Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

(43) Tháng Chín và những ngôi trường (4)

Đại Học Văn Khoa Sài Gòn đã từng là một trong những cái nôi của Phong trào Học sinh – Sinh viên Sài Gòn – Gia Định trước 1975. Ngày đó, chúng tôi đã gian nan từng  bước dành quyền làm chủ trong Ban Đại diện Sinh viên, và cuộc chiến ấy cũng không dễ dàng gì…

Tháng Chín, nhớ về ngôi trường Văn Khoa yêu dấu ngày xưa, Người Văn Khoa giới thiệu đôi dòng hồi ức của một người trong cuộc - Chị Huỳnh Quan Thư - đã ưu ái gởi về cho Góc nhỏ Văn Khoa.


Photobucket

LÁ PHIẾU NGHĨA TÌNH


(Viết về cuộc bầu cử Ban Chấp Hành Sinh Viên Văn Khoa 1967-1968)


Niên khóa 1967-1968, nhóm sinh viên yêu nước bước đầu dành quyền làm chủ Hội
Đồng Đại diện Sinh viên (1), tức nắm được 6 nhiệm ý và 33 chứng chỉ của trường. Anh Lê Quang Lộc làm chủ tịch, tôi làm thủ quỹ, ngoài ra còn có các anh Trương Văn Hùng, Dương Hữu Hạnh - những sinh viên thân với phong trào đấu tranh.

Tuy thế, cuộc chiến dành Ban Chấp Hành (2) thì chưa đủ sức, phải lùi một bước để liên danh Lê Hoàng Văn đắc cử. Lê Hoàng Văn thuộc nhóm Liên Trường của Trần Văn Hương, thủ tướng mị dân lúc bấy giờ.

Với sự lớn mạnh của lực lượng sinh viên yêu nước, nhóm sinh viên tiến bộ ta dễ dàng làm chủ hoàn toàn Hội đồng đại diện Sinh viên Văn khoa do anh Trầm Khiêm làm chủ tịch, chị Nguyễn Thị Yến làm thủ quỹ.

Trong tình thế ấy, cuộc chiến dành lấy Ban chấp hành sinh viên Văn khoa vẫn chưa ngã ngũ. Đó là cả một quá trình gay go, so kè từng bước giữa Liên danh 1, là nhóm sinh viên tiến bộ do anh Lê Quang Lộc làm chủ tịch, với liên danh 2 do Bùi Bảo Trúc thụ ủy, Bùi Bảo Trúc là sinh viên du học từ Úc trở về, dáng trí thức với cặp kính cận, có vẻ là đối thủ nặng ký, lại được phe chính quyền ủng hộ hết mình.


Để dành phiếu, liên danh 2 đã đưa cả hàng hóa vào trường bán giá rẻ cho sinh viên,
như mỹ phẩm, vải Nylfran, loại vải mới có thời đó, rất được sinh viên ưa chuộng vì dễ giặt, dễ khô, không cần ủi, giá lại rất mềm .

Ngày vận động bầu cử chính thức, liên danh 2 còn dùng cả mỹ nhân kế, cho một nữ
sinh viên rất đẹp, ăn mặc hấp dẫn, công khai đứng ra vận động. Điều này cũng thu hút và tác động vào số đông nam sinh viên.

Lợi thế của Liên danh 1 là do các anh chị Lê Quang Lộc, Huỳnh Quan Thư, Nguyễn
Thanh Tòng đều là những gương mặt quen thuộc từ năm học trước và đã hoạt động tích cực, phục vụ quyền lợi sinh viên rất hiệu quả nên được thầy cô tín nhiệm, sinh viên tin tưởng, yêu mến.

Lần đó, không khí vận động tranh cử diễn ra rất quyết liệt, và cuộc bầu cử đã phải tổ chức trong hai ngày, tạo điều kiện cho nhiều sinh viên tham gia.


Riêng lớp Quốc sử của tôi, các bạn Ngọc Châu, Thu Thủy, Hiệp, Hiển…đều bảo nhau phải dồn phiếu cho liên danh 1.


Sang ngày bỏ phiếu thứ 2, một câu chuyện làm tôi cảm kích và nhớ mãi đến bây giờ. Bạn Trần Thị Ngọc Anh, học chung lớp với tôi từ năm dự bị, khi đến trường mới phát hiện bỏ quên thẻ sinh viên ở nhà! Mà đó là điều kiện tiên quyết để nhận lấy phiếu bầu! Nhà bạn ấy ở tận Phú Nhuận, giáp ranh Bình Hòa (nay là quận Bình Thạnh), lại đi xe đạp. Đã phải qua một đoạn đường dài mới đến trường, giờ phải đi về thêm chuyến nữa để chỉ lấy Thẻ sinh viên thì cũng mệt. Bạn ngại ngần cũng phải, huống chi Ngọc Anh lại mảnh mai, chẳng khỏe khoắn gì. Tôi chỉ còn cách xem có bạn nào đi xe gắn máy (thời gian này, sinh viên có xe gắn máy hiếm lắm) để nhờ chở về dùm thì các bạn đã và lớp cả rồi!

Thấy tôi băn khoăn, Ngọc Anh cũng lưỡng lự, suy nghĩ một thoáng rồi quyết định: “Mình sẽ về lấy thẻ sinh viên để bỏ phiếu cho liên danh của Thư. Lỡ mất một phiếu của mình  mà thua thì tức lắm.” Một lời như cởi tấc lòng, tôi mừng vui xúc động, thầm cảm ơn bạn đã hết lòng với mình.

Kết quả: liên danh 1 vượt Liên danh 2 chỉ vài mươi phiếu!

Tôi biết, chính những lá phiếu quý giá, nghĩa tình của Ngọc Anh và những bạn khác – những Sinh Viên Yêu Nước đã tạo nên thắng lợi.

Hình ảnh cô bạn mảnh mai đứng phân vân và rồi quyết định đạp xe về lấy thẻ sinh viên để cụ thể hóa tình cảm đối với chúng tôi, trao cho chúng tôi niềm tin yêu trong sáng khiến tôi nhớ mãi cho đến tận ngày hôm nay. Đó cũng là sức mạnh tinh thần, nguồn động lực theo tôi suốt chặng đường tranh đấu.


Tháng 4-2011, qua hơn bốn mươi năm, nhờ chỉ dẫn của hai bạn Đổ Đình Bảy, Kiều Nga, tôi đã tìm đến nhà bạn, chính là ngôi nhà ngày xưa ấy.

Gặp lai nhau khi tóc đã pha sương, chúng tôi cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời sinh viên trong sáng và thân mến. Mới biết, từ khi rời ghế nhà trường, bạn theo nghề dạy học cho đến ngày nghỉ hưu, ở trường trung học cơ sở Lam Sơn, Bình Thạnh.

Mừng cho bạn đã hoàn thành nhiệm vụ, đang có cuộc sống bình yên.

Và tôi, sau bao nhiêu đổi thay của thời cuộc, bao gian nan thăng trầm của cuộc đời, vẫn là Huỳnh Quan Thư ngày nào của các bạn, vẫn tự hào rằng mình xứng đáng với niềm tin yêu mà các bạn trao cho từ thuở ấy.

Quỹ thời gian của những người ở lứa chúng ta còn lại chẳng bao nhiêu, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ còn dịp hội ngộ cùng nhau, phải không các bạn, phải không Ngọc Anh thân mến?

Huỳnh Quan Thư
Tháng 5 năm 2011
Tài liệu viết cho “Kỷ Yếu Văn Khoa”

13 nhận xét:

  1. Chị Thư đã gợi lại kỉ niệm của một thời đã xa, rất xa nhưng vẫn còn rất ấm áp nghĩa tình.
    Vui hơn là chị còn có dịp gặp lại bạn ân tình ngày xưa.
    "Quỹ thời gian" của lứa anh chị em mình quả là không còn nhiều.
    Hãy tận hưởng. Hãy họp mặt nhau khi có thể chị nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Em đọc câu: "Quỹ thời gian của lứa anh em mình không còn nhiêu" mà...ngậm ngùi, nhớ về những anh chị em đã vĩnh viễn đi xa rồi ngẫm lại mình....

    Trả lờiXóa
  3. Năm học 1967-1968 em chỉ là con nhóc mới học tới lớp đệ Tứ, mãi đến năm học 1971-1972 em mới vào Văn Khoa, lúc đó chắc chị Thư ra trường rồi. Bây giờ chị em mình gặp nhau trên mạng, đọc lại những kỷ niệm xưa, nhớ trường lắm chị Thư ơi...

    Trả lờiXóa
  4. " Quỹ thời gian của những người ở lứa chúng ta còn lại chẳng bao nhiêu, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ còn dịp hội ngộ cùng nhau, phải không các bạn, ...",
    Chị ơi, cũng nghĩ vậy nên tụi em mới có Góc Nhỏ VK này, và cũng thường kiếm chiện để mà gặp nhau "thiệt". Các anh các chị cũng thường gặp nhau mà, cái nhóm VK đàn anh đàn chị ấy. Còn tụi em đc gọi là VK trẻ, dù tóc cũng bạc rồi ... nên hối hả yêu thương nhau ... và luôn hồi nhớ ngôi trường cũ, luôn nhớ các bạn xưa ...

    Trả lờiXóa
  5. Em tâm đắc câu này của chị Q quá!
    Những "hối hả" khi dừng chân rồi thúc hối nhau: "nhanh lên, kẻo không kịp" sao mà dễ thương!

    Trả lờiXóa

  6. Ta hối hả yêu thương nhau đi nhé
    Kẻo nữa rồi sương khói tóc mây pha
    Những được mất hơn thua chừng nhỏ bé
    Mừng ta còn nước mắt nhớ ngày qua

    Ta hối hả gọi đời nhau đi nhé
    Kẻo nữa rồi lời không kịp trên môi
    Gió thời gian thổi tim ta run khẻ
    Mùa cứ trôi trong tiếc nuối bời bời

    Ngôi trường cũ còn hoài trong nỗi nhớ
    Bóng bạn xưa đâu đó góc giảng đường...
    Dòng sông đó dẫu bên bồi bên lỡ
    Hạt phù sa - tim nhỏ cứ vấn vương...





    Trả lờiXóa
  7. Yêu đoạn này quá.
    BBT ơi đặt tên cho bài thơ dễ thương này rồi post cho chủ đề tháng 9, hay lắm đó.

    Trả lờiXóa
  8. TBT ơi, "xin vui lòng" làm theo yêu cầu của chị Q và thực hiện "mệnh lệnh" của P.TBT (oai ghê, chức tự phong) là post bài thơ này vào entries tháng 9.
    "Thay lời tác giả", CM đặt tựa bài thơ là: "Hối hả yêu thương nhau".
    Em cám ơn chị Thư đã cho bạn hiền của em một tứ thơ tuyệt vời.
    Bài thơ của TN đã làm em rơi nước mắt, quả thật: "ta còn nước mắt nhớ ngày qua..."
    Nhà mình thú vị thật, cứ mở blog là được ăn bánh, uống trà, xuất khẩu thì thành thơ!

    Trả lờiXóa
  9. Ta tự phong và phong cho nhau để vui ấy mà.
    Tuân lệnh ngay thôi.
    :)

    Trả lờiXóa
  10. Hoài niệm của các anh chị luôn làm em ngưỡng mộ ...!

    P/S Em chọn vài ảnh minh họa thả trong PM của TBT ...chị thử chọn xem

    Trả lờiXóa
  11. Chị TN mới mở PM,
    Mai chị sẽ post. Cám ơn Gió em đã cố công tìm. :x

    Trả lờiXóa
  12. Chị mở PM rồi, hình đẹp và rất quí vì hiếm, em nhỉ?
    Cám ơn Gió đã cất công tìm.
    :x

    Trả lờiXóa
  13. Em Gió đã giới thiệu mấy tấm hình để minh họa.
    Người VănKhoa chọn tấm hình trên. Hi vọng chị Quan Thư cũng đồng ý!
    Thấy như ngày xưa chúng ta hay tổ chức những buổi dã ngoại như thế, hoặc ở Suối Tiên, hoặc ở một cánh rừng cao su nào đó ven Sài Gòn.
    Hi vọng bè bạn thân quen ghé qua đây, có "manh mối" gì về xuất xứ tấm hình trên thì quả là điều kì diệu!

    Trả lờiXóa