Trong kí ức, ngôi trường không chỉ gợi ta nhớ đến những mái ngói, cổng trường, vuông sân hay những hành lang rộn bước chân, những góc lớp thân thuộc... ngôi trường cũng chính là nơi ta ươm mầm, vun vén những ước mơ, những tình yêu thơ dại hay cao cả hoặc khiến ta muốn vùi chôn những ngậm ngùi đau xót...
Người VănKhoa lại tiếp tục giới thiệu hồi ức của bạn Cỏ May về ngôi trường Trưng Vương những năm trung học xa xưa...
TRƯNG VƯƠNG, TÌNH YÊU VÀ NỖI NHỚ
Năm 1963, tôi trúng tuyển và trường Trưng Vương, “sự kiện” lớn lao, có ý nghĩa “trọng đại” khiến tôi không thể nào quên! Thời đó, trúng tuyển vào lớp Đệ Thất trường công không phải là điều đơn giản! Tôi học Tiểu học ở trường Sư phạm thực hành là trường khá nổi tiếng theo kiểu “trường chuyên, lớp chọn” ngày nay. Tôi học không đến nỗi tệ nhưng không tự tin đến mức thi xong, tôi đã được gia đình đóng học phí và bắt đầu học Đệ thất ở trường Thiên Phước (Tân Định, là một trường tư) và dĩ nhiên không ai quan tâm đến việc xem kết quả thi cho tôi ở trường Trưng Vương.
Tôi còn nhớ rất rõ, vào một trưa hè nóng bức, thầy giáo dạy lớp 5 của tôi đến bấm chuông nhà tôi, nhìn thấy thầy, tôi hơi hốt hoảng, mình không còn học với thầy nữa, thầy còn đến nhà làm gì? Thầy nói: “Em đậu vào trường Trưng Vương rồi đó!”. Tôi choáng váng, mình có nghe lầm không? Tôi mà đậu vào trường Trưng Vương?? Hình như tôi cứ đứng nhìn thầy, không cám ơn cũng không hỏi gì thêm và thầy…lặng lẽ ra về!
Sau đó, gia đình tôi cũng chưa tin nên bắt chị tôi đến trường xem lại kết quả. Chị và tôi chạy bộ đến trường vì nhà tôi ở đường Tự Đức (gần Nguyễn Bỉnh Khiêm). Dò trên bảng kết quả, chị nói tôi đậu hạng 65! Một lần nữa tôi bàng hoàng, lại nghe lầm nữa chăng?
Rồi tôi cũng tung tăng áo dài trắng như mọi người, thứ hai thì mặc áo dài xanh. Năm Đệ thất, hằng ngày đi học được đưa đón nên tôi cũng không khi nào được thoả sức rong chơi cùng các bạn.
Đến năm đệ lục thì tôi được đi bộ một mình, tôi sợ xe nên đi bằng con đường tắt đằng sau Đài phát thanh, đường có nhiều bụi cây, cỏ hai bên, những ngôi nhà yên tĩnh. Và ở đó, có nhà của cô Diệp, cô giáo dạy môn Việt Văn, có đôi mắt buồn sâu thẳm mà tôi vô cùng…si mê! Ngày nào cũng phải đi qua nhà cô mặc dù chẳng bao giờ thấy cô nhưng vẫn cứ đi cho…thoả lòng! Sao mà ngây ngô, dễ thương và tội nghiệp! Tôi ao ước , lớn lên cũng trở thành cô giáo như cô.
Ngày đó, cổng trường màu đỏ bằng gỗ. Minh Lan, Minh Quang và tôi đã chụp chung một tấm hình ở cổng trường, không kiêng chụp 3 người! Thảo nào bây giờ mỗi đứa một phương!
![]() |
![]() |
![]() |
Còn biết bao kỷ niệm ở ngôi trường “kín cổng cao tường” ấy. Giờ đây, mỗi bạn đều có một cuộc đời, một số phận. Riêng tôi, vẫn thoáng tự hào nói rằng: đã từng là nữ sinh Trưng Vương, dù tôi chỉ được học 4 năm.
Ơi, Trưng Vương, tình yêu và nỗi nhớ của tôi!
Hmm... Hồi đó Cỏ May mê cô giáo dạy Văn nên lớn lên cũng chọn nghề làm cô giáo dạy Văn. Còn GM thì cũng chọn nghề dạy học vì mê... thầy giáo. Ông thầy trẻ tuổi, đẹp trai, lái xe hơi đến trường, áo sơ mi trắng, cà vạt, mặt lạnh như tiền, dạy môn Sử Địa, kể chuyện đi các nước trên thế giới nghe như trong phim. Vì mê thầy mà GM chọn môn Sử Địa, chọn nghề đi dạy. Nhưng chắc là khởi đầu của chuyện chọn nghề không được.. đạo đức như Cỏ May, nên giữa đường đứt gánh. He he!
Trả lờiXóa:)
Trả lờiXóaChắc mình cũng có điểm giống giống cả CM lẫn GM: mê thầy giáo dạy Văn có dáng nghệ sĩ và làm thơ rất hay! Nhưng chuyện đi dạy thì lại là một điều tréo cẳng ngỗng: Đậu Tú tài ban B mà đi học Văn Khoa. Về xin dạy Toán lại bị dạy Văn!
Dù sao, Văn Khoa cũng là ngôi trường để lại nhiều kỉ niệm, vui có mà buồn cũng không thiếu! Đó có phải là nguyên nhân làm vướng gót người đi xa?
Ủa, sao ai cũng mê giáo viên văn hết vậy cà? Q cũng vậy, nhưng Thảo Nguyên thì ko thích. Phải làm một cuộc thăm dò coi bây giờ học trò có mê môn Văn và giáo viên Văn ko? Chớ đọc mấy bài cảm nhận về bài làm môn Văn của tụi nhỏ bây giờ thì ... ngại quá.
Trả lờiXóaTa đi qua những ngôi trường, nơi nào cũng lưu dấu lại trong ký ức ta những nỗi nhớ mà hình như càng già lại hay thức giấc chị nhỉ ..?
Trả lờiXóaTại GM mê...thầy nên mới đứt gánh giữa đường đó, CM mê cô nên nặng nợ cho đến bây giờ!
Trả lờiXóaCM "nể" những người học ban B lắm, bởi vì có một nhà thơ kề cạnh cũng là dân ban B.
Trả lờiXóaNhưng bạn TN nè, học Toán nên mới làm thơ, viết văn hay đó.
Chị nói chính xác, tụi nhỏ bây giờ không mê học Văn vì nó bị bắt học thuộc lòng, cảm xúc đâu còn để mà mê môn Văn!
Trả lờiXóaCái "tật" thức giấc của người "có tuổi" (đừng có nói già nghe!) cho mình nhớ nhiều nên vui nhiều mà đôi khi cũng...ngậm ngùi đó Gió ơi!
Trả lờiXóa