Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

(39) Tháng Chín và Những ngôi trường (1)


Tháng Chín gợi trong ta bao nhiêu kỉ niệm về Những ngôi trường. Từ ngôi trường tiểu học nhỏ bé ở tận một miền quê xa ngái nào đến ngôi trường đại học ở thành phố lớn, chúng ta bước vào đời với nhiều lắm những tình cảm mến thương về thầy, về bạn, về ngôi trường thân yêu ....
Hôm nay, NgườiVănKhoa xin được giới thiệu bài viết của chị Thanh Quế về Trường Văn Khoa của chúng ta, coi như mở đầu cho những câu chuyện Tháng Chín.


Văn Khoa của tôi

*** Ngày ấy,

 

Là đường đi học bằng xe lam từ bên kia cầu chữ Y, khi tôi còn ở nhà dì Bảy, qua Trần Hưng Đạo, xuống bến xe ở chợ Bến Thành, đi bộ đến Lê Thánh Tôn, qua Nguyễn Trung Ngạn, rồi Cường Để. Là Sài gòn những buổi sáng sớm, đường vắng, người, xe thưa thớt.

Là căn gác gỗ bên kia sông Thị Nghè, lúc tôi được Kim Liên rủ về ở cùng. Nơi đó, mấy nữ sinh viên cùng có cuộc sống chung vui vẻ : Kim Liên, Chín, Hoa Nhụy, Thu Nhân, Quế. Thỉnh thoảng, có bóng dáng của vài nam sinh viên, là Nghi Em, Hội, Vương huynh …. Có bạn Hồng Nga ở căn gác nhà đối diện. Lối vào nhà là con hẻm nhỏ, ở đó, có một đêm, dưới trăng khuya, bạn Hoa Nhụy khoác lên người chiếc áo blouse trắng của người yêu bên Đại học Y khoa, đi qua lại hoài dưới trăng, làm tôi xúc cảm viết nên bài thơ “Dưới trăng khuya”, chép vào tập tặng Thu Nhân, được Thu Nhân yêu thích, cất giữ suốt 40 năm, còn tôi thì ... quên mất.

Là cần xé bánh mì gà, của bạn Kim Liên bày ra, có lẽ học theo mùi vị của bánh mì gà Ba Lẹ đường Trần Hưng Đạo. Mấy chị em cùng nhau làm để lấy tiền đi chợ mua thức ăn chung. Sáng sớm bạn thì ra balcon (hình như là Kim Liên) thả dây kéo lên một cần xé bánh mì con cóc do một cậu nhỏ đi giao. Bạn thì quậy sốt mayonnaise xàn xạt xàn xạt (hình như là bạn Quế). Các bạn khác, Hoa Nhụy, Chín, Thu Nhân thì mổ bánh mì, cho vào các loại rau, ớt, thịt gà, nước sốt, nước tương, bao gói, xếp trở lại vào cần xé. Làm xong là vừa đến giờ đi học. Các bạn đi bộ, qua cầu Thị Nghè một đoạn là đã tới trường. Cái cần xé và Quế ưu tiên được bạn Kim Liên chở, vào trường giao bánh mì cho Hội quán. Tôi đã quên rất nhiều thứ, nhưng vẫn còn nhớ mãi chiếc xe mobilette cũ màu xanh biển của Kim Liên. Chúng tôi làm bánh mì bán nhưng dấu kín không để nhà chủ biết, dường như lúc đó chúng tôi sợ bị khinh là sinh viên nghèo. Nghe tiếng đánh sốt xàn xạt vào đúng 5 giờ mỗi sáng, gặp chúng tôi, mấy cậu con trai của chủ nhà hỏi : các chị đọc kinh gỏ mõ hả ? Chúng tôi cười : Ừ.  

Là những cuộc biểu tình sôi nổi mà chúng tôi sát cánh cùng nhau. Những đêm văn nghệ sinh viên rực lửa. Những khuôn mặt ấy tôi còn nhớ mãi, nhóm bạn mà tôi gần gũi nhất, ngoài mấy bạn ở cùng gác gỗ Thị Nghè, còn có Nghi Em, Tú Lộc, Thúy Liễu, có Hội, Ánh, Ảnh, Xẹt (lúc đó tôi hay cười thầm : nhóm này quá rực rỡ vì tên người toàn là ánh sáng).

          Là tiếng hát trong nhà giam, điểm tựa cho nhau của chúng tôi khi mới bị bắt vào. Lúc đó, tôi cũng hay hát, và cố gắng hát khi có thể, vì biết rằng, các bạn mới bị bắt vào, nghe tiếng hát quen, bài hát quen, tinh thần sẽ vững. Đó là tiếng hát mà Cỏ May đã nghe, đã yên lòng, vì dù phải tỏ ra là những người Văn khoa xa lạ, chúng ta vẫn tựa vào nhau để đứng vững bằng những câu hát ấy. 

 

**** Bây giờ,


          Tôi nhớ về Văn Khoa, là nhớ về tuổi trẻ của tôi, thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời mỗi chúng tôi. Chúng tôi đã sống hết lòng với nhau, khi học tập và trong đấu tranh, thật trong trẻo, có người so sánh : “như pha lê”.

Chúng tôi đã già, sau mấy mươi năm làm việc, sau những được mất của một đời người. Không ít bạn đã qua đời, trong nỗi tiếc nhớ của bạn bè. Có bạn đề huề hạnh phúc cùng gia đình, con, cháu. Có bạn đơn độc giữa đời. Có bạn thuận lợi, khá giả, có bạn khó khăn, vất vả mưu sinh. Có nhiều bạn luôn tìm cách gặp gỡ, gắn bó, giúp đỡ nhau. Có bạn ít khi gần gũi. Nhưng có lẽ chúng tôi có chung ý tưởng mong muốn gặp lại nhau, nương tựa nhau về tinh thần trong những ngày còn lại của đời mình. Với nhau, chúng tôi cũng sẽ hết lòng, cũng sẽ trong trẻo như xưa vậy.

Bây giờ, chúng tôi đã trọn vui chưa ? có lẽ không thể có câu trả lời giống nhau ở mỗi chúng tôi, khi nói về cuộc đời riêng, hay xã hội chung.

Đối với tôi, cuộc sống, đất nước, còn quá nhiều chuyện không vui. Làm sao mà vui trọn được.
Thanh Quế. 

7 nhận xét:

  1. Tháng Chín về với nhiều kỉ niệm thời còn đi học...
    Đó là những ngày hè vui như bất tận thời tiểu học, là những ngày biết đợi nhập trường để gặp bạn bè thời cấp hai, biết rưng rưng khi nghe Nỗi buồn hoa phượng hồi cấp ba và biết lo sợ những điều tưởng như mơ hồ mà có thực trong những ngày đại học.
    Văn Khoa với tôi và nhiều bạn bè trang lứa là Văn Khoa trong entry này của chị.
    Tôi đang trở lại là mình những ngày tháng Chín năm xưa, lúc mình ngơ ngác và cảm thấy bơ vơ nơi cổng trường, để rồi sau những ngày tháng giữa ngôi trường và bạn bè thân thương, tôi nhận ra Văn Khoa là một phần đời không thể thiếu trong tôi!
    Hơn bốn mươi năm qua đi, ngày đã trôi xuôi nhưng tình vẫn ở lại.
    Tôi cũng nói như chị: Văn Khoa của tôi!

    Trả lờiXóa
  2. TBT để dành bài này cho GNVK đúng thời điểm ghê hén. Nhân "... tình vẫn ở lại..." em post tiếp một bài thơ dễ thương nghe.

    Trả lờiXóa
  3. Đoc bai cua Quế lâu rồi,nay lai co thêm bai cua bạn Hạ,thương bai của Quế,nhất là câu cuối.và đau
    lắm ,xót xa lắm cái tình NHÀ-NƯƠC,,NƯƠC-NhÀ cua bạn Ha.
    Thương lắm NVK.

    Trả lờiXóa
  4. CM vẫn hy vọng "phần đời không thể thiếu" sẽ ở lại cùng tất cả chúng ta để cho năm tháng dẫu có qua đi, chúng ta không còn trẻ nữa nhưng "tình vẫn ở lại" trong ta và gửi lại cho con cháu.

    Trả lờiXóa
  5. Và là phần đời tôi không thể quên, là phần đời làm nên nhân cách của đời tôi. Nếu cho tôi sống trở lại ngày xưa ấy, tôi vẫn chọn lựa đúng những gì tôi đã chọn. Thật là buồn, nếu có ai đó giờ đây đã ngoái nhìn và phủ nhận quá khứ này.

    Trả lờiXóa
  6. Q cũng mong như thế. Rất mừng NVK đã có KP, HT, HÂ.

    Trả lờiXóa