Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

(59) THẦY TÔI

Tháng 11, những người đã đi qua 2/3 đời người, khi lo toan cuộc đời không nhiều nữa, lòng lắng lại, những kỷ niệm xưa quay về. Nguoivankhoa xin giới thiệu chùm bài nhớ về thầy cũ của chị HUỲNH QUAN THƯ - sinh viên Văn Khoa -  như một lời cảm ơn các thầy cô giáo.

 Photobucket
Những kỷ niệm thời sinh viên Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1966-1970

Viết về thầy Châu Long, nguyên Trưởng khoa Sử-

Đại học Văn Khoa Sài Gòn những năm 1966-1970

 

Huỳnh Quan Thư

Sinh viên Khoa Sử Địa năm 1966-1970

        Là những sinh viên yêu nước, hoạt động trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn, nhiệm vụ của mỗi chúng tôi bao gồm:

1.   Có bản lĩnh, có tác phong nhanh nhẹn, tháo vát, dễ gần gũi, càng hoạt bát, thu hút cảm tình của sinh viên càng dễ hoàn thành nhiệm vụ.

2.   Để có uy tín với trường, với sinh viên, chúng tôi ngoài phải gương mẫu trong sinh hoạt cá nhân, còn phải gương mẫu trong học tập, mà thi đậu các chứng chỉ đang học là thước đo rất quan trọng.

Niên khóa 1966-1967 với tư cách là Đại diện chứng chỉ Dự bị Sử Địa, tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một “lớp trưởng” năng động và dễ dàng thi đậu cuối năm.

Niên khóa 1967-1968 tôi là đại diện chứng chỉ Quốc sử và ghi danh thêm chứng chỉ Địa lý địa phương, rồi là phó chủ tịch ngoại vụ BCH Sinh viên Văn Khoa Sài Gòn; sau tết Mậu Thân tôi còn đảm đương chức vụ Tổng  Thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn.

Công việc quá nhiều, quá dồn dập, tôi như con thoi hết tới lớp tới trường, hết trường đến Tổng Hội sinh viên. Tôi đã cố gắng hoàn thành cả 3 nhiệm vụ, cuối năm học tôi cũng đã dễ dàng thi đậu chứng chỉ Địa lý địa phương nhưng chứng chỉ Quốc sử thì rớt. Thời điểm này là đầu niên khóa 1968-1969. Dù khá buồn, tôi và các bạn sinh viên tranh đấu làm công tác sinh viên vụ, hướng dẫn các tân sinh viên làm thủ tục nhập học.

Chúng tôi bố trí bàn hướng dẫn và phát tài liệu ngay tại cổng ra vào chính của trường (gần đường Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn), dưới tán cây me tây rộng mát.

Đang ngồi cùng các bạn Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thanh Tòng, Trần Thị Huệ phát tài liệu, bỗng thầy Châu Long đi nhanh đến bàn, khẩn trương nói với tôi: “Thư, trò đậu rồi đó, khẩn trương về ôn bài, chiều thi vấn đáp”. Nói xong thầy đi một mạch vào phòng giáo sư, bên dãy nhà góc Cường Để - Thống Nhất (nay là Đinh Tiên Hoàng – Lê Duẩn) các chổ chúng tôi ngồi khoảng 20 mét.

Tôi rất bất ngờ, ngỡ ngàng suy nghĩ, mình đã dò kỹ, danh sách đậu không có tên mình, chắc có sự nhầm lẫn, và rồi tôi vẫn bình tĩnh phát tài liệu và trò chuyện cùng bạn bè.

Tuy đã vào văn phòng, thầy Châu Long vẫn theo dõi quan sát, thấy tôi vẫn ngồi làm việc tỉnh bơ, thầy bí mật ngoắc tôi vào nói: “về học bài chiều thi oral (vấn đáp), bài cô thiếu nửa điểm, vớt cô tôi phải vớt thêm 7 sinh viên nữa đó”.

Hiểu ra, mừng quá, tôi cám ơn thầy rồi ba chân bốn cẳng chạy ra, nhờ bạn Tòng chở tôi về nhà, lôi hết sách vở Quốc Sử ra học lấy học để, với một niềm hạnh phúc dâng trào. Tôi tự nhủ mình không chỉ học cho mình mà còn học vì niềm tin của Thầy.

Tôi đã hiểu Thầy cũng yêu nước, thương cách mạng, thương sinh viên tranh đấu nên đã âm thầm tìm cách giúp tôi – giúp tôi không vì tôi là Huỳnh Quan -Thư mà vì Huỳnh Quan –Thư là sinh viên yêu nước!

Ôi, tình thầy trò, tình yêu non sông đất nước, thầy trò tôi đã gặp nhau ở điểm tương đồng này.

Buổi chiều, lên phòng thi vấn đáp, thầy hỏi bài tôi bình thường và hạ bút cho điểm 7/10 trước mặt tôi cho tôi yên lòng. Tôi rơm rớm nước mắt cám ơn thầy và nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng với nhiều cảm xúc ngập tràn, thương thầy hơn gấp bội.

Sau ngày giải phóng, tôi có dịp gặp thầy vài lần, thầy vẫn nhìn tôi với ánh mắt thân thương, tin cậy, ánh mắt thông cảm sẽ chia với tôi trước mất mát lớn lao, anh Lê Quang Lộc, chồng tôi (cũng là sinh viên khoa Sử Địa) nguyên Chủ tịch Ban chấp hành Sinh viên Văn Khoa Sài Gòn 1967-1968 đã hy sinh trên đường tiến công về giải phóng Sài Gòn ngày 15/4/1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nay thầy Châu Long đã đi xa, tôi mãi mãi ghi nhớ ơn thầy, tiếc là ngày thầy đi xa tôi không biết tin để đến viếng và đưa thầy về cõi vĩnh hằng. Hình bóng người thầy thân thương ấy đọng mãi trong tôi.

Đã hơn 40 năm trôi qua, hôm nay viết được những dòng này, lòng tôi thấy nhẹ nhàng ấm áp, vì đã nói lên được lời tri ân với thầy, dù muộn màng nhưng mãi mãi.

Photobucket

 
Hằng năm, nhóm sinh viên yêu nước chúng tôi vẫn tổ chức đi thăm thầy cô cũ nhân ngày 20-11.
Một là ghé thăm Thầy Lý Chánh Trung, nhà ở Làng đại học Thủ Đức, gần nhà Thầy Châu Long ngày xưa. Thầy Trung cho biết Thầy Long ủng hộ Cách mạng và cũng rất nhiệt tình, đã từng nuôi chứa Ông Tạ Bá Tòng, một cán bộ rất nổi tiếng của Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt nam của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.


Huỳnh Quan Thư

 

5 nhận xét:

  1. "Tôi tự nhủ mình không chỉ học cho mình mà còn học vì niềm tin của Thầy."
    Em đồng cảm với chị điều này, nhiều khi em nghĩ rằng em làm được một điều gì, là vì phải cố gắng để đền đáp niềm tin của ai đó.

    Trả lờiXóa
  2. "Đã hơn 40 năm trôi qua, hôm nay viết được những dòng này, lòng tôi thấy nhẹ nhàng ấm áp, vì đã nói lên được lời tri ân với thầy, dù muộn màng nhưng mãi mãi."
    Dù muộn, dù thầy ko còn để nghe chị nói lời biết ơn thầy, nhưng viết ra được ở đây cũng nhẹ lòng phần nào chị nhỉ.

    Trả lờiXóa
  3. Có ai biết các anh chị đứng cạnh thầy Châu Long thì thuyết minh dùm, GM chỉ nhận ra chị mang kính mát là chị Trần Thị Huệ.

    Trả lờiXóa
  4. Chị Huỳnh Quan Thư bổ sung:
    "Hằng năm nhóm sinh viên yêu nước chúng tôi vẫn tổ chức đi thăm thầy cô cũ nhân ngày 20/11. Một là ghé thăm thầy Lý Chánh Trung, nhà ở làng đại học Thủ Đức, gần nhà thấy Châu Long ngày xưa. Thầy Trung cho biết thầy Long ủng hộ cách mạng và cũng rất nhiệt tình: ông Tạ Bá Tòng, một cán bộ rất nổi tiếng của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam của luật sư Lê Hữu Thọ, đã từng sống trong nhà thầy Long."

    Trả lờiXóa
  5. Hàng ngồi từ trái sang :bạn Hoang Hữu Đoàn,chị Thư ,Trần thị Huệ,Kim Anh(chị Thư đang nhom nhem trái mận hái trong vườn nhà thầy.)
    Hàng đứng :Thầy Châu Long,thứ ba mang kiếngLữ Đức Hựu,thứ năm Trương Hồng Liên,thứ sáu Nguyễn Xí,nam đứng sau là Quách Thanh Trung(em trai cô Quách Thanh Tâm).Chi Hồng Liên là chị nhạc sỉ Trương Quốc Khánh,tác giả ca khúc Tư nguyện,cùng trong PT SVHS.Ai biết các bạn còn lại bổ sung dùm,xin cám ơn.Ba bạn nữ trên rất nhiệt tình tham gia các buổi du ngoan,du khảo

    Trả lờiXóa