Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

(60) TÍNH CÁCH MỘT NGƯỜI THẦY

Những kỷ niệm thời sinh viên Đại học Văn khoa Sài gòn 1966-1970 

Photobucket


Viết về thầy Lâm Thanh Liêm-Giáo sư môn Địa lý

Đại học Văn Khoa Sài gòn những năm 1966-1970

 

Huỳnh Quan-Thư

Sinh viên khoa  Sử Địa năm 1966-1970

 

Thời sinh viên sôi nổi ở trường Đại học Văn khoa Sài gòn với tôi là chuỗi những kỷ niệm đầy ắp vui buồn của thời vàng son được mệnh danh là phong trào sinh viên tranh đấu.

Hồi ấy, ngoài thầy Châu-Long, cô Bình-Minh, cô Quách Thanh-Tâm có cảm tình với Sinh viên yêu nước, tôi còn nhớ đến hình bóng người thầy mang một dáng dấp khác, không ủng hộ sinh viên làm chính trị, nhưng luôn nhiệt tình trong giảng dạy, luôn mong muốn truyền đạt kiến thức của mình đến sinh viên một cách trọn vẹn, đầy tâm huyết. Đó là thầy Lâm Thanh-Liêm. Những sinh viên khoa Sử Địa ngày ấy, không ai không từng là học trò của thầy. Chắc các bạn còn nhớ đến dáng vóc rất công tử, thư sinh của thầy: mái tóc quăn dợn sóng, rất đẹp trai nhưng nghiêm túc, chừng mực trong quan hệ với học trò, bất luận nam hay nữ, trẻ hay già .

Thầy lên lớp đúng giờ, giảng bày rõ ràng, dễ hiểu. Môn Địa lý có những phay, cuesta, thầy vẽ lên bảng, bụi phấn bay lên tóc thầy, cuối giờ như tóc muối tiêu. Dường như thầy không quan tâm đến điều ấy, quan trọng là sinh viên có hiểu, nắm được bài không ?

Là con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi (thầy du học ở Pháp về ), gia đình hạnh phúc, nhưng tất cả những lần đi picnic, du khảo, tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật, thầy đều tích cực tham gia. Đi cùng lớp, thầy còn cẩn thận mang theo cây thước xếp, lúc cần, thầy kéo dài ra chỉ dạy: đất này là đất gì, bị mưa gió xói mòn ra sao, 5-10 năm nữa biến đổi thế nào… Đá này là đá gì, có nhiều ở đâu, công dụng gì, có tự bao giờ … Giữa trưa nắng, đầu trần, thầy thao thao tựa như giữa giảng đường, sinh viên đứng nghe say sưa, mồm há hốc, quên cả cái nắng nóng tháng tư.

Với thầy, tôi có hai kỷ niệm đang nhớ :

1. Năm dự bị, đầu năm tôi còn đi học đều, giữa năm về sau, do công tác phong trào dồn dập nên tôi hay vắng mặt ở lớp. Vì là lớp trưởng tôi được thầy quan tâm, hơn nữa thầy cũng quí cô  sinh viên năng động hay tổ chức cho lớp học ngoại khóa, nên thầy chú ý sự có mặt của tôi. Tôi khá lém lỉnh, đầu giờ có mặt 5-10 phút, sau đó tranh thủ lúc thầy quay lên bảng viết viết vẽ vẽ là tôi “đánh bài chuồn”.

Bất chợt thầy quay lại kiểm tra rồi nói trống không:

- Rồi rồi, cô ấy đâu mất rồi.

Hay:

- Rồi, lại bỏ học rồi.

Hoặc:

- Lại đi đâu rồi .

Trong lớp chỉ có bạn Trần thị Huệ, Huỳnh Ngọc Nữ, vài bạn thân khác biết thầy ám chỉ ai. Huệ ngồi cười vẻ bí mật và sau đó kể lại tôi: ”Tội nghiệp thầy, nhìn xuống mà không thấy bà là biết liền, thầy la đó nghe.”

Hôm nào công việc ít, tôi học đủ giờ, thấy tôi học nghiêm túc thầy gật gù, ra vẻ hài lòng.

Tôi biết thầy ủng hộ tôi hoạt động cho lớp để “học giỏi” chứ  thầy không thích tôi làm công việc mà thầy đang đánh hơi : Làm chính trị

 2. Cuối năm 1968 và trọn niên học 1968-1969 tôi bị địch bắt, ngồi tù từ

Nha cảnh sát Đô Thành, Tổng Nha cảnh sát rồi lên trại giam Thủ Đức .

Tháng 8/1969 tôi được trả tự do. Quyết tâm thi chứng chỉ Địa lý Đại cương, tôi tranh thủ đến nhà thầy Phạm Đình Tiếu, Sơn Hồng Đức … mượn tài liệu các thầy giảng về học.

Vì đã gần thi nên không thể nào mượn tập của bạn được. Tôi đã tự học với sự hướng dẫn tích cực của các bạn Trần Thị Liên, Huỳnh Ngọc Nữ.

Trời đã không phụ lòng người, tôi thi đậu bài viết, tiếp đó là thi vấn đáp

với thầy Liêm. Thầy biết tôi ở tù mới về, có vẻ nghiêm nghị, thầy hỏi bài tôi. Tôi cố gắng bình tĩnh trả  lời thầy suôn sẻ, rõ ràng, thầy hơi ngạc nhiên, hỏi tiếp một câu khó hơn, tôi lại trả lời mạch lạc. Thầy nhìn tôi như dò xét  “cô này vậy mà giỏi”, rồi hạ bút cho điểm 7/10.

Tôi thở phào, chào thầy bước ra khỏi lớp, thầy nhìn theo có vẻ tiếc cho tôi, có năng lực, học giỏi mà không chịu học nghiêm chỉnh, cứ làm gì đâu đâu ấy, bực ghê.

Vậy là tôi đã đậu 2 chứng chỉ Địa lý địa phương và Địa lý đại cương, nên không còn dịp học với thầy Liêm nữa. Nhưng có một lần thầy mời tôi lên phòng giáo vụ, bảo:

- Cô Thư, cô cũng biết tên cô có trong sổ bìa đen của Tổng Nha cảnh sát rồi, sao không lo học? Cô mà ở tù lần nữa là mềm xương đó nhe!

- Dạ, em biết chớ thầy, tụi nó bắt oan em, chứ em có làm gì đâu.

- Đi học thì cố gắng mà học, tôi thấy cô rất có khả năng, cô hiểu chưa?

- Dạ, em hiểu, em cám ơn thầy.

Đó là lần cuối cùng tôi đối thoại với thầy Liêm, lúc đó tôi không ghét mà vẫn quý thầy, tôi chỉ tiếc, thầy quan tâm nhưng không hiểu tôi.

Với thầy Liêm, chỉ mong học trò thì phải học giỏi, đó mới là cứu cánh , là mục tiêu mà mọi sinh viên phải theo đuổi. Với những ai chịu học, thầy sẳn sàng chỉ dạy hết mình, truyền cho hết tinh hoa của môn học, không dấu điều gì.

Tháng 3/1970,41 sinh viên hoạt động phong trào bị bắt, trong đó có những sinh viên cùng cánh với tôi. Tổ chức cách mạng yêu cầu tôi thoát ly vào mật khu, tôi đành phải xa mái trường Văn Khoa thân thương, nơi gắn liền một thời tuổi trẻ sôi nổi của tôi và bao nhiêu bạn bè, cũng là nơi tôi đã gặp và giác ngộ theo cách mạng, con đường mà mọi sinh viên yêu nước đều phải dấn thân.

Sau ngày giải phóng, khoảng 1978, có lần tôi chợt thấy thầy Liêm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, gần cơ quan tôi công tác, tôi rất mừng nhưng vì lúc đó gấp xuống địa bàn họp, tôi không kịp nói lời chào thầy. Thầy cũng nhận ra tôi, hơi ngỡ ngàng. Tôi tiếc, phải chi lúc ấy tranh thủ đến chào thầy, thầy đã dạy tôi suốt 3 năm học đấy thôi.

Thầy Liêm không ưa sinh viên làm chính trị, nhưng là một giáo sư, thầy đã làm tròn bổn phận của một người thầy trên bục giảng. Nhớ lại lần thi vấn đáp năm1969, nếu ghét sinh viên tranh đấu, thầy có thể hạ bút cho tôi điểm 2 điểm 3, đánh rớt tôi. Ai biết ? Và tôi cũng không thể nào khiếu nại, kiện cáo gì, phải vậy không?

Tôi quý thầy Liêm ở tính cách này.

Và hôm nay,xin nhắc lại với các bạn đồng môn như là một kỷ niệm đẹp, về một người thầy đã  làm hết chức trách của mình, nơi mái trường Văn khoa yêu dấu hơn 40 năm trước.    

                                                                                     HQT -  28/5/2010

    * Bạn Trần Thị Huệ lúc ấy cũng là sinh viên đấu tranh trong phong trào Phật tử, đến hôm nay chúng tôi vẫn là đôi bạn thân.

 

2 nhận xét:

  1. Em cũng có nhiều người thầy trong đời với nhân cách như thầy LTL mà có lẽ cả đời em không quên....
    Tháng 11 , ta nhớ về những người thầy trong đời mình , những người thầy ra thầy chị nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  2. Em cũng được học thầy Châu Long, thầy Lâm Thanh Liêm. Cám ơn chị Thư đã gợi lại hình ảnh những người thầy xưa kính mến.

    Trả lờiXóa