Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

(52) Người Văn Khoa - Người Sài Gòn


Vào những năm phong trào sinh viên tranh đấu, có rất nhiều sinh viên tuy không trực tiếp tham gia nhưng đã âm thầm làm "hậu phương vững chắc". Và chính họ, đã cùng gia đình trở thành điểm tựa an toàn, góp phần tích cực cho phong trào.
Người Văn Khoa giới thiệu ở đây kỉ niệm ân tình của chị Huỳnh Quan Thư với một người bạn học và gia đình - những người Sài Gòn thân thương.
(Lẽ ra, bài viết này đến với mọi người sớm hơn, nhưng phải chờ chị Thư tìm hình chị Ngọc Yến. Hình ngày xưa nên bị úa vàng, NVK đính kèm theo đây, bao giờ chỉnh được đẹp hơn thì sẽ thay.)

Photobucket

 


 

 

Năm học 1966-1967, sau bầu cử, tôi trở thành “Lớp trưởng” lớp Sử Địa. Tuy sinh viên ghi danh rất đông, nhưng có mặt thường xuyên ở giảng đường chỉ khoảng 150 bạn. Song song với việc học, tôi luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ đại diện của mình, phục vụ thiết thực quyền lợi sinh viên. Vì thế, tôi được các bạn thương yêu quan tâm , không khí lớp học rất vui tươi, chan hòa và đầm ấm.

 

Sau vài tháng học tập, tôi chú ý đến một người: đi học rất đều, ăn mặc sang trọng, phấn son chu đáo, nổi bật hẳn so với đám hơi quậy của chúng tôi. Bạn ấy rất ít nói và hầu như không thân thiện với ai. Gặp nhau hằng ngày, nhưng tôi dè dặt. Rồi một lần, tôi khẻ chào: khỏe không? Thật bất ngờ, bạn mỉm cười nhìn tôi thân thiện.

Thế là một tình bạn bắt đầu. Bạn tên Huỳnh Ngọc Nữ, nhưng vẫn thường được gọi thân mật là Ngọc Yến – Yến của tôi đó.

 

Sau lần tổ chức du khảo núi Châu Thới, Yến chủ động hỏi địa chỉ nhà và hẹn sẽ đến chơi, tôi trao địa chỉ cho bạn cùng với sự hoài nghi bạn chỉ xã giao. Không ngờ, đúng hẹn, bạn đến và trò chuyện rất tự nhiên, cởi mở. Không biết “đánh hơi” về tôi thế nào, trong câu chuyện

đột ngột Yến cho biết đại gia đình bạn tham gia chống Pháp trở về và nhiệt tình mời tôi đến thăm nhà.

 

Lần đầu tiên đến nhà, bác trai Huỳnh Công Khanh và bác gái Nguyễn Thị Đệ cùng chị Huỳnh Ngọc Anh tiếp tôi thân mật, ân cần như người thân của gia đình, để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc và tình cảm đậm đà không thể nào quên.

 

Từ đó, mặc nhiên, gia đình bạn nuôi chứa tôi hoạt động cho đến ngày giải phóng.

 

Yến lớn hơn tôi hai tuổi, nhưng chúng tôi cứ gọi nhau bằng tên. Hai chúng tôi cứ thủ thỉ tâm sự với nhau đủ mọi thứ trên đời, và không hề giấu nhau điều gì: tình yêu, thi cử, học tập… Nhưng công tác của tôi, không bao giờ bạn hỏi, mà cứ lẳng lặng  hổ trợ hết mình. (lần đến nhà thầy Nguyễn Ngọc Th trong bài “Bé cái lầm” là một thí dụ, tôi sẽ nói sau)

 

Hai Bác và chị Ngọc Anh, nguyên là nhân viên Chi cục thống kê Sài Gòn dành cho tôi một tình thương đặc biệt, âm thầm chăm sóc bảo bọc tôi chu đáo, tự nhiên. Mỗi lần đến nhà, chỉ có bác trai và tôi có tiêu chuẩn điểm tâm phở, hủ tiếu, bánh cuốn…Luôn nhớ mình là cán bộ cách mạng, cùng với sự giáo dục chu đáo của ba má tôi, đến đâu tôi cũng thực hiện “ba cùng”  nhưng bác gái và chị Ba không cho tôi động tay :

- Thư đi nghỉ đi, “làm việc” mệt rồi, để bác, để chị làm cho, có gì đâu…

 

Một lần, Bác trai tâm sự “Cháu đã hy sinh, lo việc nước, bác và gia đình có trách nhiệm ủng hộ, giúp đỡ cháu hoàn thành nhiệm vụ”

 

Đơn giản và bình thường vậy thôi, nhưng thấm đẫm bao nghĩa tình!

 

Còn nhớ, sau lần tôi và chị Trần Thị Ngọc Hảo, Phó chủ tịch Tổng hội sinh viên, họp báo ở số 4 Duy Tân (nay là Nhà Văn hóa Thanh niên), phản đối Thiệu-Kỳ bắt giam anh Võ Trường Cổn vì bài thơ “thân Cộng” trên báo Sinh viên của Tổng hội, tôi bị cảnh sát theo dõi ráo riết. Tối đó tôi không về nhà, 11g30 tôi lên nhà hai Bác, nghe

tiếng xe tôi, Bác trai nhanh nhẹn nhốt chó, khẻ mở cửa, đẩy nhanh tôi vào nhà:

- Vô giường Yến đi, để xe Bác dẫn cho.

Một đêm bình yên trôi qua, tôi đã đánh một giấc ngon lành. Sáng ra hai Bác nhìn tôi trìu mến :

- Hồi hôm, tụi nó rượt con Thư.

 

Sau đợt 2 tổng tấn công Tết Mậu Thân, thấy tình hình an ninh của tôi căng thẳng, bác trai bố trí cho Yến đưa tôi ra Vũng Tàu quê bác lánh nạn một thời gian. Tại đây tôi lại được đại gia đình Bác chăm sóc, bảo vệ : cô Ba, cô Tư, chú Sáu, cô Bảy, rồi các em Cúc, Hương, Huê… tôi trở thành là đứa cháu ruột trong nhà. Đến giờ, tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên đến, cô Bảy đãi bữa cơm canh chua khô cá trích mà có lẽ suốt đời tôi khó có thể tìm lại cái hương vị ngon lành ấy! Còn cô Ba thì nấu đồ chay rất ngon!

 

Một lần khác vào cuối năm 1969, tôi ra tù, các sinh viên phong trào bị theo dõi hết sức gắt gao, tôi khăn gói lên nhà Bác ở thường xuyên hơn. Mờ sáng phải đi công tác, đích thân Bác trai đưa tôi đi theo những con đường ngang ngõ tắt ngoằn ngoèo để ra đường lớn, tránh sự theo dõi của bọn an ninh. Tôi đi, ngoái nhìn lại vẫn thấy bác dõi theo lo lắng, băn khoăn…

 

1972 rồi 1974, hai lần tôi về sanh con, nhà hai Bác vẫn là nơi tôi lui tới. Lần sanh cháu thứ hai, bác gái và chị Ba lặn lội đến Nhà Bảo sanh thăm hỏi với bao nhiêu là bánh trái, cả hột gà nữa, mà bác và chị nào có khá giả gì đâu !

 

Ngày 15-4-1975, anh Lê Quang Lộc, chồng tôi hy sinh trên đường về Giải phóng thành phố. Sự mất mát quá lớn vào những ngày kề cận Hòa bình làm tôi như mất thăng bằng. Tôi lao vào công tác, bất kể giờ giấc, ngày đêm nên ít lên thăm hai Bác và gia đình. Thương biết bao nhiêu, hai bác cứ trông tôi đến như ngày nào, còn tôi, như cánh chim trời, cứ bay đi mà chưa vội quay về

 

Ngày mồng 9-7 âl 1976, Bác trai đột ngột ra đi vì cao áp huyết, tôi xin phép ba má tôi để tang cho Bác với nỗi ân hận xót xa, nhưng tôi tin rằng, Bác trai với tấm lòng độ lượng bao dung, chắc chắn đã hiểu và thông cảm cho tôi chưa kịp đáp đền ơn nghĩa chớ đâu phải kẻ vô tình. Tôi vẫn là đứa con trong gia đình, thường xuyên đến với Bác gái, chị Ba và Yến hơn.

 

Sau khi ra trường, Yến dạy học trường Trung học Chi Lăng (hiện nay là trường Hà Huy Tập) chồng bạn, anh Võ Ngọc Phước, người bạn trai ngày ấy Yến vẫn tâm sự với tôi, hai đứa con chính là kết quả tình yêu đằm thắm từ thuở học trò.

Và chúng tôi, sau bao nhiêu thăng trầm, vẫn gắn bó như ngày nào. Đám giỗ Bác trai, sinh nhật hai con Yến, tôi đều có mặt. Vẫn là tình thân tự bao năm!

 

Ngày vui qua mau, ngày19-8 âl 1979, Yến của tôi ra đi đột ngột vì bệnh tim, căn bệnh đã làm khổ bạn từ những năm1958 - 60. Chị Ngọc Anh thay Yến, nuôi hai cháu. Và tôi, người bạn thân của Yến, người dì của hai cháu Anh Kiệt, Bảo Trân, vẫn luôn dặn lòng giữ trọn mối ân tình.

 

Bác gái rồi cũng ra đi năm 2002 sau một cơn đột quỵ

 

Người tốt vẫn thường hay gặp nạn chăng? Chị Ngọc Anh hiện mang bệnh nan y. Nhưng may là cháu Trân và chồng được một người học trò cũ của Yến là cô Trần Thị Tuyết Hoa - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, tạo điều kiện vào công tác tại một siêu thị trong hệ thống từ hơn 10 năm nay. Bạn tôi chắc cũng tạm yên lòng nơi cõi ấy.

 

Ngày 9-7 âl vừa qua, về dự giỗ Bác trai, nhìn ảnh hai Bác, biết bao kỷ niệm xưa tràn về, trong tôi dậy lên nhiều nỗi nhớ.

 

Rồi hôm nay 19-8 âl, lần giỗ thứ 32 của Ngọc Nữ - Ngọc Yến của tôi…

Bồi hồi nhớ bạn, mấy dòng này là tất cả lòng thương nhớ và biết ơn của tôi đến người bạn Văn Khoa, đến hai Bác, đến người Chị SàiGòn.

 

Người Văn Khoa là như thế đó .

Người Sài Gòn là như thế đó.

Thương biết mấy, tự hào biết mấy !

 

Huỳnh Quan Thư

Sàigòn - TP Hồ Chí Minh,

ngày 16-9-2011 (19-8 âl)

 

 

8 nhận xét:

  1. Cũng lạ nhỉ còn người "văn Khoa" đến giờ có mắt vẫn như mù! hahaha

    Trả lờiXóa
  2. Chia sẻ với chị nỗi nhớ bạn _ Một người Văn Khoa _ Một người Saigon !

    Trả lờiXóa
  3. Hình nguyên thủy, đâu có gì phải chỉnh, thời gian vẫn có giá trị của nó mà!
    Quan trọng là chúng ta vẫn còn nhớ đến nhau để mà yêu thương, trân trọng nhau

    Trả lờiXóa
  4. Chào bạn,
    Sơ xuất thì ai cũng có, bạn cứ ân cần chỉ rõ, chúng tôi sẽ rất vui vẻ mà chỉnh sửa.
    Cám ơn bạn rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  5. Bạn nói nặng lời và khó hiểu, bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  6. Nghĩa là sao vậy bạn? Có chỗ nào sai bạn nói để sửa.

    Trả lờiXóa
  7. Lúc đọc comment này, chị phát hiện thấy ở tựa entry, chữ V ở Văn Khoa không viết hoa. Chị đã chỉnh lại rồi.
    Nhưng nếu trên tinh thần xây dựng thì bạn ấy sẽ không comment như thế.
    Chị nghĩ, khi chúng ta để blog ở chế độ public, chúng ta cũng đã tính đến việc sẽ gặp những kiểu comment như thế này.
    Không hề gì GM ạ.
    Chúng ta vẫn có thể xóa comment ấy đi, nhưng chị nghĩ chúng ta không cần làm thế.

    Trả lờiXóa
  8. Cám ơn các bạn ,nhất là NVK đã quan tâm đọc và chia sẽ cảm xúc,chúng ta đã từng có 1 thời để nhớ,1 thời ko thể nào quên!!!
    Câu của bạn chotdilaiden khó hiểu.Ko sao,chúng ta hiểu nhau vì đã từng chung 1 con đường...

    Trả lờiXóa