Thúy
Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

(115) NƯỚC LÊN - VỀ SÔNG ĂN CÁ, VỀ ĐỒNG ĂN CUA

Tháng 9 ta, chị Ngọc Dung rủ bạn bè về Sa Đéc ăn cá linh, trước đây đã hẹn nhau mùa nước nổi, rồi mặc dù năm nay nước về không lớn, cá linh không nhiều. Nhưng chúng tôi được hưởng lộc của Ba Má chị Ngọc Dung, ông năm nay đã 93, bà thì 87 tuổi, thỉnh thoảng lễ tết trong nhóm “Văn Khoa trẻ” người này hoặc người nọ ghé thăm ông bà, hôm lễ Vu Lan vừa qua, thấy một đám lô nhô tóc bạc đến nhà khoanh tay cúi đầu chúc ông bà thêm tuổi thêm vui, ông bà vui thiệt nên sẵn đó có ý: “Kêu tụi nó về quê cho ăn cá linh”, vậy là cả đám rồng rắn kéo nhau về Sa Đéc, trên đường đi cứ thắc mắc không biết năm nay nước không về nhiều, không biết có cá linh, có bông điên điển không?







Trên xe 25 chỗ vừa kín người, ngoài Ba Má chị Dung là “cặp đôi hoàn hảo nhất”,




còn lại thì cũng đều từ 60 đến 70 tuổi, trừ 2 bạn trẻ thuộc thế hệ thứ 3 đi theo để phòng khi có người cần… quyền trợ giúp. Cũng vì toàn những người có tuổi nên khá cẩn thận nhiều việc, trong đó có chuyện lo ăn sáng. Thường khi thì ở nhà ai cũng kiêng khem đủ thứ, tuổi này rồi, “khoe” với nhau thì bịnh nào cũng có, huyết áp, tiểu đường, mỡ trong máu, khớp khiết v.v…, ăn uống thường không bao nhiêu, vậy mà chuyến đi này, có đến 4 người lẳng lặng lo ăn sáng cho cả đoàn, người nào cũng xách một túi nặng, nên vừa yên vị trên xe là ai cũng lo gởi phần ăn sáng cho mọi người để nhẹ túi, kết quả mỗi người đều nhận được 1 ổ bánh mì thịt từ chị Kim Diệp, 1 hộp bánh đúc nhà làm của chị Thanh Quế, 1 cái bánh bao từ chị Thanh Sương, 1 chén cơm nắm chả lụa, khoai lang luộc muối mè từ chị Ngọc Như, nói tóm lại như ăn buffet sáng ở khách sạn 3 sao, ai muốn ăn món gì, ăn vào lúc nào thì cứ tự nhiên xử lý trên đoạn đường đi khoảng 150 km, và khi đến Trung Lương còn ghé uống cà phê do anh Phi chị Thúy đãi. Nghĩa là nếu ăn hết các thứ ăn sáng đã chuẩn bị thì đủ cho khẩu phần ăn sáng… của 1 tuần.
Nhẩn nha đi đến thị xã Sa Đéc hơn 11 giờ trưa, thị xã sầm uất với nhà cửa khang trang hai bên đường. Tên Sa Đéc nguyên gốc từ tên Khmer là Phsar Dek theo nghĩa là “Chợ sắt”, nhưng cũng có nhiều người cho rằng Phsar Dek là tên một vị thủy thần Khmer và theo truyền thuyết dân gian thì Phsar Dek lại là tên của một người con gái nhà giàu buồn chuyện tình duyên nên đi tu và dùng gia tài thừa hưởng để làm việc thiện , tu bổ đường xá, xây cất chợ búa ở đây. Về Sa Đéc thì có làng hoa Sa Đéc, có nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê nơi quay phim Người Tình, có Vườn hồng của nghệ nhân Tư Tôn… Nhưng mục đích chuyến đi lần này là về thăm nhà chị Dung trong Tân Dương, nên tất cả rời xe xuống một chiếc ghe bầu để đi 3 km trên một con rạch vô đến trong nhà, người thành thị xuống ghe nhốn nha nhốn nháo,



nhưng yên vị được rồi thì thích thú ngắm cảnh, làng quê êm đềm dọc theo con rạch nhỏ.




Ghe cặp vô chiếc cầu nhỏ,



ngôi nhà rộng rãi với sân gạch tàu viền chung quanh bông mưa tím nhìn mát mắt dù buổi trưa đứng bóng.




Chờ mọi người rửa mặt rửa tay xong, ông bà hối dọn cơm, ai cũng nói ăn sáng nhiều quá không biết làm sao ăn cơm, nhưng ngồi vô bàn không ai bỏ sót món nào, ốc luộc thơm mùi lá ổi, thịt vịt chấm nước mắm gừng, gà kho sả,



cá linh kho mía điểm thêm tương hột ăn với cơm gạo mùa thơm phức,



rồi lẫu cá linh nhúng bông điên điển, kèo nèo, bông súng… ăn với bún.






Anh chị Hai, chị Dung và chị Như là chủ nhà hầu như không thấy kịp ăn vì cứ lo tiếp thêm nào ốc, nào bông điên điển, nào cá linh… Toàn U 60 với U 70 mà ăn như… rồng cuốn.
Ăn cơm xong thì trời xụ mặt chuyển mưa, lại hối nhau đi xóm vô vườn ổi, bước ra đến con rạch thấy con nít tắm sông thiệt vui



con đường trong xóm mát mẽ yên lành,






có một cây cầu khỉ, dĩ nhiên không ai trong số thị thành này dám thử,



vô vườn ổi thiệt ham, mỗi trái ổi từ lúc còn nhỏ đã được bao lại để tránh bị sâu đục, nên vườn không phải phun thuốc sâu, len lỏi trong vườn hái ổi, mua ổi.





Về lại nhà chị Hai đã kêu mua dùm một thúng trứng vịt hơn 300 trứng, xúm lại ngồi chia, chưa ngơi tay thì đã được kêu ăn chè đậu đen nước dừa.



Lật bật đã gần 3 giờ chiều, chụp hình kỷ niệm với hai bác rồi chào ra về.



Xuống ghe trở về mà luyến tiếc để lại làng quê bình yên sau lưng.




Về đến Mỹ Tho đã gần 6 giờ chiều, chị Minh Nguyệt mời ăn tối, chỉ định ăn món đặc sản Mỹ Tho là lẫu cháo cua đồng, nhưng thêm bánh khọt vì rất ngon, còn cháo thì quá tuyệt.





Rời thành phố Mỹ Tho sáng lấp lánh đèn buổi tối.



Chị Minh Nguyệt nói: Bây giờ thì Đèn Sài Gòn vẫn ngọn xanh ngọn đỏ, nhưng Đèn Mỹ Tho thì không thể nói ngọn tỏ ngọn lu nữa rồi.
Kết thúc một ngày về quê, cám ơn hai bác, cám ơn chị Dung, chị Nguyệt, vì đã cho mọi người một ngày “Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”.
Đọc tiếp ...