Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

(56) THÁNG 10... NGẪU NHIÊN KỶ NIỆM DẮT KỶ NIỆM VỀ!

Photobucket

 

Tháng 10 có một ngày của phụ nữ, ngày 20 tháng 10. Tình cờ những ngày này đến lượt tôi được đọc lại những dòng chữ viết khác nhau trong hơn 100 trang của cuốn sổ úa màu thời gian ghi lại biên bản những cuộc họp của Hội Nữ Sinh viên Văn Khoa (NSVVK). Với thói quen nghề nghiệp tôi đếm trong sổ những lần họp, … 32 lần từ tháng 7 năm 1971 đến tháng 4 năm 1972 – trong đó có 3 lần đi cắm trại ở Vũng  Tàu và Long Thành, 1 lần tổ chức triển lãm các gian hàng cho ngày đón bạn tân sinh viên – Chắc có người đang nhíu mày, sao mà họp lắm thế, 10 tháng mà 32 lần họp thì đi học lúc nào. Thật ra những cuộc họp chính là những lúc gặp nhau để học, bởi vì theo biên bản ghi lại thì trong chương trình mỗi cuộc họp đều có một chủ đề nghiên cứu liên quan đến các môn học và thời sự mà thuyết trình viên là các NSVVK trong Hội được phân công thay phiên nhau soạn bài để nói, mọi người dự họp tham gia thảo luận như một buổi tọa đàm nhỏ. Tôi lại đếm, trừ những buổi bàn về soạn thảo Nội quy của Hội NSVVK, về tờ báo Nữ Sinh viên Văn Khoa, về cách hoạt động của Hội quán Văn Khoa để gây quỹ cho sinh hoạt của phong trào sinh viên Văn Khoa lúc đó, đã có 14 chủ đề được trình bày để thảo luận. Lại một phản xạ nghề nghiệp tôi so sánh, ở Viện Nghiên cứu KHXH mà tôi làm việc, có trên dưới 30 nghiên cứu viên, mỗi năm những buổi sinh hoạt học thuật nội bộ như thế này giỏi lắm thì được 6 cuộc, còn thường thì chỉ dừng ở con số 4, nên dù là người trong cuộc thời đó, bây giờ đọc lại tôi vẫn ngạc nhiên với số chủ đề chyên ngành trong thời gian ngắn như vậy, mà là những vấn đề theo tôi khá thú vị, đọc lại những trang ghi biên bản, những nét chữ khác nhau làm tôi hình dung lại lần lượt những nét mặt trẻ măng, duyên dáng, xinh tươi ngày xưa, và cũng thật xúc động khi đọc lại nét chữ của chính mình viết cách đây gần 40 năm. Bỗng dưng tôi hình dung lại bóng dáng những nữ sinh viên Văn Khoa tha thướt áo dài tơ, gấm vàng cài hoa hồng đỏ trong những dịp lễ hội và những gương mặt năm xưa bỗng chốc ùa về trong trí nhớ…

          Người làm thuyết trình viên nhiều nhất là chị THÁI THỊ BẠCH TUYẾT, đến 3 trong 14 chủ đề, mà toàn những vấn đề khó: “Phụ nữ và vấn đề lao động”; “Nhận định tình hình miền Nam Việt Nam” (Một bài thuyết trình rất công phu tại tịnh xá Ngọc Bích ở Vũng Tàu trong 3 ngày cắm trại tại đây của Hội NSVVK vào tháng 8 năm 1971); “Nữ sinh viên đi học để làm gì?”. Tôi hình dung ra chị trong trí nhớ của tôi: Người tầm thước, nhanh nhẹn, hoạt bát, học giỏi nên được chọn để báo cáo những vấn đề khó. Chị bây giờ đang sống ở Úc, khoảng 10 năm trước chị đã quay về Việt Nam lần lượt đi gặp hầu như tất cả những người bạn cũ, vui đùa với các bạn để rồi sau đó chị quy y vào chùa.  Bây giờ chị để lại sau cánh cửa nhà Phật mọi  bận bịu đời thường.

 

Photobucket

 

          Một chủ đề liên quan đến Sử học: “ Giá trị hiệp định Genève” được một chị nữa cũng học rất giỏi làm thuyết trình viên: chị NGÔ NGỌC DUNG – cùng một lúc chị học ở Đại học Sư phạm và Đại học Văn Khoa – đi học rất chăm và đều đặn dù rằng ngoài chuyện học 2 trường chị còn trách  nhiệm khá nặng nề là Hội trưởng Hội NSVVK, và với nhiệm vụ này nên chị cũng là tác giả một bài báo cáo khác với cái tên “Tiếp nối truyền thống Hai Bà Trưng” trong ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng mà tối đó là đêm văn nghệ Mê Linh do Hội NSVVK tổ chức. Tôi và chắc là các bạn khác vẫn nhớ đến một chị Hội trưởng điềm đạm, ít nói, nhưng nói ra thì chắc… như bắp ( chị được gọi là Dung Ngô, để phân biệt với các chị Hồ Ngọc Dung và Trần Ngọc Dung, nhưng không ít các anh nam trêu lén sau lưng chị gọi là …Dung Bắp), chị nhiệt tình trong công việc và rất giỏi trong công việc tổ chức các kế hoạch, những năm tháng tuổi trẻ phần lớn chị ở trong tù, sau hòa bình chị làm việc ở ngành giáo dục đào tạo của thành phố. Đến bây giờ chị vẫn tiếp tục công việc yêu thích tại một cơ sở giáo dục tư như niềm vui trong những ngày nhàn hạ khi đã nghỉ hưu.

          Một trong những hoa khôi của trường Văn Khoa dạo đó: chị LÊ HỒNG DIỆP, nhỏ nhắn, xinh xắn, lúc nào tha thướt áo dài dù phải chịu trách nhiệm thường trực ở Hội quán VK cùng với chị Huỳnh Thị Hoa, và còn thêm công việc ở Ban Báo chí. Dịu dàng, nhỏ nhẹ như những bài thơ chị làm với bút danh Nhã Thảo hoặc Lá Cỏ Hồng. Chị cũng là một một thuyết trình viên với một chủ đề khá thi vị và đã được tranh cãi khá sôi nổi: “Nguyệt Nga – Người phụ nữ gương mẫu ngày nay?” Theo biên bản có nhiều ý kiến đồng ý nhưng cũng có những ý kiến đối trọng, tóm lại đó là một buổi sinh hoạt học thuật nhẹ nhàng và dễ thương… như thuyết trình viên.

          Một người nữa được mời thuyết trình nhiều hơn 1 chủ đề là chị HỒ THỊ MINH NGUYỆT, chị nói về hai vấn đề: “Sự hiện diện của người ngoại quốc vào Việt Nam (1954 đến nay)”; “Trách nhiệm người nữ sinh viên”, tôi nhớ đến chị, một người hoạt bát, nhanh nhẹn, nhưng khá nóng tính và chị được gọi bằng biệt danh… “Nguyệt lửa”, hai chủ đề chị nói cũng khá gai góc, nhưng chị đã làm chủ được các buổi tọa đàm đó, một triển vọng hứa hẹn và quả đúng như vậy, sau hòa bình chị đã lấy bằng Tiến sĩ. Chị  là TBT báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, và là Chủ tịch Hội Liên hiệp Hữu nghị TP, không còn nóng…như lửa nữa nhưng vẫn nhanh nhẹn như thuở đôi mươi.

          Các chủ đề Sử học thường được đặt ra, “Tiến trình đấu tranh trong lịch sử Việt Nam” do thuyết trình viên là chị DƯƠNG THỊ THÚY LIỂU, chị đã công phu soạn một bài gần như một luận văn tốt nghiệp, mọi người vẫn nhớ về chị như một cô gái Văn Khoa nhìn mọi vấn đề bằng con mắt hài hước rất thông minh, những trao đổi của chị bao giờ cũng làm không khí học thuật sinh động và vui hẳn lên. Và chị vẫn y như vậy sau này trong suốt thời gian là nhà báo, cho đến bây giờ khi đã nghỉ hưu, bạn bè đều thích gặp chị bởi rất những câu nói vui rất có duyên trong những lần họp mặt.

          Một gương mặt hiền lành, xinh xắn, ít nói mà rất chịu khó hay lam hay làm, là chị HUỲNH THỊ HOA, người gần như chịu trách nhiệm chính về Hội quán VK, sáng sớm đã thấy chị có mặt, lo mọi việc chu toàn, giao công việc cho ca trực ngày đó xong xuôi mới lên giảng đường học, chiều tối vẫn còn loay hoay với trăm thứ việc không tên sau một ngày kết thúc ở Hội quán. Dù ít nói nhưng với tiêu chí của Hội NSVVK, tất cả các thành viên đều phải tập làm thuyết trình viên để thực hiện học đi đôi với hành và tạo kỹ năng ứng xử trước đám đông, chị Hoa cũng đã báo cáo một chủ đề: “Thử hoạch định những phương pháp tự túc kinh tế cho nữ sinh viên”. Những năm 70, sinh viên đi học thường lo thêm việc mưu sinh để trang trải chi phí nhà trọ, cơm trưa, tài liệu học tập… nên chủ đề này rất sôi nổi trong phần tọa đàm sau những kinh nghiệm bản thân được chị Hoa trình bày trong phần báo cáo. Sau hòa bình, chị làm cô giáo ở một vùng quê yên tĩnh ngoại vi thành phố, chị vẫn như ngày xưa, lặng lẽ vất vả với những lo toan đời thường.

          Một bà mẹ tuyệt vời hiện nay, chị NGUYỄN THỊ SEN, một trong những nữ sinh viên Văn Khoa khá xinh mà cũng rất sắc sảo trong học thuật, chị trình bày một vấn đề khá gai góc vào thời kỳ đó –  những năm 1970 – “Một quan điểm đúng đắn về bình đẳng”. Sau hòa bình, chị cũng là cô giáo, đến khi có cháu trai út, không may cháu bị tự kỷ nhẹ,  thời gian đó chưa có trường học dành riêng cho các cháu, cháu lại không học được ở các trường bình thường, chị đã nghỉ dạy ở nhà tự làm cô giáo cho con trai, chị tra cứu tất cả những sách vở, những tài liệu trên mạng Internet và đã tự mình giúp đỡ con trai dần trưởng thành. Tình yêu của người mẹ giúp chị vượt qua tất cả những khó khăn để đem con trai dần trở về cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. 

          Một điều làm tôi ngạc nhiên là sao ngày đó Hội NSVVK có những chuyên đề hay thế, thí dụ “Sự phá giá của đồng bạc Việt Nam. Từ 1954 đến 1971”. Đó là buổi sinh hoạt thứ 18, tôi không có mặt trong buổi đó, nhưng đọc qua biên bản tôi thán phục thuyết trình viên ngày hôm đó: chị QUÃNG THỊ TUYẾT MAI, và cũng cám ơn chị Võ Thị Thu Nhân, thư ký ghi biên bản, chị đã ghi lại rất kỹ những trình bày của chị Mai làm tôi hình dung ra một buổi seminar nhỏ rất chuyên nghiệp qua những định nghĩa về kinh tế học, những con số của các thời kỳ và những phân tích của thuyết trình viên. Thật tiếc tôi hầu như không nhớ gì về chị Tuyết Mai, nhưng qua những giòng chữ của ký ức này tôi hình dung một nữ sinh viên  học rất giỏi và nói rất hay, vì kết luận trong biên bản có ghi lại cảm tưởng cuối cùng của cử tọa là rất thán phục thuyết trình viên.

 

Photobucket

 

          Hội NSVVK lúc đó ngoài chị Ngô Ngọc Dung, còn chị Trần Ngọc Dung và chị Hồ Ngọc Dung, đôi khi các chị bị kêu bằng họ để dễ phân biệt vì tên giống nhau, một chuyện giống nhau nữa là cả 3 chị Dung đều là những thuyết trình viên của Hội NSVVK. Chị TRẦN NGỌC DUNG  có một báo cáo với cái tên khá hấp dẫn “Trách nhiệm của người làm văn nghệ” mà theo biên bản đã được số đông ý kiến cử tọa phát biểu rất sôi nổi, thậm chí khi quá thiên về tranh cãi trong lĩnh vực âm nhạc, nên có chị phải kéo mọi người quay sang điện ảnh để thêm phong phú cho buổi thuyết trình. Người rất tỉnh táo để lôi mọi người qua lĩnh vực điện ảnh đó là chị HỒ NGỌC DUNG, chị cũng là thuyết trình viên với một chủ đề rất… phụ nữ: “Một cái nhìn tiến bộ về người phụ nữ Việt Nam. Bây giờ thì vấn đề này đã nhẹ đi rất nhiều với sự khẳng định vị trí của người phụ nữ trong xã hội, nhưng 40 năm trước, những rào cản định kiến xã hội đã làm cho buổi báo cáo cũng rất phong phú qua các nhận định về vai trò người phụ nữ Việt Nam.

          Một nữ sinh viên Văn Khoa khác, dáng tầm thước, trắng xinh, và cũng tha thướt áo dài, điển hình tiểu thư Sài Gòn là chị HUỲNH THU THỦY, lại là thuyết trình viên một đề tài khá gai góc: “Đời sống tập thể và cá nhân”. Thật không dễ trong thời điểm đó một cô sinh viên khoa Nhân văn sống trong một đô thị nói về vấn đề tập thể, nhưng chị đã nhẹ nhàng báo cáo, ít nhiều trong cuộc thảo luận sau đó đã gắn vấn đề với sinh hoạt Hội NSVVK, một điểm son cho BCH của Hội… Và còn nhiều, rất nhiều những gương mặt nữ sinh viên Văn Khoa, các chị đã đóng góp cho sinh hoạt Hội NSVVK ngày càng thêm phong phú. 

          Có thiên vị quá không khi tôi nói là thời kỳ đó các chị trong Hội NSVVK sao mà… giỏi thế, các chị vừa đi học, hoàn thành các chứng chỉ mỗi năm, tham gia phong trào đấu tranh của SVHS đô thị miền Nam lúc đó, mang trong mình nỗi đe dọa có thể bị bắt bất cứ lúc nào vì tham gia phản chiến, nhưng vẫn thật nghiêm túc trong việc học mà một trong phản ánh đó là qua các chuyên đề mà các chị đã soạn thảo và trình bày. Ngày của phụ nữ, chẳng lẽ lại khen phụ nữ, nhưng thật là tự hào với các chị, và yêu quá các Nữ Sinh viên Văn Khoa!

Photobucket

Những gương mặt Nữ Sinh viên Văn Khoa ngày ấy – bây giờ!

 

15 nhận xét:

  1. Đồng ý với GM là : " ... thật là tự hào với các chị, và yêu quá các Nữ Sinh viên Văn Khoa! ".
    Quyển sổ ấy đã ố vàng sau 40 năm, với hơn 100 trang ghi lại những công việc mà các chị đã làm trong 10 tháng, với 32 lần họp, với 14 chuyên đề được thảo luận, ... Cảm ơn GM, bài viết này, những nhận xét này của GM, với góc nhìn có nghề của một người học sử, đã "cảm" được những dòng chữ cũ, đã thổi hồn vào những trang giấy úa ấy, đã tái hiện những dáng người NSVVK vừa yêu kiều vừa học giỏi, của một thời đã rất xa xôi ... Mười mấy chị ấy nay mỗi người một ngã, về được Góc nhỏ VK này chỉ có vài chị tới lui thôi ...

    Trả lờiXóa
  2. Từng dòng, từng dòng, GM đã đưa chúng ta - những nữ sinh viên VK ngày ấy quay trở về với những ngày tháng đã quá xa...
    Chúng ta có thể mời các chị về Góc nhỏ này được chứ nhỉ? Chị Ngô Dung, chị Nguyệt lửa, Chị Sen, chị Huỳnh Hoa...

    Trả lờiXóa
  3. Quên nữa, GM chú thích tên các chị ở tấm hình dưới đi nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Nghe chị nói thế, em hết hồn, chỉ là người học sử thôi chị ơi, còn lâu lắm em mới bén gót sử gia.Hi hi...

    Trả lờiXóa
  5. Em chọn tấm hình này là để thuyết minh cho đoạn "Và còn nhiều, rất nhiều những gương mặt NSVVK...", vì còn nhiều chị mà em chưa nói đến tên trong bài. Bây giờ để em chú thích tên trên tấm ảnh nhé : Từ trái qua: BÍCH TRÀ: VK đời 74; XUÂN HƯƠNG: VK đời 71 - Đoàn trưởng Đoàn Văn nghệ SVVK từ năm 1973 -; LÊ HAI:VK đời 74; VIỆT TIẾN: VK đời 73 - nồng cốt phong trào sau khi phe ta năm 72 bị bắt gần hết-; THANH THỦY: VK đời 70; VÕ THỊ BẠCH TUYẾT: VK đời 70 - Thủ lĩnh phong trào đốt xe Mỹ-; Chị NGUYỆT "CAO" (he he, em chỉ nhớ biệt danh thôi, không nhớ họ): VK đời 70; LÊ HỒNG DIỆP: VK đời 70 - người báo cáo chủ đề: "Kiều Nguyệt Nga, người phụ nữ gương mẫu"; Kế đó một là VK đời 71: Hì hì,chính "hắn" đấy; KIM TUYẾN:VK đời 67- người âm thầm hỗ trợ đằng sau cho Hội NSVVK; HIỀN HOÀNG và CẨM HƯỜNG: VK đời 74; Người cuối cùng hình như là chị CẨM TÂM: VK đời 70 (em đoán vậy vì nhìn nghiêng nên không nhớ rõ lắm).

    Trả lờiXóa
  6. Ngoài các chị đã có tên hoặc có hình trên bài, em còn nhớ ai kể hết ra đây, các chị còn nhớ ai nữa thì bổ sung hen: Thanh Quế; Trân Thúy (Cỏ May nhà mình đấy); Thanh Sương; Hoàng Hương; Trúc Chi; Kim Thoa; Hồng Nga; Kim Liên; Hoa Nhụy; Mỹ Dung; Nguyệt Quờn; Tú Lộc; Đoàn Trang, Tuyết Sơn; Quỳnh Uyển; Kiều Hạnh; Lê Dung...

    Trả lờiXóa
  7. Chiều em, đã sửa rùi. Người học sử thành sử gia mấy hồi.

    Trả lờiXóa
  8. Chị Dung Ngô mới gọi điện, nhờ chuyển lời khen ngợi entry này, nói GM viết hay lắm, xứng đáng điểm 10, làm chị ấy cũng bồi hồi xúc động, đang nuôi ý tứ để viết bài hưởng ứng ... Chúng mình đợi bài của chị ...
    Chị Dung cho biết chị Huỳnh Kim Thoa đã mất vì bệnh ung thư.

    Trả lờiXóa
  9. Vậy, GM còn có công lớn là gợi cảm ...

    Trả lờiXóa
  10. CM cho em GM điểm 10 nhiều nhiều, đủ 100 lần nhé, và thật hạnh phúc khi mình đã "chọn mặt gởi vàng" quyển NK từ chị Quế (chị Ngô Dung gửi) và càng xúc động hơn khi biết, má của chị Ngô Dung, bà má phong trào của chúng mình đã giữ quyển sổ này 20 năm.
    Còn biết bao nhiêu chuyện để kể, hay mình tổ chức "trại sáng tác" đi, mấy chị cứ kể, ai có cảm xúc thì viết lại, CM sợ lắm, một ngày, chúng ta không còn thể kể cho nhau nghe được những kỷ niệm của một thời bởi vì "chưa kịp nói những điều đáng nói". Góc nhỏ luôn chờ đợi các chị, các em và chắc chắn, những bông hoa Văn Khoa vẫn sẽ nở rộ. Đất bây giờ màu mỡ rồi các chị em ơi...Nếu mình không có cái nhìn "tổng hợp" của một "em" sử học thì mình cũng cùng nhau cười/khóc được mà!

    Trả lờiXóa
  11. Ý hay hén. Mà làm "trại sáng tác" ảo cũng đc mà.
    Chị Dung chủ nhật này đưa bài cho Q gỏ.

    Trả lờiXóa
  12. Hmmm... Hay sau tháng 11 hôm nào về Mỹ Tho hay Bến Tre làm trại sáng tác đi nào. Đi về trong ngày chắc nhiều chị tham gia.

    Trả lờiXóa
  13. Em nhớ ra rồi, cũng cách đây phải trên dưới 15 năm thì phải, hình như đó là bạn VK đầu tiên ra đi, những ngày gần cuối nhóm VK trẻ mình có đến nhà chị Thoa, chữ viết của chị rất đẹp, hình chụp ở trên trang Biên bản đặc biệt là chữ chị Kim Thoa. Cứ người này nhắc gợi nhớ người khác. Các chị ơi,nhớ lại thêm nào...

    Trả lờiXóa
  14. Nhóm nữ Bến Tre, chị Thoa lớn tuổi nhất. Chị hiền lắm. Mình nghe em gái chị bảo chị biết bệnh của mình nhưng dấu cả nhà, lặng lẽ chịu đau, mà cả nhà cũng dấu chị... cứ thế, cho đến ngày cuối cùng!
    Hồi đó, chị ở khu nhà của Sở Hỏa xa gần Ngã Bảy, ba chị với má mình là bạn học thời nhỏ. Bác trai rất nghiêm, nên khó khăn lắm chị mới tham gia được những hoạt động của phong trào.
    Nhớ chị Thoa là nhớ ngay sự ân cần chị dành cho mọi người.

    Trả lờiXóa
  15. Ngày 27/10, họp mặt phụ nữ, gặp chị Nguyệt lửa, chị Dung ngồi cạnh nói : chị Nguyệt coi hết lửa thiệt rồi (nhắc ý của GM), gầy đi nhiều và ko tươi sắc. Chị có bệnh mãn tính, GM đại diện hỏi thăm giùm kết hợp rủ rê gì đó, được hôn?

    Trả lờiXóa