Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

(54) Kỉ vật của bạn chúng ta - Huỳnh Ngọc Hội



Ngày mai 17/9 âl, giỗ bạn chúng ta, Huỳnh Ngọc Hội.
Được sự đồng ý của gia đình, Người Văn Khoa xin đăng lại ở đây những tâm tình, những suy nghĩ của bạn từ những ngày tuổi trẻ.
Việc làm nhỏ này như một nén tâm hương, mong bạn được ấm lòng nơi xa ấy.



Photobucket
* Người thứ hai từ trái sang

 
Photobucket


                         Đã bao ngày từ biệt cố hương

Trở về quê cũ thấy luyến thương

                         Đứa em thơ dại nay không lớn

                         Bà mẹ quê già tóc điểm sương

                         Thân thuộc mấy ai còn ở lại

                         Bằng hữu bao người đã tha phương

                         Làng cũ tháng năm nhiều thay đổi

                         Nằm nghe thao thức suốt canh trường.




Photobucket



Cho Phú Long… vùng quê nghèo

 

Quê hương tôi mùa qua tươi đẹp lắm

Mái tranh hiền tô thắm một miền quê

Những chiều đông và những buổi hè về

Hương lúa mới đượm tình quê thơm ngát

 

Nhưng một chiều, làng quê tôi xao động

Xóm làng tôi vắng bóng những chàng trai

Họ ra đi mang kiếp sống oai hùng

Hẹn trở lại khi tan mùa chinh chiến

 

Mấy năm qua, biết bao lần binh biến

Nhưng than ôi cuộc chiến vẫn lâu dài

Mái tranh nghèo, cháy nám bởi châu mai

Đồng ruộng vỡ vì đạn bom cày xéo

 

Đứa em thơ trưởng thành trong u uất

Bà mẹ quê nước mắt đã cạn rồi

Đêm từng đêm bà thao thức nguyện cầu

Mong thôn xóm mau bình an, yên ấm




Photobucket


Để nhớ mẹ hiền ở Phú Long

 

Những buổi sáng từ trong lòng đô thị

Mẹ rao hàng, quang gánh nặng trên vai

Chân Mẹ lê trên những quãng đường dài

Đi từng xóm, đi từng khu lao động

 

Cuộc sống cơ cầu gian lao cực nhọc

Sưu thuế chất đầy trên gánh mẹ yêu

Hai mươi năm qua đau khổ đã nhiều

Trên trán Mẹ đầy vết hằn năm tháng

 

Mẹ chắt chiu nuôi đàn con khôn lớn

Mẹ âm thầm chịu đựng hết khổ đau

Hy sinh quãng đời tuổi tác già nua

Gây dựng tương lai đàn con tươi sáng

 

Hỡi Mẹ Việt Nam ngàn đời yêu kính

Tình Mẹ dịu dàng, lòng Mẹ bao la

Nhìn Mẹ hiền lòng cảm thấy xót xa

Thương thân Mẹ chịu bao niềm cay đắng

 

Mong mai này quê hương im tiếng súng

Cho mẹ hiền hết những nỗi khổ đau

Được nhìn tương lai rực rỡ đàn con

Môi mẹ sẽ nở nụ cười mãn nguyện.

6/71



Photobucket


Con Mẹ mấy đứa

Nòi giống Tiên Rồng

Mấy đứa con Mẹ

Giống dòng Âu Cơ

*

Con Mẹ mấy đứa

Một giống da vàng

Ngàn năm nô lệ

Ngàn ngày tang thương

*

Con Mẹ mấy đứa

Sống ở hai miền

Bên kia Bến Hải

Bên này Cà Mau

*

Con Mẹ mấy đứa

Bao năm ngoại xâm

Bao năm nội chiến

Rủ nhau đi nằm

*

Mẹ còn mấy đứa?

Mấy đứa da vàng?

Mấy đứa con mẹ

Giống dòng Âu Cơ

***


TÙY BÚT

 Lớn lên từ trong nguồn sáng của ĐẢNG



Photobucket


Trên sân trường hôm nay, lại thấy những ngày bận rộn của phong trào. Buổi chiều, nắng đông vàng còn lưu luyến đậu trên hàng phượng. Bóng dáng của ngôi trường đã nhiều thay đổi, nhưng hãy còn đó khoảng sân và những giảng đường để gợi nhớ Văn Khoa ngày nào. Mười năm rồi còn gì! Mười năm đi qua trong cuộc đời sinh viên Văn Khoa rồi Tổng Hợp, đủ để chứng kiến bao biến đổi diệu kỳ trong lòng người và lòng mình.

 

***

Năm 1970.

Có phải ở nơi này, cũng những ngày cuối năm như bây giờ, mình đã chập chững bước vào ngưỡng cửa Đại học, mang theo những ước vọng mông lung và hoài bão non nớt của tuổi đầu đời?

Có phải ở nơi này, mình cũng đã bắt gặp những bận rộn của anh chị em trong phong trào sinh viên tranh đấu, đang chuẩn bị cho kỳ triển lãm Văn Hóa Dân Tộc và Hội Tết Văn Khoa?

Có phải ở nơi này, đã bắt đầu cuộc đời thực sự của mình, khi lần đầu tiên dấn thân đi vào cách mạng?

Ôi, biết bao là kỷ niệm ở nơi này… nơi này!...

 

Làm sao quên được những ngày mùa đông, dậy thật sớm đến trường, cổng chưa kịp mở, phải leo rào vào dành chỗ ở giảng đường.

Làm sao quên được đợt triển lãm phơi bày thực chất “văn hóa thực dân mới” bên những hình ảnh nhắc nhở văn hóa cội nguồn dân tộc.

Làm sao quên được những tiếng trống truyền thống đêm Hội Tết Văn Khoa giữa muôn nghìn đe dọa, rình rập; hàng nghìn người tham dự sặc sụa trong chất độc hơi cay; những lời ca sôi nổi hào hùng, bay bổng vang dội trên khoảng sân không ánh điện nhưng vẫn sáng lên hàng trăm, hàng nghìn bó đuốc chập chùng!


Photobucket

Từ đấy, bao nhiêu câu hỏi tại sao,tại sao hiện ra tra hỏi lòng mình.

Từ đấy mà những nghĩ suy dằn vặt, thao thức của tuổi trẻ vẫn luôn luôn hiện diện.

Từ đấy mà những mơ ước mông lung riêng mình tan dần trong khói cay, phi tiễn, để được thay thế bằng những ước mơ lớn lao hơn, chính đáng hơn, nẩy sinh từ trong sự gắn bó với phong trào.

 

Cám ơn thật nhiều phong trào Văn Khoa, người đã cho tôi một môi trường trong sáng giữa muôn nghìn vẩn đục để tìm ra chân lí cuộc đời, đưa mình thoát khỏi những tháng năm để thời gian gặm mòn tuổi trẻ.

Cám ơn những người anh, người chị đi trước trong phong trào – những người hiện còn và những người đã khuất – đã cho tôi rõ hơn ý nghĩa sự sống, cho tôi thấy được thứ ánh sáng bợn nhơ gắn trong bóng đêm Mỹ hóa, thấy được những trói buộc bạo ngược phi lý trên mảnh đất “tự do” này.

Cám ơn sợi chỉ đỏ xuyên suốt phong trào – cám ơn những đồng chí đã vượt qua những muôn trùng bủa vây của lũ giặc, mang đến cho tôi những tia sáng chói ngời của Đảng, thắp sáng lòng tôi trong những ngày bão giông chụp lên thành phố, đã khiến cho phong trào thêm sức mạnh đấu tranh, để phong trào không ngừng lớn dậy.

Cám ơn lớp sinh viên học sinh – những mấy năm ròng – luôn có mặt trong những ngày tranh đấu xuống đường, rạng rỡ và quyết tâm trong những giờ hành động, đã cho tôi thêm niềm tin tưởng vào bản chất cách mạng kiên cường, vào sức mạnh lớn lao của tuổi trẻ, tin tưởng vào những thắng lợi to lớn ngày mai từ những góp phần nhỏ bé hôm nay…

 

Photobucket


Từ trong những nghĩa tình sâu sắc ấy mà tôi đã kịp nhận ra rằng những ngày mình giành giật chỗ đứng ở giảng đường là những ngày mình giành giật một chỗ đứng trong thứ rác rưởi của văn hóa sa đọa, là những ngày đày thân nơi giảng đường để gặm nhấm thứ ngôn ngữ xa lạ lạc loài, là những ngày xô đẩy mình quay lưng với tiếng ru hà ơi ngọt ngào của mẹ, quay lưng với nỗi đau quặn thắt trong nửa lòng Tổ quốc, quay lưng với tiếng gọi lên đường của Đất Nước bốn nghìn năm.

Từ trong ánh sáng chân lý ấy mà tôi đã kịp nhận ra mình là đứa con trong lòng đồng bào, sống và lớn lên bằng trái tim và hơi thở của nhân dân, và kịp nhận ra lẽ sống đích thực của đời mình là chỉ có thể và phải là con đường gắn bó với phong trào, gắn bó với nghĩa tình dân tộc.

Từ ấy tôi đi! Những bước chân đầu tiên vào phong trào hãy còn ngỡ ngàng xa lạ, nhưng lâu dần rồi quen, lâu dần rồi thương! Có đồng đội bên mình, có anh chị dẫn dắt, có Người cha bến tàu thôi thúc, có Người mẹ Bàn cờ  bảo bọc, có niềm tin nâng bước, có ánh sáng soi đường… đã cổ vũ mạnh mẽ chúng tôi, nhắm thẳng đầu thù, tiến lên phía trước!

Làm sao quên được những ngày đầu tháng 5/1972, từ giữa giảng đường này, trong ngày bãi khóa, chúng ụp vào siết chặt vòng vây, lưỡi lê và họng súng chĩa vào chúng tôi, ma trắc và dùi cui phủ dập lên người, còng tay chúng tôi lôi đi, trói buộc cuộc đời chúng tôi trong ngục tù của chúng. Chúng tưởng xiềng xích và gông cùm làm nên sức mạnh, nhưng bạo quyền và những đòn thù dã man tra tấn vẫn không dập tắt được ngọn hải đăng rực sáng trong lòng. Chúng tôi vẫn mãi góp được những tiếng ca tin yêu và những tiếng thét căm hờn trong muôn nghìn tiếng ca tiếng thét  căm hờn đòi vận mệnh, sự sống con người vang dội từ Chí Hòa, Tổng Nha, Côn Đảo, Tân Hiệp…

Từ ấy, mà cái thương, cái ghét trong tôi rõ ràng hơn, cái tin yêu và cái căm thù sâu sắc hơn, quả tự tình dân tộc ngày càng chín rộ còn hoa tình yêu giai cấp thì lần đầu tiên chớm nở trong lòng.


Photobucket

***

Năm 1975

Ngày Giải phóng!

Ôi mơ ước ngày nào đã thành sự thật, ước mơ hiện ra nhanh chóng không ngờ! Chiều 30 về đến Văn Khoa, trên thân thể còn hằn dấu xiềng xích và những trận đòn thù nhưng lòng rộn vui vô cùng với nỗi vui của dân tộc và thời đại.

Ôi, bao nhiêu năm mới thấy một ngày!

Có phải tại giảng đường mới vừa giành được này, chúng tôi lại gặp nhau, tay bắt mặt mừng, ôn lại những ngày chiến đấu, nhắc nhở những kỷ niệm chung riêng trong tuổi đời đẹp nhất của mình. Đồng chí, đồng đội, bạn bè - hôm nay thiếu vắng những khuôn mặt ngày nào! Vô cùng tiếc nhớ các anh Long, Phương, Luật, Lộc…Những người anh đã dựng lên phong trào, những người con ưu tú của Văn Khoa…các anh đã vĩnh viễn xa chúng tôi rồi! Đất Nước và ngôi trường có được hôm nay là phải qua muôn nghìn hy sinh mất mát như thế đó.

Tôi lại bắt gặp những bề bộn vô cùng sau ngày giải phóng, lại về với phong trào, lại hăm hở đi trên con đường rộng mở. Nhiệt tình nối tiếp nhiệt tình, phong trào dồn dập phong trào – Không kịp nhìn những đoạn đường đã qua, đôi khi ngoảnh lại, nhận ra có những điều không ngờ mình làm được. Đội ngũ thanh niên trưởng thành nhanh chóng quá, một sức bật diệu kì từ trong nguồn sáng của Đảng! Ngôi trường cũng lớn lên không ngừng, từ Văn Khoa hôm qua, nay đã là Tổng Hợp.

Nhưng cuộc sống không dừng lại ở đó. Sự đảo lộn của lòng người đã phơi bày biết bao vẻ phức tạp của nó. Đất nước của bảo vệ và dựng xây muôn triệu lần gian khổ khó khăn hơn đất nước của đạp đổ. Sống chết bây giờ không còn đơn giản nữa rồi! Cống hiến và hưởng thụ bây giờ không còn bình thường nữa rồi! Nhiệt tình bây giờ không còn đủ sức để chiến thắng những quy luật khách quan của cuộc sống. Dòng đời dồn dập ùa tới trước mặt, nhìn lại hành trang của mình, thấy hãy còn mong manh quá!

 

Có phải ở nơi này, tôi lại gặp những vẻ bi quan, những nét chán nản trên khuôn mặt của một bộ phận tuổi trẻ?

Có phải ở nơi này, một phần của đời sống xã hội – cũng diễn ra bao cái tốt cái xấu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày?

Có phải nơi này, trước những hiện tượng tiêu cực kéo dài, trước những khó khăn chất chồng lên cuộc sống trong đội ngũ tiền phong của thanh niên, tôi lại thấy có những người lùi lại phía sau phong trào?

 

Bao nhiêu câu hỏi “Tại sao,Tại sao” lại tra hỏi lòng mình. Những câu hỏi xé lòng, muôn vàn xót xa ray rứt! Tôi vẫn đi về phía trước của phong trào, vẫn đứng ở mũi nhọn của đấu tranh nhưng bước chân có lúc không còn hăm hở, có lúc như thấy bối rối vì ngại ngần, bước chân đi trong những băn khoăn.

 

Có phải vì ta đã mở lòng đón nhận cách mạng với niềm tin bằng phẳng và dễ dãi quá, tưởng cách mạng sẽ đem đến cho mình mọi điều tốt đẹp, mọi lời giải không hề sai lầm?

Có phải vì ta chờ đợi một thiên đường có sẵn, một thứ ánh sáng thần thánh mang đến cho mình?

Có phải vì ta mới chỉ có ảo tưởng cách mạng chứ chưa hề có lý tưởng cách mạng?

Có phải vì tầm nghĩ ta thiếu rộng xa, tầm nhìn ta quá nhỏ hẹp, đi từ hiện tượng xấu xa này đến hiện tượng xấu xa khác, lẩn quẩn trong những cái nhỏ nhặt thấp hèn mà không tìm được lối ra?

Có phải vì ta phủ định tất cả, chưa biết trân trọng từng mầm non nhỏ của cách mạng, chưa biết chắt chiu từng giọt nước trong xanh của biển đen, chưa biết ôm ấp từng tia nắng hồng trên vầng mây u ám, chưa biết nâng niu từng cái mới lạ non yếu nẩy nở giữa muôn nghìn lề thói hủ bại cũ kỹ nghìn đời?

Có phải vì ta chưa nhận ra những cái lớn lao mai sau từ cái bé nhỏ hôm nay?

Có phải vì cái thần thánh hóa cách mạng và cái tầm thường hóa cách mạng đi đôi với nhau mà lòng ta nghiêng ngữa?

Có phải vì thế mà lòng ta bối rối ngại ngùng, không nhận ra được hướng tiến lên của đời sống xã hội và của chính mình?


Photobucket

Từ ấy, tôi luôn tự nhủ với lòng: hãy hiểu và yêu quy luật cuộc sống hơn nữa! Hãy chấp nhận nó mà không ngại nó khác với bao điều tưởng tượng của mình. Phải thắp sáng lòng mình, không phải bằng thứ ánh sáng có sẵn, không phải chỉ bằng chất liệu của nhiệt tình cống hiến mà còn bằng chất liệu trí tuệ, năng lực và vốn sống của mình. Phải cắm sâu hơn nữa ngọn cờ của Đảng trong trái tim mình, để giữ vững niềm tin, để vượt qua bao nghiêng ngửa dao động trong những biến đổi của cuộc đời.

Mấy năm đi trong biến đổi và dựng xây, mình đã nhận tra rằng cái vững vàng đích thực của mình không phải là không chứa đựng những dao động, mà là vượt qua được những nghiêng ngửa dao động ấy. Niềm tin mình có được không phải là niềm tin có sẵn, mà là niềm tin mình chắt lọc được từ trong gắn bó phong trào, gắn bó với cuộc sống. Càng sợ cuộc sống, càng xa phong trào, càng bị nó vùi dập, xô đẩy, càng dễ mất mát niềm tin.

Chỉ có trải qua phong trào, đi vào cuộc sống mới làm cho hành trang của mình không quá mong manh, làm cho bản lĩnh nhận thức của mình càng thêm dày dặn, mới có được những hành động biến đổi được cuộc đời, mới có được những cống hiến xứng đáng với tuổi trẻ của mình.

 Photobucket


***

Năm 1980

Có phải ở nơi này, mình lại bắt gặp những bận rộn của phong trào? Những bận rộn kế thừa chiến đấu và nhân lên trong xây dựng, những bận rộn trong sáng,  vô cùng đẹp đẽ của tuổi trẻ vượt lên trên những bận rộn vẩn đục suy tính thấp hèn của cá nhân.

Có phải ở nơi này, những chiều nắng đông vàng sẽ qua để chào đón bóng bình minh của mùa xuân rực rỡ?

Có phải nơi này, những mù sương lạnh lẽo của mùa đông sẽ tan trong mùa xuân nắng ấm trở về?

Có phải nơi này, ánh sáng 50 năm của Đảng lại ngời sáng hơn bao giờ hết trong lòng mình? 50 năm mà đất nước đã qua bao lần chiến thắng, tuổi trẻ đã bao lần chiến thắng!

Ôi biết bao xúc động và tự hào!

Có phải nơi này, mình lại sắp sửa từ giã ngôi trường thân yêu? Lại sắp có bao nhiêu câu hỏi “tại sao, tại sao” hiện ra trong bước ngoặt của cuộc đời! Cái tỉnh táo cách mạng đòi hỏi mình phải nhận ra khoảng cách giữa nhận thức và hành động, phải phân định được biên giới giữa đen và trắng. Cái trì trệ trong lòng thì níu kéo để khoảng cách ấy dài ra, nhiệt tình cách mạng thì thôi thúc phải rút ngắn khoảng cách ấy lại. Ngọn hải đăng trong lòng đang hướng nguồn sáng về phía ý thức cách mạng – Con đường dựng xây sẽ có biết bao điều mới lạ, không thể dừng lại đợi chờ, hãy tiến lên khai phá đi thôi!

Tôi sẽ lại bước chân vào phong trào ở một nơi nào đó. Bước chân ấy sẽ khó khăn hơn vì đôi vai trĩu nặng trách nhiệm của mình nhưng chắc chắn sẽ là những bước chân chiến thắng, như đất nước và tuổi trẻ đã bao lần chiến thắng, vì những bước chân ấy không bao giờ tách rời với bước chân của 10 năm mình đã bước ở ngôi trường này.

 

1/1980

Huỳnh Ngọc Hội


Photobucket

8 nhận xét:

  1. 1 nén tâm hương. Những tư liệu này thật là quý báu, Cám ơn chị

    Trả lờiXóa
  2. Kỷ vật của bạn! Lời ở đây mà người đi xa mãi rồi. Hôm nay ở đâu đó bạn mỉm cười nhé bạn ơi!

    Trả lờiXóa
  3. Mãi đến khi bạn vĩnh viễn xa thì mới được hiểu thêm và chia sẻ những trăn trở, được-mất, những băn khoăn ray rứt của bạn.
    Vô cùng cám ơn gia đình anh Huỳnh Ngọc Hội đã chuyển cho Góc nhỏ Văn Khoa những tư liệu vô giá này.
    Vô cùng cám ơn các bạn đã kịp đưa bài viết lên đúng vào ngày giỗ lần thứ 5 của HNH. Đặc biệt yêu quý TN vì bạn đã tỉ mỉ gõ lại những bài viết này mà CM hiểu, bạn làmcông việc này không chỉ vì HNH mà vì tất cả chúng ta.
    Quả thật, chúng ta đã có một nơi chốn dừng chân vô cùng ấm cúng, thân thương, phải không các anh chị, các bạn?

    Trả lờiXóa
  4. Mình cũng nghĩ như CM vậy.
    Những kỷ vật này là vô giá.

    Trả lờiXóa
  5. Mấy hôm rồi, mình dành chủ yếu thời gian online cho bạn, mình muốn cho kịp ngày giỗ thứ 5 của bạn hôm nay. Mình cũng đâu gõ nhanh lắm đâu, mà lại cứ vừa gõ vừa ngẫm nghĩ, nhớ lại những ngày tháng xa xưa...Và thú thực, càng đọc lại, mình càng thấy quí bạn vì nhiệt tình trong sáng tuyệt vời của bạn. Mình rất vui khi nghe Hải Âu bày tỏ rằng cháu sẽ sống như Ba Hội.
    Gõ xong, lấy code hình rồi nhưng lại không post được, trục trặc hoài, mấy lần luôn. Mình đem qua Plus rồi đem lại như mọi khi cũng không được. Tự nhiên mình nghĩ hay là Hội không đồng ý? Cuối cùng, mình vái "Hội ơi, nếu bạn chịu cho mọi người đọc thì bạn đừng làm khó tui nha". Vậy rồi nhấn Save& Publish, không dám mở mắt luôn. Một hồi lâu mở mắt ra thấy xong, mừng quá trời, mà ... lạnh lưng!
    Những chuyện như vậy, không tin cũng không được. Và, bạn vẫn ở bên chúng mình, phải không?
    Hôm nay, mình nghĩ bạn sẽ mỉm cười, vẫn nụ cười hiền như ngày xưa, Hội nhỉ?

    Trả lờiXóa
  6. Hihi, cả TN và Hội đều giỏi héng.
    Và chúng mình vẫn ở bên nhau, thật.

    Trả lờiXóa
  7. Và cả này hôm qua, nhất là buổi trưa, nghĩ tới lúc mọi người đang xúm xít nhau bên gia đình Hội, em cũng vui lắm đó chị.
    Không thay đổi số mệnh được thì mình chấp nhận hiện tại để vui sống. Em nghĩ Hải và các cháu cũng đã xác định như vậy rồi. Miễn ta vẫn có người thân yêu mình trong trái tim là được, chị nhỉ?

    Trả lờiXóa
  8. Cưng ơi hôm giỗ chị Quế và chị có nhắc là vắng em thấy thiếu 1 chút,có nhảy mũi o/?

    Trả lờiXóa