Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

(37) TÔI LÀM ĐẠI DIỆN LỚP

Những kỷ niệm của thời đi học luôn là kỷ niệm đẹp, gương mặt những người bạn một thời sinh viên vẫn mãi trong ta cho đến tận sau này. Người Văn Khoa xin giới thiệu một kỷ niệm đẹp của chị Huỳnh Quan-Thư.

 

Bài viết về phong trào sinh viên Đại học Văn Khoa Sài Gòn

  

Huỳnh Quan-Thư

Sinh viên Khoa Sử Địa năm 1966-1970

 

          Khoảng cuối năm 1965, nhân một lần đi họp nhóm Nhân văn theo lời mời của anh Lê Đạo Ngạn, bạn cùng trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Tôi quen với người bạn mới: anh Trầm Khiêm – Trưởng nhóm.

          Những ngày sau đó, anh Khiêm năng lui tới nhà tôi làm thân, tôi xem đó là chuyện bình thường. Không ngờ anh Khiêm là người của cách mạng và tôi đã lọt vào “tầm ngắm” của Tổ chức, một tổ chức mà bao năm nay tôi khao khát đi tìm – Bởi qua sự giáo dục của ba tôi, tôi mê cách mạng tự bao giờ, và trong lòng tôi đã xác định chọn con đường mà ba tôi đã dạy: đánh Mỹ cứu nước, và con đường đó chỉ có thể là đi theo Mặt trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, mà qua báo chí tôi biết do ông Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát lãnh đạo.

          Vậy là anh Trầm Khiêm đã đánh trúng điểm!

          Nhiệm vụ đầu tiên của anh Khiêm giao cho tôi là ứng cử làm đại diện lớp Dự bị khoa Sử Địa mà tôi đang học.

          Từ ngày đầu khai giảng, lớp Sử Địa của tôi khá đông, 150-200 sinh viên có mặt thường xuyên. Tôi thấy một nam sinh viên có vẽ lăng xăng, ra vào lớp làm công tác sinh viên, hướng dẫn sinh viên mới còn bỡ ngỡ, giới thiệu bài vở, phát tài liệu, sắp xếp bàn ghế… đó là sinh viên Vũ Bình – sau này tôi mới biết anh nằm trong nhóm thân chánh quyền Thiệu-Kỳ.

          Ngày bầu Ban đại diện lớp, đúng vào giờ của thầy Châu Long – Trưởng khoa Sử Địa Đại học Văn Khoa Sài Gòn những năm 1960.

          Anh Vũ Bình được giới thiệu trước, tôi được một sinh viên giới thiệu sau theo sự sắp xếp của anh Trầm Khiêm và tôi. Như vậy lớp có 2 ứng viên.

          Thầy Châu Long mời Vũ Bình lên phát biểu trước, anh khá tự tin và có phần chủ quan. Anh chỉ nói mấy câu ngắn gọn: Nếu được tín nhiệm sẽ làm tròn trách nhiệm.

          Kế đến thầy Châu Long gọi:

-         Mời anh Huỳnh Quan – Thư lên phát biểu.

Tôi đứng dậy cố nén run, bình tĩnh bước lên bục giảng, cả lớp “Ồ!Chị chứ không phải anh!”

Lấy hết can đảm tôi trình bày:

Nếu được bần làm Đai diện lớp tôi sẽ:

1. Đi học đều đặn, ghi chép bài đầy đủ và tổ chức quay ronéo tài liệu[1] bán giá rẽ cho sinh viên, vì lớp có nhiều sinh viên vừa mưu sinh vừa đi học nên rất cần tài liệu để tự học.

2. Sẽ cùng ban đại diện trường đấu tranh hạ giá giữ xe cho sinh viên vốn đang bị nhóm sinh viên cũ thầu, lấy giá cao.

          3. Sẽ tổ chức đi tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử, tổ chức đi học ngoại khóa địa lý ngoài trời – và tôi sẽ là cầu nồi giữa sinh viên với sinh viên; giữa sinh viên với các thầy cô và nhà trường.

          Khi tôi dứt lời, cả lớp vỗ tay tán thưởng, thầy Châu Long nhìn tôi có vẽ ngạc nhiên nhưng hài lòng.

          Cuộc bỏ phiếu diễn ra, tôi dễ dàng đắc cử và Vũ Bình quá bất ngờ: “Cái bà này! Ở đâu ra chơi mình một cú quá đau.”

          Đắc cử Đại diện lớp, tôi giữ lời hứa, tổ chức ghi bài, bán tài liệu giá rẽ, yêu cầu hạ giá giữ xe thành công và nhất là tổ chức cho lớp đi du khảo núi Châu Thới, đi picnic du khảo Suối Tiên[2]… Được sinh viên ủng hộ hết mình, đặc biệt các thầy Châu Long, Phạm Đình Tiếu, Lâm Thanh Liêm, Phạm Cao Dương, Thái Công Tụng… nhiệt tình tham gia, giúp đỡ.

          Chuyến đi nào cũng có các thầy cô đi cùng, vừa kết hợp giảng dạy ngoài trời, vừa hòa đồng với sinh viên, các bài học càng thêm sinh động, rất vui. Tình thầy trò thêm gắn bó, chu đáo hơn, mỗi chuyến đi đều có ảnh lưu niệm đầy đủ, ai cũng hài lòng.

          Lớp dự bị Sử Địa niên khóa 1966-1967 là lớp học đoàn kết thương yêu, gắn bó với nhau từ đầu đến cuối năm học. Và dĩ nhiên, uy tín của tôi được nâng cao, được nhiều sinh viên tin tưởng, quý mến, không chỉ ở lớp mà còn lan rộng ra cả trường, rất nhiều sinh viên dành cho tôi nhiều tình cảm.

          Vậy là năm sau, niên khóa 1967-1968 tôi dễ dàng đắc cử làm Đại diện chứng chỉ Quốc sử, tiếp tục nhiệm vụ lớp trưởng, tiến tới đại diện trường. Năm học này tôi là Phó Chủ tịch ngoại vụ Ban Chấp hành sinh viên Văn Khoa[3] cùng với Chủ tịch là anh Lê Quang Lộc, mà sau này là bạn đời của tôi.

            Bồi hồi nhớ lại, đây là thời gian hoạt động đẹp nhất của tôi dưới mái trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, trong màu áo sinh viên yêu nước. Tôi nhớ mãi các bạn học: Trần Thị Huệ, Huỳnh Ngọc Nữ, Trần Thị Ngọc Anh, Thu Thủy, Phương Thảo, Nguyễn Thị Hiệp, Trần Thị Liên, Nguyễn Thị Ngọc Liên, Ngọc Châu, Ngọc Hiển… các bạn giờ đang ở đâu, ai còn, ai mất? Nhiều bạn đã hơn 45 năm nay chưa một lần gặp lại – Hôm nay nếu đọc được bài viết này, xin hãy biết rằng Huỳnh Quan – Thư không quên các bạn, những gương mặt thân thương của một thời trẻ trung sôi nổi!

HQT

5-7-2010



[1] Một hình thức in ấn bỏ túi phổ biến lúc bấy giờ.

[2] Là địa điểm khu du lịch Suối Tiên hiện nay, ngày xưa nơi đây có một dòng suối nhỏ chảy róc rách vào khu rừng nhỏ, phong cảnh rất đẹp, nên thơ. Thanh niên Sài Gòn thường chọn nơi này làm nơi cắm trại, sinh hoạt hội nhóm.

[3] Ban Chấp Hành Sinh viên Văn Khoa là Ban đại diện chính thức, đại diện cho tiếng nói Sinh viên Văn Khoa.

8 nhận xét:

  1. Chị ơi,
    Những kỉ niệm đáng yêu và đáng nhớ của chị cũng gợi cho em nhớ hồi em mới vào trường, cũng được các anh chị đưa ra ứng cử Đại diện năm Nhất ban Việt Hán. Hồi đó, em cũng hứa những điều tương tự và đã đắc cử.
    Suối Tiên có lẽ là nơi Người VănKhoa chúng mình hay cắm trại nhất, chị nhỉ?
    Thời tuổi trẻ của chúng mình đẹp quá! Mừng là chúng ta còn gặp nhau bây giờ. Em mong các bạn cũ của chị sẽ hội ngộ nhau bất ngờ như những điều kì diệu vẫn xảy ra trong đời cho những người vẫn hằng nhớ đến nhau!

    Trả lờiXóa
  2. Em vào VK sau chị nhiều, chỉ được nghe tên chị, nay mới được đọc văn ... những mong có một ngày em được gặp chị và trò chuyện.
    Cảm ơn chị, qua entry này, em hiểu được công việc và tấm lòng của một người chị VK ...

    Trả lờiXóa
  3. Không biết 1976, MTGPMN đã bị gạt bỏ, bị tiêu diệt, lá cờ mặt trận màu gì? chị còn nhớ không?
    "Đánh Mỹ cứu núơc" xong, chắc cả nước lại sắp "Lạy Mỹ cứu nước" hahaha
    Xã hội miền Nam ngày xưa đã quá sai lầm mà dung túng những kẻ như chị, như ba chị và đồng bọn ....thôi nói nhiều cũng thế thôi ...

    Trả lờiXóa
  4. Chị Thư vào nhà Văn Khoa bằng "cửa chính" rồi nhé!
    Em chúc mừng chị và chúc mừng tất cả chúng ta đã kết nối được với nhau để những kỷ niệm bừng sáng như những tín hiệu vui.

    Trả lờiXóa
  5. Chúc mừng bài viết mới với kỷ niệm trong veo thời sinh viên của chị Thư ...
    Chị ra trường thì em còn chưa vào trường ... Chúc mừng cuộc hội ngộ nơi đây !

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn các em đã đọc bài của chị Thư,viết cho Kỷ yếu Văn Khoa chúng mình đấy mà,vài hôm nữa sẽ trình
    làng tiếp bài viết về thầy Lâm Thanh Liêm.

    Trả lờiXóa
  7. Khi nào gặp nhau chị Thư sẽ kể cho các bạn nghe về chuyện chúng mình gặp nhau trên NVK này,
    cái DUYÊN đã đến lúc GẶP thì phải GẶP,thật đấy.Mà tự nhiên nhào vô xưng chị lia lịa,ngại ghê,tạm
    vậy đi hén.OK?

    Trả lờiXóa
  8. Thì chị vẫn là chị của tụi em với đầy đủ ý nghĩa mà!
    Đêm rằm tháng 8, chị có ngắm trăng, uống trà, thưởng thức bánh Trung Thu không?

    Trả lờiXóa