Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

(78) "Vợ bé" Ông Đại úy!

Trong phong trào đấu tranh của Thanh niên Sinh viên Học sinh Sài Gòn trước 1975, có biết bao câu chuyện bi hùng về những người trẻ miền Nam - thế hệ dấn thân yêu đời - những câu chuyện không nhiều người biết, những câu chuyện mà người ngoài cuộc có khi khó đồng cảm, những câu chuyện khiến người ta... thắc mắc, nghi ngờ...
Người Văn Khoa xin giới thiệu ở đây một câu chuyện mà người trong cuộc "bây giờ mới kể" như một lời tri ân nhân ngày Sinh Viên Học Sinh 9/1


Photobucket


Tôi và anh Lê Quang Lộc gặp nhau trong phong trào sinh viên Văn khoa 1967-1968, sau gần 2 năm hoạt động sát cánh bên nhau, chúng tôi trở thành một đôi yêu nhau “thầm lặng”, chỉ có tổ chức biết vì nguyên tắc hoạt động để bảo toàn cơ sở.

Sau Tết Mậu thân, anh Lộc đột ngột thoát ly theo sự phân công của Thành Đoàn, vào mật khu cùng với 5 sinh viên khác là đại diện khối sinh viên tham gia Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch, còn tôi ở lại tiếp tục công tác trong nội thành.

Tháng 3-1970, 41 sinh viên thuộc nhiều trường đại học bị bắt, tôi thoát ly vào chiến khu .

Tháng 12-1970, Trung ương đoàn bố trí anh Lộc về lại Thành Đoàn, tạo điều kiện cho chúng tôi gặp lại nhau sau gần 3 năm xa cách. Và đầu tháng 4- 1971, Thành Đoàn tổ chức lễ cưới cho chúng tôi tại một cánh rừng đầy ong mật và hoa ô môi hồng nở rộ khắp ven sông Sở Thượng thuộc Huyện Hồng Ngự,  Tỉnh Đồng Tháp, gần biên giới Việt Nam-  Kampuchia.

 Rồi tôi cấn thai, tháng 9-1971 tôi phải về Sài Gòn sống hợp pháp chờ ngày sinh nở. Để bảo đảm an toàn cho tôi, ba má tôi  phải bán căn nhà ở quận 3 đã bị lộ từ khi tôi thoát ly, về Thạnh Mỹ Tây mua căn nhà mới cho tôi tá túc. Tại đây, gia đình tôi mở một hiệu thuốc tây vừa làm kế sinh nhai, vừa làm bình phong cho tôi.

 

Sau khi sinh cháu trai, nuôi con được 3 tháng, tôi nối liên lạc lại với tổ chức, thoát ly lần thứ hai, về căn cứ Thành Đoàn lúc này ở huyện Phụng Hiệp Cần Thơ. Phải gởi con nhỏ lại cho hai bên nội ngoại, dù biết cháu được ông bà, cô dì yêu thương chăm sóc chu đáo, lòng cha mẹ nào không khỏi nhớ thương. Thời chiến, những lúc hiếm hoi được ở bên nhau, đêm đêm chúng tôi nhắc đứa con ngoài vùng tạm chiếm, vừa tội nghiệp cho cháu vừa thương cho mình. Hai chúng tôi bàn quyết định, tình cảnh như vầy chỉ sinh một đứa mà thôi.

 Nào ngờ tháng 12/1972, do yêu cầu của Đại hội Đoàn - lúc này căn cứ Thành Đoàn ở Tiplơn, rồi Bông Kông trên đất bạn Kampuchia, tôi và nhiều đ/c cánh học sinh - sinh viên phải đi đường du kích suốt 50 ngày đêm, vượt bao gian khổ hiểm nguy về đến Thành Đoàn sau bao lần đối mặt với cái chết. Còn anh Lộc thì từ Củ Chi lên căn cứ, cũng bao phen bị pháo nổ kế bên mình.

Gặp lại nhau sau Hiệp định Paris 27-3-1973 trên đất bạn, rồi mở đường trở lại Miền Nam, hai chúng tôi quyết định sinh cháu thứ hai, để cháu lớn còn có anh em nâng đỡ nhau trong đời nếu một trong hai, hoặc cả hai chúng tôi hy sinh.

Vậy là tôi sắp có cháu thứ hai tại căn cứ Thanh An, Huyện Bến Cát, Tỉnh Bình Dương. Lần thứ hai, tôi lại phải về căn nhà Thạnh Mỹ Tây tạm lắng.

Lần đầu về sinh cháu trai, bà con láng giềng hai bên vô tình thắc mắc: “Sao không thấy chồng cô Hai về thăm vợ con ?” Bất ngờ, má tôi lúng túng buộc miệng : “Nó lỡ làm lẻ ông đại úy”. Bà con nhìn tôi vẻ thông cảm. Còn có nỗi oan nào đáng buồn hơn? Nhưng tôi yên tâm với phận làm lẻ này, bởi nó là vỏ bọc hữu hiệu nhất vì thời đó, việc sĩ quan Thiệu - Kỳ có vợ nhỏ là chuyện rất phổ biến, bình thường, nên không ai chú ý.

Lần thứ hai về sinh cháu gái, cô Ba, cô Ngọc Châu ở kế bên nhà, mợ Bảy ở sát vách bên phải chỉ hỏi thăm mấy câu rồi “cho qua”… Sinh cháu gái được hai tháng, ở nhà hoài cũng tù túng, tôi cải trang cẩn thận, đến thăm thầy Tôn Thất Thiện, thầy cũ dạy tôi từ cấp 2, 1956-1957, rồi cấp 3, tại trường Nữ trung học Mỹ Tho. Hồi tôi còn là sinh viên, thầy về quê tôi dạy học rồi làm Hiệu trưởng trường. Từ khi lên Saigòn học đại học, 1964 tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc với thầy. Tình thầy trò gắn bó nhiều năm như người thân. Gặp tôi, thầy và cô Xuân vợ thầy mừng rỡ :

- Ồ Thư, sao lâu quá không thấy đến chơi ? Dạo này ở đâu, làm gì, khỏe không?

- Dạ, ra trường, em đi dạy xa nên không có dịp ghé thăm thầy cô, nhưng vẫn nhớ thầy và cô nhiều.

Tôi báo cáo thầy tôi đã lập gia đình và có hai con.

- Thế chồng Thư làm gì ở đâu, sao không đưa đến giới thiệu?

- Dạ, ảnh làm đại úy, đang đánh nhau ở vùng 1 chiến thuật, lo lắm thầy cô ạ

Tôi dự kiến nói ông xã ở xa để dễ bề bịa chuyện, nếu thầy cô quan tâm hỏi tới. Không ngờ thầy Thiện reo lên: ô, thế thì hay quá, anh thầy là Phó tư lệnh vùng 1, Thư đưa tên ông xã, cấp bậc, chức vụ, số quân cho thầy, thầy sẽ nhờ anh thầy giúp đỡ, chuyển về cho.

Tôi giật mình, bối rối, vờ đánh trống lãng, lái qua chuyện khác rồi vội rút lui ra về với cảm giác lâng lâng, thương thầy cô quá, lúc nào cũng xem tôi như em cháu, lo lắng cho tôi quá nhiệt tình.

 30-4-1975, Sài Gòn giải phóng cũng là lúc tôi nhận được tin anh Lộc đã hy sinh vì pháo trên đường tiến quân vào thành phố, ngày 15-4-1975 tại Hóc Môn!

Giữa niềm vui lớn lao của đất nước và cái buồn đến chết điếng trong lòng, nước mắt nào tôi mừng ngày chiến thắng, nước mắt nào tôi khóc cho người chồng, người đồng chí quá đỗi yêu thương?

Photobucket


Thôi đành nuốt nước mắt vào trong âm thầm công tác. Tôi đã được trả danh “Vợ lớn”, nhưng “ông đại úy” thì không bao giờ về…

Cô Ba, cô Ngọc Châu, mợ Bảy qua thăm hỏi ân cần, nắm tay tôi khẻ nói : “Hồi đó, cũng nghi lắm mà không dám hỏi, cô Hai cũng bớt buồn, chiến tranh mà, biết đâu để tránh, tiếc là tụi tôi không được gặp Dượng ấy “

Còn thầy cô Thiện ngạc nhiên và xúc động, “Không ngờ, Quan Thư tiểu thơ vậy mà gan hỉ, dám làm VC!”, và thầy cô càng thương hơn cô học trò sớm mồ côi chồng.

Không bao lâu sau giải phóng, cô Ba hồi hương về Gò Công, cô Ngọc Châu mất hơn 20 năm rồi, Thầy Thiện nay đã 80 tuổi, cùng với cô và các con Việt Nam, Thái Nguyên, Hà Tiên, Mê Linh định cư tại Mỹ, mỗi lần về thăm quê hương đều ghé thăm tôi - cô học trò của gần 60 năm trước.

Gặp nhau, ôn chuyện cũ, vẫn giọng Huế ấm áp nhẹ nhàng thầy nói: “Ừ,Thư gan hỉ, dám nhận mình là vợ bé ông đại úy, lại còn nói gạt thầy nữa hỉ” rồi thầy cười xòa, cô Xuân và tôi cũng cười theo…

Ngoài sân nhà, nắng Sài Gòn sao đẹp lạ.


Tháng 10-2010

Huỳnh Quan Thư

 

 


9 nhận xét:

  1. Tội nghiệp cho người vợ ! Đến ngày chiến thắng thì chồng lại hy sinh, nhưng chiến tranh mà.

    Trả lờiXóa
  2. Vậy là Thư Thành đoàn SG đây hử. Năm 1974 Lão là lính sư đoàn 9 bộ binh miền đông, đóng quân ở Thanh An rồi từ đó đi chiến dịch 1975. Lão có quen biết một số anh chị "Thành đoàn" lúc ấy (Ba Tung, Năm Thắng, Tư Sang, út Phượng...)... Lão chỉ nghe nói tên Thư và có nhìn thấy bạn một lần tại trạm giao liên tiền phương Giồng Sỏi cạnh sông SG, đường đi Bình Dương. Nghe chuyện của bạn. Lão vẫn nhớ biết bao kỉ niệm thời đó... Chúc bạn khỏe, bình an.
    Cám ơn bạn "nguoivaankhoa" đã treo bài viết này.

    Trả lờiXóa
  3. Vâng, "chiến tranh mà."
    Buông một câu nghe xót ghê, anh HuuDieu nhỉ?

    Trả lờiXóa
  4. Chào anh,
    Thế là anh gặp được người quen rồi nhỉ? Thích thật đấy!

    Trả lờiXóa
  5. Chị Thư ơi, em đọc entry này 2 lần, xúc động nghẹn ngào dù vẫn biết hoàn cảnh của chị là một trong số nhiều nhiều hoàn cảnh khác của cuộc chiến tranh đã đi qua mấy chục năm nhưng vẫn còn mãi những điều lắng lại.
    Mừng là qua blog này, đã có người đồng chí gặp lại chị.

    Trả lờiXóa
  6. Mùa xuân nhắc lại chuyện xưa như một dấu lặng của một thời để nhớ! Và thấy sự chịu khó của nguoivankhoa khi post bài với những hình minh họa mới thấy tình bạn của thời để nhớ này sâu lắng biết bao nhiêu. Chúc sức khỏe đại tỷ để tụi em có nhiều cơ hội nghe chị kể chuyện ngày xưa.

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn blog của các Cô Chú Văn Khoa, tụi con lại có dịp biết thêm nhiều câu chuyện về Thành Đoàn hồi xưa

    Trả lờiXóa
  8. Chị Thư ơi, em khóc đây. Thương chi quá!

    Trả lờiXóa
  9. Con ít khi vào nhà Văn Khoa. Vì con thường đi sang "nhà" các Cô hơn. Sáng nay, con ''về nhà" 360 plus và đọc entries từ blog Cô Giáo của con. Con thực sự rất xúc động. Mỗi lần đi viếng nghĩa trang, đi thăm khu căn cứ...Con luôn thầm cảm ơn những người đã hy sinh máu xương của mình cho Tổ Quốc. Các anh hùng ấy cũng có một mái nhà bình yên, những người thân yêu. Họ đã dũng cảm đấu tranh vì một niềm tin, một ý chí mãnh liệt thống nhất đất nước...
    Đôi khi, con vẫn tự trách mình có những chuyện bé xíu trong cuộc sống mà có lúc tưởng như không vượt qua được...
    Con cảm ơn entries này của Cô.
    Chú ấy đã trở về với lòng đất mẹ thân yêu. Và, theo truyền thuyết thì những người anh hùng bảo vệ dân tộc khi mất đi sẽ thành những vị Thần tiếp tục bảo vệ đất nước. Con nghĩ chú ấy rất tự hào vì có một người vợ cùng chí hướng, kiên trung và thủy chung.
    Con chúc Cô nhiều sức khỏe, bình an. Con rất quý nụ cười hiền và bao dung của Cô - Nụ cười của một chiến sĩ.

    Trả lờiXóa