Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

(49) Tháng Mười - Có những ước mơ ... chưa chắp cánh



Photobucket

Bây giờ là mùa Thu (cứ tạm gọi như vậy, dù Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng), mưa thưa dần, sáng sớm đã bắt đầu có những cơn gió sang mùa gợi cho ta nhiều nhớ thương, tâm tư lắng đọng.

 Năm ấy…Huỳnh Ngọc Hội ra đi mãi mãi vào tháng 10. Hôm nay, tôi xin được nhắc lại những câu chuyện về người bạn vô cùng thân thương ấy.

 Trước 1975, tôi biết chứ không quen thân Hội vì Hội thuộc đoàn công tác xã hội mà tôi, chủ yếu, chỉ tham gia hoạt động báo chí. Nhưng tôi cũng hân hạnh được đi dự đám cưới của hai bạn Hải - Hội và cũng được nghe loáng thoáng đây là lễ tuyên bố. Lúc ấy, tôi thật sự không biết “tuyên bố” là gì hết nên lòng cũng nôn nao chờ đợi. Quả thật, đây là một đám cưới mà tôi được dự lần đầu, không tiệc tùng linh đình mà có cái gì đó lạ lắm, tôi ngây thơ nghĩ rằng: chắc như vậy là “tuyên bố”! Cô dâu mặc áo dài màu đỏ (đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ), chú rể mặc áo sơ-mi trắng (không có áo veste) và hình như lúc đó, chúng tôi chỉ được ăn bánh, uống nước (không ăn tiệc mặn), hát nhạc phong trào, và, đúng như chị Quế “tổng kết”: rất vui. Tôi thì nhớ là lễ được tổ chức tại Thủ Đức, trong một gian nhà rộng, đủ để chúng tôi “quậy” và có những cảm nhận tốt, những điều không thể quên về 1 lễ “tuyên bố” mà thật sự, ở thời điểm đó, chúng tôi chưa hiểu hết ý nghĩa và cũng không dám hỏi ai để mà tìm hiểu thêm.

 Sau hòa bình, tôi ít có dịp gặp Hội. Trong một lần họp mặt ở nhà chị Quế (lúc chị còn ở đường Hoàng Sa), không biết ai đó hỏi thăm thì tôi nói con gái đang học tiếng Nhật ở ĐH KHXH&NV. Hội vui mừng cho biết đang cần 1 người phiên dịch tiếng Nhật cho Savimex vì công ty làm việc với đối tác Nhật. Thế là con gái tôi “nghiễm nhiên” trở thành người phiên dịch cho chú Hội. Công ty ở gần Hóc Môn, con gái tôi được chú ghé ngang đón để cùng đi làm với chú, trưa được về để chiều tiếp tục đi học. Lương trả bằng tiền đô, lúc đó, đối với mẹ con tôi là điều không dám mơ ước. Nhưng con gái tôi chỉ làm được vài tháng rồi xin nghỉ và giới thiệu một người bạn của nó vào làm thay. Mãi đến bây giờ tôi mới dám “công khai” lý do con gái ngưng làm việc ở Savimex. Con tôi nói: chú Hội hiền quá mà mấy ông người Nhật vốn rất nguyên tắc và xem trọng giá trị, chất lượng của sản phẩm nên họ nói nặng lời, rất khó nghe, con không dám dịch nguyên văn vì thấy tội nghiệp chú Hội. Mà khi họ đã nói, mình không sửa thì cũng không xong với họ, con khó xử quá nên con đã nói với chú con phải tập trung học, không có nhiều thời gian để đi làm. Tôi nhắc lại câu chuyện “bây giờ mới kể” này, không nhằm mục đích phê phán ai, cũng không kết luận ai đúng/sai, chỉ muốn nó rằng: quả thật, Hội rất hiền lành, như chị Quế và chắc chắn nhiều bạn khác cũng nhìn nhận.

 Tôi đã được dự kỷ niệm ngày cưới của hai bạn Hải-Hội được tổ chức tại một nhà hàng, trang trọng và ấm cúng. Trong chúng tôi, không phải chỉ có Hội mới trải qua mấy chục năm chung sống, nhưng quả thật, đây là lần đầu, chúng tôi dự kỷ niệm ngày cưới. Vui mừng chia sẻ cùng bạn. Trong tôi, chỉ còn đọng lại nhóm từ: “má của chúng tôi” trong những lời phát biểu của Hội. Tôi biết, với Hội, người mẹ cả đời vì con ấy, quan trọng biết chừng nào.

Chính Hội là người đã đưa ra ý kiến cùng nhau làm Kỷ yếu Văn Khoa để ghi lại những kỷ niệm đáng nhớ. Tôi hăng hái hưởng ứng và năm đó, tôi đã khai bút ngay mồng 1 Tết với bài viết: “Hơn ba mươi năm vẫn nhớ”, nhưng rồi, lâu lâu sau gặp lại, hỏi thăm mới biết, Hội chỉ mới nhận được bài của Minh An, Thu Nhân và tôi (cũng có thể có những bài khác nữa mà tôi chưa biết). Và với số bài ít ỏi như vậy thì Kỷ yếu chưa thể ra mắt.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, ước mơ ấy chưa thành hiện thực. Gặp nhau, đặc biệt là sau khi Hội đã đi xa, chúng tôi vẫn nhắc để mà thương, để mà quý một người bạn. Và mãi cho đến khi Góc nhỏ Văn Khoa ra đời, chúng tôi mới dám nghĩ mình đã làm một việc mà chắc chắn Hội sẽ rất vui.

 Trong một lần khác, họp mặt tại nhà chị Q khi chị đã dọn về đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tôi mới biết Hội đang theo học chương trình sau đại học. Tôi cũng đang học, tuy khác ngành nhưng vẫn có những môn cơ sở giống nhau. Thỉnh thoảng, có hỏi thăm nhau tài liệu, động viên nhau vì ai cũng vừa đi làm vừa đi học nên lắm gay go. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi được nghe Hội chia sẻ: đi học tiếp để chuyển nghề: thích đi dạy hơn là đi làm công ty, vì lúc ở trường Đoàn, Hội có dạy nhiều. Tôi vẫn nhớ Hội khẳng định: đi dạy vui và thích hơn nhiều, tưởng tượng một ngày nào đó, được vào lớp dạy, “sướng” gì đâu! Đi làm bon chen lắm!

Tôi viết những dòng này mà cay mắt, nhớ giọng nói chậm rãi, hiền lành của Hội, nhớ những gì con gái đã nhận xét về “chú Hội” (lúc ấy là Phó Giám đốc) trong thời gian ngắn ngủi được làm việc ở Savimex. Ước mơ ấy tầm thường và đơn giản như người bạn chân tình của tôi nhưng rồi…ước mơ cũng bay xa mãi với người…Bạn chưa được ôm tập sách và trở lại bục giảng như bạn mơ ước dù tấm bằng Thạc sĩ bạn đã có rồi. Ngày bảo vệ xong, bạn cũng có báo tin cho tôi.

 Sau đám cưới Hải Âu, chúng tôi hẹn nhau đến Trung tâm y tế Q.8 để thăm Tú Lộc, lúc ấy, Hội đã bắt đầu húng hắng ho. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy trời vừa tối là Hội kéo cổ áo cao, cài nút cẩn thận, tôi đã định trêu chọc, nhưng nghe bạn bệnh nên tôi không dám. Chuyện rồi cũng qua đi. Thời gian ngắn sau đó, Âu đến nhà giúp tôi  vì có trục trặc khi nối mạng, Âu nói ba con đang nằm BV Nguyễn Trãi vì bị tràn dịch màng phổi. Chúng tôi lại hẹn nhau đi thăm, còn đùa vui: sao nhõng nhẽo với vợ hoài vậy? Bạn vẫn tươi cười và chúng tôi không thể ngờ tai họa đang đến…Những ngày tiếp theo, bệnh diễn biến nhanh, vào ra bệnh viện liên tục, thuốc tây rồi ta…Hải đã chính thức thông tin với chúng tôi bệnh của Hội. Tôi nghĩ hiền lành, tốt bụng như Hội mà sao lại…Có một lần, nghe Hải nhắn Hội đang xuống tinh thần, chúng tôi vào ngay, nói cho bạn cười mà tim ai cũng thắt lại. Ngồi xung quanh nhau (dưới đất, chúng tôi đông quá, làm sao có đủ ghế ngồi), anh Kiệt “tổng kết”: hồi đó, gặp nhau bàn chuyện xuống đường, rải truyền đơn, mấy chục năm sau, gặp lại, toàn kể về bệnh tật, bày nhau cách chữa bệnh này, bệnh nọ…

 

Sau đó, thỉnh thoảng, bạn vẫn liên tục vào-ra bệnh viện, có khi chúng tôi chưa kịp vào thăm...Cho đến một buổi chiều, chúng tôi hối hả đi đến phòng hồi sức, Hội vẫn nhìn chúng tôi nhưng mắt không còn thần sắc, với mỗi bạn, Hội nói một câu khác nhau, không còn sáng suốt nữa và chúng tôi hiểu, điều đau đớn sắp xảy ra. Lúc đó, đã hơn 22g, tại cái băng đá của BV, chúng tôi đã bàn tính mọi việc với Hải, tôi nhớ mà thương Hải xót xa: “Bây giờ em còn tỉnh nên dặn như vầy…”. Điều mà chúng tôi ái ngại nhất là cho đến lúc đó, bà mẹ vẫn không biết đứa con trai duy nhất của bà đang mang bệnh ngặt nghèo. Chúng tôi sợ bà không chịu đựng nổi, phải nói như thế nào đây…và ai sẽ là người nói…?

 Hội ở lại BV thêm 1 ngày nữa, vẫn còn tỉnh táo và nói với anh HTM: “Xin cho em về nhà”. Lúc này, ai cũng muốn làm theo ý của Hội. Chiều hôm đó, Hội về nhà như nguyện ước. Tôi đến nơi thì Hội vừa ra đi, chỉ còn kịp nghe Hải gọi: “Anh Hội, anh Hội…” nhưng Hội đã xuôi tay. Chị Hồng Diệp kể lại: trước đó mấy phút, Hội vẫn tỉnh táo, nói chuyện nhiều lắm rồi mới từ bỏ mọi người. Tôi nắm chặt hai bàn tay, lấy lại bình tĩnh rồi bước ra ngoài gọi điện thoại cho anh Kiệt, cho chồng tôi và Minh An. Anh Kiệt đang trên đường đến, Minh An nghẹn ngào…chồng tôi và con gái tất tả đi…Chúng tôi biết trước điều này rồi sẽ đến nhưng ai cũng sợ…Hải bảo vừa cho bà mẹ biết bệnh của Hội sáng hôm đó vì sợ khi mang Hội về, bà không đủ sức chịu đựng.

 

Tại Nhà tang lễ Lê Quý Đôn, tôi nhìn đôi mắt buồn rười rượi của anh trên di ảnh, nhớ đến giọng ngâm thơ trong Nha Cảnh sát Đô thành năm 1972, nhớ những ước mơ chưa được chắp cánh của anh, nhớ tấm lòng của anh, nhớ những điều tôi đã nghe anh chia sẻ…Nước mắt chảy thành dòng, tôi ngậm ngùi thắp nhang tiễn anh. Bà mẹ ngồi lặng yên ở một góc, nhìn mọi người đi viếng tang, nghe anh Kiệt thay mặt phong trào đọc điếu văn, bà không còn sức lực để nói điều gì cả nhưng tôi thấm thía lắm nỗi đau “tre khóc măng”.

 

Những ngày gần đây, nhận được thông tin của Hải Triều rồi Hải Âu trong hai lần khác nhau, tôi đều lặng người đi một chút vì xúc động. Vậy là, cuối cùng, các con cũng đã về nhà Văn Khoa. Nơi ấy, ba của các con vẫn luôn hiện diện cùng các cô chú.

 

Tôi tưởng tượng đến những cánh diều, bay cao, bay xa. Những ước mơ, dẫu chưa kịp thành hiện thực nhưng vẫn rất sáng, rất trong, rất đẹp và…cho dẫu đến bao giờ, trong chúng tôi, Huỳnh Ngọc Hội vẫn là người bạn mà chúng tôi mãi trân quý, yêu thương.

Trân Thúy

9 nhận xét:

  1. Đọc những tâm sự của Cô, con rất bồi hồi, cảm động, chợt nhớ những gì con cũng đã viết cách đây 2 năm. Con xin phép được nối tiếp theo entry của Cô, vì có lẽ nội dung gần giống nhau. Con chỉ trích một đoạn về Ba con, và cũng xin phép được xưng "tôi", vì đây gần như là những dòng nhật kí của con về gia đình, con mong các cô chú thứ lỗi. Con xin cảm ơn Cô, và các cô chú khác đã dành tình cảm cho Ba con nhiều đến như vậy.

    "...Sắp tới ngày 4-7 rồi, lại một mùa thi đến, cầu chúc cho các sĩ tử đạt được kết quả mong muốn. Đường đời còn dài ở phía trước, các bạn hãy tự tin, và cũng luôn nhớ rằng đại học không phải là con đường duy nhất để thành công. Cái căn cơ của một người muốn thành đạt, đó là học làm người… (cái này Ba tôi dạy)

    Nhắc đến sự kiện này không thể không nhắc đến Ba.

    Ba tôi rời quê lên thành phố với hai bàn tay trắng, tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên, bị bắt rồi bị tù đày. Ngày giải phóng cũng là ngày bộ đội vào xà lim dìu Ba tôi ra. Từ đó, Ba tôi một tay gầy dựng sự nghiệp, tuy không giàu có, nhưng cũng đã đón được mẹ con tôi từ quê vào. Và kể từ đó, năm nào nhà tôi cũng có người vào ở trọ thi là vậy.

    Thế rồi một mình Ba bươn chải để lo cuộc sống cho cả gia đình, tất nhiên, cũng không thể thiếu công sức của Mẹ tôi.

    Rồi Ba có được nhà cửa, một gia đình ấm áp, và địa vị.

    Nhưng Ba không dừng lại, Ba tiếp tục học thạc sĩ ở cái tuổi 50, với mong muốn về hưu sớm để được đi dạy, thư giãn lúc tuổi già, một phần để các con noi gương ráng phấn đấu, một mặt để lớp trẻ lên quản lí vì Ba cảm thấy mình tụt hậu, không còn sung sức như đàn em. Ba thường tâm sự “lớp trẻ họ có sức, có tài thì để họ phát huy, mình già rồi, cứ ngồi hoài ở đó chẳng khác nào cản đường người tài…”. Ba tôi là vậy, không bon chen, không vụ lợi, sống lúc nào cũng nghĩ đến cái chung của mọi người.

    Ngày 4-7-2006, ngày đám cưới chúng tôi, Ba ho rất nhiều, nhưng Ba vẫn không chịu đi bệnh viện, Ba nói sẽ cố gắng lo tổ chức đám cưới cho hai đứa trước rồi tính. Đám cưới diễn ra trọn vẹn tốt đẹp, hai bên gia đình đều hoan hỉ.

    Ngày chúng tôi đi chơi vui trăng mật về là được tin Ba đã nhập viện. Hai ngày sau, cả nhà tôi đón tin dữ, Ba tôi bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Ngay tại bệnh viện, vừa biết tin xong, tôi vẫn không ngờ đó là sự thật, và nghĩ cũng không có gì, chắc sẽ qua, vì tôi đã quen thuộc với cảm giác có Ba trên đời, hay tại vì lúc đó tôi cố giữ bình tĩnh để không làm mọi người xao động. Thế nhưng trên đường về, nước mắt cứ tự nhiên tuôn trào, rồi tôi và vợ tôi ôm nhau khóc, khóc suốt trên quãng đường từ bệnh viện về đến nhà.

    Bốn tháng sau, Ba tôi mất. Ngay cả lúc hấp hối, Ba còn dặn dò cô nấu bếp ráng lo ăn uống chu toàn cho mọi người đến thăm. Ba nhắn nhủ tụi tôi phải cố gắng đùm bọc lẫn nhau, ráng sống sao cho bà con thương mến.

    Suốt cả cuộc đời Ba hy sinh cho mọi người, cho gia đình. Ba ra đi quá sớm, chưa kịp tận hưởng những thú vui trong cuộc đời, chưa kịp đi hết mọi miền đất nước, chưa kịp hoàn tất những điều Ba mong ước.

    Ba ra đi quá sớm, chưa kịp nhìn thấy cháu trai Bo và cháu gái Minny của Ba.

    Ba ra đi quá sớm, chưa kịp nhìn thấy tụi con đã cố gắng sống và phấn đấu như Ba. Tui con vẫn yêu thương nhau, vẫn đùm bọc nhau, anh em trong nhà sống chan hoà với nhau, và tụi con hứa sẽ giữ mãi như vậy, như Ba từng nhắn nhủ.

    Tụi con sẽ cố gắng sống như Ba đã từng sống..."

    (Tháng 7-2009)

    Trả lờiXóa
  2. Cỏ May à! Em vẫn còn giữ một tấm hình nhỏ xíu ngày đám cưới chị, tấm hình chụp bạn bè ngồi dự tiệc cưới, có Huỳnh Ngọc Hội trong đó. Em chụp lại và gởi lên đây.
    Hải Triều và Hải Âu ơi! Ba Hội hồi 20 tuổi nè các cháu. Hai cháu giống ba lắm!

    Trả lờiXóa
  3. Em nhớ có một câu, không biết của ai, rằng: Khi con tim của một người tử tế ngừng đập, sẽ có rất nhiều con tim khác vỡ tan...
    Và qua bài viết này, hình dung những ngơ ngác của nhiều cái vỡ tan đó mà thấy thương quá...

    Trả lờiXóa
  4. Kỷ yếu Văn khoa, mơ ước của Hội, mình nghĩ rằng đã thành hình ở GNVK. Và còn hay hơn, sống động hơn một quyển kỷ yếu giấy in. Chắc Hội đã vui lòng rồi. Càng vui hơn, khi GNVK có cả các con của Hội.

    Trả lờiXóa
  5. Một việc làm hơi muộn màng, chị Quế nhỉ?
    Nhưng cứ nhủ muộn còn hơn không.
    Mừng là các con của Hội đã về đây. Chúng ta cũng hi vọng là các bạn trẻ khác cũng sẽ về đây.

    Trả lờiXóa
  6. HD vẫn nhớ lần cuối đc Hội chở đi thăm TLộc

    Trả lờiXóa
  7. Đây là câu mà CM tâm đắc nhất!

    Trả lờiXóa
  8. Vậy là con được đọc những dòng tâm sự mà cô Thúy đã hẹn cách đây 1 tháng. Tụi con xin cám ơn cô Thúy và các cô chú trong GNVK đã chia sẻ những kỷ niệm mà nếu không có trang blog này chắc tụi con cũng không có dịp nào được biết đến.Lúc nào tụi con cũng nhớ tấm lòng của các cô chú dành cho gia đình con.

    Trả lờiXóa
  9. Cô cũng hy vọng những tấm lòng này sẽ còn mãi với thời gian và với nhiều thế hệ.

    Trả lờiXóa